Từ rất lâu rồi, bộ máy chính quyền ở các nước Đông Á (trong đó có Việt Nam) là một vấn đề nhiêu khê, phức tạp. Trên thực tế, luôn luôn tồn tại tình trạng “quyền lực kép”: Trung ương chỉ điều hành những nguyên lý vĩ mô như sự ổn định, thuế, nhân lực. Phần còn lại, hầu như chính quyền trung ương “khoán trắng” cho các địa phương tự điều hành. Nguyên tắc này sở dĩ tồn tại lâu dài và hiệu quả là nhờ cơ cấu dòng họ trong các làng quê xưa. Đã từng có câu chuyện dân gian rằng họ Phan mời ban nhạc về chơi toàn thanh la, não bạt để gõ “pheng, pheng...”; còn họ Trần đáp lại bằng tiếng trống “trần, trần, trần...”. Nói như thế để thấy vai trò dòng họ có vị trí cực kỳ quan trọng trong nông thôn nước ta.
Nếu bầu CTX trực tiếp, nhất thiết phải tính đến yếu tố này. Giả sử dòng họ A có số cử tri vượt quá đa số tương đối (51%) thì gần như chắc chắn dòng họ này sẽ thành công trong việc giữ vai trò điều hành xã ở chức vụ cao nhất. Đây sẽ là một điều nan giải khi quy định tiếp theo cho rằng muốn bãi miễn chức vị CTX, phải có đến 2.000 hay 3.000 phiếu cử tri đề nghị trực tiếp (quy định là 1/3 cử tri). Ở nông thôn mà tập hợp được từng ấy đơn là chuyện viễn tưởng. Đó là chưa nói nếu một dòng họ lấn át hoàn toàn thì giải quyết ra sao? Tại sao không đề ra một quy chế theo đó có thể bầu trực tiếp chức CTX theo nguyên tắc đại cử tri của từng thôn? Trong một thôn có nhiều dòng họ (với điều kiện có ảnh hưởng lớn như có nhà thờ họ, số lượng người trong họ...) thì mỗi thôn được quyền cử ra một số lượng đại biểu nhất định để bầu chức danh CTX. Nên lưu ý rằng rất nhiều thôn xã ở bắc bộ và bắc trung bộ, vai trò của dòng họ trong thôn là rất lớn.
Điều tiếp theo cần phải nghiên cứu kỹ là CTX sẽ có quyền hạn như thế nào? Nên mạnh dạn giao quyền hạn lớn cho CTX - kể cả quyền bãi chức các thành viên trong uỷ ban. Làm như thế sẽ buộc CTX phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân đúng như yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đừng lo CTX lộng quyền. Các chính quyền cấp cao mới dễ lộng quyền, còn ở cấp thấp, nếu tổ chức cơ chế giám sát tốt thì sự lộng quyền khó có đất để lộng hành. Chẳng hạn, một uỷ ban giám sát gồm những người ưu tú nhất của địa phương có quyền quyết định vị CTX đó có xứng đáng hay không! Tại sao nhiều nước trên thế giới áp dụng được cơ chế này mà ta lại không?
Từ thời cổ đại, khi nhà nước Athènes (Hy Lạp, thế kỷ VI tr. CN) thành lập, việc đầu tiên là triệt tiêu vị thế của dòng họ - “ đối thủ nguy hiểm nhất của mọi nhà nước”. Nền văn minh phương Đông, trong đó có Việt Nam, ít quan tâm đến “vấn đề” này. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy yếu vai trò của nhà nước ở cấp cơ sở - nguyên nhân quan trọng nhất làm cho phương Đông phát triển chậm chạp, trì trệ. CTX phải là người đại biểu ưu tú nhất của địa phương. Nếu “dòng họ”, tức là cội nguồn nguy hiểm nhất của chủ nghĩa bè phái, cục bộ; không còn đất để dụng võ thì bộ máy chính quyền mới minh bạch và hiệu quả. Đó cũng là nguyên tắc đầu tiên của một nhà nước dân chủ không thể dung dưỡng cơ chế “quyền lực kép”.