Ông Trần Hồng Cơ(nhà báo):
Điều quan trọng nhất là phải thu hút được lòng dân
Tôi cho rằng Lễ hội Làng Sen (LHLS) dù tổ chức dưới hình thức nào thì điều quan trọng nhất là phải thu hút được lòng dân. Bất cứ lễ hội nào cũng phải được đông đảo nhân dân tự giác tham gia thì mới thành lễ hội. Hơn 30 năm qua, LHLS chủ yếu do Nhà nước đứng ra tổ chức (trực tiếp là ngành Văn hóa Thông tin), nhân dân có tham gia thì cũng rất ít người và thường thụ động đến để “xem cho biết”. Thực tế là LHLS chủ yếu do đội ngũ cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở thực hiện, chưa phải là lễ hội của nhân dân. Đó là điều khác biệt giữa LHLS với các lễ hội khác như lễ hội đền Hùng, lễ hội chùa Hương. Nguyên nhân nào làm cho lễ hội Làng Sen bị “Nhà nước hóa” trong thời gian dài như vậy? Phải chăng do chúng ta chưa huy động được nhân dân tham gia lễ hội nên đã lấy vai trò tổ chức của Nhà nước thay cho sự sáng tạo của nhân dân. Khởi đầu của LHLS là liên hoan nghệ thuật quần chúng “Hát từ Làng Sen”. Trong những năm đầu, liên hoan “Hát từ Làng Sen” rất cảm động. Có những diễn viên lên sân khấu hát về Bác Hồ đã khóc. Có đoàn NTQC về dự liên hoan “Hát từ Làng Sen”, lần đầu tiên tham quan quê Bác cả đoàn đều khóc vì thấy nhà Bác Hồ nghèo quá. Tất cả các đoàn NTQC trong cả nước được về dự liên hoan “Hát từ Làng Sen” đều thấy vinh dự và hạnh phúc. Những năm đó tại Nghệ An, liên hoan “Hát từ Làng Sen” được tổ chức hàng năm vào dịp 19/5 từ tỉnh đến cơ sở, thực sự là ngày hội quần chúng hát về Bác Hồ. Chính từ sự lan tỏa sâu rộng đó nên liên hoan “Hát từ Làng Sen” đã được nâng lên thành LHLS. Đó là một hướng đi đúng, nhưng vì trong một thời gian dài thiếu sự sáng tạo cần thiết nên LHLS ngày càng tẻ nhạt, không thu hút được lòng dân. Liên hoan “Hát từ Làng Sen” năm nào cũng được tổ chức nhưng cũng vì thiếu sự đổi mới, sáng tạo nên không còn xúc động lòng người như ban đầu, thậm chí rất buồn tẻ. Khi được nâng lên thành LHLS thì nội dung chính vẫn là liên hoan “Hát từ Làng Sen”, chỉ bổ sung thêm một số hình thức hoạt động mới như triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; chiếu phim về Bác Hồ; tổ chức thi đấu thể thao, vui chơi giải trí; tổ chức rước ảnh Bác Hồ. Đó chỉ là những hoạt động văn hóa bổ sung cho “Hát từ Làng Sen” chứ chưa phải LHLS. Đang thiếu không gian thiêng, biểu tượng tâm linh, trình thức lễ hội để làm nên màu sắc riêng của LHLS. Bởi vậy, có người nhận xét rằng LHLS chỉ là một phiên bản của liên hoan “Hát từ Làng Sen”. Trong dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, từng dòng người đổ về Kim Liên quê Bác thành một cuộc hành hương cảm động, nhưng họ hoàn toàn không biết có LHLS. Lễ hội đền Hùng được tạo nên bởi những dòng người về giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội chùa Hương được tạo nên bởi những dòng người về với “Thiên nam đệ nhất động” để viếng cửa Phật. Tại sao LHLS lại không thu hút được dòng người hành hương về quê Bác vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Người. Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt để trả lời câu hỏi “LHLS nên tổ chức như thế nào?”. Đặt ra những vấn đề như không gian thiêng, biểu tượng tâm linh, màu sắc lễ hội là cần thiết, nhưng những yếu tố đó phải do nhân dân sáng tạo. Chúng ta không thể vẽ ra mô hình về không gian thiêng, biểu tượng tâm linh, màu sắc lễ hội rồi bắt nhân dân làm theo. Chính nhân dân sẽ tạo ra không gian thiêng cho LHLS. Biểu tượng tâm linh của LHLS thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu, đó là biểu tượng của lòng dân. Màu sắc của LHLS do chính nhân dân tạo nên bằng những hình thức sinh hoạt văn hóa sinh động. Chừng nào LHLS còn bị “Nhà nước hóa” thì nhân dân còn đứng ngoài cuộc, do đó không thể có không gian thiêng, biểu tượng tâm linh, màu sắc lễ hội. Tất nhiên bất cứ lễ hội nào cũng không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước, và lễ hội nào bên cạnh hoạt động của nhân dân cũng phải có phần tham gia của Nhà nước. Nhưng nếu Nhà nước đứng ra làm thay nhân dân, để nhân dân đứng ngoài cuộc thì bất thành lễ hội.
