Diễn đàn

Trao đổi với ông Tạ Đức về tục thờ chó

Tôi là một người Mường, năm nay 64 tuổi, quê ở xã Địch Giáo huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình, đang nghỉ hưu tại thành phố Hòa Bình. Những năm 1967- 1968, tôi đang học cấp 3 trường huyện, độ vài tháng, trong xóm tôi lại có một ông già dáng thấp nhỏ, mặt đen, khắc khổ, đạp xe đạp từ Hà Nội lên. Lúc đầu, tôi không biết ông làm nghề gì, nhưng mỗi lần lên quê tôi, ông ở nhà chú tôi ngay cạnh nhà tôi đến hàng tuần lễ (do hồi đó, chú tôi làm cán bộ hợp tác xã, nhà cửa rộng rãi, lại ít trẻ con). Hàng ngày ông đến gặp các ông bố bà mế cao niên hỏi chuyện rất tỉ mỉ về cuộc sống xưa kia của người Mường nhất là đám tang. Điều làm tôi lạ lùng là ông thường mượn những chiếc váy cũ của các bà mế đem về nhà chú tôi để ngắm nghía đo vẽ, có lúc chống tay lên trán suy nghĩ một điều gì đó mà tôi không thể hiểu nổi; còn các mế, các chị thì cứ thì thào này nọ. Sau này, tôi đi bộ đội, được ít năm về chuyển ngành, may mắn được đi học một trường trung cấp nghiệp vụ văn hóa, rồi công tác trong ngành và học lên đại học (tại chức). Một lần, vào khoảng đầu 1981 - 1982 gì đó, tôi không nhớ rõ, đi công tác Hà Nội, mấy anh em trong đoàn rủ tôi đến thăm “nhà dân tộc học Từ Chi”. Khi đó tôi mới nghe tên tuổi ông- một nhà dân tộc học nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về người Mường nhưng chưa biết mặt ông. Đến một ngôi nhà ở một phố gần ngã tư Khâm Thiên, trên gác ba, một ông già ra tiếp chúng tôi. Tôi nhận ra ngay đó là ông già đã đến quê tôi, ở nhà chú tôi để hỏi han về người Mường hơn 10 năm trước. Thì ra, đây là nhà dân tộc học Từ Chi. Tôi thật bất ngờ và thấy vinh dự cho chú tôi và quê tôi quá, đã từng được ông đến nghiên cứu. Về sau, vì kính trọng, bái phục ông đã bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu về dân tộc mình, lại muốn hiểu biết thêm những điều mà ông ngoại tôi đã nói về phong tục người Mường, tôi tìm đọc các cuốn sách của Từ Chi viết về người Mường chúng tôi. Thỉnh thoảng có dịp xuống Hà Nội, tôi đều cố gắng vào thăm ông. Tiếc rằng, khi ông mất tôi không được biết để xuống thắp cho ông nén hương.

Vừa rồi, có đứa cháu tôi học ở Hà Nội về chơi đưa cho tôi một số bài viết về cuộc trao đổi về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường”. Trong các bài này, tôi quan tâm đến bài của ông Tạ Đức “Lại trả lời ông Bùi Xuân Đính” trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 24/6/2014, vì bài viết này có nói về phong tục người Mường chúng tôi, rằng “ Một dòng họ quan lang Mường tại xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn và xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, Hòa Bình hiện vẫn kiêng ăn thịt chó vì theo truyền thuyết, bà cụ tổ của dòng họ này nhờ bú sữa chó nên mới tồn tại và gây dựng được sự nghiệp”.

Tôi muốn trao đổi, đồng thời hỏi ông Tạ Đức về những ý viết này của ông.

