Như mọi người đều biết di tích khảo cổ học trên đất Nghệ An cực kỳ phong phú, hầu như đầy đủ các giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước. Từ hai ba vạn năm trước có di tích hậu thời đại đá cũ ở lớp dưới cùng Làng Vạc (Nghĩa Đàn). Di tích người cổ ở Thẩm Òm (Quỳ Châu) thì còn xa xưa hơn nhiều, có thể tới hàng chục vạn năm. Di tích văn hóa Hòa Bình ở vùng núi đá vôi như Hang Chùa (Kỳ Sơn), Thẩm Hoi (Con Cuông) và di tích văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) ở vùng ven biển thuộc sơ kỳ thời đại đá mới. Thời đại đồng thau có các di tích Núi Cật, Rú Trăn (Nam Đàn) thuộc giai đoạn Tiền Đông Sơn. Đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn có di tích Đồng Mõm (Diễn Châu) và đặc biệt là di tích Làng Vạc nổi tiếng.
Qua đó, có thể thấy bản đồ khảo cổ học Nghệ An đã có đủ các giai đoạn phát triển lớn của đất nước từ giai đoạn con người đang trong quá trình hình thành cách ngày nay hàng chục vạn năm cho đến khi thành lập nhà nước đầu tiên của dân tộc cách ngày nay vài nghìn năm. Tuy vậy, trong quá trình phát triển đó, vẫn còn trống giai đoạn mở đầu thời đại đông thau, tương đương giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên trên lưu vực sông Hồng ở Bắc bộ.
Tư liệu trước đây cho thấy, trước giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn trên đất Nghệ An là các di tích loại hình văn hóa Thạch Lạc thuộc văn hóa Bàu Tró. Mà văn hóa Bàu Tró được các nhà khảo cổ thống nhất xếp vào hậu kỳ thời đại đá mới.
Khoảng trống giai đoạn mở đầu thời đại đồng thau trên lưu vực sông Cả là nổi trăn trở của các nhà khảo cổ nước ta trong nhiều năm. Chính cuộc khai quật di tích Đền Đồi năm 1983 của Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở văn hóa thông tin Nghệ An đã góp phần giải tỏa được trăn trở của các nhà khảo cổ học.
Di tích Đền Đồi nằm trên một gò đất cao nên được dân địa phương gọi là đồi, thuộc xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, cách huyện lỵ Cầu Giát khoảng 4km. Xung quanh di tích là vùng đồng bằng, trong bán kính khoảng vài km có các di tích khảo cổ Quỳnh Văn, Gò Lạp, Cồn Rườm và Trại Ổi là những di tích thuộc văn hóa Quỳnh văn và văn hóa Bàu Tró có niên đại sớm hơn.
Di tích rộng khoảng 500m2 . Năm 1980 đào thám sát 2m2, cuộc khai quật năm 1983 đào 49m2 . So với các di tích thời đại kim khí nước ta, thì diện tích di tích này tương đối nhỏ hẹp và diện tích khai quật còn rất khiêm tốn. Tầng văn hóa trái lại khá dày, khoảng 2m, cấu tạo bởi loại sét mịn màu vàng xen lẫn nhiều lớp sò điệp và than tro mỏng, phần lớn là dấu tích của những bếp đun nấu và di tồn để lại sau các bữa ăn. Dưới tầng văn hóa là cát do biển bồi tụ.
Di tích và di vật phát hiện được không thật phong phú, chỉ có 1 ngôi mộ vò trẻ con, 1 lưỡi rìu đá và 15.802 mảnh gốm, vậy cái gì đã làm cho di tích Đền Đồi trở nên quan trọng?
Tầng văn hóa ở đây tuy có dày hơn nhưng về cấu tạo khá gần gũi với các di tích tầng văn hóa sò điệp của văn hóa Bàu Tró. Cái khác cơ bản của di tích Đền Đồi so với văn hóa Bàu Tró là các di vật và di tích hàm chứa trong đó.
