Nhìn ra thế giới

Trở lại nước Nga sau 16 năm

 
Kể từ năm 1994, tính đến nay đã qua 16 năm, tôi mới có dịp trở lại thăm nước Nga. Lần trước đến nước Nga với tư cách cộng tác viên Tạp chí Đất nước (Cơ quan của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga), rồi viết bài ký Ốp Búa Liềm Mới – trận cuồng phong vi phạm quyền con người in báo Tiền phong, rồi tham gia viết bài trên Tạp chí Người bạn đường (Tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, đến nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển), rồi in tập sách mỏng Nguyễn Gia Thiều – điển tích, tư liệu và chuyện đời, rồi tham gia tuyển chọn, viết lời cuối sách cho tập truyện ngắn Bi kịch khỉ

Lần này sang nước Nga với tư cách thành viên trong đoàn cán bộ Viện Văn học (cùng nhà văn, PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng và dịch giả, PGS. TS. Đào Tuấn Ảnh, nghiên cứu viên chính phòng Văn học So sánh) đi tham dự Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Đại văn hào Lev Tolstoi và trao đổi kế hoạch hợp tác tại Viện Văn học Thế giới mang tên M. Gorki theo chế độ trao đổi tương đương giữa Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Khoa học xã hội Việt Nam kể từ ngày 8/5/2010 đến ngày 19/5/2010.

