Diễn đàn

Về chuyện Ngô Bảo Châu – Hãy tế nhị hơn !!!

VHNA: Một vấn đề/sự kiện có thể có rất nhiều góc nhìn khác nhau và có nhiều nhận định, đánh giá khác nhau. Gs Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields là một sự kiện lớn, không chỉ đối với giới khoa học mà đối với cả dân tộc Việt nam. Cả nước hân hoan về sự kiện này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cách tiếp cận và nhìn nhận khác nhau về cái cách tôn vinh và chào mừng sự kiện này. Chúng tôi giới thiệu một cách nhìn riêng của tác giả NKD để chúng ta biết thêm cuộc sống vô cùng phong phú...

Tôi biết dẫu tôi có viết 10 bài thế này người ta cũng sẽ chẳng chịu thôi. Nhiều người có thể cho rằng tôi ngớ ngẩn, bất lịch sự, hoặc xuất phát từ một sự ghen ghét đố kị, một mối thâm thù nào đó. Mà thực vậy, bạn Nhị Linh chẳng hạn, cũng cho rằng sự đố kị với NBC xuất phát từ giới khoa học nhiều nhất.
Mặc dù dưới đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi, không đại diện cho bất kỳ ai khác, càng không đại diện cho ngành nào, nhưng tôi hi vọng giúp bạn hiểu phần nào cái sự khó chịu mà nhiều người không muốn nói ra, hoặc dường như sẽ là bất lịch sự khi nói ra, dưới tư cách là một người làm nghiên cứu khoa học.

Trước tiên, tôi xin kể cho các bạn một chuyện như thế này. Năm ngoái, sự việc bà Ostrom được giải Nobel kinh tế đã dấy lên một làn sóng công kích chưa từng có trong giới kinh tế học. Ngay cả những nhà kinh tế nổi tiếng nhất như Krugman (Nobelist), Levitt (Clark Medal) cũng không giữ nổi bình tĩnh, buông lời chỉ trích, chế nhạo trong bài viết của họ. Đại ý Levitt viết rằng, dân kinh tế ghét bà Ostrom được giải Nobel chẳng kém gì dân cộng hòa ghét Obama làm tổng thống. Còn ở các diễn đàn sinh viên thì thôi rồi, họ dùng không thiếu từ gì để dè bỉu, chê bai thành công của bà, để chứng minh rằng bà hoàn toàn không xứng đáng. Sự việc Ostrom giống như cái tát vào mặt giới nghiên cứu kinh tế vậy, bởi bà hoàn toàn không có background về kinh tế, hầu như không nghiên cứu gì về kinh tế một cách chính quy (chỉ có 1 bài báo duy nhất trên 1 tờ báo về trao đổi liên ngành với kinh tế), trong khi công chúng thường cho rằng Nobel kinh tế nghĩa là dành cho các nhà nghiên cứu kinh tế. Bà là một nhà nghiên cứu chính trị, chính sách công thuần túy. Và mặc dù bà đã từng được trao rất nhiều giải thưởng lớn về khoa học chính trị, (chẳng hạn giải Mac Acthur), từng là chủ tịch hiệp hội nghiên cứu khoa học chính sách công, dân khoa học chính trị không ai không đọc sách của bà, không mấy nhà kinh tế từng nghe đến tên bà dưới tư cách là một nhà nghiên cứu có tiếng. Nếu như một số bài báo của bà từng được một số nhà kinh tế trích dẫn thì cũng là chuyện thường, giống như trích dẫn từ các ngành KHXH khác. Sự phẫn nộ của nhiều người còn ở chỗ họ cho rằng bà không có khả năng đọc hiểu các bài báo kinh tế, bởi không có nghiên cứu nào của bà sử dụng những công cụ như vậy.

Ở Mỹ có hàng nghìn người đoạt giải Nobel, Fields, Turing…và những thứ tương tự. Sinh viên hầu như chẳng nhớ tên các Nobelist của các ngành không liên quan đến mình. Cá nhân tôi chỉ nhớ mang máng hình như năm ngoái ai đó được giải vì nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc, về Ipod. Ngay trong ngành của mình, tôi cũng chỉ nhớ được một vài Nobelist đang còn sống. Không nhớ chính xác ông nào đoạt giải, ông nào chưa, kể cả trong chuyên ngành rất hẹp của mình.