Ở độ sâu khoảng 1,50– 1,80m có một ngôi mộ. Đây không phải là mộ chôn nằm duỗi thẳng hay nằm co bình thường như trong văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn hay chôn bó gối trong các huyệt tròn như trong văn hóa Quỳnh Văn, mà là chôn trong vò có nắp đậy, thường được gọi là mộ vò. Mộ vò này được chôn đứng, trong có một số xương sọ, xương cánh tay, xương quay, xương đùi, xương mác, xương chày. Toàn bộ phần xương sườn, xương cột sống, xương bả vai, xương chậu cùng các xương ngón tay chân đều bị dập nát. Riêng đoạn xương cột sống gần cổ và xương lồng ngực bị bẹp song còn dính với nhau ở nguyên vị trí giải phẫu. Theo giám định của các nhà nhân học thì đây là mộ của một trẻ em chừng 3 tháng tuổi, được chôn ngay sau khi chết, không qua cải táng và được chôn ngay nơi cư trú.
Kiểu mộ vò ở ta cũng đã phát hiện được ở nhiều nơi như vùng ngã ba sông Mã sông Chu ở Thanh Hóa, trong các di tích Đông Sơn, Thiệu Dương, Quỳ Chữ, Hoàng Lý, Bái Tê, Đồng Ngầm, Đồng Vừng. Ở Bắc bộ cũng đã phát hiện được mộ vò ở Gò De (Phú Thọ). Ở Nghệ An mộ vò cũng đã phát hiện ở Làng Vạc, Đồng Mõm .Phần lớn các mộ vò đã biết trước đây ở miền bắc đều thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay 2.500 – 2.300 năm. Mộ vò Đền Đồi có thể là mộ vò có niên đại sớm nhất hiện biết, cách ngày nay khoảng 3.500 năm.
Trong lần khai quật này chỉ phát hiện được 1 lưỡi rìu đá, trong lần đào thám sát năm 1980 cũng phát hiện được 1 lưỡi bôn đá. Hai lưỡi rìu bôn này đều thuộc loại rìu bôn tứ giác kích thước nhỏ nhắn, mặt cắt ngang hình chữ nhật, được mài nhẵn toàn thân, về nguyên liệu đá, kỹ thuật chế tạo cũng như kiểu dáng và kích thước hoàn toàn khác với loại rìu bôn trong loại hình Thạch Lạc văn hóa Bàu Tró. Như chúng ta biết, rìu bôn trong loại hình Thạch Lạc văn hóa Bàu Tró đều được làm từ đá biến chất màu xanh, gồm loại tứ giác và có vai, mà phần lớn là vai xuôi, mặt cắt ngang đa số có hình gần bầu dục, một số có hình thấu kính, hầu như không có mặt cắt ngang hình chữ nhật. Chúng được mài toàn thân, nhưng còn lưu lại nhiều vết ghè sâu. Rõ ràng những chiếc rìu bôn ở Đền Đồi được chế tạo với một trình độ kỹ thuật cao hơn, tiến bộ hơn, tiêu biểu cho một giai đoạn cao hơn loaị hình Thạch Lạc.
Trái lại những chiếc rìu bôn Đền Đồi này lại rất gần gũi với loại rìu bôn văn hóa Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng hay giai đoạn Cồn Chân Tiên – Đông Khối lưu vực sông Mã là những di tích được các nhà khảo cổ thống nhất xếp vào sơ kỳ thời đại đồng thau.
Cái giá trị nhất của Đền Đồi là bộ sưu tập đồ gốm. Đồ gốm ở đây rất đặc trưng, gồm 3 loại: gốm đỏ thô, gốm xám thô và gốm mịn. Đồ gốm ở đây vừa có những yếu tố truyền thống của gốm loại hình Thạch Lạc vừa có những yếu tố mới, tiến bộ hơn.
Chẳng hạn ở Đền Đồi cũng có một số lượng tương đối nhiều gốm tô màu đỏ , mà như chúng ta biết gốm tô màu đỏ cũng là một đặc điểm của đồ gốm loại hình Thạch Lạc. Song gốm tô thổ hoàng ở đây cũng có phong cách khác với gốm tô thổ hoàng trong loại hình Thạch Lạc, chúng có màu đỏ sẫm, bóng láng hơn và thường được bôi toàn bộ mặt trong đồ đựng chứ không trang trí thành băng thành giải hoặc kết hợp với các hoa văn khác như trong loại hình Thạch Lạc. Có ý kiến cho gốm tô màu Đền Đồi có nhiều nết giống với gốm màu Quỳ Chữ, Đông Tiến (Thanh Hóa) trong văn hóa Đông Sơn. Về kiểu dáng gốm Đền Đồi vẫn có loại đồ đựng mép miệng vê tròn hình con sâu và phổ biến vẫn là nồi, vò, bát thường gặp trong đồ gốm loại hình Thạch Lạc.