Ngay khi lên máy bay, chúng tôi nghe nói được đi cùng chuyến với đoàn lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta sang dự lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát Đức. Thảo nào thấy lối lên cầu thang phía trên có trải thảm đỏ. Nghe nói các đoàn đi thế này sẽ tiết kiệm kinh phí rất nhiều so với sử dụng chuyên cơ.
Máy bay cất cánh. Hành trình bay dài hơn 9 giờ đồng hồ nên có đến hai bữa ăn chính. Tôi thấy nhiều người còn gọi thêm bát mì tôm miễn phí. Thời tiết đẹp. Tiếng động cơ vo vo êm đềm ru người vào giấc ngủ. Bay được chừng bảy, tám giờ đồng hồ bỗng nghe phía sau có tiếng ồn ào. Mọi người kháo nhau có người đẹp nào đó ngoắc tay tình tang với chàng doanh nghiệp nào đó. Họ kể rõ chàng có vợ đi theo, nàng có mẹ đi theo. Lại nghe nói người vợ kia chỉ xử lý nội bộ với anh chồng. Nhưng rồi mọi chuyện cũng được thu xếp ổn thỏa. Có ai đó nói: “Trên chuyến bay có cả Chủ tịch thành phố đấy”. Ai đó lại đế thêm: “Mẹ hắn còn chẳng sợ nữa là…”. Sau này về nước tôi mới có dịp đọc kỹ trên mạng. Chuyện tầm phào. Cũng chẳng biết mức độ thực hư thế nào.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Domodedovo chứ không phải sân bay Seremechevo như gần hai mươi năm về trước. Nghe nói đây là sân bay của tư nhân, được thiết kế hiện đại, có đường dẫn riêng từ sân bay về thủ đô Moscow. Việc làm thủ tục khá nhanh chóng, thuận lợi, chỉ mất chừng ba chục phút đã ra khỏi cửa hải quan. Có người bảo hôm nay là ngày đặc biệt đấy. Có lẽ thế thật. Bởi vì chúng tôi lên xe về đến khách sạn của Viện Hàn lâm lâu lắm rồi mới thấy phu quân chị Đào Tuấn Ảnh gọi điện báo tin ra đón trượt ở sân bay. Khi gặp lại, anh bảo: “Thông thường mọi ngày phải chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh mất đến hai tiếng. Hôm nay các vị thoát ra nhanh quá. Nhanh quá!”…
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra ga tầu điện ngầm. Ai cũng biết hệ thống tầu điện ngầm ở Moscow giữ vị trí tốt nhất thế giới, vừa đẹp vừa thuận lợi. Chỉ có điều giá cho mỗi lần vào ga bây giờ là 26 rúp (ngày xưa có 5 côpêch, nay đắt gấp 52 lần), tương đương khoảng 16 ngàn đồng tiền Việt Nam. Dù hành khách chỉ mua một lần đi cũng có chiếc vé dày như một tấm các kèm theo cả biên lai thu phí. Chỉ không hiểu họ đính theo tờ biên lai làm gì? Nhớ lại thời bao cấp, số tiền đi tầu điện ngầm cả tháng cũng không ai để ý, giá cả chỉ có ý nghĩa tượng trưng, rẻ gần như biếu không. Bây giờ theo cung cách quản lý mới, có đấu thầu, có hạch toán kinh tế, có chịu trách nhiệm… Giá vé tầu điện ngầm đã tăng gấp cả nửa trăm lần (cũng như tất cả các mặt hàng đều lên giá theo mặt bằng thị trường) nhưng hình như tất cả cũng đều tốt đẹp hơn lên, hợp lý hơn, hiệu quả hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, trực tiếp tái đầu tư, mở rộng các nhà ga và nối dài các tuyến ngầm, đóng góp vào ngân sách thành phố và góp phần xây dựng đất nước được nhiều hơn.
Hôm nay đúng ngày kỷ niệm 9/5, cả đoàn đến Quảng trường Chiến Thắng, đã được xây dựng vào khoảng giữa thập niên 70 thời Xô Viết. Hai bên đường có nhiều biểu ngữ, áp phích mang dòng chữ ngắn gọn “65 năm chiến thắng”, được in đẹp và đặt ở những vị trí trang trọng. Ngay khi ra khỏi ga tầu điện ngầm, chen giữa dòng người tấp nập, chúng tôi gặp cảnh cụ cựu chiến binh nắm tay cô cháu gái cùng đi về phía quảng trường. Trên ngực ông già đeo đầy huân huy chương. Cô cháu gái đi bên đỡ tay ông, vừa đi vừa ríu rít trò chuyện. Chúng tôi xin phép chụp ảnh hai ông cháu ngay giữa lối đi.
