Những góc nhìn Văn hoá
Thơ Bùi Giáng - Một biển trời ngôn ngữ

Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998). Ký họa Võ Đình
Đôi lời cáo bạch
Đã 22 năm trôi qua kể từ ngày thi sĩ Bùi Giáng rời xa cõi tạm “để đi vào đối diện hư không”. Bỏ lại những ngày tháng ngao du giữa đìu hiu phố thị, có lẽ bây giờ Bùi tiên sinh vẫn tiếp tục ruổi rong ở chốn tồn sinh nào đấy, ngồi gốc cây phì phèo điếu thuốc, bên cạnh chai bia lạnh cùng thái thượng Như Lai, Di Lặc dẻo dai nhe răng cười dâu bể. Thế nhưng những câu chuyện đời xen lẫn chuyện thơ ông vốn trở thành giai thoại mãi khiến chúng ta trố mắt, trầm trồ, lắc lắc cái đầu rồi gật gù thốt lên rằng đúng là Báng Giùi, Bùi Bàng Giúi, Vân Mồng, Đười ươi thi sĩ... Ở ông, người và thơ hợp nhất theo cái nghĩa tuyệt đối của động từ này. Lắm lúc không nhận ra đích xác người chính là thơ hay thơ mới chính là người. Phải chăng lí lẽ ấy giải thích cho bút lực phi phàm, siêu việt “viết thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả” (Mai Thảo) ([1])?
Trước khi Bùi Giáng mất, người ta bàn về thơ ông rất nhiều. Sau khi Bùi Giáng mất, người ta càng bàn nhiều hơn nữa. Tất cả đều tán đồng nhận định ông không làm thơ mà đang chơi thơ, đùa với thơ và rỡn bằng thơ. Ông hóa cốt thi ca hậu hiện đại Việt Nam như Thái ất chân nhân hồi sinh Na Tra thái tử. Chỉ khác ở chỗ vị chân nhân họ Bùi không dùng chất liệu sen hồng thanh khiết mà tận dụng thứ ngôn ngữ “hỗn độn, pha tạp” giữa bình dân và bác học, phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện đại. Nó làm cho bạn đọc đặt chân bước vào cõi thơ u huyền, bí ẩn cảm thấy mình đứng trước một mưa nguồn mịt mù sương khói, một sa mạc phát tiết mênh mông. Có người nhăn mặt, nhíu mày, gãi đầu, bức tóc. Có người “cười nắc nẻ” rồi bỗng “khóc sụt sùi”. Thật hiếm thi sĩ nào mang đến nhiều cảm xúc thậm chí trái chiều như vậy.
Tưởng vô niệm
Tư vô tâm
Niệm tâm vô thể thành thân vô hồn
Em đi giông bão dập dồn
Múa vi vu với lá cồn sương lung
Em về đánh mất nấu nung
Nồi cơm chẳng chín tình chung tan rồi
(Vô vô, Mùa màng tháng Tư)
Chính Bùi Giáng từng thổ lộ “hãy để cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi”. Lời van xin tha thiết không sao ngăn được tình cảm chân thành vừa yêu thương, gần gũi vừa trân trọng, tôn vinh của bạn bè, thân hữu và giới mộ điệu gần xa. Hơn nửa thế kỉ tính từ khi tập thơ đầu tay Mưa nguồn xuất bản (1962), biết bao mỹ từ dành tặng cho tài thơ xứ Quảng. Ông là “tiếp dẫn đạo sư trong ngôn ngữ Việt Nam hiện đại” (Bùi Văn Nam Sơn), “Tề Thiên ngôn ngữ” (Cung Tích Biền), “bậc thầy thượng thừa của nghệ thuật chữ nghĩa” (Nguyễn Vạn Hồng), “kẻ hí lộng ngôn từ” (Hoàng Nghiêm Nhuận)... Và với những bài viết hôm nay, ta cũng không thể đi hết “một biển trời ngôn ngữ” thơ Bùi Giáng.
