Văn hoá học đường

Bàn về vài kỹ năng «bên lề» cần cho một người đi dạy…

Không phải chỉ ở nước ta hiện nay mới cần đổi mới giáo dục. Ở bất cứ nước nào, vào bất cứ thời điểm nào từ gần hai thế kỷ nay, vấn đề đổi mới giáo dục thành một vấn đề thường trực – đổi mới cho hợp thời, đổi mới cho tốt hơn – khi thì đổi mới chương trình, khi thì đổi mới phương pháp. Xưa hơn, lúc sau cách mạng 1789 là đổi mới để không còn lệ thuộc Công chúa giáo, đến hồi đầu thế kỷ thứ XX là đổi mới để thành giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tất cả mọi trẻ….

Đổi mới để trường học không trở thành con … khủng long sống ở thời @ !

Trong tất cả những đổi mới đó, người đi dạy phải thích ứng theo, phải học thêm để dạy tốt hơn.

Thế nhưng có một số kỹ năng mà ta chờ đợi ở người đi dạy, từ muôn thuở, những điều kiện cần, tuy chưa đủ, nhưng là những điều kiện bất di bất dịch, lúc nào cũng còn hợp thời, không mất giá trị. Đó lài kỹ năng tạo cảm xúc, kỹ năng truyền đam mê, kỹ năng dạy tiếp nhận cái đẹp, kỹ năng gieo tình người và kỹ năng tự vấn mình.

Năm kỹ năng mềm, nhẹ nhàng nhưng là năm kỹ năng căn bản.

Kỹ năng tạo cảm xúc

Một giáo viên trẻ mới ra trường thường được đào tạo đầy đủ : phải áp dụng phương pháp này để truyền đạt kiến thức kia, phải đào tạo vốn trí tuệ, kỹ năng, đạo đức cho học trò. Cả một danh sách dài, lại phải tôn trọng tối đa các giáo trình, chương trình, … đến nỗi nhiều khi cả người đứng trên bục giảng lẫn người đi học đều thành những người máy – robot – để dạy, để học, để theo chương trình, để thi đua.

Nhưng có cảm xúc ta mới hấp thụ tốt và mới nhớ lâu. Học không phải chỉ là việc của cái đầu mà là còn là phần của con tim.

Có một lần, giữa bài giảng về sự bất bình đẳng nam/nữ khi phải đi đến hôn nhân lần thứ nhì, sau một lần li dị, có một giáo viên tự dưng nói với sinh viên rằng : «một phụ nữ cở tuổi tôi, trên thị trường tình ái để đi tới hôn nhân lần nhứ nhì, giá trị của tôi gần như là một con số không». Một câu nhỏ, gọn gàng, nhưng làm học trò chú ý và phản ứng. Bà đã đánh động tới sợi dây cảm xúc của chúng.

Một bức ảnh minh họa, một cách dẫn nhập lý thú, một thí dụ điễn hình và cụ thể, … là vài trong trăm ngàn cách gợi cảm xúc cho học trò. Người đi dạy biết gây cảm xúc cho trò là người giúp chúng hạnh phúc ở trường và sẳn sàng tiếp thu hiểu biết.

Trò càng nhỏ càng cần cảm xúc để thêm động cơ cho tiếp thu. Tạo cảm xúc một cách tích cực cũng góp phần gián tiếp dạy cho trò học cách làm người có nhân nghĩa.

Kỹ năng truyền đam mê

Nghề đi học là một nghề rất cực : bị gò bó trong bốn bức tường trong khi ngoài sân, nắng mặt trời đẹp biết bao nhiêu, lại có gió mát chim hót, … tuổi trẻ lại là tuổi hiếu động. Phải làm sao các em đồng ý, bằng lòng «nhốt» mình trong lớp học.

Giáo viên cần «giữ chân» các em trong lớp bằng mọi cách có thể. Nói thật với các em «chuyện đời» của chính mình, những khó khăn hạnh phúc của mình lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, những gian nan khổ sở cùng những thích thú, … mà việc học đã mang lại, … Đó là một trong những hình thức «vẽ đường» cho các em đi và minh chứng sự khả thi của việc học, của đề tài phải khai thác.

Nhiều khi các em không cần giáo viên phải dài dòng : chỉ qua giọng nói, ánh mắt lung linh, … giáo viên đã đủ «rót» hồn vào bài giảng.

Dĩ nhiên là phải có đam mê mới truyền đam mê được. Ai đó đã nói rằng «đam mê là một …bệnh hay lây».

Với đam mê, thầy cũng như trò sẽ có khả năng vượt suối qua đèo …

Những người «xấu miệng» thì bảo rằng «úi dào, tôi còn cơm áo gạo tiền, đi dạy cũng là một nghề để kiếm sống. Về phía học trò, đam mê hay không đam mê gì thì chúng cũng phải học nếu không thì thi rớt» -

Nhưng đi học không là một hình thức phạt tù khổ sai !

Mặt khác truyền đam mê là một phương thức có chiều sâu chứ không phiến diện : truyền đam mê khác với hoạt náo hay làm cho sống động. Thầy trò có thể yên tỉnh nhưng làm việc nhưng yêu công việc của mình và làm một cách hăng say.

Trò, thầy và môn học : cả ba cùng … đam mê. Như một bình thông nhau.

