Chúng ta đều biết ý tưởng khoa học nẩy mầm và đơm hoa kết trái từ những bằng chứng khách quan. Do đó cách tìm kiếm, xử lý và nhận chân các bằng chứng do nhà khoa học tự khám phá hoặc từ các nguồn tài liệu tham khảo có ý nghĩa quyết định. Cụ thể hơn, nhà khoa học phải để các bằng chứng cất lên tiếng nói của chính mình, từ đó hình thành nên ý tưởng hoặc giả thuyết khoa học; chứ không được đề ra giả thuyết rồi đi tìm bằng chứng phù hợp với giả thuyết đó. Nói cách khác, cần đóng giầy (giả thuyết khoa học) phù hợp với bàn chân (bằng chứng khách quan), chứ không phải gọt chân cho vừa giầy. Khác với khoa học tự nhiên, trong khoa học xã hội, giữa một rừng rậm các bằng chứng khó phân rõ đúng sai, không khó để tìm được một số bằng chứng phù hợp với một giả thuyết đã nêu nào đó. Chính vì vậy, cả Tạ Đức và những người phản biện đều có thể dẫn ra một số bằng chứng có vẻ xác đáng cho hai quan điểm đối nghịch nhau!
Chưa có đủ thời gian đọc hết cuốn sách của Tạ Đức (và có lẽ cũng không thể đọc hết do không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nhân chủng học), tôi xin có một nhận xét về thao tác trích dẫn tài liệu tham khảo của Tạ Đức qua hai trường hợp khá điển hình như sau:
Trường hợp 1: Về nơi thuần hóa lúa nước
Trong bài Lại trả lời Bùi Xuân Đính về cuốn sách của học giả Cung Đình Thanh, ngày 10-06-2014, để bác bỏ quan điểm những người thuộc nền văn hóa Hòa Bình (xin đừng hiểu đó chỉ có thể là người Việt Nam!) đã thuần hóa lúa nước và mang kỹ thuật tiên tiến đó tới Hoa Nam, Tạ Đức đã dẫn các bằng chứng khảo cổ học về lúa nước tại vùng hồ Động Đình (tất nhiên rồi!). Và ông bồi thêm cú đánh quyết định, khi viết “năm 2011, một nghiên cứu của các học giả tại bốn trường đại học Mỹ đã cung cấp bằng chứng di truyền (DNA) vững chắc nhất, xác định nơi duy nhất thuần hóa lúa dại là vùng Dương Tử (tức vùng hồ Động Đình)”.
Vẫn thường xuyên theo dõi tuần san Thông báo của Viện hàn lâm khoa học Mỹ, viết tắt theo tiếng Anh là PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America), tôi xin khẳng định rằng, thông tin ông Tạ Đức đưa ra vừa đúng vừa sai. Đúng vì trên PNAS năm 2011, nhà khoa học Molina và đồng sự đã đưa ra bằng chứng phân tử chứng tỏ lúa nước chỉ được thuần hóa một lần, chứ không phải hai lần như Londo và đồng sự đã chứng tỏ năm 2006, cũng trên PNAS. Ngoài ra nhóm Molina cũng chỉ ra được nguyên nhân lầm lẫn của nhóm Londo. Trong bài báo của mình, nhóm Molina không hề khẳng định lúa nước được thuần hóa tại lưu vực Dương Tử! Với một vài thao tác khá đơn giản, bạn đọc quan tâm có thể tìm được hai bài báo gốc của Londo và Molina, vì PNAS là một trong số ít các tạp chí khoa học cho phép truy cập tự do. Có thể thấy là tuy chưa đến mức “gọt chân cho vừa giầy” (như trường hợp 2 sau đây), nhưng Tạ Đức đã trích dẫn tài liệu tham khảo theo kiểu vơ vào để giành lợi thế trong tranh luận khoa học.
Cần lưu ý thêm rằng, thật đáng tiếc là đến 2013 mới xuất bản sách, nhưng Tạ Đức không biết khám phá mới của các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản trên tuần san Nature lừng danh của Anh về nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới. Nếu biết thì chắc ông sẽ thấy, giả thuyết của Cung Đình Thanh vượt thời gian gần 10 năm và dường như có lý! Theo đó thì lúa nước được thuần hóa đầu tiên tại lưu vực Tây Giang tại cực nam Hoa Nam khoảng 8.200 - 13.500 năm trước, trước khi lan tỏa tới Dương Tử khoảng 7.000 - 9.000 năm trước. Cần lưu ý sông Bằng tại Cao Bằng và sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn cũng là các chi lưu của Tây Giang.
Trường hợp 2: Nguồn gốc của phở
Tạ Đức cho rằng phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của người Quảng Đông, Trung Quốc (Nguồn gốc người Việt - người Mường, trang 409). Theo tôi đây là minh họa điển hình cho sự “gọt chân cho vừa giầy” của Tạ Đức.
Nguồn gốc của phở, món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam, vẫn gây nhiều tranh cãi, với ba giả thuyết chính. Đó là gốc Pháp (món thịt bò hầm Pot-au-feu, người Việt đọc trại là phở), gốc Trung Quốc (món Ngưu nhục phấn, người Quảng Đông rao bán là Ngầu - yụk - phẳn, người Việt đọc trại là phở), và gốc Việt (món xáo trâu). Nếu là nhà khoa học thực sự công tâm và nắm vững các thao tác khoa học, Tạ Đức cần dẫn ra cả ba giả thuyết và nói rõ cái sai của hai giả thuyết kia và khẳng định cái đúng của giả thuyết gốc Trung Quốc. Tuy nhiên với ông, vì người Việt có nguồn gốc thiên di từ Hoa Nam, nên hai giả thuyết gốc Pháp và gốc Việt không đáng để ông xem xét! (Cá nhân tôi thì tin rằng, phở có nguồn gốc từ món xáo trâu thuần Việt. Bạn đọc cũng có thể dễ dàng tìm hiểu ba giả thuyết nói trên qua các công cụ tìm kiếm trên mạng).
Không đủ thời gian và kiến thức chuyên sâu để theo dõi chi tiết toàn bộ thao tác trích dẫn của Tạ Đức, nhưng tôi e rằng sự “gọt chân cho vừa giầy” không chỉ giới hạn trong hai trường hợp nói trên. Và tôi cũng xin lưu ý bạn đọc rằng, kết quả của Đề án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ thời gian 2005 - 2010, khám phá của Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) năm 2009 về sự đa dạng di truyền người châu Á, và phát hiện năm 2012 về nơi thuần hóa lúa nước cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác quan niệm của Tạ Đức. Tuy nhiên đó không phải là nội dung của bài trao đổi nhỏ này.
TP Hồ Chí Minh ngày 07-07-2014