Diễn đàn

Vì tương lai của thế hệ trẻ: Xin Bộ trưởng hãy tăng thêm tiền bồi dưỡng chấm thi!

Ngày hôm nay (14.7.2010), các địa điểm chấm thi đại học trên cả nước bắt đầu thực hiện việc chấm thi. Số phận của hàng vạn con người trẻ tuổi đang phụ thuộc – trông mong vào sự công tâm, trách nhiệm của các thầy cô giáo… Việc chấm thi là công việc cực nhọc, căng thẳng. Vì vậy, rất mong ông Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có những biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng chấm thi…

 
Theo quy định năm ngoái, mỗi bài thi được Bộ chi trả 6.000 đồng. Số tiền trên được trả cho 2 cán bộ chấm thi cùng 10% số bài chấm phúc tra và trích phần trăm cho tổ thư ký, trưởng và phó Ban chấm thi. Nói cách khác, sau khi trừ các chi phí, mỗi cán bộ chỉ thực nhận 2.000 đồng mỗi bài thi.
Trung bình một bài thi khối C dài từ 5 – 7 trang (số những bài này chiếm khoảng 80% của một túi bài thi = 30 bài). Để đọc và so sánh với đáp án, cho điểm từng phần vào lề, mỗi trang phải mất 5 phút. Đó là chưa nói chuyện rất nhiều thí sinh chữ xấu, khó đọc thì thời gian còn tốn nhiều hơn. Tổng thời gian một ngày chấm là 8 tiếng, trừ đi một tiếng giải lao, sự vụ, ký nhận, đếm lại bài còn 7 tiếng. Vậy, nếu chấm đúng thì mỗi ngày mỗi giáo viên chỉ chấm được khoảng 80 bài. Thế nhưng đó là chuyện chấm của mấy ngày đầu tiên. Từ ngày thứ 3 trở đi, 2 cán bộ phải dò điểm, đối chiếu, nếu lệch nhau phải chấm vòng 3, rồi vào điểm – trung bình mất 1/3 tổng thời gian mỗi ngày. Quỹ thời gian chỉ còn lại 5 tiếng đồng hồ - có nghĩa là thời gian thực chấm chỉ chấm được 60 bài mỗi ngày nữa mà thôi! Bên cạnh đó cũng phải nhấn mạnh rằng 2/3 cán bộ chấm thi chấm rất chậm vì họ không nắm vững đáp án, đọc chậm. Chẳng hạn, chấm thi lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới hiện đại nhưng thực ra chỉ có 20% cán bộ có chuyên môn đó, còn lại là dạy khảo cổ học, dân tộc học…
Nếu mỗi ngày làm việc căng thẳng, trách nhiệm cao mà thu nhập chỉ xấp xỉ bằng tiền công lao động giản đơn thì rõ ràng là bất công. Để “tự mình” thay Bộ, thay Trường “giải quyết” bất công đó thì chỉ còn cách chấm nhanh, chấm ẩu để tăng thu nhập mà thôi. Thực tế cho thấy ở không ít trường chỉ chấm 1 vòng và cán bộ chấm lần một sẽ có ký hiệu cho cán bộ chấm lần 2 mặc nhiên cho điểm. Đây là lý do giải thích vì sao có một số trường có thí sinh cao gấp đôi, gấp ba trong khi số lượng cán bộ chấm thi gần như nhau lại hoàn thành trong quỹ thời gian giống nhau.
Một đặc thù của khối C mà lâu nay những người có trách nhiệm không thèm bận tâm là phải tìm ý, tìm nghĩa từng câu chữ để người chấm sắp xếp lại mới có điểm. Thử hỏi, trong cái nóng 40 độ C, tiền bồi dưỡng bọt bèo, ai hơi đâu đi tìm ý, tìm nghĩa để cho thí sinh đỡ thiệt thòi? Có không ít trường hợp cười ra nước mắt khi cùng một bài thi, một cán bộ cho 3 điểm, cán bộ kia cho 7 điểm(!) Sự chênh lệch trong điểm thi khối C – mà chúng tôi hay dùng cụm từ “ma ma, phật phật” là rất lớn. Sự sai số đó còn cao hơn nữa khi một số giáo viên “nỗ lực tăng năng suất” để tăng thu nhập – được lãnh đạo bật đèn xanh bằng cách làm ngơ, thành ra mỗi năm, có hàng ngàn thí sinh đỗ - trượt – đỗ một cách oái oăm…
Đây là một nỗi đau nhiều năm rồi cứ lặp đi lặp lại trong khi chúng ta biết rõ ràng rằng chỉ cần 0,5 điểm đúng hoặc sai thôi sẽ làm thay đổi số phận của một con người một năm; thậm chí là nhiều năm. Chính vì thế, tôi viết bài này như một tâm thư để kính đề nghị Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT một số điểm sau:
1. Tăng thêm bồi dưỡng cho giáo viên kèm theo các chế tài về trách nhiệm.
2. Ban hành gấp quy định không cho phép giáo viên chấm quá nhanh. Chẳng hạn, mỗi ngày không được chấm quá 100 bài thi.
3. Cần có những phép “thử”. Chẳng hạn, nếu những bài có điểm quá cao hay quá thấp nên cho chấm lại = chính người đã chấm bài đó một cách bí mật thì sự thật sẽ rõ ràng ngay.
4. Có một sự mặc định bất thành văn là những bài dài, khó đọc thì người chấm cho điểm “an toàn” – tức 4 – 4,5 điểm. Chính những bài thi có khoảng điểm này là những bài phải chịu nhiều oan gia (hoặc “may mắn”) nhất.
5. Cần loại bỏ tình trạng thanh tra hình thức. Hết đoàn này đến đoàn khác về đi đi lại lại một vòng rồi ra nhà hàng, ra biểm…; vừa tốn thì giờ tiếp đón, tốn tiền dân vừa làm căng thẳng thêm những người chấm thi.
Trên đây là một số điều tôi mạnh dạn nói ra từ cái trăn trở có tự lâu rồi trong suy nghĩ của tôi, rất mong ông Bộ trưởng nghiên cứu. Mong muốn rằng các thầy giáo, cô giáo hãy làm hết trách nhiệm của mình vì sự sai – đúng trong khi chấm thi đại học liên quan đến sự công bằng, tính nhân văn và trên hết, là số phận của con người…
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511089

Hôm nay

288

Hôm qua

2359

Tuần này

21463

Tháng này

217962

Tháng qua

121356

Tất cả

114511089