Trước khi vào quảng trường cần kiểm tra an ninh, cả người và vật dụng mang theo đều phải qua máy soi, gần như lên máy bay vậy. Khu quảng trường Chiến Thắng rộng rinh. Tượng đài trung tâm cao vút trên nền trời. Bên cạnh có cả một nhà thờ, tiếng chuông ngân nga vọng tưởng linh hồn những người đã quên mình vì nước. Tất cả rực rỡ một màu cờ hoa. Điều ngạc nhiên là trên gương mặt tất cả các cụ cựu chiến binh đều ánh lên niềm hãnh diện, tự hào, trên ngực ai nấy đều rực rỡ huân huy chương. Có từng tốp các cụ cựu chiến binh đi bên nhau. Có những cụ ông cụ bà nắm tay nhau. Có cụ chống gậy đi bên cháu nhỏ. Các cụ đi đến đâu cũng có người vây quanh tặng hoa, hỏi chuyện, xin chụp ảnh kỷ niệm. Có những đôi trai gái trẻ trung ôm cả bó hoa hồng tìm gặp và tặng hoa từng cụ. Có cả những cháu bé bốn năm tuổi cũng biết thành kính tặng hoa các cụ. Bao nhiêu các cô cậu lính trẻ, trong đó có rất nhiều thiếu sinh quân, cũng quyến luyến bên các cựu chiến binh. Nhìn cảnh tượng này, tôi cảm nhận được tinh thần yêu nước, niềm kính trọng quá khứ lịch sử đã chuyển thành máu thịt trong lòng người dân, với toàn thể nhân dân Nga, không phải chỉ là những nghi lễ hình thức, những lời phát biểu hô hào đại thể, chung chung.
Suốt trong ba ngày đầu ở Moscow, chúng tôi đi khắp nơi. Tất cả đã thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc nhưng không đến mức quá sức tưởng tượng. Đây không phải là sự phân hóa, tan rã, rối loạn mà chính là đang được sắp xếp lại, hướng tới ổn định, phát triển. Cái thời 16 năm trước tôi ở đây, nước Nga đang ở cận đáy của cuộc đổi thay. Nhưng đó là cuộc trở dạ tất yếu, có thể nói là quá mức êm đềm nếu so với bất cứ cuộc biến cải xã hội nào khác. Bây giờ là một xu thế không thể đảo ngược, cái xu thế có tiếp nối những giá trị tinh thần truyền thống Nga nhưng căn bản là đoạn tuyệt mô hình thể chế xã hội cũ, hướng đến dân chủ và phát triển.
Chúng tôi vào Bảo tàng Kremli. Giá vào cửa bây giờ là 350 rúp, tương đương khoảng trên 200 ngàn đồng tiền Việt. Khi qua cửa cũng phải săm soi, kiểm tra hành lý rất cẩn thận.
Sau gần hai mươi năm, đường phố đã thay đổi nhiều, sạch sẽ và tráng lệ hơn. Chúng tôi vào siêu thị thấy đủ các mặt hàng. Bây giờ hàng hóa ê hề, lại cám cảnh một thời người Việt đi lùng vét từng chiếc bàn là, từng chiếc nồi nhôm, từng cái quạt tai voi, từng cân len, từng ổ dây may so... Lại nhớ bài hát sẩm Hải ngoại huyết thư bộ mới do nhà thơ Nguyễn Duy đặt lời khi qua thăm nước Nga giữa những tháng ngày sôi động ấy: Ai về qua Mạc Tư Khoa/ Mà xem dân Việt Nam ta tung hoành/ Ra quân ào ạt các ngành/ Cà ri, bột nghệ, mành mành thủ công/ Bò mài, bò mốc, phao, phông/ Đồng hồ điện tử Hồng Công rẻ tiền/ Ki mô nô, xịt ti den/ Váy thêu, xi lip, xu chiêng, dầu cù là/ Thứ của Nhật, thứ của ta/ Phấn son của Thái, mùi xoa của Tầu/ Ni kông là hạng nhà giàu/ Con công là hạng lau nhau nghèo nàn/ Chuyên cơ là bọn đàng hoàng/ Trùm phe qua mặt hải quan cái vèo/ Chỉ thương cho chúng em nghèo/ Ngoại thương thúng mẹt lèo tèo khổ thân/ Nó soi, nó khám áo quần/ Nó sờ cái ngực, nó lần cái lưng/ Số giàu, giàu đến tửng tưng/ Phận nghèo, buôn mớ bán bưng, vẫn nghèo
