Cuộc sống quanh ta

Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay(Phần I)

 

I. TẦM VÓC THỜI ĐẠI CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

1. Nhân tố thời đại trong tư duy Hồ Chí Minh

Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch. Người trước hết là con người của dân tộc, gắn bó mật thiết với non sống đất nước.

Hấp thu những truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương và dân tộc, Hồ Chí minh ra đi tìm đường cứu nước. Người vượt qua tầm nhìn hạn chế của các nhà nho yêu nước cùng thời, tự quyết định cho mình một con đường cứu nước mới. Bằng tinh thần yêu nước và trí tuệ sáng suốt, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới thời cuộc, theo dõi sát các phong trào yêu nước đầu thế kỷ. Lúc này, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi mới trong cấu trúc kinh tế và cấu trúc xã hội. Sự ra đời của giai cấp công nhân, dù còn ở giai đoạn đầu và sự bùng nổ của phong trào công nhân, dù còn ở trình độ tự phát, là điều kiện, tiền đề rất quan trọng để Hồ Chí Minh có thể nhận định xu thế cách mạng và mạnh dạn đi vào con đường cách mạng mới của thời đại.

Cũng phải nói tới ảnh hưởng của nhà trường Pháp đến anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ham học hỏi, cầu tiến bộ hồi đó. Những chữ Pháp tự do, bình đẳng, bác ái đã thúc dục anh muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Đây là một ham muốn thật sự, muốn đi sâu tìm hiểu và nắm bắt được văn minh và học thuật đó, để rồi sử dụng chúng như một vũ khí mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào, một khi các loại vũ khí tinh thần và vật chất mà các nhà yêu nước thuộc các thế hệ đàn anh từng sử dụng đến lúc này đã tỏ ra lỗi thời, bất lực.

Trong qúa trình tìm đường cứu nước, có mặt ở nhiều nước tư bản và thuộc địa, Hồ Chí Minh phát hiện ra rằng, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng tàn ác, vô nhân đạo; giai cấp công nhân và nhân dân các thuộc địa ở đâu cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề. Người đã tìm thấy sức mạnh thời đại ở điểm tương đồng của các dân tộc bị áp bức và mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ là được giải phóng mọi áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin soi rọi, vừa nghiên cứu lý luận vừa hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị, trở thành nhân vật trung tâm của thời đại mới. Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại và ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin chiếu sáng đã làm cho phong trào cách mạng các nước trên thế giới càng mật thiết ảnh hưởng lẫn nhau và đưa phong trào các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vào phạm trù cách mạng vô sản thế giới.

Tuy tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ nhưng không phải ai cũng nhận rõ sự chuyển biến trọng đại đó. Giáo sư Sử học Pháp Phuốcniô (Charles Fourniau) đã có sự nhận xét tinh tế rằng, “tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng trở thành trung tâm và người cầm đầu nhóm kiều dân Việt Nam”. Khẳng định của nhà sử học Pháp cho thấy, từ khi trở lại Pháp, mặc dù vẫn cùng nhau hoạt động cách mạng nhưng Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu có những cách suy nghĩ mới, cách tiếp cận mới, một trong những cái mới chính là Người đã khám phá và tìm thấy sức mạnh của thời đại.

Từ thập kỷ 20 đến tận cuối đời, trong quá trình lãnh đạo và tổ chức Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh triệt để khai thác sức mạnh thời đại. Đó là sức mạnh của học thuyết Mác- Lênin, của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc và các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Đó là sức mạnh của khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho con người chinh phục thiên nhiên, bay vào vũ trụ, tạo ra những đột phá trong lao động sản xuất. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã khẳng định trên thực tế sức sống của một chế độ mới- chế độ xã hội chủ nghĩa- hướng nhân loại tới mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.. Sức sống của chủ nghĩa xã hội, động lực của sức mạnh thời đại, đã đánh bại chủ nghĩa phát xít, làm cho thế giới nhận thức rõ hơn về hướng phát triển của nhân loại trong thời đại mới. Về ý nghĩa của sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh tổng kết: “Mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào hòa bình và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng của nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta dến những thắng lợi vẻ vang ngày nay”[1]. Theo Người, sức mạnh thời đại sẽ được tiếp tục khai thác trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Từ nay về sau, trên con đường tiến lên giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng ta sẽ luôn luôn giữ vững và tích cực góp phần củng cố tình đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân, tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, ra sức giáo dục cho nhân dân ta thấm nhuần sâu sắc tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa kết hợp chặt chẽ với tinh thần yêu nước, liên hệ cách mạng nước ta với phong trào nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[2]