Nếu như trường nào đó có ông/bà nào được giải Nobel, trường đó sẽ kỷ niệm rình rang một vài ngày rồi thôi. Nếu như không phải như vậy thì chỉ có khoa liên quan thông báo trong nội bộ khoa, năm ấy người nào đoạt giải.

Những điều này liên quan đến những thứ người ta gọi là sự tự hào nghề nghiệp, sở thích và sở trường của người làm nghiên cứu. Mỗi người đều có quyền quan tâm và tự hào về thế mạnh của mình, không cần biết đến những người khác, với những sở trường khác.

Nếu ai đó được giải Nobel Văn học, giải Pulitzer nhiếp ảnh, giải Oscar về điện ảnh, quả bóng vàng bóng đá thế giới, có lẽ bản thân tôi cũng sẽ hân hoan phấn khởi vô cùng. Những thứ đó chẳng liên quan gì đến mình. Đó là những công việc nghề nghiệp hoàn toàn khác. Công chúng sẽ chẳng bao giờ so sánh tài năng của Đặng Thái Sơn với một nhà khoa học Việt nam, bởi điều đó hoàn toàn khập khiễng.

Nhưng ở VN, rất nhiều bài báo vẫn đang so sánh Ngô Bảo Châu với các nhà khoa học VN ở các ngành khác, kể cả những người thành công nhất, điều rất dễ khiến công chúng hiểu những nhà khoa học khác thật vớ vẩn, kém cỏi. Chúng ta nên đồng ý với nhau rằng nếu Ngô Bảo Châu chuyển sang nghiên cứu sinh vật, hóa học, kinh tế hay viết văn thì có khả năng 99.99% ông ấy sẽ không được giải Nobel.

Như ngành kinh tế chẳng hạn, mỗi năm đề cử đến 50 người mà tài năng có thể nói là tám lạng nửa cân. Vậy mà chỉ có từ 1-3 người đoạt giải Nobel. Ngay như NBC cũng thừa nhận, có rất nhiều người tài năng trước ông từng cố gắng giải Bổ Đề Cơ bản nhưng không thành công. Ai đó cũng từng kể NLAnh, thần đồng toán học Việt nam ở MGU, cố gắng giải quyết một bài toán lớn nhưng thất bại. Đủ thấy rằng đạt được những thứ kiểu như Fields, Nobel phập phù hiếm hoi đến mức nào. Vậy thì sự so sánh có lố bịch lắm không???

Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields chứ không phải một giải Nobel kinh tế giống như bà Ostrom. Không ai phủ nhận tài năng của NBC, cũng như không ai bảo NBC không xứng đáng. Có lẽ bản thân mỗi người Việt ít nhiều đều vui mừng vì thành công của ông. Tuy nhiên những sự tuyên truyền thái quá, những sự so sánh của nhiều người, đang tạo ra cho công chúng những hiểu biết vô cùng sai trái về giới khoa học. Rồi thì Ngô Bảo Châu khuyên bảo giới trẻ nghiên cứu các ngành khoa học khác nhau như thế nào. Rồi thì những nỗ lực câu kéo sinh viên học sinh vào con đường toán học.

Ôi, tất cả giống như một cơn cuồng phong cỡ Katerina đang càn quét đất nước chúng ta!!

Bản thân tôi là một “nạn nhân” của toán học. Nạn nhân bởi vì từ thời tôi đi học phổ thông, lúc nào toán học cũng ở vị trí huy hoàng trong giới khoa học VN. Tôi bị cuốn theo cái tư duy ấy, nên cứ luôn luôn chọn những ngành dính dáng đến toán, mặc dù tôi không có năng lực toán gì mấy. Trên Danluan.org từng có bài viết nói rằng “Nền giáo dục VN đào tạo nên những con người không biết mình có những ưu điểm gì, mà chỉ thấy toàn nhược điểm”. Điều này hoàn toàn đúng với tôi, bởi một thời gian dài trước đây tôi không biết mình có sở trường gì. Từng tham gia một số lớp chuyên toán hồi nhỏ, nhưng năng lực chẳng so được với ai nên tôi cứ cảm thấy đời mình coi như bỏ. Khi ra nước ngoài, tôi mới hiểu người ta trân trọng và khuyến khích các dạng tài năng, sở trường khác nhau như thế nào.