Đúng như ông Tạ Đức viết, xã Địch Giáo quê tôi có một dòng họ lang, song chỉ có mấy nhà thôi. Còn người trong xã đều là họ Bùi. Dòng họ lang trên không ăn thịt chó, sau này tôi mới hỏi ông Từ Chi thì được ông cho biết, tục kiêng đó gọi là “tô tem”, chỉ có ở một số dòng họ. Họ lang trên kiêng thịt chó, nhưng người họ Bùi quê tôi thì chẳng kiêng. Tôi nhớ khi lớn lên ở quê tôi mỗi lần nhà ai có việc lớn (lợp nhà, làm nhà, liên hoan) đều mổ chó vì hồi đó, mổ lợn rất khó, phải xin phép hợp tác xã, ủy ban xã, cũng không dễ dàng, lại phải nộp thuế sát sinh, còn gà thì biết bao nhiêu cho đủ. Trong khi đó, mổ chó chẳng phải xin phép ai, chó lại cho nhiều thịt, thịt ngon, thêm các loại gia giảm chế biến được nhiều món, ăn uống được nhiều. Tôi có hỏi ông ngoại tôi, trước Cách mạng được nhà lang cho làm một chức ậu trong bộ máy quản lý mường, rằng tại sao dòng họ nọ lại kiêng ăn thịt chó. Ông không trả lời, mà chỉ nói “họ thuộc giai cấp bóc lột”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về chế độ nhà lang, sự bóc lột tàn bạo của nhà lang với tầng lớp bình dân họ Bùi. Sau Cách mạng tháng 8- 1945, chế độ nhà lang đổ, gia đình nhà lang kia bị lép vế nhưng người dân thì vẫn oán giận. Không biết có phải vì thế không mà trong xóm tôi có một hai gia đình khi có công việc mà mổ chó, thường cho lũ trẻ đem chân chó đã hầm hoặc luộc rồi đến trước cổng nhà lang ăn để trêu tức!

Đọc bài viết của ông Tạ Đức cho rằng, người Mường quê tôi có tục thờ chó, tôi thấy không đúng. Thực tế ở quê tôi chỉ có dòng họ lang kiêng ăn thịt chó thôi, chứ không hẳn họ đã thờ, còn các dòng họ Bùi không thờ, càng không kiêng ăn thịt chó, mà kiêng ăn các con khác, tùy từng họ, có họ kiêng con dúi con dơi, có họ kiêng con bìm bịp con rùa. Sau này, trở thành cán bộ văn hóa, tôi hỏi các bố già trong xã người Mường thờ con gì, được các cụ bảo không thờ con gì cả, chỉ thờ cây thôi, mà cây được tôn thờ nhất là cây si, vì theo truyền thuyết, “chim ây cái ứa” đậu ở đấy trong một trận lụt lớn, rồi sinh ra người Mường, người Kinh. Từ thuở bé đến khi đi bộ đội, tôi từng tận mắt thấy ở quê tôi, khi gia đình nào có người chết, trước lễ nhập quan phải giết ngay một con chó và một con gà. Nhập quan xong, đặt con gà đã luộc và con chó đã thui cùng cơm rượu trước quan tài người chết, giữa con chó và con gà được nối bằng một sợi chỉ hoặc dây đen. Ông mo đọc bài mo nội dung gì gì tôi không hiểu, đến một lúc nào đó ông dùng dao cắt bỏ sợi dây rồi lại đọc mo tiếp, rất dài. Sau này, tôi được các bậc cao niên trong làng nói rằng đấy là lễ “tẩn đây” tức là lễ cắt mối liên hệ của người chết với trần gian (tượng trưng bằng con gà) để đi sang cõi âm (tượng trưng bằng con chó). Tục này đến nay ở quê tôi nhiều gia đình vẫn còn làm. Rồi tôi đọc các bài viết về người Mường, đám ma Mường của Từ Chi, tôi mới hiểu con chó trong đám tang là biểu hiện của thế giới mường ma. Như vậy, người Mường chúng tôi không thờ chó, vì chó không biểu hiện cho sự sống. Không biết những tài liệu ông Tạ Đức đưa ra được lấy từ đâu. Một số bạn bè người Kinh cùng đơn vị bộ đội với tôi kể rằng, trước đây, ở các cổng xóm cổng đình, cổng làng dưới xuôi đều có các đôi chó đá, đặt ra để canh cõi âm và dọa kẻ trộm vào ban đêm. Tôi hỏi đấy có phải là thờ không, họ bảo không, vì nếu là thờ thì phải thắp hương, có lễ vật chứ và phải khấn vái, làm lễ; nếu là thờ thì sao lại đem đi để nung vôi, đem ra đập lúa trong những năm hợp tác xã.

Tôi không hiểu hết về tục thờ chó mà ông Tạ Đức đã nêu trong bài, nhưng khẳng định, người Mường không thờ chó. Xin được nêu ra hiện tượng ở quê tôi, mong được ông Tạ Đức cho biết./.                                                        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512992

Hôm nay

293

Hôm qua

2436

Tuần này

2929

Tháng này

219865

Tháng qua

121356

Tất cả

114512992