1. Ngôn ngữ cái bang đường phố
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chí lí nhận xét “chữ của Bùi Giáng là chữ bụi bặm thường ngày; hình như người ta vứt đi, và ông nhặt lên, phủi phủi, hà hơi vào, để tất cả hóa thành thơ”. Đôi lúc chẳng cần phủi phủi hà hơi, ông cứ lượm lặt cái chữ lắm lem bùn đất nào đó nằm lăn lóc như cục đá đầu hè rồi tỉnh queo mà viết.
Đây là ở trong rừng
Chẳng có con ma nào ngó thấy đâu
Hoàng hậu hãy cởi áo quần ra tắm khe nước
Có con ma nào đâu mà sợ
Sao Hoàng Hậu thẹn đỏ mặt
Có tôi?
Nhưng tôi đâu phải là con ma
(Ở trong rừng, Màu hoa trên ngàn)
Với Đười ươi thi sĩ, khẩu ngữ đã tồn tại tự nhiên và hồn nhiên như thế. Đa số là những từ vựng hiếm gặp trong thơ như ba trợn, bó cẳng, chết chùm, đú đởn, kỳ cục, lên mặt, mọi rợ, nịnh đầm, số dzách… Nhiều cách diễn đạt thuần tuý giao tiếp hằng ngày cứ vẹn nguyên, chẳng hạn “Gồm toàn những môi răng cằm lá cỏ vân vân” (Nhưng, Ngàn thu rớt hột), “Ông còn luẩn quẩn, nó xơi tái ông có ngày” (Rất mực một cây, Mười hai con mắt), “Cây sập đổ thì chết chùm cả hai đứa một lượt” (Lần thứ tư trời hôn cái lá, Màu hoa trên ngàn)... Chúng ta nghe thấy tiếng thở than đầy xúc cảm trời ơi, trời ơi đất hỡi, ôi chèng đét ơi… Lời nói xứ Quảng quê hương răng, ri, rứa, chi mô, bòa, giòa cũng tìm được một góc riêng. Ngôn từ thô mộc quá, gần gũi quá, không chỉnh sửa gì như chính con người Bùi Giáng chân chất, giản đơn, thoải mái, hiền lành, không cầu kì kiểu cách. Bằng tiếng nói bình dân, thi nhân đang bước từ trang thơ ra cuộc đời hay chính cuộc đời chui vào ngủ vùi ở trong thơ? Ranh giới đời và thơ bị ông xóa mờ dấu vết.
Ngồi im bó gối không lời
Bó tay duỗi cẳng bó ngồi khỏe re
(Đi đi, Mùa màng tháng Tư)
Điệp từ “bó” ba lần đâu đủ chặt để trói buộc một tâm hồn phiêu lãng cùng gió mây. Hai chữ “duỗi cẳng” và “khỏe re” đậm tính khẩu ngữ làm ta thốt lên té ra Bùi Giáng. Một Bùi Giáng dzui dzẻ rất mực. Một Báng Giùi tự do rất mực.
Nhưng những ai nghiêm túc bình phẩm văn chương sẽ phải tròn xoe con mắt, há mồm rồi “nhảy bổng như hươu” khi đọc mấy câu sau:
Tự do đái ỉa suối ghềnh
Vô tình bón tưới mông mênh núi rừng
(Nuôi trâu đồi núi, Như sương)
Tha hồ tắm suối sơn khê
Tự do tuyệt đối đê mê ở truồng
(Lời gái núi, Mười hai con mắt)
Chửi em? Khốn nạn nữ nhi
Chửi em? Tùy tử toan đi đường trời
(Chị chửi em, Trúc mai)
Có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị của nền thi ca nước ta chịu chơi đến mức dám lấy những từ thông tục đù mẹ cha my, chó đẻ, khốn nạn, đái, ỉa, tiểu, truồng... làm chất liệu cho thơ mà chẳng chút lên gân hay ngại ngùng. Dù không phải ai cũng chấp nhận ngay, chúng vẫn thể hiện một phần tính cách của ông: ngang tàng phóng túng, thậm chí bạt mạng, bất chấp khuôn phép. Tâm tính Bùi Giáng rất phức tạp, bất chợt vui, bất chợt buồn. Tuy nhiên, giận dữ đạt độ cuồng loạn như hai câu thơ “chửi” Hồ Tôn Hiến, quan Tổng đốc “trọng thần” trong Truyện Kiều dưới đây thì đúng là ít có:
Đù mẹ cha my! Tôn Hiến Hồ ơi!
