Nhìn ra thế giới

Phi tập trung hóa với cải cách giáo dục ở Siberi và vùng Viễn Đông nước Nga

Lời dẫn:Đây là bài nghiên cứu rất quan trọng của Tadashi Endo, GS trường đại học Utsunomia (Nhật Bản), chuyên gia so sánh giáo dục, sư phạm và phát triển chương trình. Ông đã đến thăm và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Lêningrat vào năm 1986-1987 và khoa giáo dục, Đại học tổng hợp Matxcơva năm 1996. Bài này được in trong cuốn sách: So sánh giáo dục : sự tiếp nối truyền thống, những thách thức mới và các mô hình mới ( Educational comparative: continuing traditions, new challenges, and new paradigms) do Mark Bray biên soạn - NXB Kluwer Academic 2003.

Dưới đây là phần đầu của bài viết, tác giả giới thiệu tổng quan về cuộc cải cách GD của chính quyền liên bang Nga. Phần sau đi sâu mô tả và phân tích hiện trạng cũng như bài toán GD của Irkutsk và Khabarovsk như là những đại diện tiêu biểu cho miền Đông Siberi và vùng Viễn Đông nước Nga.
Đỗ Ngọc Thống
*
Giáo dục ở Liên bang Nga đã có sự cải cách mạnh mẽ nhằm mở rộng tinh thần chịu trách nhiệm của các chính quyền địa phương và nhà trường trên các lĩnh vực tài chính, chương trình, việc thành lập và lựa chọn nhà trường. Hệ thống giáo dục (GD) mới rất khác so với thời Xô-viết, thời mà mục đích GD cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng một đất nước cộng sản. Phi tập trung hóa như là một nét đặc trưng cơ bản của cuộc cải cách giáo dục (CCGD). Cùng với sự hỗn loạn của nền kinh tế dưới thời nước Nga mới đã bùng lên xu hướng tư nhân hóa mạnh mẽ những trường công với việc trả tiền các dịch vụ, nguồn tài chính trợ giúp từ các bậc phụ huynh. Sự phân hóa thứ bậc đã bắt đầu xuất hiện rõ rệt ở khu vực thành phố.
Xuyên suốt quá trình toàn cầu hóa, một thể chế chính trị và bối cảnh văn hóa mới đã xuất hiện nhờ sức mạnh kinh tế. Các nhà lí luận toàn cầu hóa nhận xét rằng việc điều hành hệ thống xã hội phụ thuộc bởi các tổ chức xuyên quốc gia và sức mạnh của thị trường. Họ cho rằng chính quyền các bang đã mất vai trò điều hành và hệ thống GD đã mất hết ý nghĩa đích thực của nó. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi nữa, như Green (1997) đã nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo quốc
gia vẫn nhìn GD như là một cỗ xe quan trọng đối với sự phát triển của cả kinh tế và xã hội.
Ở nước Nga, CCGD diễn ra như là sự cải tổ (Perestroika), cấu trúc lại vào cuối kỷ nguyên Xô-viết, đã làm thay đổi trình độ GD cơ bản, mở rộng GD bắt buộc ( compulsory shooling) từ 9 năm lên 11 năm; phi tập trung hóa việc quản lí và điều hành hầu hết các chương trình học tập, thực hiện dân chủ trong quản lí nhà trường. Cuộc cải cách cũng chịu ảnh hưởng của tiến trình toàn cầu hóa. Mười năm sau khi thành lập nước Nga như một nhà nước độc lập, phi tập trung hóa đã được mở rộng nhưng vẫn trong một mô hình phức tạp.
Bài báo này được gợi mở từ kết quả của một nhóm nghiên cứu mà tiêu điểm là GD nước Nga và Liên bang xô viết cũ (USSR). Công trình có tên Đội ngũ nghiên cứu khoa học GD ở nước Nga và liên bang Xô viết, viết tắt là NIKORS[2], đã nghiên cứu về GD các vùng miền từ giữa những năm 1970 với sự hướng dẫn của Satoshi Kawanobe[3]. Tuy Nhật Bản là láng giềng của Siberi và vùng Viễn Đông nước Nga và công dân các đô thị lân cận vẫn trao đổi, lại qua trong suốt những năm 1990 đến 1999[4], nhưng Nhật Bản vẫn thiếu một sự hiểu biết đầy đủ về hoàn cảnh trong các vùng cư dân Nga, đặc biệt là về GD và văn hóa. Điều này chủ yếu là do Nhật Bản chỉ nghiên cứu về GD Nga trong khuôn khổ của Liên Xô cũ và nước Nga cho đến nay, mà trọng tâm là dựa vào các công trình của chính quyền trung ương và tin tưởng vào những chính sách cũng như bộ Luật đã xuất bản ở Matxcơva. Mãi đến giữa những năm 90 trở đi các chuyên gia Nhật Bản về GD Nga mới bắt đầu đảm nhận việc nghiên cứu các vùng địa phương. Một số công trình nghiên cứu bao gồm cả những bài báo như đã nêu, đặc biệt chú trọng tới “bài toán” của các dân tộc thiểu số ngoài Nga.
