Trong bài “Nói thêm với anh Nguyễn Công Thảo..” trên vanhoanghean.com ngày 21-6, ông Bùi Xuân Đính ( từ đây BXĐ) có nhắc đến cuộc tranh luận về Đền Cẩu Nhi năm 2005, trong đó có viết: (từ đây, tất cả những đoạn có gạch dưới do tôi nhấn mạnh):
Trong bài “Nói thêm với anh Nguyễn Công Thảo..” trên vanhoanghean.com ngày 21-6, ông Bùi Xuân Đính ( từ đây BXĐ) có nhắc đến cuộc tranh luận về Đền Cẩu Nhi năm 2005, trong đó có viết: (từ đây, tất cả những đoạn có gạch dưới do tôi nhấn mạnh):
…”tôi không ngại va chạm (thậm chí không “nể nang”) khi tranh luận, song không phải “để bảo vệ quan điểm khoa học của mình” (nói thế thì ra tôi bảo thủ à, không đâu anh Thảo ạ, ngược lại tôi rất cầu thị), mà là để bảo vệ chân lý khoa học, bảo vệ lợi ích chung, không phải vì quyền lợi của riêng mình. Tôi đoán có lẽ anh muốn nhắc đến một sự kiện cách đây đã 9 năm, tại Hà Nội, một số đông các nhà khoa học, trong đó có nhiều giáo sư có tiếng, chỉ căn cứ vào một tư liệu Hán Nôm không rõ người và thời điểm soạn thảo, đã đưa ra “dự án phục dựng một di tích liên quan đến một sự kiện lớn của Thăng Long” (tiêu tốn khoảng 3,2 tỷ đồng khi đó). Dự án bị một vài nhà khoa học phản đối. Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt, kéo dài, dẫn đến tình thế “phái” ít người hơn (phái phản đối dự án) đứng trước nguy cơ “thua cuộc”. Lúc đầu, tôi ở “ngoài cuộc”, nhưng rồi thấy số đông nhà khoa học viết trên báo chí thiếu căn cứ, nói lấy được, tôi “bốc” lên, tìm cách “len” vào cuộc hội thảo bị “bó hẹp”: chỉ người của hai “phái” và một số phóng viên báo chí “nhạy tin” được tham dự (hội thảo này chỉ là bước “hợp pháp hóa” dự án trên). Tôi thức trắng đêm để viết bài báo cáo dài 9 trang. Hôm sau, vào hội thảo, báo cáo của tôi xuất hiện bất ngờ, đã phản lại một cách có căn cứ khoa học “dự án” nọ. Hôm sau, báo chí đồng loạt đăng tóm tắt nội dung bài của tôi. Lãnh đạo địa phương thấy có điều gì không ổn nên đình “dự án” đó lại…Nhưng tôi vẫn vui, vì mình góp phần ngăn chặn một dự án không dựa trên cơ sở khoa học...
Nhận thấy sự kiện 9 năm trước có liên hệ với sự kiện năm nay liên quan tới cuốn sách của tôi có những mẫu số chung, tôi thấy cần phải làm rõ một vấn đề: có thực việc đình lại dự án Đền Cẩu Nhi là do bài báo của BXĐ có “căn cứ khoa học” hay không và ai mới thực là người nói “thiếu căn cứ, nói lấy được”?[1]
Trong bài hiện vẫn còn lưu trên mạng (http://vietbao.vn/Van-hoa/Nguoi-Viet-khong-tho-cho/40095738/181), BXĐ viết:
…Trong các con vật được các dân tộc ở nước ta thờ làm Totem, chỉ duy nhất có chó được người Dao thờ, vì chó được coi là Bàn Vương thủy tổ; còn hầu như ở các dân tộc thiểu số từ vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vào miền núi Thanh Nghệ, Trường Sơn - Tây Nguyên, không thấy tục thờ chó.
