Diễn đàn

Bàn thêm với Tạ Đức về hai trích dẫn

Khi viết bài Một nhận xét về thao tác trích dẫn của Tạ Đức (Văn hóa Nghệ An online, 09-07-2014), tôi đã lường trước Tạ Đức sẽ trả lời như thế nào. Quả nhiên Tạ Đức trích nguyên văn câu kết phần tóm tắt bài báo của Molina và đồng sự năm 2011 trên tờ Thông báo của Viện hàn lâm khoa học Mỹ! Tuy nhiên tôi vẫn khẳng định rằng, nhóm Molina không kết luận lúa nước được thuần hóa tại lưu vực Dương Tử. Tại sao như vậy?

Có lẽ Tạ Đức chưa đọc toàn văn bài báo nói trên nên chưa nắm rõ đóng góp khoa học của nhóm Molina. Công trình của nhóm Molina bác bỏ giả thuyết của nhóm Longo (hai nhóm lúa thuần hóa chủ yếu japonica và indica được thuần hóa độc lập), khi dùng các kỹ thuật di truyền thích hợp để chứng tỏ rằng lúa nước chỉ được thuần hóa một lần khoảng 8.200 - 13.500 năm trước. Các kỹ thuật di truyền mà nhóm Molina sử dụng chỉ cho phép tính được thời điểm lúa bắt đầu được thuần hóa từ lúa dại, chứ không thể cho biết sự thuần hóa xảy ra ở đâu. Vì thế khi các nhà khoa học khác trích dẫn công trình của nhóm Molina, họ chỉ dẫn ra thời điểm 8.200 - 13.500 năm trước mà thôi. Cần hiểu câu kết trong công trình của nhóm Molina theo một cách duy nhất: Các tác giả xác định rằng sự thuần hóa lúa nước xảy ra khoảng 8.200-13.500 năm trước; và kết quả này phù hợp với các bằng chứng khảo cổ đã biết về sự thuần hóa lúa nước tại lưu vực Dương Tử. Nói cách khác, nhóm Molina dùng các bằng chứng khảo cổ hiện có để biện minh cho tính đúng đắn trong tính toán của mình, chứ họ không khẳng định lúa nước được thuần hóa tại lưu vực Dương Tử, do công trình mà họ thực hiện không cho họ cái thẩm quyền đó! Tôi nói Tạ Đức vừa đúng vừa sai là vì vậy. Tôi cũng đề nghị Tạ Đức vào Wikipedia (tiếng Anh) và truy cập từ Rice (lúa gạo), để xem vào thời điểm hiện tại, người ta viết về địa điểm và thời gian thuần hóa lúa nước như thế nào.

Về trường hợp nguồn gốc của phở thì tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, xin không nhắc lại ở đây. Tôi chỉ lưu ý bạn đọc rằng, cả ba giả thuyết (gốc Pháp, gốc Hoa, gốc Việt) đều có bằng chứng trong các từ điển hoặc các tài liệu xác thực khác nhau. Vậy ai muốn khẳng định một giả thuyết nào thì phải tiến hành hai việc đồng thời: 1) bác bỏ hai giả thuyết khác; và 2) khẳng định tính đúng đắn của giả thuyết được ủng hộ. Tôi không thấy các thao tác đó của Tạ Đức. Trong sách Nguồn gốc người Việt - người Mường, trang 409, tôi thấy hai hình minh họa và chỉ thấy đó là người Hoa bán món Ngưu nhục phấn. Tôi rất mong ông Tạ Đức thấu triệt tinh thần, muốn đưa ra một giả thuyết khác biệt các giả thuyết hiện hành, thì bằng chứng phải hết sức khác biệt, theo đúng tinh thần Carl Sagan (thiên văn gia của Đại học Cornell, người sáng lập chương trình SETI để tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái Đất bằng cách đo các tín hiệu điện từ từ vũ trụ): “Tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cứ khác thường”. Tôi không thấy sự khác thường như vậy trong các bằng chứng của ông Tạ Đức.

Dù sao tôi cũng cảm ơn cuốn Nguồn gốc người Việt - người Mường rất nhiều, vì nó chính là cú hích tinh thần để tôi tập trung thời gian, sức lực và nguồn tư liệu thu thập được từ lâu để hoàn thành bài viết Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử. Hiện bài viết đang chờ được đăng trên một tạp chí thích hợp. Có lẽ đến lúc đó tôi và ông Tạ Đức sẽ trao đổi tiếp về các vấn đề hai bên cùng quan tâm cho ra tấm ra món thì thích hợp hơn?

                                                                                                TP Hồ Chí Minh ngày 13-07-2014

           

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512996

Hôm nay

297

Hôm qua

2436

Tuần này

2933

Tháng này

219869

Tháng qua

121356

Tất cả

114512996