Đến Moscow lần này, tôi cảm nhận đời sống người dân đã có sự thay đổi vượt bậc. Trên đường phố đã xuất hiện nhiều loại ô tô đời mới của nhiều hãng trên thế giới, không chỉ có một vài loại xe màu nhàn nhạt, đơn điệu, tuôn khói mù mịt như trước đây. Trang phục quần áo cũng muôn màu muôn vẻ, phong phú, tươi sáng, sinh động, khác hẳn kiểu quần áo nhà máy sản xuất đồng loạt năm nào… Tôi đặc biệt ấn tượng với việc không thấy đâu những người say rượu nữa. Trước đây, ngay cả vào những ngày giá lạnh, tôi vẫn thấy những người khoác áo ba đờ xuy thùng thình, cáu bẩn, bước đi lảo đảo hay nằm vật vã bên đường, bên những gốc cây, bãi cỏ. Rất nhiều những bà nạ dòng khua chân múa tay bên những quán bia nhếch nhác ven đường, bên những ngã ba, ngã tư. Mà ngày ấy lại có rất nhiều những khẩu hiệu hô hào thi đua - phấn đấu - xây dựng, có thêm cả những sắc lệnh và chiến dịch cấm uống rượu, cấm mua bán rượu lậu. Bây giờ những người ấy đâu cả rồi? Hình như có một cơn gió lành nào đó đã quét sạch họ đi. Có thể là ngọn gió cơ chế chăng? Một thế hệ mới với công việc mới cuốn hút họ đi. Không còn đâu thời gian nhàn rỗi cho những cuộc tụ bạ, những trạng thái tâm lý thất vọng, bi quan, tiêu cực, chán đời và bất cần đời…
Với tôi, nước Nga sau 16 năm đã phát triển mạnh mẽ. Nhưng đây là sự phát triển từ trong nội lực, từ sức mạnh của chính nhân dân Nga. Khác với Đông Đức, chỉ một năm sau bức tường Berrlin vào đêm thứ Năm ngày 9/11/1989, cái phần kém phát triển ấy đã đổi thay đến chóng mặt nhờ việc trợ của Tây Đức và các nước phát triển. Còn cuộc đổi thay của nước Nga là quá trình tiệm tiến, tự nhận thức, tự tìm đường, tự mở đường và đi lên.
Đến Moscow lần này, tôi cảm nhận một nước Nga khoáng đạt, đang hồi sinh một cách kỳ diệu. Tất cả đều vượt lên, tốt đẹp hơn lên, vượt xa cái ngày xưa cũ. Nước Nga đã tiễn biệt quá khứ “một cách vui vẻ”…
Ngày 12-5, đoàn chúng tôi đến Viện Văn học Thế giới mang tên Gorki thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga để tham dự Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm mất Lev Tolstoi (1910-2010).
Từ sáng sớm, Viện sĩ Giáo sư B. L. Riptin, chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc và phương Đông đã cùng lái xe đến tận khách sạn Uzkoie của Viện Hàn lâm đón chúng tôi. Ấy là vì ở Nga và nhiều nước trên thế giới có lệ coi trọng chuyên gia đầu ngành, họ có quyền gọi xe phục vụ công việc chung. Xin nói thêm, ông B. L. Riptin đã từng sang thăm Việt Nam, từng góp phần tham gia đào tạo, trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Ngữ văn cho Việt Nam. Từ non nửa thế kỷ trước, một số công trình nghiên cứu của ông đã được dịch in ở Việt Nam: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ của phương Đông theo phương pháp loại hình (1974), Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết Viễn Đông (1984)… Trên đoạn đường dài chừng bốn chục cây số, chị Đào Tuấn Ảnh tranh thủ trò chuyện bằng tiếng Nga, đan xen giữa những nội dung học thuật, vấn đề thay đổi thể chế, tổ chức nhân sự là đời sống nước Nga và cuộc sống đời thường. Biết nhà khoa học thành thạo tiếng Trung, tôi cũng góp chuyện rằng giới nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam rất quan tâm đến các công trình khoa học của ông, rằng ông đã khảo sát chuyên sâu về tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí, rằng ở Việt Nam có đến 7 bộ tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán, rất đáng được nghiên sứu sâu hơn. Tôi đề xuất: “Có thể tổ chức một hội thảo khoa học bàn về tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam trong truyền thống tiểu thuyết phương Đông?”. Ông bảo: “Rất tốt, rất tốt”…