My làm thân chó đẻ cho cõi đời bớt điên
(Tới đây, Trúc mai)
Khẩu ngữ là thứ ngũ vị hương đặc trưng Bùi Giáng say mê thưởng thức. Ông điểm nhãn, khai quang bản chất giàu thi tính của tiếng mẹ đẻ. Vì thế, mỗi tiếng nói đời thường ngay cả chữ “tầm ruồng” thậm chí thô tục cũng có thể thành thơ. Nó đa sắc thái, phong phú giọng điệu, càng xuất hiện nhiều càng trở nên cuốn hút. Nếu ngoài đường ngoài phố nó giống cục đá lắm lem thì ở thơ ông nó vẫn lắm lem như vậy nhưng bấy giờ nó cố định quan hệ với nhiều cục đá khác xung quanh. Ở chỗ này thì thi tính bộc phát, ở chỗ kia thì thi tính tiêu tan. Ông lựa chọn vị trí bất di bất dịch cho từng chữ bằng một kỹ thuật thượng thừa. Nhưng đó là loại kỹ thuật không do ý thức quyết định, ngấm ngầm chịu sự chi phối bởi tâm thức lẫn tiềm thức sâu xa mà chỉ những bậc “thượng đẳng thần” hay “tiếp dẫn đạo sư” như Bùi Giáng mới có khả năng quán chiếu. .
2. Ngôn ngữ tứ đảo tam điên
Trong cuộc hí trường trào lộng miên man, Bùi Giáng xứng danh quái kiệt của làng thơ Việt bởi chữ ông dùng nhảy múa, đảo trước lộn sau, biến đổi khôn lường đến chóng mặt hoa mắt như người diễn viên xiếc chơi trò đu quay, như thầy phù thủy trổ tài phép thuật. Không chỉ ở cấp độ từ hay ngữ mà cả cấp độ câu, không chỉ văn chương bình dân mà cả văn chương bác học, tác giả đều đem ra tung hứng. Thơ ca tiếng Việt, loại ngôn ngữ đơn lập vốn xem trọng trật tự từ bỗng trải qua một phen sóng gió.
Không khó để tìm thấy hãi sợ thay vì sợ hãi, dặt dìu thay vì dìu dặt, khạo khờ thay vì khờ khạo, đuổi đeo thay vì đeo đuổi, tình tận thay vì tận tình, cường kiên thay vì kiên cường... Chính từ ghép có trật tự không thuận chiều làm nên đơn vị từ vựng đặc thù trong thơ ông. Nhắc sử lịch, tồn sinh, sơ nguyên… là ta nghĩ ngay tới thi sĩ Giáng Bùi cùng với những câu thơ cá tính, tinh nghịch và hóm hỉnh.
Em xuân sắc tìm anh từ man dã
Em dã man gạn hỏi: anh là gì
(Vì có lẽ, Mưa nguồn)
Về chơi có lẽ lói le
Dìu về vô tận những le lói đời
(Một mình chịu chơi, Trúc mai)
Sử lịch phai trang
Chạy quàng
Là lịch sử
(Hàng cây sơ thủy, Lá hoa cồn)
Từ “sử lịch” rất được tác giả ưa dùng. Câu thơ trên là một ví dụ hiếm hoi mà ông dùng từ Lịch sử. Đặng Tiến nhận xét tinh tế rằng “thơ Bùi Giáng là một “dòng nước ngược”, một tâm thức đi ngược chiều thời gian, trong một Sử Lịch, ngược dòng Lịch Sử”. Nhưng đâu chỉ trái chiều năm tháng, ông còn đi ngược với cả kiếp sinh tồn nơi nhân thế như chiếc bát của đức Phật đã từng trôi ngược dòng Ni-liên-thiền cách đây mấy nghìn năm. .
