1. Trong bài, anh Thảo viết “Thầy Đính có dạy tôi chuyên đề về làng Việt khi tôi học năm thứ 4 ở đại học”. Xin được cải chính: tôi dạy lớp anh Thảo chuyên đề “Người Việt”, chứ không phải chuyên đề về làng xã người Việt. Giấy mời của Trường mời tôi giảng về chuyên đề này, hiện tôi vẫn giữ, vì tính tôi hay hoài niệm, nhất là với những gì là ‘ban đầu”, “đầu tiên”. Lớp của anh Thảo lại là lớp sinh viên đầu tiên của chuyên ngành Dân tộc học thuộc khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội mà tôi được mời dạy. Tôi nhớ như in, lớp có khoảng 17 - 18 sinh viên, phần đông quê ở Thanh Hóa. Khi đó tôi đang làm nhà. Có hôm vội dọn dẹp “công trường nhà” rồi đi lên lớp, nên trên tay vẫn vướng một hai vết vôi, có sinh viên của lớp anh nhìn tôi cười. Tôi phải xin lỗi. Nhân ngày 20 tháng 11 của năm đó (năm 1997), mấy sinh viên đại diện cho lớp của anh đến chúc mừng tôi vào một buổi tối. Khi đó, tôi tiếp mấy anh chị em sinh viên trên tầng hai ngôi nhà còn đang dang dở. Bộ cốc mà anh chị em tặng tôi khi đó hiện còn được hai chiếc (nói điều này xin được anh chị em thứ lỗi vì đã không giữ được trọn vẹn).
Tôi dài dòng như vậy để quay vào điều mà tôi muốn nói, liên quan đến câu chuyện hôm nay. Tôi làm việc với lớp anh Thảo chuyên đề “Người Việt” có nội dung rộng hơn rất nhiều chuyên đề “Làng Việt”. Hồi đó, dù chưa có thật nhiều tư liệu (vì mới bước vào công việc giảng dạy), tôi đã cố gắng giảng cho sinh viên lớp anh khá kỹ phần về “Tộc danh và nguồn gốc người Việt”, nói khá kỹ về quan điểm của Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc, khác với quan điểm của Từ Chi, của các nhà nghiên cứu Việt Nam khác, đối chiếu với các kết quả của khảo cổ học, ngôn ngữ học Việt Nam đã khẳng định tính bản địa và tính cùng cội nguồn của người Việt và người Mường như thế nào. Quan điểm đó, đến nay tôi vẫn không đổi và tiếp tục giảng cho nghiên cứu sinh, học viên cao học những năm gần đây, song tư liệu thì dày hơn, ý tưởng khoa học thì nhiều hơn bội phần và cũng là luận điểm để tôi thảo luận với ông Tạ Đức trên Tạp chí Dân tộc học số 1- 2/ 2014 với tinh thần học thuật.
2. Trong bài, anh Thảo viết : “Là một nhà nghiên cứu nhiệt huyết, ông (tức tôi- BXĐ) đã hơn một lần tham gia nhiệt tình vào các cuộc tranh luận, chấp nhận động chạm với không ít ngườiđể bảo vệ quan điểm khoa học của mình(BXĐ nhấn mạnh). Điều tôi cho là một phẩm chất đáng quý của nhà khoa học- hơn nhiều so với bao kẻ “mũ ni che tai” để “ngậm miệng ăn tiền”. Điều này đúng, nhưng chỉ được một nửa. Xin được thưa lại : tôi không ngại va chạm (thậm chí không “nể nang”) khi tranh luận, song không phải “để bảo vệ quan điểm khoa học của mình” (nói thế thì ra tôi bảo thủ à, không đâu anh Thảo ạ, ngược lại tôi rất cầu thị), mà là để bảo vệ chân lý khoa học, bảo vệ lợi ích chung, không phải vì quyền lợi của riêng mình. Tôi đoán có lẽ anh muốn nhắc đến một sự kiện cách đây đã 9 năm, tại Hà Nội, một số đông các nhà khoa học, trong đó có nhiều giáo sư có tiếng, chỉ căn cứ vào một tư liệu Hán Nôm không rõ người và thời điểm soạn thảo, đã đưa ra “dự án phục dựng một di tích liên quan đến một sự kiện lớn của Thăng Long” (tiêu tốn khoảng 3,2 tỷ đồng khi đó). Dự án bị một vài nhà khoa học phản đối. Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt, kéo dài, dẫn đến tình thế “phái” ít người hơn (phái phản đối dự án) đứng trước nguy cơ “thua cuộc”. Lúc đầu, tôi ở “ngoài cuộc”, nhưng rồi thấy số đông nhà khoa học viết trên báo chí thiếu căn cứ, nói lấy được, tôi “bốc” lên, tìm cách “len” vào cuộc hội thảo bị “bó hẹp”: chỉ người của hai “phái” và một số phóng viên báo chí “nhạy tin” được tham dự (hội thảo này chỉ là bước “hợp pháp hóa” dự án trên). Tôi thức trắng đêm để viết bài báo cáo dài 9 trang. Hôm sau, vào hội thảo, báo cáo của tôi xuất hiện bất ngờ, đã phản lại một cách có căn cứ khoa học “dự án” nọ. Hôm sau, báo chí đồng loạt đăng tóm tắt nội dung bài của tôi. Lãnh đạo địa phương thấy có điều gì không ổn nên đình “dự án” đó lại (đến bây giờ, dự án vẫn không được triển khai, mặc dù nhiều người vẫn cố đeo đuổi, có người “cay cú”). Hội thảo không có “ăn trưa”, báo cáo cũng chẳng có nhuận bút. Nhưng tôi vẫn vui, vì mình góp phần ngăn chặn một dự án không dựa trên cơ sở khoa học, địa phương dành lại 3,2 tỷ đồng vào việc khác. Đương nhiên, sau vụ việc này, tội bị nhiều người ghét lắm (xin bạn đọc thứ lỗi, tôi viết những dòng này chỉ để bàn thêm về ý của anh Thảo, không phải để khoe khoang).
3. Trong bài, anh Thảo viết :”Thực ra mà nói, tôi thấy ở 2 người (tôi và ông Tạ Đức) có nhiều nét tương đồng hơn là khác biệt”. Đúng vậy. Song chắc anh Thảo cũng sẽ đồng ý với tôi: sự khác biệt (về quan điểm, tính cách) giữa hai con người bình thường thì không sao, song nếu gặp hai trường hợp sau, sẽ lớn dần và bộc lộ mâu thuẫn, có thể dẫn đến “từ nhau”. Một là, liên quan đến lợi ích và hai là liên quan đến đất nước. Về lợi ích, giữa tôi và ông Đức không có gì để dẫn đến mâu thuẫn, vì cả hai đã không cùng cơ quan 25 năm nay (cho dù có cùng cơ quan cũng không dễ xảy ra mâu thuẫn về lợi ích), không làm ăn chung… Vả lại, xưa nay, tôi luôn coi ông Đức là bạn và dù bằng tuổi nhau, nhưng tôi không bao giờ xưng “mày tao, cậu tớ” với ông Đức, mà luôn gọi là “Bác” và ông Đức từng giúp đỡ tôi nhiều khi tôi gặp khó khăn. Vậy thì, bất đồng giữa tôi và ông Đức chỉ phát sinh khi ông Tạ Đức có buổi giới thiệu sách của ông (đã được ấn định trước), đúng lúc Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải nước mình, khiến đất nước vô cùng căng thẳng, dân tình lo lắng. Đây quả thật là điều không may cho ông Đức và cho cả tôi. Anh Thảo viết đúng “Ông (tôi - BXĐ) đủ trải nghiệm để không chính trị hóa một vấn đề khoa học rõ rành rành... và có lẽ ông không có nhu cầu nổi tiếng bằng cái việc phải đi phá đám, hạ bệ người khác”. Anh cũng viết rất đúng: “có chăng làông quá lo lắng vì điều gì đó thôi chứ chẳng có âm mưu sâu xa hay dã tâm nào cả. Lo lắng này có thể xuất phát từ linh cảm nào đó, có thể đúng, có thể sai chăng? Bởi nào ông có được lợi lộc gì từ việc này?”