Chợ Vinh nổi tiếng vì là trung tâm thương mại lớn của tỉnh, nhưng nổi tiếng cũng một phần “nhờ” những người bán hàng ở đây nói thách quá cao. Theo chân em Phạm Văn Bình (sinh viên năm 2 khoa Hoá,Trường Đại họcVinh) để vào chợ Vinh mua hàng, tôi không khỏi bất ngờ. Cứ đinh ninh đàn ông con trai đi chợ kiểu gì cũng bị hớ, vì họ thường không biết mặc cả giỏi như chị em phụ nữ, nhưng ở trường hợp này thì hoàn toàn ngược lại. Chị bán hàng nói giá của một chiếc sơ mi là 380.000 đồng, thế nhưng sau khi nhìn kiểu dáng và chất liệu, Bình đã trả giá xuống còn 100.000 đồng. Người bán hàng không những không “nạt nộ” vì anh khách này trả “chi mà ác” mà còn cười xuề “răng em trả rẻ rứa, thêm cho chị vài chục đi, mở hàng buổi chiều.” Khoan vội để ý tới cái câu cửa miệng “mở hàng đầu chiều” của các chị ở đây vì từ chiều tới giờ có lẽ cũng mở hàng cho vài chục khách rồi. Vấn đề ở chỗ, sau một hồi “ngã giá”, em Bình khấp khởi vì mua được áo với giá 120.000 đồng còn chị bán hàng mừng thầm vì bán được hàng dù ngoài mặt vẫn biểu lộ nét buồn bã đã “để giá sát gốc cho em, lời chẳng được bao nhiêu”. Liệu giá trị thật của cái áo kia là bao nhiêu, khi mà họ nói tới 380.000 đồng nhưng lại bán chưa tới một phần ba của cái giá đó. Em Bình cho biết thêm, mới đầu xuống Vinh đi học, em còn khờ lắm. Người ta nói bao nhiêu cũng trả bấy nhiêu, bây giờ sống ở đây hai năm, em bắt được “nhịp” rồi, nên đi mua là phải biết trả giá, không cần biết giá trị thật của nó là bao nhiêu, chỉ cần ra giá thật thấp, xuống còn một phần hai, một phần ba là được.
Dạo quanh một vòng chợ Vinh, có thể nhận thấy, hàng hoá được nói thách giá cao gấp hai, gấp ba lần chủ yếu là những mặt hàng may mặc, quần áo, túi xách, giày giép, chén bát cho tới đồ nữ trang. Chưa bàn đến chuyện thật giả lẫn lộn, rõ ràng hàng hoá ở đây được các chủ gian hàng “hét giá” một cách vô thưởng vô phạt còn khách hàng thì bất đắc dĩ chấp nhận công việc mặc cả mỗi lần đi chợ.
Không phải ai cũng giỏi mặc cả, chính vì vậy gây ra tâm lý hoang hoang, lo sợ ở nhiều người. Họ phải hết sức cảnh giác, trả giá sao cho hợp lý để tránh bị mua hớ. Gặp chị Trần Thị Hằng ( 24 tuổi, nhân viên bảo hiểm AIA, Tp.Vinh) tại chợ Đại học Vinh, chị cho biết, mỗi lần đi chợ mua sắm thường rất sợ. Sợ người bán hàng nói thách quá “điêu”, nếu mình trả rẻ quá thì sẽ được ăn “cháo chửi”. Từng bị một bà bán dép “đốt vía” ngay trước mặt chỉ vì không mua đôi dép lê đi trong nhà với giá 150.000 đồng, chị rút ra được bài học kinh nghiệm không nên mua hàng buổi sáng. Chính mắt chị cũng đã từng trông thấy một người khách bị chủ hàng nắm tóc tát tới tấp vào mặt chỉ vì lí do “không mở hàng”. Chị Hằng cho hay, bây giờ chỉ mua ở những chỗ quen biết, ít nhất họ cũng không nói thách quá cao, hơn nữa không lo bị ăn “cháo mắng”, thực lòng cũng chẳng biết được mình mua đắt hay rẻ và giá trị của có có xứng với số tiền ấy không”.
Dân gian có có câu “tiền nào của nấy”, nghĩa là bất kì món hàng nào cũng có giá trị riêng của nó. Nhưng kì thực, cùng với một món hàng, lại có sự chênh lệch khá xa nhau về giá cả, Chẳng hạn, cùng một loại thuốc ở hiệu thuốc này chỉ mua mất 50 ngàn một hộp nhưng ở một cửa hiệu khác lại có giá tới 70 ngàn đồng. Hay kì lạ hơn, sau một hồi quan sát một quầy hàng giày dép trong chợ Ga, cùng một đôi giày giống hệt như nhau, nhưng người này mua thì 150.000 đồng của người kia mua lại tới 200.000 đồng.
Có sự chênh lệch này là bởi tâm lý mua hàng của người dân, thích được mua rẻ, được mặc cả, thấy vui vì “bớt” được nhiều tiền nhưng không biết rằng có khi cái “giá rẻ” kia vẫn là đang còn hớ. Cuối cùng, mất cân bằng về giá cả. Nắm bắt được tâm lý đó, những người kinh doanh cứ mặc sức đấy giá lên cao, càng cao càng tốt. Ai trả được bao nhiêu thì trả, thuận mua vừa bán. Khi hỏi chủ gian hàng quần áo, chị Nguyễn Thị Lộc (chợ Sa Nam, thị trấn Nam Đàn) cho biết, “cũng là do khách hàng, khi chúng tôi nói đúng giá họ không tin mà vẫn cứ trả giá, buộc lòng chúng tôi phải nói thách cao lên”. Vẫn biết, một phần là do khách hàng, nhưng không phải vì vậy mà cho giá lên tận mây xanh.
Chính việc nói thách đó lại gây ra nhiều vấn đề tai hại hơn. Với những người có điều kiện, họ nghĩ giá tiền cao là sản phẩm tốt, nên nhiều khi bị mua hớ, mua phải sản phẩm kém chất lượng. Đối với những người nhẹ dạ, họ không dám mặc cả xuống thấp nên cũng bị mua đắt, đắt hơn rất nhiều so với giá gốc. Và đối với số đông, việc nói thách quá cao dẫn đến hậu quả là mất đi niềm tin. Niềm tin giữa trao đổi mua bán hàng hoá là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, việc bán đắt hơn so với mặt bằng giá chung hay nói thách cao cũng khiến nhiều người kinh doanh bị mất khách. Nếu nhìn một cách toàn diện, nói thách cao ngất ngưởng cũng là một nét văn hoá xấu, thuộc về đạo đức kinh doanh.
Rõ ràng, đã đi buôn là phải có lãi. Nhưng việc các cơ sở kinh doanh cứ hô giá “bát nháo” mà thiếu đi sự quản lý của cơ quan chức năng, đã đẩy người tiêu dùng vào một trận đồ bát quái, mà ở đó họ không biết mình đã ra giá đúng hay chưa, có mua hớ hay không…, để rồi cuối cùng họ là người bị thiệt thòi nhiều nhất và duy nhất./.