Mở rộng phạm vi sang cụm từ hay câu, độ cuồng loạn trong cuộc rong chơi ngữ ngôn càng đậm nét. Chỉ với thành ngữ “Đổ quán xiêu đình”, Bùi Giáng nhào nặn ra bao cách diễn đạt: “Hỏi nhau đổ quán xiêu đình” (Nhớ và quên, Lá hoa cồn), “Suốt đời đi ngó quán đình đổ xiêu” (Xin thượng đế, Lá hoa cồn), “Xiêu đình đổ quán dựng đời nhà ma” (Khép hồn sa mạc, Ngàn thu rớt hột)... Và ông cũng tập Kiều theo lối ấy. Nếu Tố Hữu dẫn ngữ truyện Kiều trang trọng, nghiêm túc thì ngược lại Bùi Giáng có khi tập Kiều tinh quái: đảo từ, tách từ, ghép từ, trộn từ... Tuyệt phẩm Đoạn trường tân thanh như thể trở thành đoạn thanh tân trường, thanh tân trường đoạn, trường thanh tân đoạn, đoạn tân trường thanh... Không biết cụ Nguyễn Tiên Điền sẽ cảm thấy thế nào khi nghe đọc vài câu thơ Báng Giùi.
Tin sương luống những rày trông
Mai chờ dưới nguyệt chén đồng mất đâu.
(Duyên sau, Ngàn thu rớt hột)
Nguyên văn: Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
(1039 - 1040)
Đá vàng / vâng tạc / thủy chung
Một lời càng lúc càng mông lung lời.
(Cũng có lúc, Thơ vô tận vui)
Nguyên văn: Đã lòng quân tử đa mang
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung.
(351 - 352)
Rừng phong thu đã khôn hàn
Nhuộm màu gay cấn quan san xế chiều
(Giấn thân vào giậu, Trúc mai)
Nguyên văn: Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
(1519 - 1520)
Chỉ từ ngữ cũ mà với cấu trúc khác đã trở nên rất mới và ngộ nghĩnh. Nhưng đằng sau hình thức ngôn từ xáo trộn, bao ý tình Kim Trọng, Thúy Kiều còn được giữ gìn để hơi thở thi phẩm Nguyễn Du mãi nồng nàn qua mỗi vần thơ Bùi Giáng hàm súc, lắng sâu.
Đã mòn con mắt vời trông
Phương trời đắm đuối đất đồng đăm đăm
(Lối về mấy bận, Trúc mai)
Câu Kiều thứ 2248 tuy bị phá tung, nỗi niềm khắc khoải, mong chờ vẫn day dứt người đi trên muôn nẻo lối về tìm vào cố quận. Tâm tình quê hương vời trông đôi mắt nàng Kiều in hình tấm lòng lữ khách lạc lõng nơi đất lạ quê người. Quả thật, Truyện Kiều ngày xưa nhờ Bùi Giáng khoác thêm áo mới. Không phải chiếc áo xanh chơi tiết thanh minh của chàng Kim Trọng mà là chiếc áo vàng nhạt phủ bụi giang hồ của ông lão họ Bùi. Qua cánh cửa thơ ông, thiên tuyệt bút bước đến gần chúng ta hơn, hít thở không khí thời hiện đại để sống trọn vẹn với hôm nay.
Cách kết hợp từ ngữ cũng góp thêm một kiểu đùa vui chữ nghĩa. Ông táo bạo ném những chữ cao sang, trang trọng như từ thi ca, từ Hán Việt, điển tích điển cố phương Đông phương Tây nằm bên cạnh những chữ bình dân, giản dị tạo thành những câu thơ tưng tửng mà ai đọc qua cũng không khỏi bật cười.