Vào năm 1999, tác giả và các cộng sự NIKORS đã tập trung nghiên cứu về vùng Sakhalin, Vladivostok, Irkutsk, Khabarovsk. Năm tiếp theo tập trung nghiên cứu sâu về Irkutsk và Khabarovsk như là những đại diện tiêu biểu cho miền Đông Siberi và vùng Viễn Đông Nga. Irkutsk là thành phố thủ đô của Irkutsk Oblast, là thành phố trung tâm của vùng Đông Siberia; còn Khabarovsk là thành phố thủ đô của Khabarovsk Krai, là thành phố trung tâm của vùng Viễn Đông. Các thông tin và số liệu đã được tập hợp thông qua các cuộc viếng thăm và phỏng vấn các cơ quan giáo dục, nhà trẻ, trường tiểu học, trường trung học, các trường Cao đẳng- Đại học và cả những cơ sở ngoài nhà trường.
Bài báo này khảo sát về bản chất và sự liên quan của phi tập trung hóa
nước Nga, đặc biệt dành sự chú ý tới những giải pháp cho các dân tộc ít người ngoài Nga, những hướng dẫn cho các vùng xa xôi hẻo lánh trong suốt một thập kỉ đầu sau ngày chế độ Xô-viết sụp đổ. Phần đầu giới thiệu tổng quan về cuộc cải cách GD của chính quyền liên bang Nga, phần sau đi sâu vào mô tả và phân tích hiện trạng cũng như bài toán GD của vùng Irkutsk và Khabarovsk trong sự so sánh phối cảnh.
Cũng như Bray và Thomas (1995) quan sát, phân tích và so sánh GD cần quan tâm tới nhiều cấp độ vùng miền khác nhau. Có 07 cấp độ cần chú ý nhận biết sau đây: Châu lục- Quốc gia- Các bang/tỉnh- Huyện- Trường- Lớp và Cá nhân. Bài báo này quan tâm đến cấp độ thứ ba, đó là cấp độ Bang/Tỉnh. Đây là trung tâm các hoạt động tiêu biểu cho cấp độ này trong bối cảnh khuôn khổ của Cộng hòa liên bang Nga.
Nhìn lại cuộc Cải cách giáo dục ở Liên bang Nga
Bối cảnh và tình huống của cuộc cải cách
Bao quanh các chiều kích đa dạng của cuộc cải cách GD ở nước Nga suốt những năm 90 có nhiều nguyên do xuất phát từ tiến trình cải tổ ( Perestroika) các chính sách dưới thời chính quyền của Mikhail Gorbachev. Những chính sách này được khởi đầu từ giữa những năm 80, trước khi Liên xô sụp đổ.
Bởi vì mục tiêu chính của GD thời Xô-viết là phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng chủ nghĩa cộng sản; GD phải phù hợp với các nguyên tắc của chủ nghĩa Marxism- Leninnism; chịu sự quản lí của một trung tâm GD và đóng kín trong nội bộ của Đảng cộng sản. Với cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng vào năm 1980, nó đã chứng tỏ một cách rõ ràng rằng GD trong thời chính quyền Xô-viết không bắt kịp với những biến đổi của xã hội. Một hệ thống GD khép kín trong vòng kìm tỏa của Đảng cộng sản và tập trung hóa (centralisation). Sự “đồng phục”và cứng nhắc ( uniformity and inilexibility) của hệ thống GD đã trở thành đặc trưng như là một vấn đề nổi cộm. Vào năm 1988 trong cuộc họp toàn thể của Đảng cộng sản Liên xô, xuất hiện rất nhiều các cụm từ như “dân chủ hóa” nhân đạo hóa”,“ nhân bản”,“Đa dạng hóa”,“ phát triển cá tính”,“ sáng tạo hệ thống GD suốt đời”... Đó chính là cơ sở cho chính sách cải tổ và định hướng CCGD của nước Nga.
Những đường hướng cơ bản của cuộc cải cách được miêu tả trong bản dự thảo Luật cơ bản về giáo dục công ( Basic Law on Public Education) năm 1990. Bản dự thảo nhấn mạnh những nguyên tắc GD cần dựa trên tư tưởng dân chủ và chủ nghĩa nhân đạo hơn là dựa trên tư tưởng của chủ nghĩa Marxism-Leninism và các quy tắc của chủ nghĩa cộng sản. Bản dự thảo không được “nuôi dưỡng” tiếp bởi Liên bang Xô-viết đã sụp đổ vào năm 1991, nhưng những khái niệm chính của nó đã được phát triển trong chính sách GD của nước Nga mới.
