Ngay khi buổi Seminar tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp để thảo luận các vấn đề xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” bị hoãn tổ chức một cách không rõ ràng vì “lý do trục trặc kỹ thuật” và được nghe kể về buổi phản biện công trình này tại Viện Dân tộc học tôi đã thấy rằng Nhà nghiên cứu Tạ Đức sẽ không có nhiều cơ hội để lên tiếng trình bày rõ ràng quan điểm của mình trong cuốn sách này trên các kênh chính thống. Những phản biện không còn mang tính phản biện khoa học nữa mà có màu sắc quy kết các vấn đề chính trị sẽ nhanh chóng tạo ra nhiều hiều lầm trong công chúng về cuốn sách này. Bởi thế, các thành viên Book Hunter và tôi quyết định sẽ tổ chức một buổi nói chuyện cho Nhà nghiên cứu Tạ Đức trong chuỗi Idea Hunting của chúng tôi.
Trong lời đề nghị của mình, PGS.TS Bùi Xuân Đính đưa ra những thông tin không chính xác về buổi nói chuyện “Nguồn gốc người Việt người Mường” do Book Hunter tổ chức: “ Trong khi cả nước đang phải “gồng mình” đối phó với dã tâm xâm chiếm nước ta của Trung Quốc, thì ông Tạ Đức lại tích cực tuyên truyền trên hàng chục tờ báo, tổ chức nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (ý định này không thực hiện được do Trung tâm này đã thấy được sự nhạy cảm của vấn đề) những luận điểm không có lợi cho đất nước, cho quốc gia dân tộc, dễ bị kẻ thù lợi dụng. Mới đây nhất, ông Tạ Đức còn tổ chức nói chuyện về sách của mình trước một số sinh viên tại một quán giải khát ở 27 Trần Bình Trọng vào tối thứ Sáu, ngày 06 / 6 / 2014 (!?).”Buổi Idea Hunting này mang tính chất trò chuyện nội bộ, chúng tôi chỉ mời các thành viên trong Book Hunter và một số bạn bè chứ không hề mời PGS.TS Bùi Xuân Đính, vì vậy, buổi nói chuyện này không hề có sự có mặt của ông Đính. Nhưng ông Đính lại đưa thông tin một cách sai lệch về nhóm của chúng tôi. Thông tin chính xác là cơ sở vững chắc cho một phát ngôn mang tính khoa học hoặc mang tính chính trị, nhưng với cách đưa thông tin của ông Đính, tôi buộc phải nghi ngờ khả năng nghiên cứu khoa học và tính trung thực trong các phát ngôn trên truyền thông của ông.
Book Hunter chúng tôi không phải là một “nhóm sinh viên”, và những người tham dự buổi Idea Hunting “Nguồn gốc người Việt người Mường” cũng không phải chỉ có sinh viên.
Book Hunter chúng tôi đóng vai trò là một nhóm độc lập, quan tâm đến các vấn đề học thuật và sẵn sàng hỗ trợ các học giả, với điều kiện học giả đó có các công trình cụ thể được trình bày nghiêm túc và đầy đủ dựa trên một số các nguyên tắc chứng cứ và lập luận khoa học. Tính đúng sai trong khoa học là không thể dự đoán, bởi chỉ cần một dữ liệu được tìm thấy thì đúng – sai cũng sẽ bị thay đổi theo, lịch sử khoa học đã chứng minh điều này. Vì thế chúng tôi không quan tâm đến tính đúng – sai mà chỉ quan tâm đến việc học giả ấy có tinh thần làm việc nghiêm túc và tinh thần chia sẻ cộng đồng hay không. Nếu PGS.TS Bùi Xuân Đính ở trong những tình trạng như trên, Book Hunter cũng sẵn sàng mời PGS.TS tham gia Idea Hunting. Còn nếu ông Đính mượn diễn đàn của Book Hunter để công kích cá nhân như đã làm trên các kênh thông tin chính thống vừa qua thì Book Hunter sẽ không thể hợp tác.