Đáng chú ý là nhóm gốm mịn trong di tích Đền Đồi chưa hề xuất hiện trong các di tích loại hình Thạch Lạc. Chiếm số lượng không nhiều nhưng với chất liệu và hoa văn đặc biệt , nó đã trở thành một bộ phận quan trọng trong bộ sựu tập gốm Đền Đồi. Loại gốm này chủ yếu được tạo ra từ một loại chất liệu gốm bột sét. Chúng thường có mặt ngoài được miết láng bóng màu đen hoặc nâu. Đây là loại gốm chất lượng cao nên chúng chỉ xuất hiện trên các đồ đựng kích thước nhỏ như bát, mâm bồng. Hoa văn trang trí trên những đồ gốm này đạt đến trình độ hết sức điêu luyện, gồm những đồ án hoa văn độc đáo được tạo nên bởi những mô típ khắc vạch khép kín kết hợp với văn in chấm giải kiểu răng lược dày mịn. Gốm mịn và phong cách trang trí miết láng cùng hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải tạo thành những đồ án phức tạp phong phú đối xứng ta đã bắt gặp trong đồ gốm loại hình Gò Bông thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở trụng du đồng bằng Bắc bộ và ở di chỉ Cồn Chân Tiên trên lưu vực sông Mã. Loại gốm mịn này ở các di tích trên không những giống nhau về phong cách, mà còn giống nhau ở cả những mô típ hoa văn. Chẳng hạn ở Đền Đồi cũng có những họa tiết hoa văn hình chữ S với các biến thể khác nhau như hoa văn chữ S đầu tròn lẫn chữ S đầu nhọn ở phần gập lại, cả chữ S thân đơn giản lẫn chữ S thân cuộn tròn phức tạp, hoặc một vành chữ S nằm ngang móc vào nhau. Đáng chú ý là tính đối xứng của các đồ án hoa văn phức tạp này ở Đền Đồi không được chặt chẽ lắm.
Trên gốm Đền Đồi còn bắt gặp nhiều yếu tố hoa văn mang phong cách giống gốm Gò Bông, Cồn Chân Tiên như sự phổ biến của lối trang trí khắc vạch hay miết láng trên văn thừng, cũng như lối trang trí văn chải, văn in chấm giải trong các họa tiết khắc vạch đối xứng khép kín .
Nhiều mảnh gốm mịn trang trí văn khắc vạch chấm giải tạo thành các đồ án đối xứng ở Đền Đồi nếu trộn lẫn với gốm cùng loại ở Gò Bông hoặc Cồn Chân Tiên, ngay các nhà chuyên môn cũng khó lòng phân biệt
Về loại hình , ngoài những đồ đựng như nồi, vò,v.v.thường gặp trong các di tích loại hình Thạch Lạc, ở Đền Đồi lần đầu tiên xuất hiện loại bát và đặc biệt là mâm bồng mà về chất liệu và hoa văn rất giống với cùng loại ở Gò Bông và Cồn Chân Tiên
Với Đền Đồi, đây là lần đầu tiên trên Đất Nghệ An phát hiện được một di tích mà đồ đá cũng như đồ gốm về mặt chất liệu, kỹ thuật chế tác cũng như kiểu dáng và hoa văn có nhiều nét tương đồng với văn hóa Phùng Nguyên trên lưu vực sông Hồng và di tích Cồn Chân Tiên trên lưu vực sông Mã . Điều này phản ảnh mối liên hệ văn hóa giữa ba lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả từ buổi đầu thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng 3.500 – 4.000 năm.
Trước đây di tích Đền Đồi thường được xếp vào loại hình Thạch Lạc của văn hóa Bàu Tró thuộc hậu kỳ thời đại đá mới. Bộ sưu tập đồ đá và đồ gốm trong mùa khai quật năm 1983 cho phép chúng ta tách di tích Đền Đồi ra khỏi loại hình Thạch Lạc mà hình thành một nhóm di tích riêng thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau trên đất Nghệ An.
