Cuộc sống quanh ta

“Những người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn đi theo Cụ Hồ”

Một ngày sau lễ kỷ niệm 35 giải phòng Thừa Thiên Huế, nhân có mấy người “khách” từ Hà Nội vào, anh Vĩnh Mẫn tổ chức cuộc gặp nhỏ tại tư gia để cảm ơn các tác giả đã góp sức làm nên cuốn sách “Những người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn đi theo Cụ Hồ”. (NXB Lao động, 2010). Tôi được dự cuộc gặp, do có một bài viết trong tập sách; bài viết lấy cảm hứng trong một chiều Xuân trò chuyện với anh Vĩnh Mẫn cũng chính tại căn nhà ở bên kia Đập Đá trên con đường về “thôn Vĩ” này đây.

Chủ biên cuốn sách là đại tá - tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan , một chuyên gia về lịch sử, là tác giả một số cuốn sách nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; anh quê ở Thừa Thiên Huế và đã ở tuổi thượng thọ nhưng vẫn say mê tìm về những nguồn mạch trong lành làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách có trên năm chục bài viết của nhiều tên tuổi như Lê Văn Hiến, Tôn Thất Tùng, Bửu Tiến, Phùng Quán, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Bội Lan, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Ngọc Toản, Tương Lai… Những chuyện “người thật việc thật”, những bình luận, suy tư của người trong cuộc và những nhà sử học, nhà văn, nhà báo… bổ sung, đan dệt với nhau, tạo nên một cuốn sách “ngoài chính sử” rất sinh động và bổ ích. Hầu hết là chuyện cũ, những chuyện từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 65 năm trước đến cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp - nhiều bài đã in trên sách báo, nhưng tập hợp lại, gây ấn tượng mạnh và đặt ra một vấn đề thật có ý nghĩa. Trong cuộc cách mạng trên đất nước ta hơn nửa thế kỷ qua, những người nghèo khổ, công nhân và nông dân “đi theo Cụ Hồ” là điều tất nhiên, vi “họ được cả thế giới mà chỉ mất xiềng xích” .(Hình như một lãnh tụ giai cấp vô sản đã nói đại ý như thế.) Đằng này, rất nhiều người đang “hưởng lộc” của chế độ cũ, có một cuộc sống giàu sang trong nhung lụa, vậy mà thoáng chốc, như có phép thần, họ từ bỏ tất cả để đi theo cách mạng, “theo Cụ Hồ”! Hẳn là phải có cái “lý”, cái “cớ” gì đây sâu xa và linh thiêng nữa…

Điều “kỳ lạ” này không chỉ xảy ra với “những người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn”. Với cái nhìn toàn cục và khiêm tốn, “Nhóm biên soạn” trong “Lời nói đầu” đã dẫn ra nhiều họ tộc giàu sang ở khắp đất nước đã sớm đứng về phía cách mạng, đóng góp nhiều của cải cho kháng chiến như gia đình ông Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ và gia tộc cụ Hoàng Đạo Thuý ở Hà Nội; Hải phòng có gia đình Hoàng Đình Độc; Nha Trang, Quy Nhơn có gia đình các ông Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch), ông Trương Gia Mô; ở Nam Bộ là họ hàng các ông Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Văn Nghệ; Nghệ Tĩnh có gia đình Nguyễn Thúc Canh, Nguyễn Thị Giáo-Hà Huy Tập…

Gần gũi, ngay trước mặt tôi lúc này chính là anh Vĩnh Mẫn. Thân phụ của anh là Bửu Trác, cháu nội vua Hiệp Hoà, từng giữ chức Thống chế nhất phẩm triều đình; vậy nhưng ngay sau cách mạng 1945, Vĩnh Mẫn đã xung phong vào đội liên lạc của Trung đoàn Trần Cao Vân, rồi đi học Trường Lục quân, trở thành chính uỷ “Cửa Việt” - tên một đơn vị trong lực lượng “Đường Hồ Chí Minh” trên biển. Anh trai Vĩnh Mẫn là Vĩnh Tập, người cộng sản trẻ tuổi cùng 16 đồng đội thà bị thiêu cháy, chứ không hàng giặc trong trận đánh không cân sức năm 1946 tại Huế mà nhà văn Phùng Quán đã kể lại trong cuốn “Ba phút sự thật” (NXB Văn nghệ, 2006). Cùng hy sinh còn có Ưng Tuệ, Tôn Thất Xuân đều là con các vị đại thần, Hoàng tộc. Chị ruột anh Vĩnh Mẫn là Băng Tâm ở lại hoạt động nội thành hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt!

