Văn hoá học đường

Trao đổi với tác giả bài "Thợ dạy có thực sự dở?"

Tôi đã đọc nhiều lần bài Thầy dạy hay "thợ dạy"? (01/05/2013) và "Loạn"... giáo dục? (02/05/2013) của tác giả Trịnh Xuân Báu đăng trên Tuần Việt Nam. Là người đã có nhiều năm gắn bó với giảng đường, tôi cho đây là một nguồn thông tin đáng tin cậy và giàu tính thuyết phục mà tất cả những ai hoạt động trong ngành giáo dục, nhất là những người trực tiếp tham gia công việc quản lý, đều nên quan tâm, suy ngẫm.

 

Cùng trao đổi về chủ đề trên, ngày 09/05/2013, Tuần Việt Nam lại giới thiệu tiếp bài "Thợ dạy" có thực sự dở? của tác giả Khương Duy. Khác với Trịnh Xuân Báu, cách nhìn vấn đề của nhà giáo này không giống với nhiều độc giả. Sự khác nhau đó thể hiện qua hai ý nhỏ:

- Dạy như thế nào gọi là "thợ dạy"?

- Nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng có phải là nghiên cứu khoa học?

Xin được bộc bạch để mọi người cùng chia sẻ.

Theo quan niệm của người Việt, đã gọi là thầy, dù ở cấp, bậc nào trước tiên là phải dạy. Dạy học là công việc chuyên làm do xã hội phân công cho giáo viên (bậc đại học gọi là giảng viên). Không trực tiếp tham gia giảng dạy không phải là thầy.

Song, khi giáo dục đang nghiêng về chiều hướng lấy lợi nhuận làm mục đích thì thầy cũng có nhiều kiểu thầy và dạy cũng có lắm cách dạy. Từ đó mới sinh ra cái gọi là "thợ dạy", đối lập với thầy dạy. "Thợ dạy", theo cách hiểu của người viết, là người dạy không ra dạy. Người nào dạy phất phơ, truyền đạt một cách nhàm chán những điều đã cũ, không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, thời lượng, không vì quyền lợi người học đều bị xếp vào loại "thợ dạy". "Thợ dạy" do đó mà không thể không dở.

Với cách nhìn đó thì một người kiến thức vững vàng, làm chủ lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, luôn trăn trở về điều mình truyền thụ và dạy hay, dạy tốt như tác giả Khương Duy nói, thì đó là một thế mạnh, một phẩm chất không thể thiếu được của thầy dạy.

Tuy nhiên, với giảng viên đại học, dạy chỉ là một trong hai nhiệm vụ chính. Bên cạnh giảng dạy, họ còn có một nhiệm vụ quan trọng khác nữa, đó là nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu để phục vụ giảng dạy và giảng dạy để thể nghiệm kết quả nghiên cứu. Không giống với giáo viên phổ thông, ở bậc đại học, mỗi bài giảng đều ít nhiều là kết quả của quá trình nghiên cứu và một giảng viên - thầy dạy chân chính phải hội đủ cả hai yêu cầu (giảng dạy - nghiên cứu) đó.

Tác giả Duy Khương đặt vấn đề: "Một giảng viên cần cù đọc, nghiên cứu, sắp xếp tài liệu thuộc môn học mình giảng dạy, tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy và thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để cập nhật thực tiễn đưa vào những bài giảng được sinh viên yêu thích, nhưng không viết báo cáo, không làm đề tài các cấp,liệu có bị coi là không tích cực nghiên cứu khoa học?Một người "thợ dạy" lành nghề và yêu nghề như thế lẽ nào làm cho nền giáo dục đại họctrở nên yếu kém?"

Thiển nghĩ, một hoạt động nghiên cứu có được coi là nghiên cứu khoa học đích thực hay không cần phải dựa vào sản phẩm (viết báo cáo, làm đề tài các cấp,...) và chất lượng sản phẩm ấy đã được Hội đồng Khoa học các cấp thẩm định. Những thao tác mà tác giả nêu trên chỉ là bước chuẩn bị công phu và đầy tinh thần trách nhiệm của giảng viên cho một bài giảng, góp phần giúp họ xây tạo uy tín và củng cố vị thế thầy dạy trên bục giảng chứ không thể coi là tích cực nghiên cứu khoa học được.

Ai cũng biết, dù bậc đại học hay phổ thông đều không hiếm những người dạy lành nghề và yêu nghề. Nhưng ở môi trường đại học, những giảng viên "lành nghề"và yêu nghề song lại nói không với nghiên cứu khoa học như thế, nếu không làm cho nền giáo dục nước nhàtụt hậu thì cũng lẹt đẹt, dẫm chân tại chỗ, bởi lẽ, họ chưa hơn gì giáo viên phổ thông. Lại nữa, nếu như giảng viên nào cũng chỉ thuần dạy, trên lớp chỉ rao giảng nguyên xi những điều của người khác mà không miệt mài tìm tòi, viết lách, nghiên cứu thì lấy đâu ra sách vở, tài liệu để những người đi sau "cần cù đọc, nghiên cứu, sắp xếp tài liệu thuộc môn học mà mình giảng dạy"?

Thế nhưng, ở một đất nước mà trường đại học đua nhau mọc tràn lan như nấm, giáo viên dạy "dở như cóc" và chỉ cần lên lớp dăm bảy vòng rồi làm quan cho đến hết đời có khi cũng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, thì trường nào có nhiều giảng viênthuần dạy song dạy hay, dạy tốt và luôn được sinh viên tin yêu là trường đó diễm phúc lắm rồi. Còn một hình mẫu thầy dạy như chúng tôi vừa "phác họa" ở trên, không chỉ các trường đại học địa phương mà ngay cả các trường đại học vùng, đó cũng chỉ mới là loại "chân dung lý tưởng"./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558422

Hôm nay

220

Hôm qua

2384

Tuần này

21981

Tháng này

225965

Tháng qua

122920

Tất cả

114558422