Sau nửa tiếng làm việc với ông Viện trưởng, Viện sĩ Giáo sư A. B Kuđêlin, chúng tôi được dẫn tới phòng hội thảo. Thử xem cung cách tổ chức hội thảo ở một nước có nền khoa học nổi tiếng diễn ra thế nào?... Mọi người đến đúng giờ, được khoảng năm chục người, mới kín nửa hội trường. Trên khung tường không có một dòng một chữ kỷ niệm, không hoa, không tranh ảnh danh nhân. Trên đoàn chủ tịch có 5 người: ông Viện trưởng, người cháu chút của Lev Tolstoi hiện là Giám đốc Bảo tàng trang trại Iasnaia Poliana và là đại diện dòng tộc văn hào, ông Trưởng phòng văn học Nga, một nhà Lev Tolstoi học và ông Giám đốc Nhà Bảo tàng Quốc gia Lev Tolstoi... Thêm năm chai nước lọc và xấp cốc nhựa. Ai uống thì tự rót lấy. Không thấy có thêm lễ nghĩa gì khác. Đúng giờ, ông Trưởng phòng văn học Nga đứng lên giới thiệu đại biểu và tóm tắt nội dung không quá năm phút. Sau bản đề dẫn của ông Viện trưởng rồi lần lượt đến từng người đọc báo cáo khoa học. Hình như ông Viện trưởng bận việc gì, mới nghe xong hai tham luận đã thấy ông ghé tai thì thầm với ông Trưởng phòng văn học Nga rồi ra khỏi phòng. Từ đó chỉ thấy ông Trưởng phòng văn học Nga điều hành hội thảo. Sau mỗi tham luận, ai có ý kiến thì trao đổi, tranh luận ngay. Tổng cộng thấy có đến 31 tham luận. Toàn là các chuyên gia đầu ngành ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, chủ yếu ở Moscow và Saint Petersburg. Hỏi ra thì thấy toàn những tên tuổi, nhàng nhàng cũng vài ba đầu sách chuyên khảo, chuyên luận, giáo trình. Mà hầu hết là những người trên năm mươi tuổi. Sao không thấy giới trẻ, những anh chị học việc? Không hiểu họ sẽ đào tạo đội ngũ kế tục thế nào?... Trở lại hội thảo, theo danh mục thấy có rất nhiều tham luận hướng đến so sánh Lev Tolstoi với các nhà văn khác như I. A. Goncharov (1812-1891), I. S. Turghenev (1818-1883), Ph. M. Dostoiévski (1821-1881), M. Gorki (1868-1936), V. Maiacovski (1893-1930), S. Exenhin (1895-1925), M. A. Solokhov (1905-1984)… Trong các tham luận, tôi thấy ông R. V. Borisovic nhấn mạnh rằng Nhà Bảo tàng Quốc gia Lev Tolstoi có đầy đủ mọi tư liệu, đồng thời có nhiều nhà nghiên cứu, có cả xuất bản, trưng bày, triển lãm và hứa hẹn tiếp tục phát hiện, khai thác, tiếp nhận nhận thêm nhiều tư liệu quý. Ông T. V. Ilyich là chắt văn hào nêu ý kiến rằng chính phủ chưa coi trọng điểm di tích ga Astapovo – nơi Lev Tolstoi qua đời. Ông khuyến cáo rằng việc văn hào có nhiều giai thoại, huyền thoại bao quanh là điều bình thường nhưng trước sau cũng cần đặc biệt coi trọng tư liệu đương thời, cần sưu tập các ý kiến phát biểu, đánh giá, nhận định của người đương thời càng nhiều càng tốt. Ông P. P. Vasilievic, chuyên gia về Solokhov, nguyên Phó Viện trưởng, xác định Solokhov có tiếp nhận, kế thừa, phát triển dòng sử thi từ Lev Tolstoi. Trên bình diện lý luận, ông cho rằng cần trừu tượng hóa khái niệm sử thi, phân biệt bản chất sử thi truyền thống gắn với đặc trưng bi kịch anh hùng có khác với kiểu sử thi xã hội chủ nghĩa, “sử thi hùng ca”, “sử thi hiện thực và lãng mạn”, “sử thi lãng mạn cách mạng”… Một nhà nghiên cứu hỏi: “Vậy Solokhov học ở đâu mà có kiến thức lớn để có thể viết được Sông Đông êm đềm mang tầm vóc sử thi khi còn rất trẻ?”