Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, những người con xứ sở Hồng Lam quả cảm đã lật nhào ách thống trị của đế quốc, phong kiến ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thiết lập chính quyền Xô viết công nông. Kỳ tích vẻ vang đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Dù đế quốc Pháp và phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu nhưng truyền thống oanh liệt của XVNT đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ”
80 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa sâu sắc và những bài học của XVNT vẫn còn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Để ghi ơn các chiến sĩ XVNT đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tôn vinh giá trị di sản văn hóa XVNT, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng, ngày 15/1/1960, Đảng đoàn Bộ Văn hóa quyết định xây dựng Bảo tàng XVNT đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Bảo tàng XVNT được thành lập sớm, cùng thời gian với các bảo tàng quốc gia đầu ngành (như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Quân đội) nhằm lưu niệm những sự kiện lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, bảo tàng XVNT đã phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An kêu gọi nhân dân và học sinh sưu tầm hiện vật để xây dựng nhà trưng bày. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số lượng khá lớn hiện vật đã được huy động cho công tác trưng bày. Sau ba năm xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ngày 12/9/1963, Bảo tàng XVNT đã chính thức mở cửa đón khách tham quan, nghiên cứu, tưởng niệm.
Thật vinh dự, tự hào cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh, ngày 3/2/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã trân trọng ghi lời đề tựa cho Bảo tàng XVNT. Điều đó đã nói lên tầm vóc lịch sử vĩ đại của Xô viết Nghệ Tĩnh và vai trò trò quan trọng của bảo tàng XVNT trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của XVNT, góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tiếp đó, ngày 19/5/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm và trồng cây lưu niệm tại bảo tàng. Từ đó đến nay, Bảo tàng XVNT đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh bạn, nhân dân ta và bạn bè thế giới về tham quan, nghiên cứu.
Thời kỳ đầu, tuy số lượng tài liệu, hiện vật còn ít, nghệ thuật và kỹ thuật trưng bày còn hạn chế nhưng sự hiện diện của Bảo tàng XVNT đã đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước nói chung và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hoạt động chưa được bao lâu thì năm 1965, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, thành phố Vinh là trọng điểm đánh phá ác liệt của chúng, Bảo tàng XVNT phải tổ chức sơ tán về Kim Liên, Nam Đàn. Trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng các cán bộ bảo tàng đã cố gắng xây dựng được Nhà trưng bày với 3 phòng để phục vụ nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh giao phó. Nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, học sinh đã được nghe giới thiệu về XVNT, hun đúc thêm ý chí cách mạng trước lúc ra mặt trận vào chiến trường ác liệt miền Nam.
Hòa bình lập lại, năm 1980, Bảo tàng trở về thành phố Vinh sau 16 năm sơ tán. Từ đống hoang tan đổ nát của chiến tranh, bảo tàng đã bắt tay xây dựng lại. được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các cấp và nỗ lực bền bỉ của tập thể cán bộ, CNVC bảo tàng đã dần dần ổn định, đi vào hoạt động phục vụ nhân dân.
50 năm qua, Bảo tàng XVNT đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực hoạt động: Trưng bày tuyên truyền; sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nghiên cứu khoa học.
1. Hoạt động Trưng bày - tuyên truyền:
Qua 6 lần chỉnh lý, nâng cao nội dung trưng bày, đến nay bảo tàng đã có 9 phòng trưng bày với những bộ sưu tập hiện vật quý giá, được trưng bày kết hợp khéo léo với các mảng khối nghệ thuật cùng hệ thống ánh sáng, âm thanh sinh động, hấp dẫn.
Năm 2005, nhân kỷ niệm 75 năm XVNT, bảo tàng đã tổ chức khánh thành bổ sung thêm phòng chuyên đề nhà lao Vinh, nhà tưởng niệm khắc tên các liệt sĩ XVNT, Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Đó là nén hương tâm linh kính dâng các liệt sĩ XVNT, là tấm lòng biết ơn sâu sắc của hậu thế hôm nay đối với các bậc lão thành cách mạng đã có công với đất nước.
Qua 50 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng XVNT đã đón được hơn 8 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Phần lớn khách đến với bảo tàng là thanh niên, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử. Đặc biệt các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã đến thăm và cho nhiều ý kiến chỉ đạo bổ ích. Sự hiện diện của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phan văn Khải, Trương Mỹ Hoa, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Khoa Điềm…đã nói lên ý nghĩa to lớn của di sản văn hoá XVNT trong nền văn hóa chung của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động, bảo tàng XVNT đã tổ chức nhiều chuyến trưng bày lưu động đưa văn hóa xuống cơ sở. Từ vùng núi xa xôi hẻo lánh Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu…đến miền hải đảo như Đảo Ngư, Đảo Mắt…đều đã in dấu chân người cán bộ Bảo tàng XVNT.
