Diễn đàn

Hội nghị Cấp cao ASEAN 22: DOC khó lột xác thành COC

Nhiệt độ” trên Biển Đông đã đến điểm mà các nước phải tính toán rất kỹ nếu muốn đi thêm bất kỳ một bước nào nữa. Ấy vậy mà đến giờ này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng Biển Đông “không phải vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, từ 24-25/4 này, nhận lời mời của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22, được tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. Dự kiến tại đây, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng trong thời gian tới để đạt các mục tiêu chung về hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh-an toàn hàng hải và hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông. Mà muốn đạt được các mục tiêu này thì trước hết, Tuyên bố về ứng xử (DOC) cần sớm được đẩy lên thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Không để xẩy ra xung đột

Đối với một số thành viên ASEAN như Singapore hay Philippines, Hoa Kỳ là một đối lực quan trọng để cân bằng với Trung Quốc trên Biển Đông và hy vọng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Việc Biển Đông trở thành một trong những chủ đề chính tại Cấp cao ASEAN lần này được đánh giá là hoàn toàn hợp lý, bởi sau một năm mất mát và tổn thương do Campuchia làm chủ tịch, nay Brunei nhen nhóm hy vọng về khả năng ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố về biển Đông. Tin này được chính Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow xác nhận, đồng thời theo bản dự thảo mới nhất mà hãng Kyodo có trong tay, nội dung tuyên bố sẽ thúc đẩy việc sớm thông qua COC.

Liên quan đến các hành động vũ lực của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam, mà gần đây nhất là vụ tàu ngư dân ở Quảng Ngãi bị tàu hải quân Trung Quốc bắn trong khu vực Hoàng Sa của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hy vọng đấy mới chỉ là hành động cục bộ chứ chưa phải là chủ trương. Dù  vậy, vẫn cần đấu tranh kiên quyết ngay từ những dấu hiệu ban đầu này, không để những hiện tượng tương tự tái diễn. Và Việt Nam có cách hạn chế Trung Quốc dùng vũ lực mà không để xảy ra xung đột. Trước hết là đấu tranh ngoại giao trực diện trên các diễn đàn song phương và đa phương. Còn trên thực địa, theo Thượng tướng/Thứ trưởng bộ Quốc phòng nói với truyền thông trong nước ngày 22/4, Việt Nam có nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả như sử dụng lực lượng chấp pháp kết hợp với tàu đánh cá để bao vây, đẩy đuổi tàu Trung Quốc.

Cho dù nhiều nước ASEAN tỏ rõ quyết tâm, nhưng theo giới phân tích, dường như chưa có hy vọng đạt được một thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chủ yếu do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là quan điểm của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông vẫn “nói một đằng làm một nẻo”. Đưa ra tuyên bố sớm có phiên họp đặc biệt về Biển Đông, nhưng mặt khác, Bắc Kinh lại khẳng định chỉ đàm phán với từng nước liên quan và không chấp nhận thương thuyết với ASEAN, trong tư cách là một khối. Thứ hai là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi nội bộ ASEAN chưa thay đổi, mặc dù Ngoại trưởng Philippines Hernandez tỏ ra tin tưởng là ASEAN sẽ gạt các bất đồng sang một bên. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á, xin ẩn danh, nói với AFP: “Các vết thương hồi năm ngoái vẫn chưa lành hẳn”.

Liệu ASEAN có thống nhất?

Trước khi diễn ra 2 ngày thượng đỉnh tại Brunei, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh các nước ASEAN phải thành lập một mặt trận thống nhất về vấn đề Biển Đông. Ngày 22/4, phát biểu với hãng tin AFP, ông Natalegawa nói ASEAN cần phải mạnh mẽ và đoàn kết. Brunei thì khẳng định, một trong những ưu tiên của nước này trong thời gian giữ ghế Chủ tịch ASEAN 2013 là đạt được một bộ COC mang tính ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc với các nước ASEAN trước cuối năm nay. Tuần rồi, Bộ Ngoại giao Philippines cũng loan báo: tại thượng đỉnh lần này, Tổng thống Benigno Aquino sẽ thúc đẩy một chung quyết sơ khởi về bộ quy tắc này.

Nhưng ai cũng biết, Trung Quốc đang đòi dành chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông kể cả các vùng biển gần duyên hải của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei. Vậy mà ngày 18/4 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn nói khơi khơi: Biển Đông "không phải vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc". Điều này có nghĩa là Bắc Kinh vẫn một mực đòi thương lượng tay đôi với từng nước có tranh chấp, thay vì với một ASEAN như một tổ chức có tiếng nói thống nhất. Ngoài ra, do phải vận động tranh cử, thủ tướng của Malaysia, một trong các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ không tham dự thượng đỉnh lần này ở Brunei, mà chỉ cử đại diện đi thay. Do vậy, có thể dự báo là việc xây dựng COC sẽ tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Biển Đông năm nay “nóng lên” rất nhiều so với thời điểm các hội nghị cấp cao ASEAN những năm trước đây. Không phải ngẫu nhiên mà chính Thượng tướng/Thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đưa ra nhận xét: “Nhiệt độ” trên Biển Đông đã đến điểm mà các nước phải có tính toán rất kỹ nếu đi thêm bất kỳ bước nào nữa. Lần đầu tiên, tướng Vịnh bộc lộ đánh giá của Việt Nam về sự can dự của Mỹ vào an ninh khu vực cũng như vai trò của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu. Ông Vịnh cho rằng, trong một thế giới mở, sự can dự lợi ích các quốc gia là điều không thể ngăn cấm. Họ có quyền bảo về chủ quyền và can dự lợi ích đồng thời tìm lợi ích trong quan hệ với các quốc gia khác. Điều này có lợi cho các nước nhỏ, các nước đang phát triển bởi nó tạo điều kiện hội nhập mạnh mẽ hơn giữa các nước trong khu vực, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta kỳ vọng những can dự này sẽ đem lại sức sống mới, năng động mới cho cả khu vực./.

Bản tác giả gửi cho VHNA

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513267

Hôm nay

253

Hôm qua

2315

Tuần này

21204

Tháng này

220140

Tháng qua

121356

Tất cả

114513267