. Ông P. P. Vasilievic trả lời, dẫn giải thành ba bốn điểm, đại khái cũng không ngoài việc khẳng định Solokhov xuất bản tập đầu tiểu thuyết Sông Đông êm đềm vào năm 1928 khi mới 23 tuổi nhưng ông là người chịu học, chịu đọc, có vốn sống phong phú và đặc biệt tài năng… Hội thảo nối dài trong suốt hai ngày với rất nhiều những cách đặt vấn đề, trao đổi và luận bình như thế…
Tôi được biết hội thảo khoa học của Viện Văn học Thế giới mang tên Gorki lần này chính là sự chuẩn bị cho một hội thảo quốc tế về Lev Tolstoi sẽ được nước Nga tổ chức trọng thể trong vài ba tháng tới. Về phía chúng tôi đến tham dự hội thảo cũng nhằm chuẩn bị tài liệu phục vụ cho việc Viện Văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo khoa học và Tạp chí Nghiên cứu Văn học sẽ ra một số chuyên đề về Lev Tolstoi vào dịp cuối năm nay.
Nhớ lại gần hai mươi năm trước đây, ngay cả giữa những ngày nước Nga “cận đáy”, báo chí có đưa tin cây xăng bên đường cạn đến giọt cuối, cửa hàng không còn một củ khoai tây rất có thể là đúng ở một vài nơi nào đó, một thời điểm nào đó song người dân vẫn không có ai đến nỗi đứt bữa, “ăn khoai ăn sắn”. Đồng lương viên chức có thể xuống thấp nhưng về tổng thể cần thấy rằng họ vẫn được ở những căn hộ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, đủ điện nước, bước ra khỏi nhà mình vẫn được thở bầu không khí trong lành, đường xá rộng rãi, giao thông thuận tiện, cơ sở kinh tế, phúc lợi xã hội và văn hóa phát triển ở trình độ cao.
Suốt trong những ngày còn lại, chúng tôi có dịp đến thăm một vài anh em quen biết cũ. Đặc biệt có ông Lưu Công là nhà doanh nghiệp khá thành đạt. Trước đây ông từng tham gia quân đội và nay vẫn giữ tác phong anh bộ đội cụ Hồ, vẫn tham gia sinh hoạt Đảng và đóng Đảng phí đầy đủ. Một chiều ông mời cả đoàn chúng tôi đến nơi ông ở. Cuộc hội ngộ có cả các nhà văn thuộc Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (Nguyễn Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy…), có Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc và nhà Việt Nam học người Nga A. Sokolov… Các anh nhà văn thông báo tình hình hoạt động của Hội mấy năm gần đây, về lực lượng, về việc in tạp chí, việc duy trì trang báo điện tử… Ông Lưu Công cho biết việc làm ăn của người Việt ngày càng phải đi vào chuẩn mực, cần có giấy tờ cư trú hợp lệ, có giấy phép lao động và bảo hiểm đầy đủ. Ông cho rằng muốn làm ăn lâu dài thì cần phải thành thạo tiếng Nga và am hiểu văn hóa Nga, hợp tác chặt chẽ với người Nga, tuân thủ pháp luật Nga. Khó có con đường nào khác. Ông nói thêm: “Các bạn thử hình dung xem, thử đến các nước Mỹ, nước Pháp, nước Ý, Nhật Bản, Thụy Điển, Canađa… xem họ quản lý người nhập cư, người lao động nước ngoài thế nào? Nói thật, chuyện người Việt chúng mình ở đây, nó có căn nguyên cỗi rễ quan hệ lâu dài từ cái thời hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa năm xửa năm xưa, không dễ giải quyết trong một sớm một chiều”…
