Diễn đàn
Sự thật thông tin liên quan đến Viện Dân Tộc Học qua việc trao đổi về cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường"
..............................................................................................................................................................................................................
Vừa qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã đăng một số bài viết về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức, trong đó có những thông tin liên quan tới Viện Dân tộc học. Cụ thể như sau:
- Trong bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính”, ngày 13/6/2014, tác giả Tạ Đức viết:
“Ôi, tôi cứ tưởng Viện Dân tộc học là một trong các “cơ quan có thẩm quyền”, và với hai bài viết, ông- đại diện cho Viện, đã có ý kiến chính thức rồi cơ đấy”.
- Trong bài “Đôi lời khi đọc lời đề nghị của PGS.TS Bùi Xuân Đính về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”, ngày 17/6/2014, tác giả Hà Thủy Nguyên viết:
“Ngay khi buổi Seminar tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp để thảo luận các vấn đề xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” bị hoãn tổ chức một cách không rõ ràng vì “lý do trục trặc kỹ thuật” và được nghe kể về buổi phản biện công trình này tại Viện Dân tộc học tôi đã thấy rằng Nhà nghiên cứu Tạ Đức sẽ không có nhiều cơ hội để lên tiếng trình bày rõ ràng quan điểm của mình trong cuốn sách này trên các kênh chính thống”.
“Ông Bùi Xuân Đính yêu cầu các “cơ quan thẩm quyền có ý kiến”, không rõ là các “cơ quan có thẩm quyền” này ngoài Viện Dân tộc học thì còn có bên nào nữa?”.
Thông tin trên đây sẽ khiến cho người đọc hiểu là: 1. Những ý kiến của PGS.TS Bùi Xuân Đính là của Viện Dân tộc học; 2. Viện Dân tộc học tổ chức một buổi “phản biện” cuốn sách của tác giả Tạ Đức; và 3. Viện Dân tộc học không tạo điều kiện để tác giả Tạ Đức trao đổi lại bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính. Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực liên quan đến vấn nêu trên cho bạn đọc. Nếu thông tin của chúng tôi sai lạc, xin mời những ai có liên đới trao đổi lại.
1. Đầu tháng 2 năm 2014, chúng tôi nhận được thông báo từ PGS.TS Bùi Xuân Đính, cán bộ Viện Dân tộc học: Ông Tạ Đức vừa cho xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” và có nhã ý ngày 13 tháng 2 sẽ đến Viện Dân tộc học tặng sách cho một số đồng nghiệp. Chúng tôi rất vui, vì ông Tạ Đức nguyên là cán bộ của Viện, và qua ông Bùi Xuân Đính, đã mời ông Tạ Đức giới thiệu kết quả nghiên cứu trong quyển sách của ông tại Viện. Ông Tạ Đức vui vẻ nhận lời. Buổi giới thiệu sách của ông Tạ Đức tại Viện Dân tộc học diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến, câu hỏi chân tình, cởi mở, và là buổi sinh hoạt khoa học thật sự. Chính ông Tạ Đức cũng rất vui. Tuy nhiên, do thời gian có hạn (từ 10 giờ đến 11 giờ 30), ông Tạ Đức chưa thể trả lời và thỏa mãn tất cả câu hỏi và ý kiến. Vì thế ngay trong buổi đó, với trách nhiệm là Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học, tôi đã đề xuất ý kiến: Nên tiếp tục có những trao đổi khoa học liên quan đến cuốn sách này trên Tạp chí Dân tộc học. Mọi người đều đồng tình, trong đó có ông Tạ Đức.
Như vậy, đây là một cuộc sinh hoạt khoa học, chứ không phải buổi “phản biện” như tác giả Hà Thủy Nguyên đã viết.Thậm chí trong ngày gần đây, khi nhắc đến buổi giới thiệu sách nêu trên với chúng tôi, tác giả Tạ Đức vẫn cho rằng, đó là buổi trao đổi chuyên môn “ấm áp”.
2. Để việc trao đổi khoa học được thực hiện, chúng tôi đề nghị PGS.TS Bùi Xuân Đính, khi đó là Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc ngôn ngữ Việt – Mường viết bài đầu tiên. Ông Đính đã nhận lời; còn tôi, với trách nhiệm là Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học, cũng nhắc lại nguyên tắc của Tạp chí: Việc trao đổi phải trên tinh thần khoa học, tránh xúc phạm, quy chụp lẫn nhau… Trong quá trình viết bài này, ông Đính có tham khảo ý kiến của một số nhà chuyên môn, song việc tham khảo chỉ với tư cách cá nhân. Và sau đó, bài viết “Bàn về nguồn gốc người Việt – người Mường” của PGS.TS Bùi Xuân Đính đã được đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 1+2 năm 2014. Nếu bạn đọc nào thấy bài viết này, kể cả Lời Tòa soạn - giới thiệu bài viết của Tạp chí Dân tộc học, có ý gì xúc phạm, quy chụp tác giả Tạ Đức thì xin chỉ giáo, để chúng tôi rút kinh nghiệm.
3. Ngay từ lúc bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính chưa được công bố, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, chúng tôi đã thông tin cho nhà nghiên cứu Tạ Đức và mời ông gửi bài trao đổi lại. Tuy nhiên chúng tôi cũng cho ông biết, bài của ông chỉ có thể đăng vào số 4, vì số 3 là số chuyên đề dành cho một dự án hợp tác quốc tế, và đã lên kế hoạch từ năm 2013. Lúc đầu ông Tạ Đức nhận lời, nhưng sau đó cho biết, ông muốn đăng bài trao đổi với ông Bùi Xuân Đính sớm hơn, và sẽ đăng ở một cơ quan ngôn luận khác.
4. Việc PGS.TS Bùi Xuân Đính gọi điện thoại và gửi thư đề nghị Trung tâm Văn hóa Pháp hoãn cuộc trình bày của nhà nghiên cứu Tạ Đức chỉ là thể hiện chính kiến riêng, không liên quan tới Viện Dân tộc học. Cá nhân tôi khi biết thông tin này, cũng chia sẻ suy nghĩ với ông Bùi Xuân Đính: “Việc trình bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp là quyền của anh Tạ Đức”. Trong hai lần trao đổi qua điện thoại với ông Tạ Đức, tôi đã khẳng định thực chất của sự việc nêu trên là như vậy.
5. Sự thật về thông tin mà chúng tôi cung cấp cho bạn đọc trên đây, ngoài việc để đối sánh với thông tin của hai tác giả Tạ Đức và Hà Thủy Nguyên, còn là những lời gửi chân tình tới bạn đọc của Tạp chí Văn hóa Nghệ An: Cho đến nay, Viện Dân tộc học không làm bất cứ điều gì phương hại đến tác giả Tạ Đức. Chúng tôi chỉ đã và đang thực hiện trách nhiệm xây dựng một môi trường trao đổi khoa học lành mạnh và nghiêm túc./.
..................................
[*]: VƯƠNG XUÂN TÌNH - Viện trưởng Viện Dân tộc học
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Truyện Kiều từ góc nhìn văn học so sánh
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114513036
2137
2436
2973
219909
121356
114513036