Thông tin trên là không mới. Tuy nhiên vẫn đề này chưa bao giờ là cũ. Tôi tin con số của ông Nguyễn Xuân Phúc hơn. Còn ý kiến của ông bộ trưởng Binh, tôi cũng như rất nhiều người khác, không tin. Không phải vì ông Phúc là Phó Thủ tướng chức cao hơn ông Bình, mà vì chúng tôi làm việc ở cơ sở, nên biết.
Liên quan đến câu chuyện này, tôi xin góp mấy ý:
1.Các ông nói công chức là chưa đủ, cần nói thêm cả viên chức. Đội ngũ này cũng hưởng lương gần giống với công chức, tức là thuế của dân. Và cái sự “sáng vác ô đi tối vác ô về” là chuyện thường ngày, thậm chí là chuyện đương nhiên đối với họ. Và có vẻ càng ngày càng tăng vì ngân sách dành cho các hoạt động sự nghiệp đang khó khăn, rỗi việc hơn. Thứ nữa, hình như việc xét tuyển vào viên chức không ngặt nghèo bằng công chức nên tình trạng “hợp lý hóa’ ‘cho cháu nó một chỗ làm để kiếm lương hàng tháng” nhiều hơn. Theo quan sát của chúng tôi thì có những trường hợp hàng mấy chục năm hầu như không làm việc gì, hàng tháng nhận lương và đến dịp lại lên lương. Không những ăn bám tiền thuế của dân, có những người còn “nhàn vi bất thiện”, đi làm nhiều việc bậy ở ngoài xã hội kể cả lừa đảo. Nhà nước có luật lao động, luật cán bộ, công chức, luật viên chức.., nói tóm lại là có các chế tài xử lý những trường hợp này nhưng nhìn chung đều hòa cả làng, không xử lý được ai cả vì bây giờ việc tổ chức, điều hành, quản lý bộ máy và tổ chức nó như một trận đồ bát quái, mắc chỗ này, vướng chỗ nọ, rất khó nếu không nói là không gỡ được.
2.Tôi vẫn nghĩ, công chức, và viên chức, “sáng vác ô đi tối vác ô về” vẫn còn đỡ thiệt cho dân hơn là cái loại có làm việc nhưng nhân danh quyền lực nhà nước để làm bậy, làm hại cho dân cho nước. Họ nhũng nhiễu, tác oai, tác quái dân. Có một loại nữa là họ tham mưu cho cấp trên ra những quyết định sai lầm. Họ ngồi trong phòng máy lạnh, đi xe hơi, chân không đến đất, đầu không đội nắng mưa, hầu như thoát ly khỏi cuộc sống của người dân, không thấu hiểu cho dân, nên đề xuất rất nhiều ý tưởng xa vời thực tế, xa vời lợi ích và nguyện vọng của người dân, thậm chí chỉ có lợi cho phe nhóm của họ.
3.Nhưng đau xót nhất đối với xã hội là đạo đức công chức, trách nhiệm công chức, công bộc của “một bộ phận không nhỏ” đã xuống cấp thê thảm. Họ không nhận trách nhiệm, nhận lỗi trước pháp luật nhà nước, trước dân, thậm chí trước lương tâm của họ về những sa đọa, sai lầm và dốt nát của họ. Bao giờ họ cũng tìm ra cách để thoái thác trách nhiệm, để đổ lỗi. Mấy vụ xả nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi ở nhiều tỉnh trong cả nước làm ngập, làm trôi cả xã, cả huyện vừa rồi là một ví dụ. Những người gây ra tai họa cứ thao thao bất tuyệt nhưng không nhận bất cứ trách nhiệm gì cả. Hãy lắng nghe người dân nói. Sự thật ở đó nhiều hơn nghìn triệu lần ở các công chức, viên chức vô tâm, vô trách nhiệm.
4.Làm gì với tình trạng này? Đây là một nan y của xã hội Việt Nam. Giải quyết tình trạng này là vô cùng khó vì nó chỉ là một biểu hiện của sự bất cập trong tổ chức, điều hành, quản lý bộ máy nhân sự của nhà nước. Xử lý một cái cụ thể, cái bộ phận không thể giải quyết được cái toàn thể, tổng thể. Tuy nhiên, nếu không xử lý các hiện tượng thì cũng khó có thể tác động tích cực đến cái tổng thể. Chúng tôi tạm đề xuất mấy việc cụ thể như sau: i. Kiên quyết xử lý đúng luật những trường hợp vi phạm đạo đức, trách nhiệm công vụ, kiên quyết không để tồn tại tình trạng… để lâu hóa bùn. ii. Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc việc bổ nhiệm, thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức. Nếu cần thiết, nên thuê một tổ chức độc lập để làm việc này. iii. Chấn chỉnh ngay lại giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Dẹp bỏ bớt các trường, bỏ hệ tại chức. Nhiều trường, nhiều hệ nên ai cũng có thể kiếm được bằng đại học một cách dễ dàng. Và với cách bổ nhiệm, thi/xét tuyển như hiện nay thì bằng cấp và phong bì sẽ đưa những kẻ dốt nát vào hàng ngũ công chức, viên chức để ăn thuế của dân nhưng không làm gì cho dân, thậm chí làm hại dân.
Chúng tôi nghĩ, không chỉ là 1% hay 30% “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, mà nghiêm trọng nhất là hậu quả để lại của một phận công chức, viên chức vô tâm, vô trách nhiệm và dốt nát gây ra trong lúc thực hành chức trách. /.