Giai nhân số dzách một cây
Mất trinh mà vẫn cứ ngây thơ cười
(Số dzách một cây, Mười hai con mắt)
Ông trời kì cục lắm thay
Mưa sai lệch lúc, nắng quai nhai giờ
(Kính tặng ông trời, Ký ức)
Dã man là cái giai nhân
Thuyền quyên mọi rợ tưởng gần tưởng xa
(Chuyện chiêm bao 25, Mười hai con mắt)
Không giống Nguyễn Du dùng tương phản để vạch trần bộ mặt đạo đức giả những kẻ như Mã Giám Sinh hay Sở Khanh, tương phản trong thơ Bùi Giáng kéo tuột thượng giới rơi xuống hạ giới. Với ông, giai nhân, thuyền quyên có khác gì mọi rợ; ông trời, Như Lai có khác gì lão cái bang. Ở đời thực vì họ không giống nhau bộ áo mặc ngoài nên khi đi vào ngôn ngữ chữ bị cưỡng bức phải mang lấy sự khác nhau về sắc thái. Bùi Giáng như lột trần tất cả ngữ ngôn để chúng hồn nhiên, vô tư chơi chung một cõi. Ngôn ngữ thơ ông do đó đã vượt khỏi ranh giới phân biệt giữa cao quý và thấp hèn, sang trọng và bình dị, trang nhã và khiếm nhã... để trở về nguồn cội nguyên sơ .
Tuy nhiên có kết hợp quá kì quặc khiến ta không sao giải mã nổi ý thơ.
Đười ươi phủ áo tình phong nhã
Khỉ đột trút quần tưởng việt siêu
(Chuyện chiêm bao 7, Mười hai con mắt)
Đọc một lần không hiểu. Đọc hai lần vẫn không hiểu. Đọc ba lần càng không hiểu. Nó là mật ngôn, mật ngữ, mật khẩu, mật mã của một hồn thơ điên đảo, của một trí tuệ uyên thâm. Và nếu có ai chất vấn thi nhân thì chắc Bùi tiên sinh cũng chỉ cười trả lời ngắn gọn “vui thôi mà”.
3. Ngôn ngữ luyến láy điệp trùng
Thơ Bùi Giáng ngoài những chữ “tầm ruồng”, những kết cấu lộn tùng phèo còn có không ít “những từ đẹp như hoa gấm, những câu tuyệt bút” (Trần Kim Đoàn) đủ sức lưu luyến bất kì ai dù chỉ một lần dấn bước vào cõi thơ ông. Sự tài hoa ấy qua các phương tiện ngôn ngữ truyền thống càng trở nên độc đáo.
Ông sử dụng từ láy một cách điêu luyện, khéo léo như người nhạc sĩ chơi đàn đang khai thác triệt để, vắt kiệt cùng giá trị hòa âm, gợi tả lẫn biểu cảm của loại từ vựng vốn giàu nhạc tính. Chúng tràn vào thơ, chiếm lấy mọi không gian, ngập đầy từng ngõ ngách: “Hững hờ đi giữa dỗ dành bơ vơ” (Tình yêu, Như sương), “Bài thơ lóng cóng chênh vênh lạ lùng” (Thôn nữ, Mười hai con mắt), “Lờ đờ lận đận lao đao/ Long đong lao động biết bao nhiêu lần” (Ca dao miền Nam nước Việt, Trúc mai)... Dưới vòm trời thi ca, mấy ai dùng chữ dày đặc, phóng túng đến phung phí bằng Bùi Giáng? Sự hòa phối ngữ âm giữa các từ láy một cách tự nhiên đã sản sinh giai điệu bổng trầm, du dương, xao xuyến. Biết bao bạn đọc ngưng động hồn mình trong những vần thơ chuồn chuồn châu chấu.
