Văn hoá học đường

Đi du học ?

Hơn cả trăm nghìn sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài và con số đó có hướng ngày càng tăng thêm.

Tôi là một người đã đi du học và đã ở lại nước ngoài. Cùng thời với tôi, nhiều người cũng như vậy vì những hoàn cảnh lịch sử xã hội hay cá nhân. Tôi cũng đã nhiều lần đón và giúp đở các sinh viên nước ngoài tại Liège, trong đó có sinh viên đến từ Việt nam.

Ngay cả các con tôi cũng đã đi tứ xứ học thêm, hiện một cháu còn ở nước ngoài ít nhất là hai năm nữa.

Vì thế tôi có vài kinh nghiệm về du học.

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi là một kỷ niệm bằng nước mắt: tôi khóc, cách đây lâu lắm, khi mở gói kim chỉ trong hành lý mang theo vì ngoài các vật dụng cần để có thể đơm lại cái nút áo hay khâu lại cái lai (cạp) quần, mẹ tôi đã để thêm vào một mảnh giấy nhỏ với bốn chữ : Ba má nhớ con.

Bốn chữ nó nói lên thân phận của một du học sinh xa nhà, không những chỉ vì bản thân cô đơn độc mã ở xứ người mà còn để lại bên nhà một khoảng trống cho cha mẹ. Có ai vui khi đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, nuôi dạy suốt hai mươi năm, … để rồi một ngày nó «lang thang» ở một chân trời xa lạ ?

Tại sao phải đi học ở nước ngoài ?

Nhiều lý do lắm, có lý do chính đáng cũng có lý do không chính đáng.

Tạm thời xin gác chuyện giá trị định lượng của trường học bên nhà. Vì ngoài lý do đó ra, không những chỉ ở bên ta mà ở hầu như là tất cả các nước phát triển, việc du học là một việc được khuyến khích : ở cái thời toàn cầu hóa, ít nhất phải đi đây đi đó, cọ xát với khoa học nước ngoài, có thêm vốn liếng hiểu biết và kỹ năng hòa mình, … Hiện ở Đại học Liège chẳng hạn, sinh viiên thì theo các chương trình Eurasmus hay Leonardo đi một năm trong học trình ở nước ngoài – điểm thi được xem như tương đương- . Ứng viên muốn được bổ nhiệm giáo sư thì phải có ít nhất là sáu tháng kinh nghiệm ở một Đại học ngoại quốc (thông thường là Anh, Mỹ nhưng cũng có thể là Chi lê, Ấn độ, Đức, Ý, …).

Đi du học để tự do, để tránh sự kiểm soát của cha mẹ, để theo thời, để bằng chị bằng em, …là những lý do mà ta có thể xem như không chính đáng và cần suy nghĩ kỹ.

Vì đi học ở nước ngoài phải trả cái giá của nó. Cái giá đó không những là tiền bạc cha mẹ phải chi mà còn là cái giá tâm lý xã hội: một du học sinh, phải vượt qua những khó khăn vì nhớ nhà, lạ cảnh, … phải có khả năng tự bươn chải một mình : tự đi học dĩ nhiên rồi mà bên cạnh đó: tự lo ăn uống, áo quần, dọn dẹp phòng mình, … Nhiều khi còn phải đi làm thêm để sống. Có những trẻ đã thành công, đồng ý, nhưng bao nhiêu trẻ khác đã thất bại, đâu có ai kể cho ta nghe !

Một khó khăn khác: mất hay thiếu “nơi đi chốn về” để có chỗ dựa tinh thần, một chút tình người, nhất là giữa một môi trường mà trong đó ai cũng “vô danh” như xã hội Âu Mỹ. Bạn bè, những người đồng hương,… rất là cần thiết dù là chưa đủ để bù cho tất cả khoảng trống của nhu cầu tình cảm và nhu cầu liên hệ xã hội.

Chương trình học có khó lắm không ?

Nhìn chung quanh tôi, câu «Đường đi khó, không khó và ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông» thật là đúng. Đại đa số du học sinh thành công ở nước ngoài. Chương trình giáo dục Âu Mỹ có cái đó như …ưu điểm: chỉ cần «nghiêm chỉnh» học là thành công.

Sinh viên từ nước ngoài đến cần vượt qua rào cản ngoại ngữ nhưng có lẻ đó chỉ là một khó khăn nhỏ. Vã lại, dù là ở Milan, ở Minneapolis hay ở Liège, Đại học nào cũng có các cơ quan hổ trợ sinh viên nước ngoài – từ hổ trợ thêm sinh ngữ, giúp tìm chỗ ở hay việc làm, các trợ giảng giúp cho theo kịp bài giảng, … Sinh viên nào không bị trầm cảm – vì khi bị trầm cảm thì sẽ buông tay – thì chỉ cần đi gỏ cữa các cơ quan đó, thế nào cũng được giúp để vượt khó khăn (mà ngay tới khi em nào bị trầm cảm đi nữa, cũng có cơ quan giúp trị liệu).

Cái gì không nên quên ?

Đi du học là một vấn đề quan trọng. Đừng sa vào bẩy những nước «tiếp thị» các Đại học mình và xem sinh viên ngoại quốc như một tiềm năng cho kinh tế quốc nội. Nước Mỹ làm chuyện đó. Họ cho học bổng vì họ cần người giỏi (người giỏi mà nước khác đã đào tạo trong ít nhất là 12 năm rồi). Sau này người đó còn có khả năng ở lại nước họ nữa. Đầu tư như thế là đầu tư … khôn. Thậm chí, nước Pháp gần đây, để thu hút «thị trường sinh viên đi từ Trung quốc», dự trù dạy Đại học bằng tiếng Anh, nếu không ,”thành phần có nhu cầu du học” này ồ ạt sang Mỹ hết và Pháp … bị thiệt !

http://www.lemonde.fr/idees/visuel/2013/05/15/la-france-saborde-t-elle-sa-langue-a-l-universite_3230729_3232.html

Chi tiết cuối cùng.

«Chim có tổ, người có tông».

Dù ở xứ ngoài 30 hay 40 năm, nhiều Việt kiều mang tâm trạng hoài hương. Dù là họ thành đạt nơi xứ người. Sự trạng đó, méo mó nghề nghiệp, tôi giải thích bằng cái dấu hằn của sự xã hội hóa đầu tiên (socialisation primaire): cao lương mỹ vị của Nga của Tây đi nữa – tôi đang nghĩ tới các món như trứng cá (caviar) hay gan ngỗng (foie gras) – các món đó không làm những người Việt như tôi quên món dưa mắm hay riêu cua đồng… những hương vị của thời thơ ấu. 

Nguồn: nguyenhuynhmai.org

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558416

Hôm nay

214

Hôm qua

2384

Tuần này

21975

Tháng này

225959

Tháng qua

122920

Tất cả

114558416