Ông Chu Trọng Huyến(nhà nghiên cứu lịch sử):
Lễ hội Làng Sen không thể mở đầu bằng một ngày Dương lịch và kết thúc vào một ngày Âm lịch
Để góp phần nâng cao chất lượng về hình thức và nội dung của lễ hội Làng Sen (LHLS), với hiểu biết hạn hẹp của bản thân, tôi xin góp 2 ý:
1. Theo chúng tôi, điều mà tỉnh cần nắm vững để ngày thêm một đi sâu và nâng cao cho lễ hội là: điểm đặc trưng của không gian “Từ Làng Sen”. Từ làng Sen ta hát về Bác. Các nơi đến làng Sen để hát về Bác. Thân phụ Bác yên nghỉ trên bờ sông Tiền. Mẹ Bác an giấc ngàn thu trên bờ sông Lam. Và Lăng Bác là cõi thiêng trên bờ sông Hồng. Ân tứ ấy chia đều cho cả ba miền. Ở đây có “Phường vải”, “Ví giặm”, “Đò đưa”. Trong những ngày lễ hội, nơi sinh ra Bác còn được đón nhận đặc trưng của dân ca mọi miền: Lưu vực sông Hồng: “Quan họ Bắc Ninh”; Miền Trung: “Hò Bình Trị Thiên”, “Hò Huế”; Nam bộ: “Dân ca của vùng sông nước Cửu Long”. Các bài hát thật hay viết về Bác, về quê Bác cũng cần được chọn cho dịp này. Cả nước luôn luôn muốn nghe một câu hò, một điệu ví từ làng Sen và góp thêm vào không gian làng Sen một giọng ngân. Cũng là chủ đề về Bác Hồ, tiếng hát Từ Làng Sen phải hòa đồng với lời ca của mọi nơi nhưng cần giữ được bản sắc của chủ đề là “Lễ hội Làng Sen”, tức từ làng Sen ta hát về Bác và đến làng Sen để cất cao giọng ca về Người. Không gian lễ hội và đặc trưng nghệ thuật của địa phương là hết sức quan trọng. Chưa hẳn mọi người đều thích hát Xoan nhưng để tôn vinh lễ hội đền Hùng, phải phục nguyên và đề cao hát Xoan. Huống hồ dân ca xứ Nghệ vốn nổi tiếng từ bao thuở, bản sắc của nó phải được nổi rõ trong LHLS để tránh sự đánh đồng: hát về Bác ở làng Sen cũng như những lời ca về Người ở các nơi khác.
2. LHLS không nên kéo dài từ 19-5 đến 2-9 hàng năm (đến những gần ba tháng rưỡi, như một “Kịch bản (lấy ngày 21-7, giỗ Bác theo Âm lịch để kết thúc lễ hội)” đã trình lên tỉnh và đã được đưa ra thảo luận lần thứ hai, vào tháng trước. Tên tuổi của Bác đã đi vào Từ điển Bách khoa toàn thư của thế giới, sao ngày mất của Bác lại tính theo Âm lịch để kết thúc LHLS khi ta muốn quảng bá lễ hội này cũng như muốn đất nước mình hội nhập với cả hoàn cầu?
Theo tôi, LHLS nên khai mạc vào ngày 19-5 hàng năm và kéo dài không quá 1 tuần lễ. Dịp ấy tiết trời chưa thật nóng và cũng còn hiếm mưa, thuận tiện cho sự đi lại và mọi sinh hoạt ngoài trời. Chứ vào cuối tháng Bảy ta, trên đất Nghệ đã ở vào mùa mưa bão. Nếu lễ hội kéo dài đến lúc ấy (khi mà công việc không cần phải như vậy) thì sẽ kém phần vui, mất đi sự trọng thể.
Giỗ Bác là ngày rất thiêng liêng. Tỉnh cần tổ chức lễ cúng thật trọng thể theo phong tục nước Việt và mỗi gia đình có thể cúng giỗ Bác nhưng đó là việc làm từ “Tâm” theo ý thức của người phương Đông mà mỗi chúng ta ngày một ghi nhớ. Nhưng LHLS không thể mở đầu bằng một ngày Dương lịch và kết thúc vào một ngày Âm lịch được.