2. Đặt cây thập tự cáo chung chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa

Hồ Chí Minh vừa là sản phẩm của dân tộc vừa là sản phẩm của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, mà lõi cốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải quyết những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội. Tư tưởng đó có một trong nhiều đặc điểm nổi bật là luôn luôn sải bước cùng thời đại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển từ thập kỷ đầu của thế kỷ XX đến khi Người qua đời. Đến hôm nay, Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, thế giới đã có nhiều đổi thay to lớn. Nhân loại đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại.

Trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh từ giữa đến cuối thế kỷ XIX, lịch sử đặt lên vai Mác sứ mệnh phải xây dựng học thuyết giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, lịch sử đặt lên vai Lênin sứ mệnh tiếp tục phát triển học thuyết Mác trong thời đại mới và lãnh đạo giai cấp công nhân và nông dân làm cách mạng vô sản. Lênin đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, trong phong trào cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Thế giới giữa hai cuộc chiến tranh đế quốc đặt lên vai các thế hệ học trò của Lênin sứ mệnh lãnh đạo các dân tộc thuộc địa vùng lên thực hiện quyền dân tộc, quyền con người, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Cống hiến đầu tiên và lớn nhất của Hồ Chí Minh là đã xây dựng được hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về giải phóng dân tộc thuộc địa dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin. Và Người đã lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là tiền đề để dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa đột phá vào thành trì của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại nhìn lại thế kỷ XX và khẳng định rằng, thế kỷ XX chưa phải là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Đó là thế kỷ chiến thắng chủ nghĩa thực dân, mà một trong số ít nhân vật có cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp vĩ đại đó là Hồ Chí Minh. Người đã góp phần to lớn vào việc xóa đi một vết nhơ, trở lực trên con đường phát triển và tiến bộ của nhân loại, đó là chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa. Đó vừa là sự nghiệp của một anh hùng giải phóng dân tộc vừa là sự nghiệp của một danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Tiến sĩ M. Át-mét (Modagat Ahmed), Giám đốc UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[3]. Bà Mác-xê-la Lôm-bác đô (Marcela Lambardo), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triết học, Chính trị- xã hội Mê-hi-cô khẳng định: “Quyết định của UNESCO kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được hiểu trong thời đại mà chúng ta đang sống. Đó là dịp để suy xét về những lý tưởng mà Người đã chiến đấu, giống như những vị anh hùng của các dân tộc khác, và để khẳng định những lý tưởng này vẫn còn giữ nguyên giá trị... Một Con Người viết hoa. Một đân tộc, vì Người là hiện thân cho Tổ quốc mình. Một thời đại, vì Người là biểu hiện của thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa. Và một sự nghiệp, sự nghiệp cao cả nhất đưa đến tự do và hạnh phúc con người”[4].

Nói tới giải phóng các dân tộc thuộc địa là nói tới chống chủ nghĩa thực dân mà chống chủ nghĩa thực dân là đạt tới đỉnh cao của giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của loài người. Nhà báo Pháp Mông- tô- rông (Montoron) đã viết trên báo Témoignoges chrétiens: “Cụ Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói thèm khát một cuộc sống dựa vào sức mình là chính và một dân tộc chỉ có thể sống còn khi mà dân tộc ấy không chịu sống nô lệ. Nhất là Cụ dạy rằng cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải được đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác. Cụ đã đem hết sức mình để đem lại cơm ăn, nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ. Bởi vậy, xin chúc người yên nghỉ và mong rằng những người yêu chuộng công lý phải tiếp tục trên cương vị mình cuộc chiến đấu của Cụ vì nhân phầm và tự do của các dân tộc bị chà đạp[5].

3. Mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa

Từ khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thế giới có sự đổi thay lớn và nhân loại gần như có sự dao động, mất phương hướng. Trong cơn chấn động chính trị có một không hai đó, những nhà khoa học chân chính vẫn khẳng định hãy học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người. Nhà văn Úc Alan Axbon (Allan Asbolt) khẳng định: “Đây không phải là lúc nói về sự bi quan của trí tuệ. Đây là lúc nói về sự lạc quan của ý chí. Nếu chúng ta muốn đối phó một cách hợp lý và mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người: kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, nhất là với công nhân và nông dân; có sự đồng cảm để đạt tới sự hòa giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; sự sáng tạo và nhạy bén về văn hóa, một sự hiểu biết có phân tích về lịch sử, đặc biệt là về cách thức mà những biến đổi lịch sử đã diễn ra; và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào- đó là sự lạc quan của ý chí”[6].

Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây) là V.M. Xôn- xép khẳng định: “Trong thế giới đầy năng động của chúng ta ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao... Khái niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, về các con đường và các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thay đổi.

Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó.

Năm tháng sẽ qua đi nhưng nhân loại tiến bộ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[7].

Hiện nay, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang suy thoái và khủng hoảng. Sự khủng hoảng kinh tế từ nước Mỹ và nhanh chóng lan ra cả thế giới làm bừng tỉnh con đường phát triển của nhân loại. Bốn từ “chủ nghĩa xã hội” tưởng đã bị chôn vùi dưới đống gạch đổ của bức tưởng Béclin từ năm 1989 thì nay lại được vang lên một cách mạnh mẽ không chỉ ở các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà ở Vênêxuêla với trào lưu của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, ở Nêpan, Ấn Độ, v.v.. Cho dù phong trào xã hội chủ nghĩa ở các nước Mỹ Latinh do Tổng thống Chavez đại diện và đề xướng đang trong quá trình vận động, nhưng điều quan trọng cần được khẳng định là người ta không coi chủ nghĩa tư bản là con đường duy nhất. Chavez chỉ rõ: “Chủ nghĩa tư bản không thể thực hiện được việc tự vượt qua chính mình, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chính nghĩa và hòa bình mới vượt qua được chủ nghĩa tư bản... Chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu của mình trong chế độ tư bản chủ nghĩa, cũng không thể đi theo con đường trung gian. Chúng ta phải xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”[8]. Sự lựa chọn mục tiêu xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh cách đây gần một thế kỷ đang được nhân loại tiến bộ tiếp tục chứng minh và khẳng định chân giá trị.

Thế giới đã và đang nhắc tới một chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Người ta tìm về Hồ Chí Minh như một giá trị “bất biến” trong một thế giới đầy “vạn biến”. Bởi vì thế giới ngày nay vẫn đầy rẫy bất công, vô nhân đạo, sự ích kỷ và ham muốn cá nhân. Giáo sư Sử học Ấn Độ Xanti Mauroi (Santimauroy) nhận xét có lý rằng: “Ngày nay nhân loại đang ở ngã tư đường một sự xáo động mãnh liệt khác. Nhân loại đói khát, bị tước đoạt, bị áp bức, đang kinh hoàng nhìn cuộc diễu hành huyênh hoang của phồn vinh và giàu có, bị chà đạp bởi sự giả nhân giả nghĩa xã hội ghê gớm, đi liền với cuộc cách mạng kỹ thuật khổng lồ đã tạo nên cho loài người vô vàn quyền lực, của cải và ảnh hưởng, nhưng lại không có sự tiến bộ tinh thần tương ứng và các giá trị nhân đạo phổ biến là cái gắn bó loài người thành một khối đoàn kết anh em vững chắc từ buổi bình minh của văn minh. Nhân loại dần dần đang nhường bước cho sự xuất hiện tàn nhẫn của ham muốn cá nhân, ích kỷ để thống trị như chưa hề thấy. Chính sự xuyên tạc các giá trị nhân đạo đã làm nảy sinh những sự thiên lệch nghiêm trọng khác, xa rời con đường biến đổi cách mạng về xã hội và văn hóa số phận con người xung quanh ta. Điều cần đến là một cuộc nổi dậy về đạo đức, một sự phục hưng mới chống lại quá trình bất ổn định phi nhân tính này- ít nhiều nổi bật khắp thế giới. Ở giữa cơn khủng hoảng này, nhân loại đã sản sinh ra những danh nhân lỗi lạc làm nên thời đại như Lênin, Hồ Chí Minh và Găngđi là những người đã để lại những dấu ấn không thể sai lầm của mình để được tiếp tục theo đuổi trong các đảo lộn nhiều biến động”[9].