Định hướng cơ bản của cuộc cải cách
CCGD ở Liên bang Nga chối bỏ chủ nghĩa xã hội và bắt đầu kiến tạo hệ thống GD mới phù hợp với mục đích xây dựng một xã hội dân chủ có nền kinh tế thị trường kiểu Tây- Âu. Mục tiêu của cuộc CCGD là hướng đến tất cả sự cần thiết của cá nhân mỗi con người và nhóm người thông qua nguyên tắc phi tập trung hóa, phá bỏ quy tắc và tôn trọng cá biệt hóa.
Liên quan đến phi tập trung hóa về quản lí GD, cần phải thấy trong suốt chế độ GD Soviet, các quy tắc được ghi trong luật và sắc lệnh có hiệu lực đến tất cả mọi tầng bậc trong nước cộng hòa từ cấp đứng đầu như các bang đến các vùng lãnh thổ, thành phố, quận huyện...lần lượt đến các bậc nhỏ hơn. Chính quyền địa phương mong chờ thực hiện chính sách GD của cấp trên và phụ thuộc vào các quyết sách của chính quyền Xô-viết có sự chiếu cố tới điều kiện phù hợp với địa phương. Tuy vậy, từ khi các chính quyền địa phương cắt đứt quan hệ với tổ chức cộng sản địa phương mà đứng đầu là Đảng cộng sản Liên xô, và như thế sự tuân thủ trung thành với chính sách giáo dục của chính quyền Xô-viết và ủy ban trung ương Đảng cộng sản Liên xô cũng không còn, họ không thể đáp ứng cho người dân bản địa những nhu cầu về giáo dục trong hoàn cảnh tài chính địa phương.
Sự cứng nhắc và gò bó theo kiểu “đồng phục” đã bị phê phán mạnh mẽ ở thời kỳ Cải tổ vào nửa sau thập kỉ 80 của thế kỉ trước và xu hướng khẳng định tiềm năng địa phương trở nên mạnh mẽ, vững chắc. Định hướng này đã được duy trì ở Liên bang Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Nó giúp thiết lập tính địa phương tự trị trong GD, một cấu trúc hành chính mới, như một bộ phận cấu thành của Liên bang.
Bản chất của hệ thống phi tập trung hóa đã được nêu lên trong Luật GD Liên bang năm 1992. Luật này đã giới hạn chức năng của chính quyền Liên bang trong việc hướng dẫn và phối hợp để duy trì sự thống nhất của hệ thống liên bang. Phi tập trung hóa bao gồm cả việc hủy bỏ chuẩn chương trình. Chuẩn dưới thời Xô-viết áp đặt những quy định không chỉ mục tiêu, kết quả cần đạt cho mỗi lớp, phương pháp dạy học mà còn cả giáo án và nhiều điều khoản chi tiết khác nữa. Tất cả các nhà trường trong toàn quốc phải hướng dẫn giáo án theo một chuẩn cứng nhắc. Trong hệ thống mới, chuẩn chương trình Liên bang dành cho bậc giáo dục tiểu học và trung học rất đơn giản, chính quyền và nhà trường địa phương có thể nêu thêm nhiều phạm vi, mức độ nhằm xác định rõ nội dung các môn học nhà trường.
Luật GD Liên bang đòi hỏi chính quyền Liên bang Nga xây dựng một chuẩn CT quốc gia và chuẩn cho GD bắt buộc ( từ lớp 1 đến lớp 9) và phải được Hạ viện Nga (Viện Duma) thông qua. Tuy nhiên cho đến khoảng cuối những năm 90 Chuẩn quốc gia vẫn chưa được hình thành như Luật định. Chỉ có Kế hoạch môn học cơ bản ( Basic Subject Plan) và Chương trình chuẩn ( Standard Program) được ban hành như là Sắc lệnh của Bộ trưởng. Vì thế số phận luật về chuẩn vẫn là một câu hỏi và các nhà trường vẫn trong tình trạng hỗn loạn.
Chính quyền Liên bang khuyến khích sự gia tăng số lượng những nhà trường có khả năng biên soạn chương trình cho chính họ. Đó là những trường chuyên biệt, trường trung học. Giới hạn về sự phân hóa trong GD tiểu học và trung học được nâng lên cho phù hợp với yêu cầu của cá nhân và xã hội.