Người ngồi đây ngó mây trôi biền biệt
Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn
(Hận, Mưa nguồn)
Mưa ríu rít, gió ngân nga
Lá cây xào xạc cuốn hoa đầu cành
(Đêm ngày, Rớt hột phiêu bồng)
Mở hai hàng cỏ mong manh
Sao khuya rơi xuống cuối trời lim dim
(Mở hai hàng cỏ, Lá hoa cồn)
Văng vẳng chuông chùa chiều chậm xuống
Dập dìu sương sớm sáng mau lên
(Làng xóm ngày xưa, Rớt hột phiêu bồng)
Chữ vốn không có cánh mà bỗng nhẹ tênh đủ sức lượn quanh ngọn đồi Trung Phước. Lắng tai nghe tiếng mưa rừng gió núi. Thả mình lên nếp cỏ ngắm sao khuya. Cảnh vật quê hương chỉ bằng mấy từ láy tượng hình, tượng thanh cũng có thể hiện lên đủ hình đủ sắc. Thơ ông nhờ đó không thiếu khúc hát ân tình ngọt ngào, đằm thắm dành tặng cho nhiên giới và nhân giới. Sẽ không quá lời nếu ta xếp những câu tả cảnh tả tình kia vào hàng tuyệt cú.
Nhưng đúng như Vũ Đức Sao Biểntrong Thời văn 19 từng phát hiện “Nhiều lúc anh bắt gặp từ láy phụ âm đầu. Thế là anh nắm lấy nó và tiếp tục kéo ra những từ khác,..., thành một dãy dài dằng dặc”. Phép điệp lạ lùng những phụ âm đầu có âm hưởng ngân vang như “m” - âm vang mũi, “h” - âm xát thanh hầu, “l” - âm vang bên, “th” - âm bật hơi... đã hình thành hiện tượng trùng điệp âm độc nhất vô nhị, một minh chứng cho khả năng nội sinh vô hạn của ngôn ngữ thơ Bùi Giáng.
Làn lênh lang lau lách lại luân lưu
(Nhan sắc hôm nay, Mưa nguồn)
Thành thân thái thậm thần thông thượng thừa
(Đêm nay, Mười hai con mắt)
Một mai mai một mịt mùng
(Ký ức tương lai, Ký ức)
Hoặc hò hét hoặc hoắt huy hiêu hùng
(Cái gì là nàng tiên, Thơ vô tận vui)
Trước mắt là dòng thác chảy, nước trên cao đổ xuống ầm ầm, tuôn trào mãnh liệt, dữ dội cuốn lấy ai vô tình đặt chân. Không còn chữ nối chữ, chữ xoắn chữ mà chữ sinh chữ. Một sinh hai, hai hóa bốn, bốn tạo tám, tám hiện ra vô số. Nếu không chịu sự hữu hạn gò bó của thể loại, câu thơ hoàn toàn không có điểm dừng. Và khi ranh giới giữa chúng dường như bị xóa bỏ, ngắt nhịp cũng bị triệt tiêu thì đến lúc chữ nhập chữ, chữ hòa chữ, tan chảy vào nhau thành một khối mênh mông. Cuộc sinh hóa, hóa sinh ngữ ngôn đang trải qua hành trình thật ảo diệu. Có người bảo Bùi Giáng đã dừng cuộc chơi ngữ nghĩa để lao vào cuộc đùa rỡn ngữ âm. Vì thế những ai cố bằng kiến thức ngữ học hạn hẹp của mình lí giải mật mã cũng đành bất lực. Thôi thì hãy dùng khả năng thẩm âm mà thưởng thức.
Thơ ông còn láy đi láy lại nhiều lần những từ, những kiểu câu quen thuộc. Ngôn ngữ cứ trùng trùng điệp điệp, xuất hiện dồn dập tác động mạnh các giác quan. Bùi Giáng như đang diễn trò thôi miên, con chữ như đầy ma lực hút hồn ta rơi tuột vào lỗ đen sâu hoắm.
