Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo (STK) trong trường phổ thông (thay thế công văn số 6631/BGDĐT-GDTrH ngày 25/7/2008), trong đó có qui định cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo (STK) tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Lại thêm một qui định “lạ”, hài hước của ngành GD.
STK chính là nguồn bổ sung thông tin, phương tiện giúp học sinh và cả giáo viên trong việc hoàn thiện tri thức, kĩ năng. Vậy thì việc mọi người, kể cả cán bộ, giáo viên hay nhân viên trường học phát hành, giới thiệu, vận động học sinh, phụ huynh mua sách thì có gì mà phải cấm? Như vậy, có thể thấy, qui định mới của Bộ GD – ĐT một mặt phản ánh tình trạng thị trường STK, do cơ quan chức năng buông lỏng quản lí, đã đến mức bát nháo, không kiểm soát được về nội dung, chất lượng cũng như giá cả; mặt khác cũng cho thấy xu hướng thương mại hoá, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết của việc biên soạn, in, phát hành loại sách này. Và phải chăng một số cơ quan quản lí giáo dục, nhà trường và giáo viên cũng không thoát khỏi “vòng quay lợi nhuận” có sức hấp dẫn ghê gớm này?
Liệu qui định nói trên của Bộ GD – ĐT có hạn chế, ngăn chặn được tình trạng bát nháo trong thị trường STK hay không? Câu trả lời là không có tác dụng gì, người ta vẫn cứ viết, cứ in, cứ bán STK. Không cần được quảng bá trong nhà trường thì trước nhu cầu và sức ép của việc học tập, phụ huynh và học sinh vẫn phải mua, sách càng phong phú, đa dạng thì càng mua nhiều.
Điều đáng nói là qui định cấm giáo viên giới thiệu STK với học sinh đã đi ngược lại qui luật chia sẻ thông tin trong giáo dục. Để dạy tốt, giáo viên phải sử dụng rất nhiều STK. Với khả năng, trình độ và kinh nghiệm của mình, hầu hết giáo viên dễ dàng đánh giá được chất lượng STK, chọn lọc được những cuốn hoặc những nội dung phù hợp, có ích cho việc giảng dạy của bản thân và việc học tập của học sinh, loại bỏ những cuốn kém, có nội dung trùng lặp, sai sót. Trong khi nhiều học sinh và phụ huynh rất khó khăn thậm chí là không thể phân biệt STK hay/dở, tốt/xấu, cần thiết hay không. Nếu giáo viên giới thiệu với học sinh hay phụ huynh những cuốn STK cần thiết, giúp học sinh lựa chọn những cuốn có ích thì sẽ tốt hơn để học sinh và phụ huynh tự “bơi” trong “biển” STK. Giáo viên chia sẻ, giới thiệu với học sinh những cuốn sách, tài liệu hay có tác dụng kích thích, động viên học sinh ham học hỏi, tìm tòi. Đối với những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm thì việc hướng dẫn học sinh tìm đọc sách báo, tài liệu tham khảo là một công việc thường xuyên, có tính tất yếu. Nay Bộ GD – ĐT lại ra qui định cấm giáo viên tuyệt đối không được “giới thiệu STK tới học sinh bằng bất kì hình thức nào”, phải chăng sợ giáo viên cũng làm như mấy vị bác sĩ phối hợp ăn chia hoa hồng với nhà thuốc? Nghe mấy chữ “tuyệt đối” mà nơm nớp thay cho nhà giáo. Giả sử trong giờ dạy hay giờ giải lao, giáo viên nào cao hứng, lỡ lời nói về một cuốn sách hay, một tư liệu quí liên quan đến bài giảng mà học sinh nào đó ghi âm được (bây giờ thiết bị ghi âm rất sẵn và rất rẻ) rồi tung lên mạng, không khéo bị kỉ luật như chơi. Nhắn các nhà giáo lo mà “giữ mồm giữ miệng” về STK, cả lúc có học sinh nào hỏi đến. Và từ nay, những nhà giáo nghèo, muốn kiếm thêm chút thu nhập bằng cách bán, phát hành STK cũng bị Bộ “cấm cửa” luôn. Tra cứu choẹt cả mắt hết luật Tây, luật Ta, chúng tôi chưa thấy việc giáo viên giới thiệu, phát hành, bán STK cho học sinh vi phạm vào điều khoản nào của văn bản nào. Có lẽ đây là “luật” riêng của Bộ GD – ĐT?