Các trường “đặc biệt” bậc tiểu học và trung học được giúp đỡ về GD chuyên sâu trong các môn học như khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, thể dục và nghệ thuật ngay từ khi mới thành lập năm 1958. Ban đầu các trường này nhằm mục đích làm giàu tri thức cho các HS giỏi trong một số lĩnh vực đặc biệt, nhưng khi có quyết định gia tăng số lượng nhà trường trong thời kì Cải tổ, định hướng này đã được đổi thành: nhà trường khuyến khích phát triển các đặc điểm nổi trội của cá nhân (cá tính) bằng việc đáp ứng các hứng thú của mỗi HS. Những nhà trường kiểu này gia tăng nhanh chóng, nhất là khu vực đô thị; kiểu nhà trường đặc biệt mang tên trường trung học thành lập vào năm 1989. Chính quyền Xô-viết đã chuyển đổi địa vị của các trường trung học công hiện hành như là cuộc thí nghiệm và miễn là có chuẩn giáo dục cao hơn những trường bình thường, đặc biệt với mục đích chuẩn bị vào đại học. Phần lớn các trường này có mối quan hệ với các trường đại học và được cung cấp các bài giảng của các GS từ các đại học liên kết này. Họ cũng có thể giúp HS chuyển thẳng vào các đại học liên kết không phải thông qua thi cử.
Trong năm 2000, nước Nga đã vướt quá con số 1000 trường Gymnasiums và 700 trường Lycée[5] với khoảng 2,6 % tổng số HS các trường Trung học phổ thông. Số HS tốt nghiệp khoảng 6,3 % ( 840.000 HS Gymnasiums và 493.000 HS Lycée). Hai loại trường này trở nên được ưa chuộng hơn, người ta thấy đây như là giải pháp giúp cho việc tạo ra tầng lớp tiên tiến và phát triển kinh tế thị trường. Dù sao, kể từ khi không có luật chính quy thì số năm và điều kiện giáo dục cho nhà trường, chương trình và khả năng học tập đã đa dạng. Năm 2001 chính quyền Liên bang Nga đã đề xuất văn kiện về Viện giáo dục chính quy tiêu biểu với định nghĩa rõ ràng về trường Gymnasium, trường Lycee và trường chuyên biệt. Để phù hợp với nguyên tắc văn hóa tự trị chính quyền đã công bố quyền học tập bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số; cũng trong thời gian này khái niệm sự cần thiết của GD đặc biệt đã được mở rộng, trẻ em chịu thiệt thòi từ việc học thiếu hệ thống được bù đắp. Như thế, CCGD đã nâng cao tính phân hóa bằng nhiều cách thức đa dạng.
Tuy nhiên, những vấn đề lớn lao mà xã hội phải đương đầu lại đến từ tình trạng tài chính khốc liệt, sự đau đớn của chính trị và việc chuyển đổi nền kinh tế. Điều đó ảnh hưởng mạnh đến sự chậm trễ trong việc trả lương cho GV, tình trạng thiếu SGK và các tư liệu dạy học khác. Phần lớn chi tiêu của GD nhờ vào chính quyền sở tại, vì thế đã xuất hiện vấn đề nan giải về nguồn tài chính địa phương ở nhiều nơi như Đông Siberi và vùng Viễn đông nước Nga. Đó chính là những cản trở lớn của cuộc cải cách. Chính vì thế để hiểu đúng quá trình CCGD ở nước Nga cần thiết phải hiểu hệ thống tài chính của Liên bang và mức độ ở
các địa phương.
Một đặc điểm quan trọng khác đó là sự hồi phục mạnh mẽ của các trường Cao đẳng và Đại học. Từ những năm 1990, số lượng sinh viên của các trường Cao đẳng và Đại học đã gia tăng vì nhiều trường được phép liên hệ trực tiếp với giới thương gia. Tuy vậy suốt nửa sau những năm 90, nhiều trường đã phải tổ chức lại để đương đầu với kinh tế thị trường và trở nên phổ cập hơn. Kết quả là số lượng sinh viên ĐH lại càng tăng nhanh hơn.
Số lượng các trường ĐH tư thục và sinh viên trong các trường này cũng tăng rất mạnh trong suốt những năm 90. Đặc biệt là số sinh viên trường tư thục chọn được các khóa học rất phù hợp ở những trường này. Tuy vậy, do số lượng các trường tư thục ra đời tăng nhanh nên liệu tương lai của loại trường này có được tươi sáng mãi? Sự đua tranh để giành giật các sinh viên mới có thể trở nên quyết liệt hơn và chắc chắn một số đại học sẽ sụp đổ.
 
