Phan Thảo Nguyên:Cảm ơn chị đã nhận lời cho cuộc gặp đầu xuân hôm nay. Thưa chị, là một công dân chị nghĩ gì về đất nước khi năm 2013 đã đi qua?
Phan Thảo Nguyên:Cảm ơn chị đã nhận lời cho cuộc gặp đầu xuân hôm nay. Thưa chị, là một công dân chị nghĩ gì về đất nước khi năm 2013 đã đi qua?
Nhà báo Kim Dung:Cảm ơn anh đã đặt ra một câu hỏi khá rộng, mang tính bao quát.
Với tư cách là một công dân, thì năm 2013 đất nước trải qua quá nhiều thách thức về kinh tế- xã hội, nhưng đặc biệt là năm có quá nhiều nỗi đau của con người.
Tôi không muốn nói về giá cả như các mặt hàng xăng dầu, giá cả chợ búa mà những người nội trợ như phụ nữ chúng tôi dễ cảm nhận thấy nhất. Cũng không muốn nói về chỉ số lạm phát, hay về cái sự chậm trễ, ì ạch của chủ trương tái cơ cấu kinh tế, một chủ trương đúng đắn, cần thiết nhưng quá chậm chạp để có thể biến thành hiện thực theo tiến độ đề ra. Bởi muôn ngàn lý do: Tư duy kinh tế người Việt còn xơ cứng, bảo thủ, mang nặng ý thức hệ. Đặc điểm hợp tác, tính cộng đồng người Việt rất hạn chế, sự đụng chạm tới nhóm lợi ích… Tất cả những căn nguyên đó là những ‘vật cản” có trọng lượng trên con đường tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa các DN, để phát triển kinh tế theo quy luật thị trường đúng nghĩa.
Tôi chỉ muốn nói về nỗi đau của người Việt trước các vấn đề sinh tử của đất nước, trước những vụ việc phản chiếu sự băng hoại đạo lý- văn hóa sống xảy ra liên tiếp, liên tục, và gây sự tổn thương lớn cho cả xã hội.
Vấn đề sinh tử đó là quốc nạn tham nhũng. Cho dù năm nay, hơn 400 vụ tham nhũng bị phát hiện và xử lý, trong đó có hai vụ đại trọng án thu hút sự quan tâm sâu sắc của xã hội, đó là vụ án Công ty cho thuê Tài chính II, vụ án Vinalines, và trong năm 2014 này sẽ còn gần chục vụ đại trọng án nữa đem ra xét xử. Nhưng đó cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng mà thôi. Còn bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu ổ tham nhũng nữa còn nhởn nhơ chìm dưới làn nước đen tối?
Không biết các quan chức, các cấp quản lý chính quyền cảm nhận thế nào, về cái sự “nhờn”, sự “cam chịu” chung sống với tham nhũng của người dân? Mà tham nhũng càng nhiều, các vụ tham nhũng càng to, thì niềm tin của người dân Việt càng bé tý, thậm chí có khi là con số 0.
Sự cam chịu của người dân “chung sống” với tham nhũng, ở phương diện khác, nó cũng khiến con người ta trở nên “vô cảm”. Lâu nay báo chí nêu rất nhiều vụ việc lên án tính “vô cảm” của người Việt. Nhưng liệu có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, sự “vô cảm” đó còn bắt nguồn từ một sự cam chịu trước quốc nạn tham nhũng? Đến lúc nào đó, con người ta sẵn sàng giẫm đạp lên những giá trị chính trực, tử tế. Khi sự vô cảm trở thành phổ biến điều đó mới là đáng sợ cho một dân tộc. Và nhìn gương mặt một dân tộc, nếu chỉ thấy một nỗi u buồn, vô cảm vì bất lực trước sâu mọt, nó hứa hẹn gì cho sức mạnh một quốc gia, thưa anh?
Và đặc biệt, những hiện tượng, những vụ việc liên tục, liên tiếp phản chiếu sự rối loạn các thang bậc giá trị sống của người Việt khiến cả xã hội bàng hoàng, tổn thương, có thể thấy ở bất cứ ngành nào, nói một điều cay đắng về quản lý chính quyền các cấp đang có vấn đề “lỗi hệ thống”, sự giẫm đạp pháp luật không thương tiếc của những người làm pháp luật, sự vô lương tâm, văn hóa ứng xử và lòng nhân của người Việt đang đứng ở đâu.