Nơi này, nơi khác người ta vẫn đang tiếp tục tìm hiểu Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa hay người cộng sản. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ những dòng sau đây của các loại chính kiến khác nhau thì chúng ta sẽ thấy có những giá trị còn lớn hơn thế. Năm 1983, để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm loại từ điển tiểu sử mang tên Văn hóa thế kỷ XX (XX Centurry culturre) do Alan Bullock và R.B Wodinger chủ biên (Do Harper and Row xuất bản năm 1983), 300 nhà khoa học trên thế giới đã được hỏi ý kiến để bình chọn danh nhân văn hóa thế kỷ XX. Hồ Chí Minh, với những tiêu chí được xác định, đã được 300 nhà khoa học chọn là một nhân vật tra cứu trong công trình đó. Trong các cuộc thảo luận, 300 nhà khoa học nhất trí cho rằng: “Hồ Chí Minh là nhà mácxít hay nhà Nho, điều đó không quan trọng. Hồ Chí Minh là người cộng sản hay là người dân tộc chủ nghĩa, điều đó không quan trọng. Chỉ cần biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc- người yêu nước- thế là đủ để xếp ông vào hàng danh nhân văn hóa thế kỷ XX. Vì Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ ba”[10].

Nhân loại sống trong thế kỷ XXI có sứ mệnh tiếp tục kế thừa và phát triển nhiều giá trị trong thế kỷ XX, một trong số đó là giá trị nhân văn. Hồ Chí Minh là người cộng sản được cả thế giới ngưỡng mộ vì có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Étmông Misơlê (Edmond Michelet), Bộ trưởng các quân Pháp, nhận xét về Hồ Chí Minh: “Đó là một người cộng sản theo lý tưởng... Tôi thấy ông dường như luôn luôn chịu ảnh hưởng của tác giả lớn của ông là Mác, chắc chắn là cả Lênin nữa... Nhưng trong ông có Giôrex (Jaurès)... Ông là người đã chọn chủ nghĩa cộng sản, đúng thế, nhưng có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc... Tôi cho là trong thế giới cộng sản, chắc chắn ông là một trong những người chấp nhận cách mạng cộng sản chủ nghĩa, phải!... nhưng trong tự do”[11]. Một đại biểu Mỹ đã phát biểu trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”[12]

Xu thế lớn của thời đại ngày nay là hòa bình, hợp tác và phát triển. Hồ Chí Minh là hiện thân cho nền văn hóa hòa bình. Di sản của Người là một kho tàng đầy của báu, xét đến cùng là những giá trị văn hóa. Một nét nổi bật trong di sản văn hóa Hồ Chí Minh là thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển. Ngày ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911), khám phá, tìm hiểu thế giới, Hồ Chí Minh gửi thông điệp hội nhập thế giới. Hơn nửa thế kỷ sau, ra đi về cõi vĩnh hằng (2-9-1969), Người lại mang theo khát vọng khôi phục khối đoàn kết các nước anh em trên thế giới “có lý có tình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.18-19.
[2] Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.19.
[3] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia- Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.28-29.
[4] Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Sđd, tr.121 và 127
[5] Dẫn lại GS Trần Văn Giàu: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh- đặc điểm và cội nguồn, trong Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, S đ d, tr.289.
[6] Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Sđd, tr.183.
[7] Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Sđd tr.120.
[8] Cao Quế Vân và Thích Quế Phong: Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa và triển vọng của chủ nghĩa xã hội, Tạp chí Thế giới đương đại và chủ nghĩa xã hội (Trung Quốc), số 2-2009.
[9] Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Sđd, tr.259-260
[10] Dẫn theo Tạp chí Heral Tribune, ngày 8-10-1993 (xem Văn hóa Nghệ An, 10 - 01- 2010)
[11] Dẫn lại Hữu Ngọc: Hồ Chí Minh và những giá trị văn hóa Pháp, phương Tây nói chung, trong Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, Nxb Ngoại văn Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr.21.
[12] Dẫn theo Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr.9.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511118

Hôm nay

2117

Hôm qua

2359

Tuần này

21492

Tháng này

217991

Tháng qua

121356

Tất cả

114511118