 
Hà Nội, 10/3/2010 
Đỗ Ngọc Thống dịch từ tài liệu đã dẫn ( trang 1)
 
 
 
 
 
 
 
 
 


[1] Nguyên văn: Decentralisation and educational reform in Siberia and the Russian Far East- books. google. com.vn/books
 
[2] Tên bài báo phiên âm tiếng Nga: Nauchino-Issredovatelyskii Kollectiv po Obrazovaniyu v Rossii i SSSR
[3] Ngoài chuyên luận và các bài nghiên cứu của mỗi thành viên, NIKORS còn cộng tác xuất bản nhiều công trình ở Nhật bản như: Endo.ed.2000 “Nghiên cứu tổng hợp về chính sách, thể chế và hành động GD, văn hóa ở vùng viễn Đông nước nga và khu vực Baikal: báo cáo giữa kỳ, Đại học tổng hợp Utsunomya- Tokyo; Endo.T. and Iwasaki. S.eds. 1996 “Tham khảo về GD ở Nga: các vấn đề và viễn cảnh; Shindokusho- sha Kawanobe. S.ed.1990 “ Điều kiện hiện tại và các vấn đề của CCGD bậc cao ở Liên bang Xô viết (USSR). Viện nghiên cứu GD Nhật Bản –Tokyo ....
[4] Điều quan trong là các vùng này có thể lớn lên rất nhanh trong lòng nước Nga như một chính quyền công cụ của Chương trình phát triển lâu dài vùng Viễn Đông và các vùng xuyên Baikal.
[5] Gymnassium là trường THPT theo kiểu Đức, còn Lycée là trường THPT theo kiểu Pháp.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511884

Hôm nay

2210

Hôm qua

2337

Tuần này

22258

Tháng này

218757

Tháng qua

121356

Tất cả

114511884