Theo nhà dân tộc học Từ Chi, con chó là biểu tượng thế giới bên dưới, của ban đêm, bóng tối (khác với chim tượng trưng cho trời và cho mặt trời, ánh sáng, cho thế giới bên trên). Trong đám tang của người Mường… có lễ thức "Nhìn họ" (cho linh hồn người chết nhìn lại gia đình, họ hàng ở mường Người để sang thế giới bên kia - mường Ma) do ông mo dẫn dắt bằng đọc Mo, xuất hiện hình tượng con chó là biểu tượng cho mường Ma…Như vậy, trong tín ngưỡng của hầu hết các tộc người ở nước ta, chó không tượng trưng cho ban ngày, cho sự sống, cho tầng trên, cho thần thoại; mà ngược lại, tượng trưng cho ban tối, cho tầng dưới, cho sự chết và cho pháp thuật. Vì vậy, chó không thể được tôn thờ và không thể nói, tục thờ chó phổ biến ở các dân tộc trên đất nước ta…Trong bối cảnh trên, người Việt cũng không thờ chó, vì từ xa xưa đã tôn thờ chim lạc, thờ rồng; bởi nếu chó là Totem thì không thể ăn thịt Totem được, trong khi người Việt coi thịt chó là một trong những món ăn ngon…Như vậy, những tư liệu trên đây đủ để kết luận rằng, người Việt hoàn toàn không có tục thờ chó. Tôi và nhiều đồng nghiệp chưa từng gặp một ngôi đền thờ chó nào.
Có thực vậy không?
Về tục thờ chó của người Việt, nhà nghiên cứu Trần Thị An cho biết:
Theo điều tra của Trần Minh Nhương, trưởng phòng văn hóa huyện Đan Phượng, Hà Tây, thì ở huyện này có hai nơi thờ chó đá là làng Phù Trung và làng Địch Vỹ. Chó được đặt lên bệ thờ ở góc sân đình, được phối tự ở đình với tên gọi là Hoàng Thạch (Kiều Thu Hoạch cho rằng, mỹ tự này do việc ghép hai từ Thành Hoàng + Thạch Cẩu mà ra), được tôn là Hạ Giới đại vương. Theo Trần Minh Nhương, “dân làng coi quan Hoàng Thạch như một vị Bao Công để xét xử những chuyện oan ức, những éo le... Một người mất trộm, ra đặt lễ kêu khấn, rồi lại thấy của; có người bị vu oan đã nhờ cậy “ngài” minh giải nỗi oan sai; đôi vợ chồng xung khắc suýt bỏ nhau, đến thề thốt với “ngài”, rồi lại đoàn tụ gia đình; người buôn, kẻ bán ở chợ quê gần đó năng cầu nguyện thì ăn nên làm ra”. Còn theo Kiều Thu Hoạch thì các tượng chó đá được lưu giữ ở Bảo tàng Bắc Ninh có khắc chữ Hán là Cẩu thần, Cẩu tử linh thần. Tổng hợp các nguồn tư liệu, Kiều Thu Hoạch đã đi đến kết luận: “Tiếp cận từ góc nhìn nghiên cứu liên ngành - nhân loại học văn hóa, folklore, văn bản học Hán Nôm, kết hợp với điều tra thực địa nhiều lần tại nơi có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: Bệ thờ chó đá cùng các hành vi tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng chó đá đã có trong lịch sử và hiện vẫn đang tồn tại một cách sống động tại địa phương/nơi thờ phụng, cho thấy tín ngưỡng chó đá, biểu hiện thực tiễn của tục thờ chó của người Việt là một tín ngưỡng dân gian vốn đã có từ xa xưa trong lịch sử dân tộc”[2]
Một bài viết khác của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi [3] cho biết thêm:
…“ GS Kiều Thu Hoạch lại phát hiện thêm ở thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) cũng thờ chó đá. Trẻ con và người già ở đây đều gọi chó đá là Cụ Thạch”
Rõ ràng, các tư liệu trên đã khẳng định những dấu tích của tục thờ chó ở người Việt xưa.