Chính bởi vậy, thành công của NBC khiến tôi vui mừng nhưng cũng thêm lo lắng cho tương lai của các thế hệ trẻ VN. Lo vì tư duy toán học sẽ vẫn tiếp tục chiếm thế thượng phong, và điều này sẽ ngăn cản chính những người có đôi chút năng khiếu toán lựa chọn đúng đắn lối đi cho mình. Đừng nói đến những người hầu như không có năng khiếu toán. Lo vì sẽ tiếp tục có những tư tưởng chèn ép, lấn sân, coi toán học cao hơn các ngành khoa học khác, chung quy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo và đề cao sở thích, sở trường của mình, của các nhà toán học mà thôi.

Tôi hoàn toàn thông cảm với sự phấn khích và những khen thưởng, tri ân của nhà nước đối với Ngô Bảo Châu. (Cô bạn tôi người Đài loan nói rằng, một ông Đài loan được giải Nobel năm 1980 cũng là một sự kiện vô cùng đặc biệt và lớn lao đối với Đài loan, nhiều lễ kỷ niệm được tổ chức rình rang trong nhiều ngày.) Tôi cũng không có ý kiến gì đối với việc xây dựng một IAS toán học ở VN, hay là việc đầu tư hơn 600 tỷ để phát triển toán học, hoặc là duy trì và phát triển hệ chuyên toán. Cá nhân tôi xin bày tỏ sự hâm mộ và lời chúc mừng chân thành nhất đối với ông Ngô Bảo Châu cùng gia đình.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng huy chương Fields của NBC giống như một thứ xổ số độc đắc rơi xuống đầu giới khoa học VN. Những quốc gia phát triển như Canada, Tây ban nha, Hung, Rumania, cho đến 4 con rồng Châu Á, Hàn quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông dù đã đầu tư rất nhiều tiền vào nghiên cứu khoa học và trình độ khoa học cũng đạt mức tương đối cao cũng chưa có giải Fields, đủ thấy không nên lấy giải thưởng này làm kim chỉ nam cho đường lối phát triển của VN. Những kinh nghiệm của ông Châu cũng hầu như cũng không nhiều hữu ích lắm đối với những người muốn làm nghiên cứu khoa học, bởi tài năng của ông ấy quá đặc biệt. Đọc nhiều tham luận, tôi nhận thấy rằng các nhà khoa học đặc biệt là trong giới KHTN và Kỹ thuật phạm phải rất nhiều sai lầm trong tư duy về xã hội cũng như hoạch định chính sách xã hội. Kể cả những tài năng lớn như Ngô Bảo Châu, Hoàng Tụy cũng không đủ kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra những lời khuyên về các ngành học khác nhau cho sinh viên chứ đừng nói đến bàn về các vấn đề khoa học khác nhau, nhưng rất tiếc tôi không có thời gian để phân tích sâu về các vấn đề này.

Tôi chỉ xin đề nghị:
- Hãy chấm dứt việc so sánh các nhà toán học với các nhà khoa học khác, ngành toán với các ngành khoa học khác. Sau cơn bão kỷ niệm này, nếu như cần phải kể tên NBC bên cạnh các nhà khoa học lớn khác thì không nên có một sự phân biệt nào.
- Hãy chấm dứt việc đề cao toán học ở VN trong các chính sách phát triển khoa học.
- Bộ khoa học nên lập đề án khả thi phát triển khoa học VN trong dài hạn với sự tham gia của đại diện nhiều ngành khác nhau. Nên công khai đề án này để người dân đóng góp ý kiến.
- Nên khuyến khích trẻ em phát triển tự nhiên theo đúng sở trường, coi trọng tất cả các môn văn hóa ở bậc phổ thông. Giành thời gian nhiều để trẻ em sáng tạo thay vì chỉ học chay trên lớp.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512209

Hôm nay

2146

Hôm qua

2389

Tuần này

2146

Tháng này

219082

Tháng qua

121356

Tất cả

114512209