Cùng với việc trưng bày lưu động, bảo tàng còn tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa giữa trường Cao đẳng sư phạm và Đại học Vinh, giữa trường chuyên Phan Bội Châu với các trường trung học khác. Nhiều buổi giao lưu văn hóa đã đạt tới tính giáo dục cao như giao lưu văn hóa giữa tuổi trẻ Nghệ An với nhân chứng lịch sử, giữa công an Nghệ An với sinh viên đại học Vinh. Giao lưu văn hóa đã trở thành sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ hướng về cội nguồn lịch sử quê hương.
Nhân kỷ niệm 70 năm XVNT, bảo tàng đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình, đêm giao thừa nối XVNT với khán giả trong cả nước thông qua vũ kịch “ Ngọn lửa XV”. Dịp kỷ niệm 75 năm XVNT bảo tàng cùng với Đài truyền hình Nghệ An, Đài truyền hình Hà Tĩnh tổ chức cầu truyền hình “Một dải Lam Hồng” cho xứng với tầm vóc của XVNT. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều hoạt động lớn sẽ diễn ra tại Bảo tàng.
Ngoài việc đón khách tại nhà trưng bày và đưa XVNT xuống cơ sở, cán bộ bảo tàng thường xuyên có bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo, tạp chí lịch sử, tập san văn hóa, xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử (Website của Bảo tàng)… Những hoạt động phong phú của công tác trưng bày tuyên truyền đã đem lại cho bảo tàng những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Đó là những hoạt động năng động, đổi mới của bảo tàng góp phần to lớn vào việc bảo tồn và phát huy tác dụng giá trị di sản văn hóa XVNT.
2. Công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật, tài liệu:
Đây là khâu quan trọng được quan tâm hàng đầu. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn, đến nay, kho bảo quản đã có gần 15.000 tài liệu hiện vật trong đó hơn 3.500 hiện vật gốc, 4.000 phim ảnh tư liệu có giá trị, gần 5.000 bộ hồ sơ cá nhân bị thực dân, phong kiến tù đày, khoảng 2.000 trang tư liệu tiếng Pháp được khai thác từ các trung tâm lưu trữ lớn như : lưu trữ quốc gia Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, hải ngoại Pháp…; các hồi ký của các lão thành cách mạng và một số lượng di sản văn hoá phi vật thể như thơ ca, hò vè trong thời kỳ XVNT, phim ảnh, nhạc phẩm về XVNT, băng ghi âm lời phát biểu các nhân chứng... Đó là những tài sản vô giá của XVNT, là nguồn bổ sung đáng kể cho lịch sử cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ những năm 90, kho bảo tàng đã được trang bị các phương tiện bảo quản khá hiện đại đáp ứng kịp yêu cầu bảo quản lâu dài tài liệu, hiện vật.
Từ năm 1995 trở đi, công tác kho đã được đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Hệ thống sổ sách đảm bảo tính khoa học, các hiện vật sưu tầm đều qua thẩm định của Hội đồng khoa học trước khi vào sổ, không có hiện vật nằm ngoài sổ sách. Những hiện vật điển hình được đưa vào danh mục trình Cục di sản công nhận là Bảo vật quốc gia để có hướng bảo quản tốt hơn.
3. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích:
Đây có thể xem là thành tựu lớn lao mà bảo tàng XVNT đạt được trong những năm qua. Các di tích XVNT không những là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử mà còn là thành quả lao động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật từ bao đời nay của cha ông ta.
Từ năm 1984 đến năm 2000, Bảo tàng XVNT đã nghiên cứu, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 47 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích quan trọng như : Thái Lão - Hưng Nguyên, đình Võ Liệt, nhà thờ Nguyễn Duy ở Thanh Chương, Hưng Nghiệp hội xã ở Anh Sơn, cầu Bùng (Diễn Châu), ngã ba Nghèn - nơi thành lập Tỉnh uỷ Hà Tĩnh…
Bảo tàng XVNT đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương làm tốt nghi thức đón bằng công nhận di tích LSVH. Ngày đón bằng di tích lịch sử văn hóa đã trở thành ngày hội cuả nhân dân địa phương, là dịp khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của người dân đối với quá khứ oanh liệt của quê hương, dòng họ.
Từ năm 1990-2000, các di tích xếp hạng quốc gia đã được cấp kinh phí chống xuống cấp. Những di tích quan trọng, bảo tàng cử cán bộ xuống tận nơi phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trưng bày truyền thống như di tích làng Đỏ Hưng Dũng, cơ sở hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ ở Hưng Châu, hiệu Yên Xuân trụ sở tiêu biểu của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội…
Năm 2002, việc quản lý các di tích cách mạng trên được chuyển về cho Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, nhưng Bảo tàng thường xuyên phối hợp với đơn vị bạn để phát huy tác dụng di tích.