Trong cuốn sách của tôi, phần viết về nguồn gốc Mân của Lý Công Uẩn, tôi đã chứng minh rõ hơn về tục thờ chó của người Việt thời Lý và của nhiều tộc ít người ở Việt Nam như sau:
Về Lý Công Uẩn có một loạt truyền thuyết[4] và sự kiện vừa hư vừa thực liên quan đến chó: mẹ ông đến chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần (chó) rồi có mang; khi mẹ bế ông đến cửa nhà Lý Khánh Văn, con chó bằng đồng –một linh vật để trong nhà bỗng sủa vang, theo lời dặn của cha Lý Khánh Văn, là điềm báo có thánh nhân xuất hiện; trước khi ông ra đời, ở quê ông có con chó đẻ con mang sắc trắng đốm đen thành hình chữ “Thiên tử”; ông cho rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đúng vào năm Canh Tuất (1010)- năm chó; sau đó, một con chó mẹ từ chùa Ứng Thiên quê ông mang thai bơi qua sông Hồng tới núi Khán Sơn ở Thăng Long “cắn lau làm tổ” hay “ ổ đẻ”-một dấu hiệu của đất quí đất lành; vì thế, ông đã cho xây đền trên núi Khán và giữa hồ Trúc Bạch để thờ cúng Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi …
Câu hỏi đặt ra là: phải chăng những truyền thuyết về Mẹ Chó của Lý Công Uẩn có ý nghĩa tương tự với truyền thuyết về ông bố- thần nước rái cá của Đinh Bộ Lĩnh? Phải chăng chúng phản ánh tục thờ vật tổ chó của họ Lý và người Việt thời Lý?
Dấu tích của tục thờ Thần Chó thời Lý khá rõ, ngoài đền Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi thì đền hiện mang tên Voi Phục cũng là một đền thờ Thần Chó.
Đền Voi Phục, trấn phía Tây kinh thành Thăng Long hiện vẫn thờ Linh Lang, được coi là tên hiệu của hoàng tử Hoằng Chân, con vua Lý Thái Tông.
Một thần phả viết Linh Lang là thần rắn nước đã đầu thai thành người để giúp vua Lý đánh giặc, mẹ là một cung phi quê ở làng Địch Vĩ, xã Bồng Lai, huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, tên Linh Lang đã bộc lộ gốc tích thực của thần là Thần Chó (sói).[5] Chính vì thế, làng Địch Vĩ, quê mẹ Linh Lang hiện vẫn có tục thờ Thần Chó - được gọi là Thành Hoàng Linh Giang Đại Vương hay Hoàng Thạch. Linh Giang tương ứng với Linh Lang và Hoàng Thạch cũng tương ứng với Hoàng Lang, một tên gọi khác của Linh Lang. Cũng theo thần phả trên, vua Lý đã cho phép 289 làng, trại trong cả nước xây đền miếu thờ Linh Lang, cho thấy tục thờ Thần Chó rất phổ biến thời Lý. Ở người Việt, tục này sau mai một và đã chuyển thành tục đặt và thờ chó đá ở cổng làng, cổng nhà như một vị thần bảo hộ cho người trong làng hay trong nhà.
Trong khi đó, dòng họ Đinh Công ở xã Tân Minh, Thanh Sơn, Phú Thọ hiện vẫn có tục thờ “Mẫu Khuyển”, gắn với truyền thuyết một con chó đã cứu và nuôi ông tổ của người Mường trong cơn hồng thủy do cuộc chiến Sơn Tinh-Thủy Tinh gây ra .[6] Một dòng họ quan lang Mường tại xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn và xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, Hòa Bình hiện vẫn kiêng ăn thịt chó vì theo truyền thuyết, bà cụ tổ của dòng họ này nhờ bú sữa chó nên mới tồn tại và gây dựng được sự nghiệp.[7]
Hình: Bệ thờ chó đá ở làng Địch Vĩ, Hà Tây (cũ).
Nguồn: Nguyễn Thanh Lợi 2005
Có thể thấy, cả hai tục trên ở người Mường là dấu tích của tục thờ Cẩu Mẫu thời Lý và của tục thờ vật tổ chó của người Việt và Mường xưa.
Tục thờ vật tổ chó cho đến nay vẫn được bảo lưuvới nhiều cách thức, mức độ khác nhau trong nhiều tộc người ở Việt Nam và ĐNA. P. Maspero (1964:510-530 ) đã ghi nhận nhiều truyền thuyết về ông hay bà tổ chó cùng các tục kiêng ăn thịt chó, thờ chó, lấy họ chó, các nghi lễ mô phỏng tiếng chó gào rú, để tóc kiểu chó ở người Bana, Stieng, Khmer, Katu, Jarai, Chăm.v.v.
Chúng ta đã có nhiều bằng chứng về sự có mặt của di dân Mân-Đản Phúc Kiến ở Việt Nam. Và chúng ta cũng có những bằng chứng cho thấy người Mân Phúc Kiến là một nhóm người Dao cổ có tục thờ vật tổ chó.