Kỹ năng dạy tiếp nhận cái đẹp

Nếu trên bảng, cô giáo không trình bày một bài giảng khúc chiết, sáng sủa thì làm sao đòi hỏi trò nắn nót chép bài vào vở ? Đó là một cách rất trẻ con để nói đến kỹ năng mà người đi dạy cần có để tạo cho trò khả năng tiếp cận cái đẹp. Cái đẹp ở trường – phòng ốc, sân chơi, trang trí lớp học. Cái đẹp trong môi trường đô thị hay trong thiên nhiên qua các sinh hoạt ngoài trời. Cái đẹp của văn chương, của âm nhạc hay hội họa. Cái đẹp khi ta tiếp cận với khoa học, cái đẹp của tri thức, …

Đó là chưa nói tới cái đẹp của ngôn từ, cái đẹp của cư xữ giữa trò và thầy.

Từ kỹ năng tiếp thu cái đẹp học trò ta sẽ …đẹp thêm với tất cả những gì chúng đã tiếp thu.

Người đi dạy ở đây gần như là hóa thân làm một thợ kim hoàn mài ngọc và học trò của ta trở thành những hòn ngọc đẹp.

Con người không chỉ cần sống mà còn cần sống đẹp. Đạt tới một cuộc sống có giá trị (life with quality và quality of life) là cứu cánh, là đích đến của mỗi một trong chúng ta.

Kỹ năng tạo tình người

Liên hệ giữa thầy với trò không là một liên hệ thị trường kiểu «tiền trao cháo múc» — đó là một trong những lý do khiến tôi chống việc học thêm – Liên hệ thầy-trò cũng không được là một liên hệ quyền lực (suốt đời tôi đã góp sức chống đối hình thức liên hệ quyền lực giữa thầy và trò). Liên hệ thầy trò phải là một liên hệ đặc biệt giữa người với người.

Khi đến trường, trò hết là một trẻ con trong gia đình. Rời vòng tay bảo bọc của cha mẹ, nhưng trò chưa có đủ bản lĩnh để ra xã hội. Trường là giai đoạn chuyển tiếp, giúp trò thêm kỹ năng để bươn chải ngoài đời. Muốn vậy, trường học phải là nơi mà các em còn được cầm tay để đi tới. Nói theo kiểu xã hội học, trường không là một nhóm nhỏ như gia đình nhưng không được là cả «biển khơi» mà những liên hệ thành vô danh vì như thế các em sẽ … chìm mất đi thôi !

Liên hệ giữa thầy và trò là một liên hệ đầy tình người, biết nhau, có trách nhiệm với nhau. Trò mà học chậm, một phần lỗi là ở thầy. Trò cố học để xứng đáng với công sức mà thầy đã bỏ ra…

Trường mà làm tốt liên hệ thầy-trò thì liên hệ giữa người và người trong xã hội sẽ thuận hòa hơn vì trò đã được «tôi luyện» trong những năm dài dưới mái học đường, vì trò đã “tập tành” các hình thức giao tiếp có sự tôn trọng người đối diện.

Kỹ năng tự vấn mình

Đi dạy là một công trình của mỗi ngày, với những học trò khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Thường xuyên tự vấn mình, tự nhìn lại để có thể phân tích, lý giải hầu làm tốt hơn.

Tiếng Pháp gọi đó là một phương thức có suy nghĩ (démarche réflexive).

Chắc chắn các bạn giáo viên không bao giờ muốn mình là một cái đĩa cũ, lúc nào cũng chỉ cho ra một bài hát bất di bất dịch trong suốt đời đi dạy của mình trong khi xã hội quanh ta không ngừng thay đổi, khoa học tiến bộ và nhu cầu của học trò cũng khác đi !

Lời chót ?

Mà năm kỹ năng đó, ta học ở đâu ?

Dĩ nhiên, có vài kỷ thuật cụ thể (loại check list hay trắc nghiệm) giúp ta truyền cảm xúc hay tự vấn mình, … Nhưng đại đa phần các kỹ năng vừa kể trên đi từ lòng yêu nghề và nghị lực muốn làm tốt việc dạy học. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với người dìu dắt trẻ con và học trò. Những nước có nền giáo dục tân tiến đều ý thức điều này : Bên Phần Lan chẳng hạn, trong quá trình tuyển chọn đầu vào của các trường sư phạm, hội đồng tuyển chọn bao giờ cũng dành một số trắc nghiệm và câu hỏi phỏng vấn để “đo” khả năng về các kỹ năng này của ứng viên (xin nhắc lại là ở bên ấy, thông thường chỉ 10% ứng viên được tuyển vào học sư phạm).

Nắm vững các kỹ năng này xong, bây giờ chúng ta có thể bắt đầu bàn chuyện phương pháp dạy học hay chương trình giáo khoa…

Nguyễn Huỳnh Mai

Tài liệu tham khảo :

Druelle L., Etre professeur aujourd’hui. Tạp chí Projets (2004), số 282: 44-46.

Enseignant, mon nouveau métier. Dossier pédagogique. Communauté Française de Belgique, 2009.

Gendron B., Les compétences émotionnelles comme compétences professionnelles des enseignants. 5e Colloque Questions de pédagogie dans l’enseignement supérieur. Brest, tháng 6, 2006.

Jutras F. và đồng sự, Repères pour l’éthique professionnelle des enseignants. NXB Đại học Québec, 2009.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558429

Hôm nay

227

Hôm qua

2384

Tuần này

21988

Tháng này

225972

Tháng qua

122920

Tất cả

114558429