4. Công tác nghiên cứu khoa học:
Thời gian qua, nghiên cứu khoa học cũng được Bảo tàng tiến hành thường xuyên. Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học đạt chất lượng cao về cuộc đời, sự nghiệp của các chiến sỹ cách mạng Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Phan Thái Ất, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc… Đặc biệt năm 2005, kỷ niệm 75 năm XVNT, bảo tàng XVNT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An biên tập và xuất bản cuốn sách Nhà lao Vinh. Các kỷ yếu hội thảo khoa học 60 năm XVNT; 65 năm XVNT, 70 năm XVNT đã tập hợp được trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đầu ngành, các cán bộ quản lý, công nhân viên chức bảo tàng qua các thời kỳ, làm rõ hơn những giá trị của di sản XVNT và khai thác giá trị đó phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Là một bảo tàng chuyên đề, Bảo tàng XVNT là nơi bảo quản và trưng bày đầy đủ nhất về cao trào XVNT. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm tài liệu hiện vật để bổ sung cho trưng bày những di sản văn hóa vật thể về XVNT, bảo tàng còn đồng thời nghiên cứu thu thập nguồn di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của khu vực Nghệ Tĩnh. Đó là dòng thơ ca XVNT được ra đời trong đấu tranh cách mạng. Các làn điệu dân ca đậm đà sâu sắc được chắt lọc qua bao thế hệ của đất Hồng Lam. Các nhạc phẩm, phim ảnh, băng ghi âm nói về XVNT . Tất cả vốn quý đó đã bổ sung hữu hiệu cho trưng bày bảo tàng, tạo nên sự kết hợp hài hoà nhuần nhuyễn giữa hai loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể trong nội dung hướng dẫn tham quan.
Có thể thấy rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa XVNT trong 50 năm qua của bảo tàng XVNT là hoạt động vô cùng phong phú và đa dạng diễn ra trên cả hai lĩnh vực : bảo tồn và bảo tàng.
Từ một khối lượng hiện vật khiêm tốn với diện tích trưng bày hạn hẹp, đến nay bảo tàng XVNT đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, một thiết chế văn hoá đặc biệt, một trường học lịch sử cách mạng quý giá. Những thành tựu đạt được thật có ý nghĩa với bảo tàng XVNT nói riêng và ngành bảo tồn, bảo tàng nói chung. Tuy nhiên để nơi đây ngày một hấp dẫn, bảo tàng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải đổi mới không ngừng trong mọi lĩnh vực hoạt động. Trước tiên phải nghiên cứu, rà lại những danh nhân cách mạng chưa có điều kiện hội thảo để tổ chức kỷ niệm, tọa đàm khoa học, thông qua đó có hướng sưu tầm đúng chủ đề bổ sung cho phong phú. Những nội dung còn yếu và thiếu như mảng giai cấp công nhân, những kỷ vật xuất dương của các vị tiền bối, giáo dân và các tôn giáo khác trong phong trào XVNT…là những chủ đề rất nhạy cảm và cần phải quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, đưa vào trưng bày, giới thiệu.
Để không ngừng làm giàu cho kho hiện vật, bảo tàng tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm ở trong và ngoài tỉnh, khai thác tư liệu ở các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước. Và để đảm bảo cho công tác phục vụ, khai thác có hiệu quả, sắp tới bảo tàng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, đặc biệt là duy trì và phát triển trang Thông tin điện tử Bảo tàng XVNT. Phải đổi mới nâng cấp trưng bày cho tương xứng với vị trí của XVNT và phù hợp với sự phát triển của đất nước, của khoa học bảo tàng, kỹ thuật, nghệ thuật trưng bày bảo tàng hiện nay của thế giới. Phải đổi mới công tác thuyết minh để tạo cho mỗi một tư liệu, hiện vật là một mẩu chuyện sinh động, hấp dẫn về những con người làm nên XVNT nhằm tránh bớt cảm giác khô khan cho người nghe.
Tăng cường đi cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, tổ chức nói chuyện truyền thống lịch sử, trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa tại các di tích XVNT, biến nơi đây thành trường học lịch sử ở địa phương.
Quảng bá rộng rãi về XVNT trên các phương tiện thông tin đại chúng và đẩy mạnh công tác đưa lịch sử XVNT vào chương trình giáo dục của trường học của Nghệ An và triển khai Chương trình này ở Hà Tĩnh.
Nhìn lại chặng đường phấn đấu không mệt mỏi của bảo tàng XVNT trong 50 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào về những kết quả đã giành được trên các lĩnh vực hoạt động. Từ những con số đến các công trình xây dựng khang trang là thành quả lao động nghiêm túc của nhiều thế hệ cán bộ nhân viên bảo tàng qua các thời kỳ. Giờ đây Bảo tàng XVNT đã trở thành trường học lịch sử cách mạng, điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách bốn phương. Đó thật sự là đóa hoa tươi thắm nhất, nén hương tâm linh thành kính dâng lên các chiến sĩ Xô viết đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập tự do của nước nhà.
Hôm nay và cả mai sau, Bảo tàng XVNT mãi là địa chỉ đỏ, là chốn linh thiêng của nhân dân mỗi dịp về thăm Nghệ An Xô viết anh hùng, quê hương Chủ tịch Hồ Chí MInh vĩ đại./.