Ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã từng có một ngôi đền thờ danh tướng thời tiền Lý giữ yên bờ cõi phương Nam, giúp Lý Bí lên ngôi, lập nên quốc hiệu Vạn Xuân (544). Một tấm lòng trung quân ái quốc, đó là tướng quân Phạm Tu.
Ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã từng có một ngôi đền thờ danh tướng thời tiền Lý giữ yên bờ cõi phương Nam, giúp Lý Bí lên ngôi, lập nên quốc hiệu Vạn Xuân (544). Một tấm lòng trung quân ái quốc, đó là tướng quân Phạm Tu.
Trước Cách mạng tháng Tám, xã Diễn Kim có ngôi Đền Cả, thường gọi là đền trong (vì nằm sâu trong làng)
Theo nhà văn Sơn Tùng, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về nguồn cội đất Diễn Châu, đặc biệt là vùng biển bãi ngang. Ông đã tập hợp các tài liệu thu thập để viết một một cuốn sách có tên “Ông Biển”. Rất tiếc tác phẩm đó chưa kịp hoàn thành thì ông bị ngã bệnh. Nhà văn Sơn Tùng nói về lịch sử Diễn Kim và Đền Cả như sau:
“Từ khởi nguyên Kẻ Lũy tới trang Kim Hoa, rồi làng Hoa Lũy cho đến thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có ba đền nguy nga thờ thần và một đình trung đồ sộ.
Đền Cả “thôn Thượng” gọi nôm là thôn trên, nơi xuất xứ Kẻ Lũy. Đền Cả thờ thần thời Lý Nam Đế (Lý Bôn) quốc hiệu Vạn Xuân. Vào khoảng năm 541- 543, vùng biển Hàm Hoan (Diễn Châu) thường diễn ra nhiều trận đánh ác liệt (trong đó có trang Kim Hoa) giữa quân Lâm Ấp với quân ta, do Phục Man tướng quân Phạm Tu và tả tướng quân Triệu Quang Phục chỉ huy. Dẹp xong giặc Lâm Ấp, về sau làng Đức Thịnh (Diễn Hải) dựng đền thờ Triệu Quang Phục (vua Triệu). Bên làng Hoa có đền Cả. Trước hai ngôi đền là cánh đồng màu rộng lớn gọi là cánh Đồng Ngô, nơi ghi dấu trận đánh ác liệt giữa quân ta với giặc nhà Lương hay còn gọi giặc Ngô bên Tàu. Mạnh Bá đại tướng quân Bùi Văn Thôn người làng Kim bị tử trận tại đây. Do vậy mà trước Cách mạng tháng Tám, theo lệ, hàng năm đến ngày rằm tháng ba âm lịch, họ Bùi khi tế tổ ở nhà thờ lớn, đồng thời cũng bày biện lễ vật gồm: Năm gánh cháo hoa, mỗi gánh là hai nồi mười đầy cháo, một gánh gồm ngô rang và bánh khô và một mâm đầy ngũ quả. Tất cả đồ lễ được đưa vào trước cửa Đền Cả để cúng tế Mạnh Bá đại tướng quân Bùi Văn Thôn. Lễ xong thì múc cháo vung khắp cánh đồng, bánh khô bẻ nhỏ cùng ngô rang rải khắp cánh đồng Ngô ban cho các vong hồn tử sĩ hy sinh vì nước vì dân và cho cả các linh hồn những người lính ngoại bang tử trận tại đây”.
Nhà văn Sơn Tùng cho biết thêm: “Đền Cả thờ Phạm Tu, làng Kim còn có thờ thần vị, thần phả của ngài Triệu Quang Phục và thần vị, thần phả Mạnh bá Đại tướng quân Bùi Văn Thôn”.
Theo Lịch sử Việt Nam, quyển thượng của Đào Duy Anh (1955) cho biết:
“Qua năm 543, nước Lâm Ấp thấy Giao Châu vừa có biến bèn cho quân ra đánh phá đất Nhật Nam. Để bảo vệ lãnh thổ mới khôi phục được, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu đem quân vào đánh lui quân Lâm Ấp ở huyện Cửu Đức (Nghệ An)
Năm sau Lý Bôn lên ngôi vua, tự xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân và đặt quan chức để xây nền tự chủ. Tinh Thiều làm tể tướng, Triệu Túc là Thái phó, Phạm Tu làm tướng quân ”.
Phạm Tu tướng quân vốn người Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh năm 476 mất năm 545. Thân sinh ông là Phạm Thiều, thân mẫu là Lý Thị Trạch.
Do có công lớn được Lý Nam Đế gả công chúa, ban quốc tính họ Lý (Lý Phục Man). Vào năm 545 nhà Lương sai Trần Bá Tiên đem quân sang đánh, quân ta thua trận thủy chiến ở vùng sông Lục Đầu (Hải Dương). Lý Nam Đế phải lui quân về giữ thành ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Do thành bằng đất. lũy bằng tre, gỗ nên không giữ được lâu. Tướng quân Phạm Tu lại tuổi cao, sức yếu không cầm cự nổi, đã anh dũng hy sinh ngày 20 tháng 7 âm lịch.