Người ta sẽ nghĩ gì về vụ việc các bác sĩ nhân bản xét nghiệm máu, thay đục thủy tinh thế, nhất là vụ Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường ném xác khách hàng xuống sông Hồng cho đến giờ phút này vẫn chưa tìm thấy. Nghĩ gì về vụ án oan sai 10 năm trời với một người dân vô tội là ông Nguyễn Thanh Chấn, trong khi có trường hợp 09 vụ án tham nhũng có tới 08 vụ xử án treo. Nghĩ gì về vụ chôn hóa chất độc hại ở Thanh Hóa. Nghĩ gì về vụ “ngoại cảm” của cậu Thủy làm giả hài cốt liệt sĩ. Nghĩ gì về vụ “con voi ma túy”- 600 bánh heroin lọt qua dễ dàng sân bay Tân Sơn Nhất? Nghĩ gì về những vụ “cướp tiền”, “cướp bia” của người không may lâm nạn…?
Tôi không phủ nhận ở đâu cũng có những người tốt, những câu chuyện về lòng nhân, sự tử tế, hay sự chính trực làm người. Nhưng một khi những vụ việc lớn liên tiếp xảy ra, ở đó, thước đo về trách nhiệm quản lý, thước đo về nhân tâm, văn hóa, thước đo sự chính trực của người Việt bị thách thức thê thảm, liệu đó có thể gọi là nỗi đau của người Việt không?
Phan Thảo Nguyên: Vậy cảm xúc của chị với tư cách là một nhà báo?
Nhà báo Kim Dung:Với tư cách một nhà báo, năm 2013 tôi cho là một năm đặc biệt vì có những sự kiện lớn rất đáng quan tâm, suy ngẫm, trao đổi.
Trước hết, đó là sự kiện QH bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới 2013 vào một ngày cuối tháng 11/2013. Đây là một sự kiện lớn, được “tung” ra lấy ý kiến đông đảo người dân suốt cả một năm trời, với rất nhiều góp ý đa chiều. Và sự phân tâm, phân ly tâm lý xã hội không phải không có. Nhìn một cách biện chứng, hãy coi đó là hiện tượng bình thường, thậm chí có tác dụng để Nhà nước suy ngẫm thấu đáo trước những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra, trong bối cảnh thông tin thế giới phẳng rất nhiều và đa dạng. Trong khi văn bản Hiến pháp cũ đã như một cái áo quá chật so với nhu cầu phát triển xã hội, trước sức sống thời cuộc. Khiến cho có người gọi năm 2013 là năm của cuộc đấu tiến bộ- bảo thủ.
Ai tiến bộ- ai bảo thủ, thời gian rồi sẽ đến lúc trả lời.
Sau lúc hồi hộp, căng thẳng theo dõi, chờ đợi, là lúc tâm lý xã hội bỗng … lắng xuống, trầm xuống- khi Hiến pháp chính thức được thông qua.
Có nhiều ý kiến khác nhau về chất lượng Hiến pháp mới. Nhưng tôi chú ý những nhận xét khá thấu đáo, chính xác của ông Bùi Đức Lại, ở một bài viết trên VietNamNet: Hiến pháp sửa đổi có những thay đổi về cấu trúc, hình thức và ngôn ngữ diễn đạt, nhưng vẫn giữ lại những khuôn khổ đã có đối với nhiều vấn đề nóng bỏng đã nảy sinh trong thực tế đất nước. Như vấn đề tổ chức và giám sát quyền lực, vấn đề sở hữu đất đai, vai trò kinh tế Nhà nước…
…Người lạc quan có thể chờ đợi vài cách tiếp cận mới trong việc luật hóa và thực hiện một số điểm cụ thể của Hiến pháp. Nhưng trong phạm vi các khuôn khổ cũ đã được tái khẳng định, khó có thể có những thay đổi cơ bản và bền vững.
Tuy nhiên nếu tinh thần và lời văn của Hiến pháp được tôn trọng, trung thành và nghiêm chỉnh thực hiện, thì Hiến pháp vẫn có những nội dung có giá trị khai thông. Đó là những khẳng định về nhà nước pháp quyền, về nguyên tắc nhân dân làm chủ quyền lực, về quyền con người, quyền công dân, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, quyền biểu tình….
Một chữ “nếu” thôi, nhưng cực kỳ quan trọng.
Vấn đề bây giờ, là người dân chờ đợi các văn bản luật mới ra đời, cụ thể hóa của Hiến pháp mới như thế nào? Và điều chờ đợi nữa, là liệu “lý thuyết” mới đó có “xanh tươi” như “cây đời” hay không. Sự tiến bộ- hay bảo thủ cũng sẽ một lần nữa phản chiếu rõ ở thực tiễn. Tin tưởng hay thất vọng? Câu trả lời cho anh, cho tôi, cho tất cả mọi người còn ở phía trước.
