Diễn đàn

Trao đổi với ông Tạ Đức về chữ "Lang"

Trong bài “Lại trả lời Bùi Xuân Đính” trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 24/6/2014 có phần bàn về chữ “Lang”. Tác giả dẫn ý kiến của  P. Maspero“từng nhận xét trong tên gọi nước Văn Lang, chữ Lang có nghĩa chó sói có thể có liên hệ với tên gọi Lang Nhân (Người - Chó sói) chỉ con cháu Bàn Hồ…”.

Tôi thấy hơi lạ khi ông Tạ Đức được học sử từ lớp 3 đến đại học, lại là nhà Dân tộc học, mà lại theo quan điểm của P. Maspero đã bị nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam phê phán, bác bỏ. Không hiểu ông sử học người Tây này nghĩ như thế nào. Nước Văn Lang là do cư dân Lạc Việt và Âu Việt lập ra từ gần 4000 năm trước đây (theo truyền thuyết), còn theo chứng cứ khảo cổ học thì có thể muộn hơn nhiều. Theo cuốn “Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc)” do Viện Dân tộc học biên soạn năm 1978, thì người Dao di cư sớm nhất vào Việt Nam từ thế kỷ XIII, sau thời điểm lập nước Văn Lang đến 20 thế kỷ, sao lại giải thích chữ “Lang” ở đây là “chó” gắn với người Dao được?

Nếu vận dụng cách giải thích của ông Đức theo quan điểm của P. Maspero “Lang” là “chó sói” để giải nghĩa các từ “lang quân”, “tân lang”, “tân giai lang” thì …sợ quá. Tôi không thể tin được. Vì thế, tôi đành phải tra từ điển xem ngoài nghĩa là “chó sói” như ông Đức viết, “Lang” còn có nghĩa gì?

Chưa cần tra “Từ Hải”, giở Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, tôi thấy cụ Đào liệt kê ra đến 27 chữ Lang, trong đó có 11 chữ đứng độc lập và 16 chữ ghép với các chữ khác.

Các chữ đứng độc lập có:

Lang (cũng đọc là “Lương”), nghĩa là giỏi (theo tôi còn có nghĩa là lương thiện). Chữ “Lương” này ghép với các bộ (đều đọc là “Lang”) sẽ có các chữ gắn với các nghĩa sau:

+ Lang(gắn với bộ “thảo đầu”) là loài cỏ sinh nơi đất thấp, cho trâu, ngựa ăn.

+ Lang (gắn với bộ “ngọc”) là một thứ ngọc thạch.

+ Lang (gắn với bộ “hòa”) là một loại cỏ làm hại lúa.

+ Lang (gắn với bộ “liễu leo”) là người con trai, đàn ông.

+ Lang (gắn với bộ “cẩu”) là con chó sói.

+ Lang (gắn với bộ “túc”) nghĩa là lang thang.

+ Lang (có bộ “trúc đầu”) là cây tre non.

Chữ Lương gắn với 2 bộ khác có các chữ và nghĩa như sau:

+ Lang : là cái chái nhà

+ Lang : (có bộ mộc) là cây cau.

+ Lang (có bộ “trùng”) là con châu chấu.

Chữ “Lang” ghép với 16 chữ khác có nhiều nghĩa rất phong phú, trong đó có chữ Lang (không ghép với bộ nào khác, đọc là “Lương”), ghép với chữ “Y” (lương y), nghĩa là người thầy thuốc giỏi. Các chữ khác tôi không dẫn lại vì dài dòng.

Như vậy, chữ “Lang” có nhiều âm khác nghĩa, khác cả cách viết, không thể chỉ có một nghĩa là “chó sói” như ông Tạ Đức viết. Chữ “Lang” ghép trong “Lang Liêu” có nghĩa là “chàng Liêu”; từ “quan lang” có nghĩa là “người làm quan”, còn có nghĩa một chức danh trong xã hội người Mường trước đây.

Nhiều làng xã ở Bắc Bộ thờ “Linh Lang đại vương”. “Linh Lang” cần hiểu là “Chàng Linh”, còn “đại vương” là duệ hiệu của thần. Cổng các đền thờ thần Linh Lang thường có ghi “Linh Lang từ”, trong  bản khai thần tích, thần sắc và sắc phong cho thần của các làng này, chữ “Lang” gồm chữ “Lương” và bộ “liễu leo”, không gắn với bộ “Cẩu”. Nếu giải thích “Lang” là chó, không biết thần có nổi giận không ông Đức nhỉ? Các cụ ở các làng này sẽ đánh giá trình độ của ông Tạ Đức ra sao?

Vậy tên nước Văn Lang của chúng ta? Nếu theo cách giải thích của ông Tạ Đức thì … khủng khiếp quá, không dám nói ra. Giở “Đại Việt sử ký toàn thư” (quyển 4, bản chữ Hán, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1998, trang 44, tờ a - b, đoạn chép về “Hùng Vương”), có chép “… Hùng Vương chi lập dã, kiến quốc hiệu Văn Lang…” (Hùng Vương lập nước, đặt quốc hiệu là Văn Lang). Chữ “Lang” gồm chữ “Lươmg” và bộ “liễu leo”, không đi kèm với bộ “Cẩu”. Hiện cũng có nhiều ý kiến giải thích về nghĩa “Văn Lang”. Có ý kiến cho rằng, không thể ghép các nghĩa đen của chữ “Văn” và chữ “Lang” để giải ý nghĩa của quốc hiệu này. Trong trường hợp này, có thế chữ “Lang” liên quan đến một âm cổ trong tiếng Việt.   

Ý kiến ngắn trao đổi với ông Tạ Đức và mời bạn đọc cùng trao đổi cho rõ vấn đề./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513036

Hôm nay

2137

Hôm qua

2436

Tuần này

2973

Tháng này

219909

Tháng qua

121356

Tất cả

114513036