Em người em lạ em xa
Em ồ em ạ em à em ôi
(Vân mồng nhắn tin, Rớt hột phiêu bồng)
Mặt trời yêu dấu viễn khơi
Yêu khe nước chảy khắp nơi xè xè
Yêu mây tạnh, yêu mây bay
Yêu đồi yêu núi yêungày yêu đêm
(Chuyện giai nhân, Rong rêu)
Hai câu lục bát chỉ 14 từ mà từ “em” đã chiếm hết một nửa. Một đoạn thơ bốn câu mà 8 lần từ “yêu” ám ảnh chúng ta. Điệp ngữ như thế không phải dễ làm nếu thi sĩ không sẵn có chữ ở trên đầu ngọn bút lẫn xúc cảm mãnh liệt, cháy bỏng ở trong tim. Nhiều người cho rằng từ lâu ông điên, ông cuồng. Còn với tôi, ông cuồng chữ, cuồng em, cuồng yêu, cuồng vui, cuồng buồn, cuồng nhớ... theo nghĩa tận cùng, tận diệt và tận tuyệt. Phải chăng Bùi Giáng là người cuồng sống bậc nhất còn sót lại hôm nay?
Còn ở một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở với trăng sao
(Phụng hiến, Mưa nguồn)
4. Ngôn ngữ liên tưởng phiêu bồng
Thơ Bùi Giáng vốn giàu sức gợi, kích thích mạnh mẽ trí tuệ và tình cảm của bạn đọc yêu thơ. Thi sĩ đưa ta lên chín tầng mây, cùng ta phiêu bồng trong những trường liên tưởng phong phú và vô tận.
Ông sáng tạo không ít cấu trúc so sánh rất lạ, rất sâu mà không dễ gì nắm bắt ý tình nhưng lại dễ bị chìm đắm vào cõi mênh mang. Thật khó phát hiện thuộc tính liên quan giữa hai yếu tố được đem ra so sánh.
Xin ngó lại bàn chân em bước
Vì em đi vào lúc gió đương bay
Năm ngón nhỏ như sương đầm lá ướt
Em đưa tay anh vói bắt chừng này
(Màu xuân, Mưa nguồn)
Nếu “nhỏ” là tính chất chung của “năm ngón” và “sương đầm lá ướt” thì chỉ gợi hình ảnh cụ thể. Còn nếu cho rằng cấu trúc ấy ẩn đi yếu tố chuẩn thì so sánh trở nên trừu tượng hơn nhiều. Đọc câu thơ, ta vận dụng cả thị giác lẫn xúc giác để cảm nhận sự nõn nà, mát mịn của năm ngón nhỏ xinh như được chạm vào chiếc lá đầm sương trong buổi sớm. .
So sánh của thơ ông càng đem lại bao bất ngờ, hứng thú, càng hấp dẫn, thu hút khi cách ví von hoàn toàn mới, chưa thấy xuất hiện bao giờ.
Tình yêu như tiếng thở dài
Liên miên phản đối tình hoài lang thang
(Nghìn năm, Rớt hột phiêu bồng)
Câu sáu chữ nhắc ngay lời nhạc Trịnh nổi tiếng “Trăm năm như tiếng thở dài”. Thật ngẫu nhiên hai tâm hồn tài hoa cùng chung thế kỉ đã gặp nhau trong một phép tu từ. Nhưng đem khái niệm tình yêu so sánh với tiếng thở dài thì duy nhất chỉ là Bùi Giáng. Phải chăng tình yêu cần thiết như tiếng thở hay tình yêu êm nhẹ như tiếng đánh phào? Câu thơ ngắn mà sức sống diệu kì vì với từng độc giả nó tồn tại một sinh mệnh riêng. Trước và sau Bùi Giáng mấy ai có thể viết được những vần thơ khiến người đọc phải day dứt, trở trăn, nghĩ suy như thế?
So sánh thường xảy ra ở các đối tượng mang nét tương đồng nhưng ông lại so sánh cả những đối tượng hoàn toàn tương phản. Cấu trúc lạ tạo ngay chú ý như hàm chứa bài học triết lí nhân sinh: “Tôi gọi sống là vui như chết” (Lần đi châu chấu, Màu hoa trên ngàn), “Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết” (Anh chịu chơi sẽ chết, Rớt hột phiêu bồng), “Nghìn thu như một sát na dậy thì” (Hoàng hôn dậy thì, Mùa màng tháng Tư)...