. Xin được bổ sung: việc tôi gửi thư lên Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội xuất phát đề nghị hoãn buổi nói chuyện về sách của ông Tạ Đức xuất phát từ tình cảm của một công dân, quá lo lắng và cũng “sục sôi” vì tình hình đất nước đầu tháng 5, còn điều tôi “linh cảm” là sự linh cảm của một nhà nghiên cứu Dân tộc học, từng va chạm, chứng kiến những gì liên quan đến vấn đề quan hệ dân tộc. Linh cảm đó được cụ thể hóa bằng nỗi lo về việc ý tưởng thuần túy khoa học của ông Tạ Đức rất có thể sẽ bị Trung Quốc lợi dụng (vấn đề này tôi đã nói rõ trong các thư gửi Văn hóa Nghệ An ngày 30/ 5 và 12/ 6). Tôi không quá “phóng to” vấn đề, nhưng có thể nói, vấn đề dân tộc, tình thế đất nước bất ngờ xuất hiện đã tác động nhanh và mạnh đến quan hệ giữa tôi và ông Đức. Tôi cũng chỉ vì việc chung. Còn ông Đức “cũng không ham hố mấy thứ danh hão viển vông và lại càng chẳng ngây thơ đến mức để ai đó lợi dụng” - đúng như anh Thảo viết. Song, cách nhìn nhận vấn đề của hai người khác nhau, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” chưa kịp ngồi lại với nhau được thì các chuyện “cứ thế xảy ra”, không gì ngăn được. Đây là hiện tượng mang tính tương đối phổ biến, nếu như không muốn nói là mang tính quy luật trong lịch sử đất nước ta: mỗi khi có họa ngoại xâm, vận mệnh đất nước và dân tộc bị đe dọa đã tác động nhanh, mạnh và sâu sắc đến quan hệ anh em, bạn bè, thầy trò với rất nhiều biểu hiện khác nhau mà tôi không muốn dẫn lại. Tôi còn nhớ, năm thứ hai đại học, khi giảng về lịch sử Việt Nam cận đại, Giáo sư Đinh Xuân Lâm từng nói với học trò những biểu hiện về sự phân hóa trong quan hệ anh em, dòng họ, bạn bè … trong cuộc kháng chiến chống Pháp và phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX. Tôi nhớ như in câu của Thầy : “Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách” (khi quốc gia lâm nguy thì kẻ tầm thường cũng phải có trách nhiệm). Tôi chỉ là một kẻ “thất phu”, song như tôi đã khẳng định trong “Thư ngỏ gửi tạp chí Văn hóa Nghệ An” (ngày 30/ 5), tôi không thể ngồi yên trong khi đất nước bị Trung Quốc xâm lược, mà luận điểm của ông Tạ Đức lại xuất hiện trên nhiều tờ báo. Việc làm của tôi đương nhiên ảnh hưởng đến ông Đức, nên ông phản ứng là chuyện bình thường. Tôi không chấp. Nếu chấp, chắc chắn là lời qua tiếng lại giữa tôi và ông Đức đã xuất hiện liên tục và dày đặc trên báo.
4. Anh Thảo có ý tưởng hay “Xin hãy cho phép tôi sắp một mâm rượu nhỏ, chúng ta (anh Thảo, ông Đức và tôi) cùng ngồi bên nhau cởi lòng. Khoa học thì cần đấy nhưng tình bằng hữu mới đáng quý và có ý nghĩa hơn”. Tôi không phản đối, từ chối ý tưởng này, bởi tôi xin nhắc lại, tôi không phải là người chấp nhặt, nhưng luôn giữ quan điểm và nguyên tắc: tình bằng hữu chỉ đáng quý và chỉ có ý nghĩa khi cùng một mục đích chung, lớn lao: vì lợi ích quốc gia, vì quyền lợi dân tộc, nhất là lúc đất nước đứng trước họa ngoại xâm; nếu không cùng mục đích đó thì khó có thể ngồi với nhau được, nhất là trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của quốc gia Việt Nam hiện nay.
Xin cảm ơn anh Thảo và thưa cùng bạn đọc.
Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2014
Bùi Xuân Đính