Eberhard (1968: 256, 433, 46) cho biết:
- Họ Trần, một trong những họ lớn ở Phúc Kiến, là một bộ tộc của người Dao.
- Người Đản là một nhóm Dao cổ, tức là cư dân săn bắt hái lượm vùng núi rừng trở thành cư dân săn bắt trên biển.
-Tết Trung thu có mối liên hệ cội nguồn với hội lễ mừng sinh nhật Bàn Hồ của người Dao xưa. Một trong những sự tích về hội lễ đó kể thần núi Vũ Di (Phúc Kiến) lệnh cho mọi người phải đi lên đỉnh núi để nghe nhạc và ăn cỗ của tổ tiên và thần linh. Tết Trung thu chính là Tết Năm Mới của người Dao và chắc chắn có nguồn gốc từ Phúc Kiến hay Hồ Nam và Quảng Đông, nơi có nhiều người Dao.
-Truyền thuyết Dao kể kinh đô của Bàn Hồ hay nơi phát tích 12 họ của người Dao là Cối Kê (Chiết Giang). Sau đó vì bị đàn áp, 12 họ của người Dao phải dùng thuyền vượt biển về phía Nam. Truyền thuyết này cũng có ở người Xa -gốc ở núi Vũ Di-Phúc Kiến.
-Hậu Hán thư xác định con cháu của Bàn Hồ (tức người Dao) sống ở vùng ven biển Đông Nam Trung Quốc, tức từ Chiết Giang tới Quảng Tây.
Người Mân đúng là một nhóm Dao bởi tên gọi Mân hoàn toàn tương ứng với tên tự gọi đích thực của người Dao là Man/Mun/Miên. Thời Đông Sơn, người Mân đã trở thành một nhóm Lạc Việt như người Việt Chiết Giang với chữ Lạc bộ Mã. Những mô típ chồn/cầy/dái cá… trên trống đồng Đông Sơn muộn đã phản ánh tục thờ vật tổ chó/rái cá của một số nhóm Lạc Việt gốc Mân-Đản vào cuối thời Đông Sơn, một tục tiếp tục tồn tại cho tới thời Đinh thể hiện ở truyền thuyết bố Đinh Bộ Lĩnh là rái cá (và tới thời Lý thể hiện ở các truyền thuyết về chó liên quan tới Lý Công Uẩn)…
P. Maspero (1963: 785) từng nhận xét trong tên gọi nước Văn Lang, chữ Lang có nghĩa chó sói có thể có liên hệ với tên gọi Lang Nhân (Người –Chó sói) chỉ con cháu Bàn Hồ…
Như vậy, có thể khẳng định,sự phản đối của BXĐ không hề “có cơ sở khoa học” nào như ông “nói lấy được”. Nhưng điều trớ trêu là, trong vụ “Đền Cẩu Nhi”, một thiểu số các học giả cuối cùng đã thắng đa số các học giả có uy tín và danh tiếng, không phải vì có “cơ sở khoa học” hơn, mà một phần vì vấn đề “nhạy cảm” (như sử gia Dương Trung Quốc nói), còn nhiều phần là do nét tâm lý “còi to cho vượt” của người Việt hiện nay.
Giờ đây, dễ thấy trên đường phố nhiều nơi ở Việt Nam, một thiểu số có thói quen ngang ngạnh, càn quấy, khi không thấy công an liền đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu…và bấm còi inh ỏi nhưng lại khiến đa số mọi người kinh hãi, lè lưỡi, lắc đầu, thở dài và đành phải nhường đường cho họ!
Tương tự, việc hoãn cuộc hội thảo về cuốn Nguồn gốc người Việt –người Mường tại Trung tâm văn hóa Pháp, một phần vì tình hình thời sự, nhưng chủ yếu bởi hành vi manh động, tự phát với những lời lẽ “đao to búa lớn” bịa đặt, vu khống đầy tính kích động của BXĐ.
Biện minh cho hành vi của mình, BXĐ nói hành vi đó xuất phát từ “nỗi lo về việc ý tưởng thuần túy khoa học của ông Tạ Đức rất có thể sẽ bị Trung Quốc lợi dụng”!