Tuy nhiên, có những so sánh mãi là ẩn ngữ mà ai bước vào cũng như đang đứng giữa “mù xa vời vợi”, giữa “lồ lộ sương mai”. Lòng ta có thể cảm mà trí ta hoàn toàn bất lực không tài nào lí giải vì so sánh quá lạ lùng.
Hôn nhau như thể ruộng đồng hôn nhau
(Vĩnh ly và tái họp, Mùa màng tháng Tư)
Mừng là mừng như mía mưng là mía
(Buồn thăm viếng núi, Ngàn thu rớt hột)
Bùi Giáng còn tạo ra kiểu “câu thơ mở” bởi vì yếu tố ngôn ngữ kết thúc chưa thể hiện hết ý thơ. Cứ ngỡ ông đang chơi trò ú tim, nghịch ngợm giấu mất mấy chữ cuối cùng để tất tả chạy đi tìm. Và những bài thơ có dạng câu kết ấy đã trở nên không bao giờ kết.
Để bốn bên thiên hạ ngó em vì...
(Biểu tượng sơ nguyên, Mưa nguồn)
Màu thanh thiên của...
(Màu thanh thiên mở, Mưa nguồn)
Xuống thùy dương và thùy liễu thông và...”
(Từ nay, Lá hoa cồn)
Các quan hệ từ “vì, của, và” kèm theo dấu ba chấm cứ lửng lơ, không biết bám víu vào đâu. Ta bỗng thấy hụt hẫng, chưng hửng vì bị bỏ rơi giữa đường thơ mờ mịt lối, vội lục lọi mớ chữ bòng bong của mình cố gắng đổ đầy mấy chữ trong thơ.
Giờ đứng lại là bây giờ rất lạ
Là bao giờ từ buổi lạc tin hoa
Nhầm bóng nguyệt là sầu đau khôn tả
Phút trùng lai là ngó vội nhau và...
(Thưa, Mưa nguồn)
Phải chăng đằng sau từ “và” là“rơi lệ” với niềm xúc động trong phút giây tái ngộ? Hay là “quay đi” rồi vội vã lìa xa? Tùy theo khả năng cảm thụ mà ý ở mỗi người sẽ khác. Ta đã cùng ông lang thang, rong chơi cuộc đùa vui chữ nghĩa từ lúc nào không biết nữa.
Đôi lời tưởng niệm
Hành trình Vân Mồng thi sĩ đã đi dù nay vắng bóng người xưa nhưng dư âm tiếng thơ còn vang mãi.
“Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng”
(Phụng hiến, Mưa nguồn)
Bằng cả túi càn khôn ngôn ngữ, Bùi Giáng đã tạo dựng một trời thơ rộng mở, một biển thơ nghìn trùng không có đường biên, không thể đi tận cùng đích đến. Tiếng Việt nhờ có thơ ông mà thỏa sức vẫy vùng, thể hiện hết khả năng kì diệu, vượt ra ngoài ranh giới hữu hạn của thi ca. Hơn 22 năm qua và nhiều cái 22 năm khác nữa, Bùi Giáng trong cõi người ta đã và sẽ từng ngày tái sinh qua những phần di cảo, những trước tác được tái bản đều đặn với thời gian. Đó phải là cuộc tái sinh tưng bừng, rộn rã tiếng cười, tràn ngập niềm vui - “một vĩ đại vui”.
Hôm nay xin được góp nhặt lời quê thành dòng niệm tưởng thi nhân của châu chấu chuồn chuồn.
Hai hai năm ấy có là bao
Cát bụi trần ai phủi phủi nào
Ngàn thu cồn lá dù rớt hột
Muôn nẻo tồn sinh vẫy vẫy chào.
tin tức liên quan
Videos
Thành phố Vinh: Đa dạng các hoạt động văn hóa, du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114558967

2285

2280

2285

226510

122920

114558967