Trong thời gian ở Moscow, chúng tôi dành trọn một ngày hành hương về quê hương văn hào Lev Tolstoi, ông chủ trang trại Iasnaia Poliana có đến hơn ba trăm tá điền và đây cũng là nơi yên nghỉ của nhà văn trong cõi vĩnh hằng. Nhờ sự hoạt bát của bác cả Đào Tuấn Ảnh đã liên hệ trước với ông chắt Ilyich nên chuyến đi càng thêm thuận lợi.
Đường từ Moscow đến thành phố Tu La phải vượt trên trăm cây số. Từ bến xe thành phố còn đi xe buýt thêm mươi cây số rồi đi bộ chừng hai cây số nữa là đến khu Bảo tàng trang trại. Chỉ có điều dọc đường không hề có bất cứ một tấm biển chỉ dẫn nào. Đến nơi được mươi phút thì có bà hướng dẫn viên, dễ thường ngoài sáu mươi, dáng người nhỏ nhắn, điềm đạm, ra tận cổng đón vào và lần lượt giới thiệu. Bên ngoài kia là những lối mòn có rãnh nước, những khu vườn, những đống cỏ khô, những con ngỗng vươn cổ dài quen thuộc... Này là con đường Lev Tolstoi thường đi dạo, này là hàng bạch dương cổ thụ do chính tay Người trồng, này là nơi Người viết văn, nơi Người tiếp khách và cả một thư viện sách mà Người từng đọc… Trong nhà là những khung cửa, những bàn ghế, những bồn rửa mặt, xô đựng nước, chiếc xe lăn,… tất cả như còn ấm hơi người. Cuộc sống của một nhà văn lỗi lạc mà sao thật bình dị. Bà hướng dẫn viên cho biết Lev Tolstoi rất gần gũi với nông dân, thực lòng cảm thông và mong muốn giúp đỡ họ. Ông từng tham gia cứu đói, đi điều tra dân số và hòa giải các vụ tranh chấp đất giữa các địa chủ với nông dân trong vùng. Vào những năm cuối đời, ông đau đớn trong mâu thuẫn của khát vọng nhân văn, day dứt giữa ước nguyện về quyền sống và hạnh phúc con người với những giới hạn không thể vượt qua. Ở tuổi 82, ông lang thang trên cánh đồng, qua đường làng, qua nhà một người em gái, qua thăm nhà thờ, bị cảm lạnh và mất ngay nơi ga xép nhỏ. Ông biết rằng bước chân lang thang trên trần thế rồi sẽ đến ngày dừng lại nên đã chỉ định cả nơi yên nghỉ và nhắn nhủ cuộc tiễn đưa không cần có điếu văn. Trong cõi vĩnh hằng, ông mãi lang thang kiếm tìm quả phúc. Ngôi mộ ông chỉ là một nấm đất nhỏ nhoi cách khu vườn nhà chừng vài trăm mét, nằm ở góc rừng thanh vắng, không đắp xây, không một dòng chữ, không tượng đồng bia đá, yên tĩnh đến nao lòng…
Ngày cuối cùng, chúng tôi nhờ bác cả Đào Tuấn Ảnh đến Viện Văn học Thế giới nhận tài liệu, sách vở và thỏa thuận lần cuối những công việc liên quan, đặc biệt về Hội thảo Lev Tolstoi tổ chức vào cuối năm. Chị Tuấn Ảnh cẩn thận dặn đi dặn lại: “Đây là ngày cuối, hai chú nhớ phải đảm bảo an toàn. Nhớ phải về đúng giờ. Không được đi xa. Không được la cà. Nhớ đấy”…
Trên thực tế, tôi cảm nhận an ninh ở Moscow đã trở nên an toàn hơn nhiều so với thời kỳ bất ổn và “chạm đáy” gần hai mươi năm trước. Chúng tôi đi qua các ga Lubianka, Park Kultury - những nơi vừa bị đánh bom một tháng rưỡi trước - chẳng có một cảm giác gì. Người đi tầu điện ngầm vẫn đông đặc, tấp nập, hối hả, chen vai sát cánh. Nghe nói những chuyện cướp bóc, trấn lột người Việt cũng giảm đi nhiều…
Sang chiều, xe của Viện đưa chúng tôi ra sân bay. Tạm biệt những hàng bạch dương giữa mùa tươi xanh và những cánh đồng bằng phẳng trải rộng ngút ngát về cuối chân trời…
Tạm biệt nước Nga đã qua cơn trở dạ, đã hồi sinh, phát triển…
 
Hà Nội, tháng 6-2010
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511895

Hôm nay

2221

Hôm qua

2337

Tuần này

22269

Tháng này

218768

Tháng qua

121356

Tất cả

114511895