Ông Đặng Khắc Thắng(Nhà báo, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Nghệ An, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An):
Lễ hội làng Sen mới chỉ đang trong quá trình thể nghiệm
Tôi cho rằng LHLS mới chỉ đang trong quá trình thể nghiệm, những vấn đề cốt lõi của một lễ hội dưới góc độ tiếp cận lý thuyết và tiếp cận thực tiễn như không gian, thời gian, cấu trúc, trình thức lễ, phương thức hội của LHLS đều chưa được định hình.
Năm 2002, nhân kỷ niệm 20 năm Liên hoan Hát từ Làng Sen, UBND tỉnh Nghệ An đã đề xuất và được Bộ Văn hóa, Thông tin chấp thuận cho chuyển hóa Liên hoan Hát từ Làng Sen thành LHLS. Bộ chỉ đạo Nghệ An phải thể nghiệm để LHLS sớm trở thành một lễ hội mới với chủ đề là tôn vinh các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.
Tiếc là sau đó công tác tổ chức thể nghiệm làm chưa tốt. Đến bây giờ sau hơn 10 năm nhiều vấn đề khoa học của LHLS vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Tôi cũng nói lại là vấn đề kịch bản LHLS đã được Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh chuẩn bị từ năm 1988. Những năm 1990, 1995 và 2000 Nghệ An có tổ chức LHLS. Cách làm lúc đó là tập hợp các hoạt động văn hóa (ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, trò chơi dân gian) có cùng chủ đề ca ngợi và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành một hệ thống có tính kết nối tương đối. Xét về bản chất mà gọi đó là lễ hội thì có lẽ chưa thuyết phục.
Chính vì việc thể nghiệm không chu đáo cho nên càng về sau sức lan tỏa của LHLS càng yếu dần. Những năm có Trung ương hỗ trợ thì các loại hình hoạt động còn đa dạng. Những năm do tỉnh và huyện tổ chức thì quy mô cũng chỉ như liên hoan Hát từ Làng Sen của các năm trước. Những căn bệnh nan y như thiếu vắng sự tham gia của người dân, lễ hội bị hành chính hoá... đều xuất hiện trong quá trình tổ chức LHLS.
Trở lại vấn đề, cần khẳng định rằng Nghệ An có nhiều cơ sở để xây dựng thành công LHLS. Đó là có nhân vật thiêng, có không gian thiêng, có niềm tin tâm linh rất sâu của nhân dân vào huyền thoại Hồ Chí Minh.
Câu chuyện bây giờ là phải tiếp tục thể nghiệm LHLS dưới góc nhìn của khoa học lễ hội. Tôi thấy có mấy nội dung rất cốt lõi cần được định hướng rõ cho việc thể nghiệm:
1. Về trình thức, tuy là lễ hội mới nhưng nên xây dựng trình thức LHLS theo hướng lấy trình thức lễ hội cổ truyền làm chủ đạo. Nếu theo trình thức này thì việc thể nghiệm phải giải đáp hàng loạt vấn đề cụ thể về nghi lễ, cách thức tổ chức, quản lý… Đó là những vấn đề khoa học và thực tiễn, không thể nói theo cảm tính mà phải được xem xét và thể nghiệm nghiêm túc.
2. Về quy mô, không nên đặt vấn đề LHLS nên tổ chức cấp tỉnh, cấp vùng hay cấp quốc gia. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải biết nói lời đoạn tuyệt với việc nhà nước hàng năm phải đổ tiền ra nuôi LHLS. Bởi với lễ hội, sự cảm hóa và khả năng thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân càng cao thì sức sống và sự lan toả của lễ hội càng lớn chứ không phải được quyết định bằng quy mô của cấp tổ chức.
3. Cần mạnh dạn cho thể nghiệm khai thác các yếu tố tâm linh liên quan đến cuộc đời Hồ Chí Minh vào LHLS. Đây là nội dung nhiều người rất muốn nhưng hầu như ai cũng ngại, có lẽ vì sợ động chạm đến vùng nhạy cảm. Theo tôi thì cần có định hướng rõ ràng, thể nghiệm đến đâu đánh giá tới đó. Một lễ hội thiếu đời sống tâm linh thì khó lòng để người dân neo đậu lâu dài.
Ông Nguyễn Bá Hòe(Giám đốc Khu di tích Kim Liên):
Nên tổ chức LHLS vào dịp 19.5 và chỉ diễn ra trong 2-3 ngày
Hơn 10 năm kể từ khi “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen” được chuyển hóa thành LHLS đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến Nghệ An, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Hàng năm vào dịp 19. 5 tại khu Di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh có hàng triệu đồng bào và du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia các hoạt động lễ hội.