Thứ hai, là việc VN được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất.
Có thể nói, trong xã hội ta, “nhân quyền’ luôn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, tế nhị, và cũng là vấn đề dễ “đụng chạm” gay gắt, dễ làm tổn thương nhau nhất. Xã hội ta đã từng trải qua một thời gian dài cơ chế quản lý bao cấp, xin- cho ban phát. Rất ít người suy nghĩ và để ý đến, hệ lụy của chính cơ chế xơ cứng này, rút cục dẫn đến trong tư duy, tư tưởng, trong đời sống tinh thần người Việt bị triệt tiêu cái riêng, cái bản ngã cá nhân một cách sâu sắc.
Đặc biệt có những giai đoạn, chúng ta đề cao rất ghê chủ nghĩa tập thể. Cá nhân bị xóa nhòa, bản ngã bị xóa nhòa, cá tính bị xóa nhòa. Con người cá nhân “vô nghĩa” trong đời sống cộng đồng. Cái tư duy xơ cứng, thái quá đó đã vô tình tiêu diệt cá tính, tiêu diệt cả sức sáng tạo của con người. Nó dòm ngó đến cả cái ăn, cái mặc của cá nhân, dòm ngó cả đời sống tinh thần của cá nhân. Như khi mặc chiếc quần loe, là đầu óc người ta có vấn đề. Đó là gì, nếu không phải là quyền con người bị tổn thương?
Anh hãy hình dung trong một xã hội như vậy, liệu con người có sức sáng tạo nổi không? Và một xã hội không sáng tạo, khó có thể là xã hội vận động và có khả năng phát triển.
Mới đây, tôi đọc bài trả lời phỏng vấn của ông GS Lưu Văn Đạt – Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ – pháp luật MTTQVN trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, tôi rất chú ý đến chủ đề “phản biện” của giới trí thức, tầng lớp tinh hoa trong xã hội mà Gs Lưu Văn Đạt đề cập. Vì sao Gs Lưu Văn Đạt lại có một nhận xét: Cái lãng phí trong thời gian qua không chỉ là tiền bạc, tham nhũng mà còn là vấn đề chất xám khi nhiều trí thức còn e dè, e ngại, không nêu chính kiến trước những vấn đề khác nhau của đất nước?
Đó là vì, xưa nay lời nói thật đã dễ mất lòng. Nhưng lời nói thật- ở đây là sự phản biện lại với tổ chức, với chủ trương, chính sách thì quả là một sự việc ghê gớm, nặng nề. Đã có một thời, các quan chức có tâm lý “nhất thể hóa” con người cá nhân họ với cơ chế tổ chức mà họ làm đại diện.
Vì thế nghe lời nói phản biện, là rất dễ bị khép tội “chống đối”, “phản động”, vì thế thật khốn khổ cho ai dám nói thẳng, nói thật.
Cái tư duy ban phát xin- cho, quả thật mới là thứ tư duy “phản động” theo nghĩa triết học, ngăn cản sự phát triển của một xã hội, kéo tụt lùi cả dân tộc trước văn minh, văn hóa nhân loại. Nhưng nó lại là thứ ban phát lợi ích cho không ít vị, tự cho mình có quyền sinh- quyền sát với đồng loại.
Nó dẫn đến hệ lụy mà Gs Lưu Văn Đạt đã nhìn nhận: Thời gian qua chúng ta thấy rất nhiều người có tri thức, có trí tuệ nhưng chẳng thấy bao giờ họ phát biểu, họ cũng chẳng thể hiện chính kiến công khai gì trước những vấn đề đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội. Có nói thì người ta cũng chỉ nói tại những bàn trà với bạn bè. Như thế thì làm sao chúng ta thu hút được tất cả tinh hoa để mà xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đến trí thức mà chỉ “phản biện” ở bàn trà kiểu trà dư tửu hậu, thì sự đóng góp trí tuệ cho các chính sách phát triển sẽ ra sao?
Thế nên việc VN được bầu là thành viên HĐ Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất, chứng tỏ sự vận động của một xã hội về những vấn đề quyền con người, nhưng cũng đồng thời là một thách thức đòi hỏi xã hội phải sớm cụ thể hóa những quy định pháp luật cho người dân thực sự sử dụng những quyền lợi và nghĩa vụ công dân của chính mình.