Trong văn hóa Bàu Tró, trên đất Quảng Bình cũng đã phát hiện được di tích Cồn Nền, bên cạnh đồ gốm và đồ đá mang phong cách Bàu Tró cũng đã xuất hiện một số yếu tố văn hóa sơ kỳ đồng thau như rìu bôn đá mài toàn thân kích thước nhỏ, mặt cắt ngang hình chữ nhật, vòng tay đá, hạt chuỗi đá, v.v. cùng loại gốm tương đối mịn trang trí văn khắc vạch kết hợp chấm giải tạo thành những đồ án phong phú. Rõ ràng di tích Cồn Nền có cùng tích chất như di tích Cồn Nền và thuộc phạm trù sơ kỳ thời đại đồng thau.
Trong khảo cổ học, việc xác định thời đại và niên đại cho những di tích nằm ở giai đoạn có tính chất bàn lề là không dễ dàng, luôn luôn là đề tài thảo luận của các nhà khảo cổ học. Di tích Đền Đồi là nằm trong số đó.
Từ di tích Đền Đồi đllói cnhiếu với những di tích sơ kỳ thời đại đồng thau đã biết ở trung du đồng bằng Bắc bộ qua lưu vực sông Mã, sông Cả cho đến Quảng Bình giúp chúng ta hình dung ra một số tiêu chí về đồ đá, đồ gốm cho các di tích buổi đầu thời đại đồng thau trên đất nước ta. Về đồ đá là sự xuất hiện những công cụ sản xuất bằng đá như rìu bôn đục kích thước nhỏ nhắn, có mặt cắt ngang hình chữ nhật, mài nhẵn toàn thân và một số đồ trang sức như vòng, hạt chuỗi, ống chuỗi. Về đồ gốm là sự xuất hiện của loại gốm mịn như bát, mâm bồng làm bằng bàn xoay, trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải tạo thành các đồ án hoa văn đối xứng phong phú phức tạp. Có thể không phải các tiêu chí trên đã xuất hiện một cách đầy đủ trong một di chỉ, mà thường chỉ xuất hiện một số tiêu chỉ trong đó vì hoàn cảnh thiên nhiên, môi trường sinh sống giữa các di tích không giống nhau.
Những tiêu chí này có thể được thể hiện ở cả vùng Hoa Nam và Đông Nam Á. Chẳng hạn giai đoạn sớm của di tích Xamrông Sen ở Campuchia thuộc sơ kỳ đồng thau cũng bắt đầu xuất hiện rìu bôn mài toàn thân kích thước nhỏ và đồ gốm hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải. Hay như di chỉ Thái Nguyên Tử, di chỉ Ma Bàn Địa ở huyện Trình Cống tỉnh Vân Nam Trung Quốc cũng xuất hiện loại gốm hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải tạo thành các đồ án phong phú. Xa hơn nữa loại hoa văn này cũng khá phổ biến trong các di tích đầu thời đại đồng thau vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.Trong một số di tích ở Philippin, ở Sarawak như Gua Cha, Niah, v.v. cũng đã phát hiện được một số đồ gốm trang trí các đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải rất gần với phong cách văn hóa Phùng Nguyên, Đền Đồi.
Qua đó có thể thấy sự xuất hiện của rìu bôn kích thước nhỏ, mặt cắt ngang hình chữ nhật, mài nhẵn toàn thân cùng loại gốm mịn trang trí văn khắc vạch kết hợp chấm giải tạo thành các đồ án hoa văn phong phú trong di tích Đền Đồi là vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu một bước nhảy vọt, thay đổi về chất, từ thời đại đá chuyển qua thời đại đồng thau. Tầm quan trọng của di tích Đền Đồi chính là ở chỗ đó. Đền Đồi mở đầu cho thời đại đồng thau trên lưu vực sông Cả .
Nay chúng ta chỉ mới biết đến một Đền Đồi và cũng chỉ mới một phần của Đền Đồi, hy vọng trong tương lai, với sự nỗ lực của các nhà khảo cổ, các nhà văn hóa chúng ta sẽ có thêm nhiều Đền Đồi mới. Và từ di tích Đền Đồi sẽ dần dần hình thành văn hóa Đền Đồi.
Với tính chất quan trọng như vậy, trước mắt chúng ta cần có kế hoạch bảo vệ di tích Đền Đồi khỏi sự tàn phá của thiên nhiên và con người. Bảo vệ Đền Đồi là bảo vệ di sản văn hóa./.