Trong bài trả lời BXĐ đăng trên vanhoanghean.com, tôi đã bác bỏ luận điểm trên và nhấn mạnh:
“Lịch sử quan hệ Việt Nam –Trung Quốc hơn 2000 năm qua là lịch sử giữa hai nước láng giềng gần gũi, lúc bình thường, lúc tốt đẹp và cũng có lúc đầy căng thẳng, xung đột. Nhân tố quyết định chi phối mối quan hệ đó là quyền lợi của mỗi nước hay đúng hơn của tầng lớp thống trị ở mỗi nước trong từng thời kỳ chứ không phải là mối liên hệ nguồn gốc xa xưa giữa nhân dân hai nước. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều người có tổ tiên đến từ phương Bắc (là từ mà tổ tiên ta thường dùng thay cho từ Trung Quốc, một khái niệm xưa chỉ một nước ở vùng Trung nguyên-trung lưu Hoàng Hà, nay chỉ một quốc gia bao gồm nhiều vùng đất gốc là của tổ tiên người Việt) đã trở thành những vị anh hùng dân tộc dành độc lập, chống xâm lược từ phương Bắc như Lý Bí, Phùng Hưng, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ.v.v. Thời Lý-Trần-Lê-Tây Sơn, truyền thuyết Họ Hồng Bàng được lưu truyền trong dân gian, được ghi vào quốc sử, có nghĩa người Việt đều biết tổ tiên mình đến từ phương Bắc, nhưng người Việt vẫn đại phá các đội quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Vì thế, việc BXĐ lấy lý do nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay để đòi hoãn một cuộc hội thảo về nguồn gốc phương Bắc của tổ tiên đã thể hiện một nhận thức sai lầm, một mặc cảm tự ty, không dám nhìn thẳng vào sự thực lịch sử”.
Nhân đây, tôi muốn đặt hai vấn đề để bạn đọc trao đổi: có thực vấn đề nguồn gốc phương Bắc của người Việt có thể bị nhà cầm quyền Trung Quốc lợi dụng hay không? Mặt khác, có thực vấn đề đó có thể tác động tiêu cực tới tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người Việt hay không?
Ông BXĐ lại nói ông ta “không thể ngồi yên trong khi đất nước bị Trung Quốc xâm lược, mà luận điểm của ông Tạ Đức lại xuất hiện trên nhiều tờ báo”.
Đó là một điều hoàn toàn bịa đặt. Giờ đây, nhờ có Google, các độc giả có thể dễ dàng dùng từ khóa tên cuốn sách của tôi để thấy rõ điều đó. Thực tế, trước ngày 15-5, nhiều tờ báo chỉ đưa tin về cuộc hội thảo và giới thiệu chung chung nội dung cuốn sách nói về nguồn gốc về hai nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn, về nguồn gốc người Việt- người Mường chứ không hề nói về các luận điểm cụ thể của tôi.
Tóm lại, thông qua việc kết nối hai vụ tranh luận về “Đền Cẩu Nhi” 9 năm trước và về “Nguồn gốc người Việt-người Mường” năm nay, tôi chỉ muốn bạn đọc hiểu thêm về kiến thức dân tộc học, về tính cầu thị, tính trung thực, về “cơ sở khoa học” và mục đich “bảo vệ chân lý khoa học, bảo vệ lợi ích chung” trong các luận điểm phản biện của PGS.TS BXĐ!
[1]Bạn đọc có thể tra Google với từ khóa Đền Cẩu nhi để đọc một số bài tranh luận về vấn đề này.
[2]Trần Thị An: Sự ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết “Mẫu Thượng Ngàn” http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/PheBinhVanHoc/View_Detail.aspx?ItemID=2
[3]Nguyễn Thanh Lợi: Con chó trong các nền văn hóa. http://hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so-9-10/con-cho-trong-cac-nen-van-hoa/
[4]Các truyền thuyết này được ghi bằng thơ trongViệt sử diễn âm (thế kỷ 16) và Thiên Nam ngữ lục (thế kỷ 17).
[5]Tiếng Hán-Việt có hai từ sài và lang đều chỉ chó sói hay chó rừng. Từ sài rất gần gũi với từ cầy trong tiếng Việt.
2141
2436
2977
219913
121356
114513040