Ở một góc độ khác, nhân quyền luôn gắn với dân chủ. Và để trí thức dám “phản biện”, để người dân dám nói lên chính kiến của mình, và chính quyền có thể lắng nghe, cầu thị trước những ý kiến “nghịch nhĩ” thì đó còn là một quá trình, mà cả hai phía đều phải học, phải thực tập. Khái niệm “thực tập dân chủ” là cực kỳ chuẩn xác với một xã hội tiểu nông, văn minh lúa nước như xã hội chúng ta.
Thực tập dân chủ đòi hỏi người trí thức, người dân ý thức được ý kiến phản biện đóng góp cho xã hội cần có cái “tâm”- tinh thần trách nhiệm cao, cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung của quốc gia.
Thực tập dân chủ đòi hỏi các quan chức, nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý chính quyền các cấp phải biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, biết cầu thị và biết vượt lên bản thân mình, không có sự quy chụp, định kiến, trù dập trước những ý kiến khác biệt đó.
Nhưng nền tảng của thực tập dân chủ, vẫn phải là một nền quản trị quốc gia khoa học, văn minh, và pháp luật phải nghiêm minh, được thượng tôn cao nhất.
Vì vậy, hành trình từ mong ước đến hiện thực xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch chắc chắn còn là hành trình dài, gian khó lắm, đòi hỏi sự thành tâm của tất cả chúng ta, từ người lãnh đạo đến trí thức, thường dân. Đó là thách thức không nhỏ.
Phan Thảo Nguyên:Và khi là một phụ nữ?
Nhà báo Kim Dung:Năm 2013 với tôi là một năm làm việc tận tụy, căng thẳng, nhưng luôn có cảm giác hạnh phúc. Niềm hạnh phúc tràn đầy của một người phụ nữ thấy lao động của mình có ý nghĩa, nhận được rất nhiều chia sẻ, đồng cảm, động viên của bạn đọc, sự ủng hộ của đồng nghiệp và sự hỗ trợ đầy thương yêu của gia đình, ruột thịt.
Cũng có những nỗi buồn, thậm chí nỗi đau, lo toan cá nhân, nhưng trên hết tôi thấy mình rất nhiều, rất nhiều hạnh phúc, vì được yêu thương, được trân quý và được tôn trọng. Với một người phụ nữ, điều đó thật có gía trị, cho tâm hồn thanh thản, cho tôi nuôi dưỡng cảm xúc yêu đời, để sống trong sáng, tử tế, làm một nhà báo có tư cách, và là người phụ nữ luôn biết sống và chăm sóc cho gia đình.
Phan Thảo Nguyên:Chị kỳ vọng gì, ước ao gì vào năm mới cho đất nước, cho những người phụ nữ, và cho riêng mình?
Nhà báo Kim Dung:Đầu năm 2014 này, có một sự kiện lớn, tôi cho là có ý nghĩa, thu hút được sự quan tâm của cả xã hội với nhiều ý kiến khen, chê đa chiều. Đó là bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với thông điệp lớn: Cải cách thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân. Ở thông điệp đó, có những quan điểm rất rõ ràng, rất có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh đất nước: Đó là cải cách thể chế, dân chủ và nhà nước pháp quyền, về nền quản trị quốc gia hiện đại, tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia thời hội nhập.
Nhưng đó vẫn là “văn bản lý thuyết”. Vấn đề là từ lý thuyết muốn biến thành hiện thực, đòi hỏi những giải pháp “làm thật”, quyết liệt, tích cực phù hợp quy luật phát triển xã hội.
Tôi không dám kỳ vọng gì. Mà chỉ mong những thông điệp lớn của Thủ tướng Chính phủ biến thành hành động thực tiễn ở cả ba vấn đề lớn mà thông điệp gửi gắm. Đó là cải cách thể chế, xã hội dân chủ công bằng, văn minh, người dân được thực hiện các quyền của mình mà pháp luật không cấm, một nền tư pháp văn minh, để quốc nạn tham nhũng bị đẩy lùi, để gương mặt dân tộc Việt không u buồn.
Tôi mong những người phụ nữ Việt luôn biết làm đẹp cho mình, cho đời, đảm đang, hiền thục và luôn là ngọn lửa nồng ấm của gia đình
Tôi mong tôi luôn là… chính tôi, một nhà báo đúng nghĩa, một người đàn bà luôn sống thật, trọng giá trị thật, yêu thương và được yêu thương.
Phan Thảo Nguyên:Cảm ơn chị về cuộc gặp gỡ đầu xuân thú vị này. Chúc chị luôn là …chị.
Phan Thảo Nguyên thực hiện
2283
2359
21658
218157
121356
114511284