Như vậy ta có thể kết luận: Để ghi nhớ công đức đánh bại quân Lâm Ấp giữ yên bờ cõi phía Nam, người làng Kim xưa đã dựng Đền Cả thờ tướng quân Phạm Tu và tôn ông làm vị thần Bản Thổ linh quan của làng, còn người dân Đức Thịnh dựng đền thờ Triệu Quang Phục
Đền Cả làng Kim không biết được xây cất từ thời gian nào, chỉ biết Thần đền làng Kim có 42 sắc phong, từ thời Lý Thái Tổ đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định. Tuy nhiên, hiện chỉ còn sót lại 21 bản; 3 bản bị rách nát, 18 bản còn nguyên vẹn.
Trong 18 bản sắc phong nói trên, có 8 bản của Đền Cả. Bản xưa nhất là thời Lê Cảnh Hưng thứ 28 (1767) bản gần nhất thời Khải Định cửu niên (1924). Dưới đây là một bản sắc phong thần Đền Cả:
“ Sắc Bản thổ vị hiệu Quản Đông- Bắc linh quan, duệ thông hiển ứng thần mô, hùng đoán dực vận tế thế, hộ quốc bảo dân, phong công thịnh đức chiêu liệt, thùy hiếu đôn lương, tuyên từ tề thánh, hoằng mô vĩ lược, trung chính diễn khánh tuy phúc đại thần; thái nhất chung linh, phù dư dậng tú, ngự tai hãn hoạn, hạp cảnh tư mặc, tương chi công tích, cổ thùy hưu lũy, chiêu tịch âm, phù chi lực thịnh lữ. Ký chương đại đức biến vu, cái cử cựu chương, vị
Tự vương tiến phong
Vương vị lâm cư chính phủ tôn phù
Tông xã củng cố hồng đồ, lễ hữu đăng trật, ứng gia phong mỹ tự, nhị tự khả gia phong Bản thổ vị hiệu..tuy phúc
Diên hưu dụ trạch đại thần.
Cố sắc
Cảnh Hưng 28 niên 8 nguyệt, 8 nhật (1767)
Lược dịch:
Sắc cho bản thổ linh quan, cai quản vùng Đông bắc, là vị đại thần, thông minh mưu lược, quyết giữ vận mệnh nước nhà, che chở chở cho dân, công nhiều đức lớn, sáng suốt mạnh mẽ, đôn hậu hiền hòa, rộng lòng yêu người, mưu cao tài giỏi, trung thành chính trực, đem lại vui sướng cho dân.
Linh thiêng bậc nhất, có công lớn giúp vua, ngăn tai cản nạn, giữ yên bờ cõi.
Xét xem công tích, để lại phúc thọ, tăng thêm điều lành, công sức chiêu tạ ân phù nhiều lắm vậy.
Đã rõ đức lớn rộng khắp, vì vậy:
Nhà vua tiến phong cho người đã tôn phù vương vị làm cho xã tắc vững bền rực rỡ, xét trật tự lễ nghi, gia phong:“Bản thổ vị hiệu... tuy phúc” thêm mỹ tự “Diên hựu dụ trạch đại thần”
Vậy, có sắc này.
Ngày mồng 8, tháng 8, năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767)
Kiến trúc Đền Cả được xây theo lối Tiền bái hậu cung:
Hậu cung hay còn gọi nội điện là chỗ thâm nghiêm nơi thờ vị thần, trong cùng là cung cấm an phụng Thần vị. Phía trước an phụng Thần vị có ban thờ sơn son thiếp vàng, trên bàn có hương án và các đồ thờ, hòm đựng sắc vua phong, thần tích của các vị thần, biển ngăn: tĩnh túc và hồi tỵ…
Hai bên ban thờ là Tả Hữu nội gian đặt các hàng tự khí gồm cờ quạt, tàn lọng…ban thờ Thổ Công…
Một nhà Tiền bái hay gọi Tiền tế cũng chia thành ba gian. Gian chính là nơi tế tự... Hai bên có các dãy hương án khác làm nơi đặt đồ lễ của người làng hoặc khách thập phương đến tiến cúng. Trước nhà Tiền bái có treo hoành phi phía trên ban thờ nói về công đức của vị thần.
Trước nhà Tiền bái có sân rộng và hai dãy nhà hẹp lòng như hành lang gọi là Tả mạc, Hữu mạc dùng để quan viên sửa soạn áo mão vào tế lễ và cũng là nơi ngồi chờ khi làng vào đám rước. Trước sân nhà Tiền bái có cổng Tam quan và khoảng sân rất rộng thuận lợi cho dân làng tổ chức tế lễ hàng năm. Xung quanh Đền Cả là những cây trúc ken dày thành lũy và rất nhiều cổ thụ như cây quéo (cây muỗm) cây thị…
Trước mặt Đền Cả là con sông Bầu Giang (Trái Bầu) rộng lớn được nối thông với kênh Nhà Lê, xưa kia thuyền bè tấp nập vào ra đưa sản vật đi khắp nơi.
Rất tiếc, sau Cách mạng tháng Tám và thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, cả ba ngôi đền, một đình trung, một nhà thờ thánh Đức Khổng Phu Tử bị xóa sạch.
Mong rằng một ngày nào đó thôn trên xã Diễn Kim phục dựng lại ngôi Đền Cả, có nơi hương khói phụng thờ tướng quân Phạm Tu - vị Thần Bản Thổ của làng, để cho con cháu đời đời hạnh phúc, ấm no. Và xã Diễn Kim có lẽ là nơi duy nhất ở Nghệ An có đền thờ tướng quân Phạm Tu - Lý Phục Man./.
222
2359
21397
217896
121356
114511023