Thành viên của Book Hunter không phải sinh viên: Tôi là một trong những người sáng lập Book Hunter, và là một nhà văn bước vào con đường văn học từ năm 2004, đến nay đã có 4 tác phẩm văn học được xuất bản và 5 bộ phim được trình chiếu trên các kênh VTV1, VTV3, HTV9. Một người sáng lập và điều hành khác của Book Hunter là biên tập chủ chốt của trang Tech in Asia, một trang khởi nghiệp Công nghệ viết bằng song ngữ và có uy tín tại Châu Á. Các thành viên khác đến từ nhiều ngành nghề khác nhưng đều là những độc giả có tư duy và các kiến giải độc lập về các vấn đề học thuật và có mong muốn được trao đổi cũng như hỗ trợ để thúc đẩy Việt Nam có một nền học thuật đúng đắn và tử tế.
Buổi Idea Hunting “Nguồn gốc người Việt người Mường” được tổ chức dựa trên tinh thần đó. Do ông Đính không tham gia buổi Idea Hunting này mà chỉ nghe kể lại từ những nguồn không được đảm bảo nên đưa ra những quy kết không chính xác. Tham dự buổi hôm đó không phải chỉ có “nhóm sinh viên” mà còn có PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nhà báo Trần Trung Chính, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến, dịch giả Đinh Bá Anh… cùng với các nhóm hoạt động độc lập trong lĩnh vực văn hóa – lịch sử có uy tín trong giới trẻ như Dự án Nghệ thuật Lần Hồi, nhóm Tôi Xê Dịch, nhóm Wegreen và các thành viên của Book Hunter. Buổi nói chuyện không có ý định “truyền bá” mà chỉ đơn giản là một cuộc trao đổi xoay quanh một chủ đề.
Về lời đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền
Ông Bùi Xuân Đính yêu cầu các “cơ quan thẩm quyền có ý kiến”, không rõ là các “cơ quan có thẩm quyền” này ngoài viện Dân tộc học thì còn có bên nào nữa? Giá như ông Đính vào hôm Idea Hunting của Book Hunter có thể có mặt như một “người khách không mời” và phản biện các luận điểm của ông Tạ Đức trên cơ sở chứng cứ khoa học thì chúng tôi cũng sẵn sàng ghi nhận và công khai phần tranh luận của ông để các độc giả của Book Hunter không bị “nhà cầm quyền TrungQuốc trong việc sử dụng vấn đề “nguồn gốc Trung Quốc” của một số tộc người thiểu số ở nước ta để gây ly tán, phá hoại khối đoàn kết quốc gia dân tộc”. Thế nhưng ông Đính đã không thực hiện điều này với vai trò của một nhà khoa học mà chỉ muốn mượn danh của chính quyền để phục vụ các mục đích công kích cá nhân của mình. Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm này, với vai trò một nhà khoa học, một viện sĩ được công nhận, nếu muốn giúp ích cho đất nước thì phải đóng góp bằng công trình khoa học hoặc các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu khoa học chứ không phải bằng việc liên tiếp công kích một nhà nghiên cứu độc lập.
Riêng với quan điểm cá nhân tôi về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường”, tôi thấy rằng đó là một công trình đáng ghi nhận về công sức và tâm huyết của ông Tạ Đức. Mặc dù cuốn sách còn thiếu sót trong chứng cứ và lập luận nhưng tôi thiết nghĩ không có bất cứ công trình khoa học nào là hoàn hảo, nhất là những công trình nghiên cứu về lịch sử, vốn xưa nay vẫn rất nhiều tranh cãi. Cuốn sách của ông Tạ Đức bị cho rằng ủng hộ quan điểm người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nên Việt Nam phải lệ thuộc từ Trung Quốc. Điều này là sự bóp méo nội dung trắng trợn, không rõ là do ông Đính không đủ nhận thức để tiếp nhận thông tin từ văn bản hay là cố tình làm sai lệch để phục vụ mục đích cá nhân. Tôi nghĩ một người nghiên cứu dân tộc học lão làng như ông Đính phải biết rằng ở thời Đá Mới không có Việt Nam, không có Trung Quốc, mà chỉ có các cộng đồng dân cư di dân vì các yếu tố biến đổi tự nhiên, khan hiếm nguồn thức ăn hoặc do bị thua trận trong các cuộc tranh chấp. Tình trạng này không phải chỉ diễn ra ở dải đất Trung Hoa và Việt Nam ngày nay mà sự thiên di này diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới như Bắc Âu, Địa Trung Hải, Trung Cận Đông…v…v… Và cuộc di dân lớn nhất của lịch sử Cận đại phải kể đến sự hình thành các quốc gia ở Châu Mỹ và Châu Úc. Luận điểm người Việt di cư từ vùng đất thuộc quốc gia Trung Quốc hiện đại xuống vùng đất của quốc gia Việt Nam hiện đại không phải là sự khẳng định người Việt Nam là người Trung Quốc. Có lẽ ông Đính đã bị nhầm lẫn giữa các khái niệm về bộ tộc thời Cổ đại với các khái niệm về quốc gia thời hiện đại, thậm chí còn mù mờ về các vương quốc thời Trung đại. Với cách nhìn nhận của ông Đính thì có lẽ “Bình Ngô đại cáo” của cụ Nguyễn Trãi cũng nên bị cấm ở Việt Nam vì có câu
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần thay nhau dựng nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Triệu ở đây chính là nước Nam Việt của Triệu Đà mà lãnh thổ nước Nam Việt bấy giờ nằm ở Trung Quốc và có những cuộc chinh phạt nhà nước Âu Lạc ở phương Nam. Tại sao Nguyễn Trãi, một nhà Nho yêu nước có công chống quân Minh từ phương Bắc lại nhắc đến Triệu Đà, đó là một điều nên được suy nghĩ nghiêm túc về nguồn gốc của người Việt ta.