Mấy người “khách” từ Hà Nội mà anh Vĩnh Mẫn mời dự cuộc gặp gỡ thân mật này cũng là những nhân vật “có mặt” trong tập sách. Đó là nhà văn Ngọc Trai, nguyên Phó Tổng biên tập báo “Văn nghệ” thời anh Nguyễn Văn Bổng và Nguyên Ngọc là Tổng biên tập. Hiện nay chị làm Giám đốc Trung tâm trợ giúp người cao tuổi - Hà Nội. Tôi biết chị đã lâu, nhưng mãi sau này tôi mới hay chị cũng dòng “Tôn Thất” là con một vị Thượng thư. Lần này chị vào Huế cùng người chị ruột là giáo sư-đại tá-bác sĩ Ngọc Toản (vợ của Trung tướng Cao Văn Khánh) để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng-bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Chị tham gia suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, nay ở tuổi bát tuần, vẫn xông xáo hoạt động trong cuộc đấu tranh vi công lý của những nạn nhân chất độc da cam.

Những người đi theo Cụ Hồ trong gia đình “cụ Thượng” dòng Tôn Thất này còn có liệt sĩ Tôn Thất Long từng tham gia đội quân Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám, là Thành uỷ viên Thành uỷ Thuận Hoá đã bị địch bắt và tra tấn dã man…; rồi giáo sư-nhà báo Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương) tác giả của nhiều bài chính luận nổi tiếng trên rất nhiều mặt báo. Anh hiện ở TP. Hồ Chí Minh, không ra Huế dự cuộc gặp mặt này, nhưng đã đóng góp cho cuốn sách với một bài viết có trọng lượng: “Đặt con người ở vị trí trung tâm – nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.”

Với hoàng tộc nhà Nguyễn, nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh thuộc bên ngoại (anh là con bà Tôn Nữ Thị Cung và Anh hùng-liệt sĩ Đặng Văn Ngữ). Anh đến dự cuộc gặp mặt không chỉ vì mối quan hệ này mà như là một nhân chứng rằng tinh thần yêu nước - nguồn mạch trong lành của dân tộc bung nở trong thời đại Hồ Chí Minh là bất diệt. Anh đã tiếp bước người cha anh hùng và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” cùng với phim “Đừng đốt” do Đặng Nhật Minh đạo diễn đang được công chúng trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.

Khó có thể kể hết tên tuổi những người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn (con-cháu-dâu-rể…) đi theo cách mạng về sau trở nên nổi tiếng. Đọc cuốn sách, chúng thể được “gặp” các anh hùng Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch (cháu ngoại cụ Hường Thiết, dòng Tuy Lý Vương) Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Cảnh, Bửu Đoá… rồi Nguyễn Minh Vĩ (Tôn Thất Vĩ), Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Nữ Thị Ninh, Lê Quang Long (cháu ngoại vua Thành Thái)…. Điều đáng nói hơn là họ đi theo cách mạng, “theo Cụ Hồ” khi cách mạng còn “trứng nước”, sẵn sàng gánh chịu gian khổ hy sinh, chứ không phải để được “nối tiếng” hay để hưởng bổng lộc. Đại tá-giáo sư-bác sĩ Ngọc Toản trong hồi ký viết cho độc giả là thanh thiếu niên Pháp đã “lý giải” điều “kỳ lạ” này như sau:

“…Chúng tôi thuộc dòng dõi hoàng gia. Giống như nhiều gia đình hoàng tộc Việt Nam, chúng tôi là những người yêu nước, Trung thành với Tổ Quốc cũng là đạo lý của gia đình tôi. Nó đã bắt rễ sâu trong chúng tôi…Những người Việt Nam chúng tôi không muốn người Nhật lẫn người Pháp cai trị đất nước mình. Chúng tôi muốn độc lập…Với các bạn cùng lớp, chúng tôi đã hát to “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu...” Nhưng mẹ tôi không đồng ý, bà nói: Chuyện lính tráng là của con trai…” Mặc dù mẹ cấm đoán, tôi vẫn tham gia quân đội ở Huế từ tháng 9/1945. Tôi không sợ gì cả, không sợ khổ sở, không sợ bị đói. Phải nói thật rằng, giống như các bạn cùng học, chúng tôi không biết gì về chủ nghĩa cộng sản, không biết gì về cách mạng. Chúng tôi chỉ nghĩ đến những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: chiến đấu cho độc lập và tự do…”

Nói cho đầy đủ thì không chỉ có “lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, mà bao nhiêu là việc làm cụ thể, bao nhiêu tấm gương cụ thể mới tạo nên được sức hút kỳ diệu ấy. Việc Bộ trưởng Lê Văn Hiến vào Huế ngay sau Cách mạng Tháng 8, theo lệnh Cụ Hồ đến thăm Hoàng hậu Nam Phương, bà Từ Cung, bà Thành Thái và bà Duy Tân, lại trợ cấp hậu hĩ cho các bà là điều hiếm có trong lịch sử cách mạng thế giới. Chính về thế mà bà Thành Thái đã xúc động thốt lên: “…Chúng tôi quả thật đứng trước một bất ngờ rất lớn! Rất cảm kích!”

Như vậy, có thể nói, điều “kỳ lạ” đã diễn ra nhờ một sự tương hợp - một nguồn mạch trong lành bung nở nhờ gặp được “chính nhân quân tử”. Nhà thơ Nguyễn Duy cùng với nhóm làm phim “Đi tìm dấu tích ba vua” cũng là tìm về nguồn mạch ấy. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cho dù bị bọn thực dân o bế, bức hại, cho dù đang ngồi trên ngai vàng, các nhà vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân với tinh thần yêu nước nồng nàn, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”, huống chi những thế hệ sau. Cũng nói về “nguồn mạch trong lành” ấy, giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, trong “Lời giới thiệu” cuốn sách này đã dẫn “Báo cáo Chính trị” tại Đại hội Đảng lần thứ 2 (năm 1951) do Hồ Chí Minh đọc: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…” 

Chính là với “truyền thống quý báu” ấy,những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn cũng như mọi tầng lớp nhân dân đã “đi theo Cụ Hồ”, theo ngọn cờ đại nghĩa, ngay từ khi chính quyền cách mạng còn non trẻ với vô vàn thử thách gay go.

65 năm đã qua từ những ngày đầu ấy. Tình thế đất nước hôm nay khác xa ngày ấy một trời một vực nhưng thử thách mới có khi lại phức tạp hơn. “Lũ cướp nước” nhiều khi xâm lăng bằng văn hoá và đầu tư kinh tế. Nạn tham nhũng mà Cụ Hồ gọi là “giặc nội xâm” - thì rất tinh vi, núp dưới nhiều vỏ bọc nên có khi khó tiêu diệt hơn “lũ bán nước” lộ mặt ngày trước. Nhưng khi người lãnh đạo thực sự vì đại nghĩa, thực hiện đúng bài học“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chứng nghiệm trong những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, sức mạnh của dân tộc được phát huy thì chúng ta sẽ chiến thắng “mọi sự nguy hiểm, khó khăn”“tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” dù chúng núp dưới chiêu bài nào, với hình thức nào.

Theo anh Vĩnh Mẫn cho biết, ngoài số sách đã chuyển phát hành khắp cả nước, những người biên soạn - thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế - đã dành tặng một số cuốn cho các Trường Trung học phổ thông trong tỉnh, để lớp trẻ hôm này có thêm hiểu biết và quyết tâm gìn giữ nguồn mạch trong lành đã làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam .

                                                             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511204

Hôm nay

2203

Hôm qua

2359

Tuần này

21578

Tháng này

218077

Tháng qua

121356

Tất cả

114511204