Để LHLS thực sự trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc riêng của Nghệ An, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội ngày càng khoa học, có tính chuyên nghiệp hơn. Hàng năm cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội và đề ra chiến lược tuyên truyền lễ hội
Theo tôi, LHLS được tổ chức theo ngày Dương lịch và vào dịp tháng 5, nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ nên rất thuận lợi cho việc đưa thông tin ra nước ngoài (vì ngày Dương lịch của Việt Nam và quốc tế là một). Thời gian diễn ra LHLS vào mùa nóng, hạn chế sự đi lại của du khách và sự tham gia của nhân dân bởi vậy không nên kéo dài thời gian tổ chức Lễ hội chỉ diễn ra khoảng từ 2-3 ngày là hợp lý nhất. Cần đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động của LHLS nhằm tăng cường sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của đông đảo nhân dân theo sự hướng dẫn, quản lý chung của cơ quan chức năng.
Đối với phần “hội” rất cần phục hồi và phát huy những trò chơi dân gian truyền thống như: thả diều, chọi gà, đánh đu, đấu vật, đánh cờ người... Tổ chức biểu diễn rộng rãi các chương trình hát dân ca: hát ví, giặm, hát phường vải, phường đan... Sự xuất hiện của các trò chơi dân gian, các làn điệu, bài hát dân ca trong phần hội sẽ làm cho không khí náo nức hơn rất nhiều và tạo ấn tượng cho người dự hội.
Bà Quách Thị Cường(Trưởng phòng Quản lý Văn hóa - Sở VH, TT&DL Nghệ An):
Lễ hội Làng Sen có thể bắt đầu từ 19. 5 (dương lịch) đến ngày 21. 7 (âm lịch)
Theo tôi, cần xây dựng, nâng cấp lễ hội Làng Sen (LHLS) hàng năm thành một lễ hội dân gian truyền thống thờ anh hùng dân tộc/vị thánh Hồ Chí Minh do chính nhân dân Làng Sen làm chủ thể và thời gian chính lễ là ngày 21/7 ÂL (ngày giỗ Bác Hồ) giống như truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam đã tạo nên những lễ hội đền Hùng, lễ hội Mê Linh, lễ hội đền Trần... Lễ hội bao gồm, các hoạt động trước ngày đại lễ, chương trình đại lễ phải đạt tầm cỡ quốc gia diễn ra tại nhà tưởng niệm Bác ở làng Sen, nghi thức rước trong ngày đại lễ, nghi thức rước của các đoàn khắp cả nước về với quê Bác. Các hoạt động hội bao gồm tổ hợp các hoạt động văn hóa/văn nghệ/trò chơi dân gian Nghệ Tĩnh và các hoạt động văn hóa đặc trưng của các địa phương trong cả nước.
Còn vào dịp 19/5 hàng năm vẫn diễn ra các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác với hoạt động như “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen”, thi đấu các môn thể thao…
Tôi cũng đồng tình ý tưởng trong dự thảo đề án nâng cấp LHLS đó là việc tổ chức lễ hội Làng Sen phát triển 5 năm một lần (theo chu kỳ vào những năm chẵn kỷ niệm sinh nhật Bác). Thời gian mở đầu vào ngày 19/5 mang tầm vóc quốc gia, được tổ chức qui mô trên toàn thành Vinh và các vùng phụ cận với chủ đề Festival Văn hóa và sáng tạo của tuổi trẻ Hồ Chí Minh. Lễ hội mang tinh thần mừng ngày sinh nhật Bác, có nội dung và hình thức hiện đại, tạo nên điểm nhấn có tính đột phá cho văn hóa/du lịch Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ. Festival sẽ hoạt động theo nhiều chủ đề thuộc các lĩnh vực sáng tạo khoa học/công nghệ, nghệ thuật, văn hóa xã hội, kinh tế…. và theo tầng lớp/lứa tuổi. Mỗi chủ đề hoạt động theo chu kỳ tuần (thứ 7 - CN), có thể kéo dài suốt mùa du lịch biển Cửa Lò và kết thúc chính thức vào lễ đại tế vào ngày 21/7 ÂL.
Tuy nhiên, để ý tưởng trên thành hiện thực cần có sự nghiên cứu những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng LHLS theo phương thức truyền thống. Cần sự nghiên cứu sâu sắc nhu cầu tâm linh hướng về Hồ Chí Minh của nhân dân. Nghiên cứu các giá trị đặc trưng tài nguyên văn hóa Nghệ Tĩnh cũng như lựa chọn các giá trị văn hóa tiêu biểu của cả nước làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình lễ hội và những khả năng, nguồn lực và phương pháp/công nghệ cần thiết cho lễ hội. Dựa trên cơ sở những lần tổ chức LHLS trước đây cần phân tích các tác động mọi mặt của lễ hội đến đời sống xã hội nhằm đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quá trình tổ chức lễ hội tôn vinh các giá trị Hồ Chí Minh trên quê hương của Người.
Ngoài ra, cần phải xác định chu kỳ thời gian cho các hoạt động lễ hội cho phù hợp với truyền thống văn hóa và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.