Book Hunter có quyền lên tiếng và hỗ trợ nhà nghiên cứu Tạ Đức hay không?
Trong thông điệp đầu năm 2014 của mình, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cần phải “hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ Nhân dân”. Tôi thiết nghĩ muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì với tư cách là một công dân phải thể hiện ý thức làm chủ và khả năng làm chủ của mình đã. Quyền làm chủ này không chỉ là quyền bầu cử mà còn là quyền tham gia ý kiến, không phải chỉ trong các vấn đề chính trị mà trong mọi mặt của xã hội, thậm chí là lên tiếng phản biện, đồng tình, bình luận, hoặc khuyến khích những công trình, những tác phẩm trong lĩnh vực học thuật và sáng tác.
Bấy lâu nay các viện nghiên cứu khoa học và giới học giả, trí thức đã quen với lối làm việc bó hẹp, không dám công khai đối diện với công chúng, không dám tranh biện một cách đường hoàng và minh bạch trên các diễn đàn, và nếu tranh biện ở góc độ khoa học không được thì sẽ chuyển sang quy kết chính trị. Điều này khiến cho tình trạng học thuật của nước nhà ngày càng thui chột vì thiếu tương tác, các học giả kéo bè kéo cánh, lợi dụng danh nghĩa định hướng dư luận để bài xích cá nhân. Để hạn chế tình trạng này và thúc đẩy nghiên cứu khoa học và sáng tạo thì sự xuất hiện của các nhà nghiên cứu độc lập, các tác giả độc lập, các kênh truyền thông độc lập và những nhóm sinh hoạt học thuật độc lập sẽ tạo nên sự đối xứng và cân bằng để kiểm soát nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các viện sĩ công chức. Dù sao đi nữa, tiền nuôi các Viện sĩ của các Viện nghiên cứu cũng đến từ tiền thuế của người dân hoặc các quỹ nước ngoài có mong muốn mang lại đời sống tốt hơn cho người dân Việt Nam. Vậy thì với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi cũng như các thành viên của Book Hunter và rất nhiều các nhóm sinh hoạt văn hóa,nghệ thuật,khoa học, công nghệ… độc lập khác có quyền bày tỏ quan điểm và hỗ trợ những học giả - trí thức mà chúng tôi tôn trọng.
Chúng tôi đang cố gắng “phát huy tính làm chủ” của mình như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi. Bởi thế tôi viết những lời này không phải với tư cách một nhà văn hay một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa mà là với tư cách một công dân, một độc giả muốn được các “cơ quan có thẩm quyền” và các viện sĩ, các học giả phải tôn trọng quyền đó. Nếu ông Đính có sự công tâm của một người làm khoa học và một người có “sự nhạy cảm chính trị” như ông nói thì hi vọng rằng ông sẽ trình lên bài viết này của tôi cùng với lời đề nghị của ông để cho các “cơ quan có thẩm quyền” thực hiện vai trò và nhiệm vụ đúng đắn của mình, tránh việc họ tiếp thu thông tin một chiều giống như ông Đính trong việc nhận định về “nhóm sinh viên” mà tôi đã đề cập ở trên.
Hà Thủy Nguyên
Admin của Book Hunter