Diễn đàn

Lại trả lời Đỗ Kiên Cường

Trong bài viết ngày 13-7, Đỗ Kiên Cường (ĐKC) đề nghị tôi vào Wikipedia (tiếng Anh) và truy cập từ Rice để xem vào thời điểm hiện tại, người ta viết về địa điểm và thời gian thuần hóa lúa nước như thế nào.

Tôi đọc và thấy người ta viết:

Đã có nhiều cuộc tranh luận về các cội nguồn của cây lúa thuần hóa. Bằng chứng di truyền công bố ở Tư liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS) cho thấy tất cả các dạng lúa châu Á ra đời từ một lần thuần hóa duy nhất có cách đây 8200-13500 năm ở Trung Quốc. Một nghiên cứu năm 2012 công bố ở tạp chí Nature từ một bản đồ biến dị gien của cây lúa đã chỉ ra lúa được thuần hóa ở vùng lưu vực sông Châu dựa trên bằng chứng di truyền. Từ Đông Á, cây lúa lan tỏa tới Nam Á và Đông Nam Á. Trước đó, một quan điểm được chấp nhận rộng rãi, dựa trên bằng chứng khảo cổ, cho rằng cây lúa được thuần hóa lần đầu tiên ở vùng lưu vực sông Dương Tử.

Các nghiên cứu về hình thái của các hạt lúa hóa thạch từ di chỉ Daotonghuan ( Điếu Thông Hoàn, bắc Giang Tây) cho thấy rõ ràng sự chuyển hóa từ các loài lúa hoang dại thành lúa thuần hóa. Số lượng lớn các cây lúa hóa thạch ở tầng văn hóa có niên đại cách đây 11-12000 năm ở Điếu Thông Hoàn cho thấy các loài lúa hoang đã là một phần thức ăn của cư dân ở đây. Những thay đổi về hình thái lúa hóa thạch ở Điếu Thông Hoàn có niên đại cách đây 8-10000 năm cho thấy lúa ở thời gian đó đã được thuần hóa…

Năm 2013, các nhà khảo cổ học Hàn Quốc tuyên bố đã phát hiện được cây lúa thuần hóa lâu đời nhất trên thế giới. Niên đại 15000 năm của chúng thách thức quan điểm đã được chấp nhận rằng cây lúa đã được thuần hóa ở Trung Quốc khoảng 12000 năm trước. Giới khoa học hàn lâm đã rất hoài nghi và coi việc đưa ra công bố những phát hiện trên có động cơ từ một sự kết hợp lợi ích dân tộc và vùng miền… Năm 2011, một nghiên cứu phối kết hợp của 4 trường Đại học ở Mỹ đã cung cấp bằng chứng vững chắc nhất cho thấy chỉ có một nơi thuần hóa cây lúa duy nhất ở  vùng lưu vực Dương Tử.

 Có thấy thấy rõ tác giả bài viết trên, khi điểm các giả thuyết đã có về nơi thuần hóa cây lúa,  dù nêu giả thuyết năm 2012 về việc thuần hóa lúa ở vùng sông Châu và giả thuyết năm 2013 của các học giả Hàn Quốc, nhưng lại đưa ra các bằng chứng khảo cổ rất cụ thể và bằng chứng di truyền rất vững chắc khẳng định quan điểm được chấp nhận rộng rãi trước đó rằng nơi thuần hóa đầu tiên hay quê hương của cây lúa là vùng Dương Tử. Rõ ràng, tác giả chỉ nhắc đến giả thuyết năm 2012 như một giả thuyết mới, chứ không hề coi đó là một giả thuyết đúng và đã được công nhận thay cho giả thuyết có trước.

Một lần nữa, tôi dành quyền phán xét cho bạn đọc về cách đọc-hiểu và trích dẫn tư liệu của ĐKC. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh: trong việc xác định quê hương cây lúa, các bằng chứng  khảo cổ họcvà dân tộc học ở vùng Dương Tử là có tính hệ thống, liên tục, không thể bác bỏ và có ý nghĩa quyết định. Trong sách tôi ( Chương 2), tôi đã nêu các tư liệu  cho thấy cách đây khoảng 6000 năm, khi vùng sông Châu mới hình thành thì nghề trồng lúa đã phát triển ở vùng Dương Tử trước đó 2000 năm. Do thiên nhiên hào phóng, cư dân ở đây vẫn sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm.

Tiếp đó, ĐKC viết:

Về trường hợp nguồn gốc của phở thì tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình… Tôi chỉ lưu ý bạn đọc rằng, cả ba giả thuyết (gốc Pháp, gốc Hoa, gốc Việt) đều có bằng chứng trong các từ điển hoặc các tài liệu xác thực khác nhau. Vậy ai muốn khẳng định một giả thuyết nào thì phải tiến hành hai việc đồng thời: 1) bác bỏ hai giả thuyết khác; và 2) khẳng định tính đúng đắn của giả thuyết được ủng hộ. Tôi không thấy các thao tác đó của Tạ Đức. Trong sách Nguồn gốc người Việt - người Mường, trang 409, tôi thấy hai hình minh họa và chỉ thấy đó là người Hoa bán món Ngưu nhục phấn. Tôi rất mong ông Tạ Đức thấu triệt tinh thần, muốn đưa ra một giả thuyết khác biệt các giả thuyết hiện hành, thì bằng chứng phải hết sức khác biệt, theo đúng tinh thần Carl Sagan (thiên văn gia của Đại học Cornell, “Tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cứ khác thường”. Tôi không thấy sự khác thường như vậy trong các bằng chứng của ông Tạ Đức.

Ôi, ĐKC quả là người có một tư duy khoa học “khác thường”!. Tôi đã từng trả lời, rằng học giả Nguyễn Dư đã bác bỏ một cách thuyết phục giả thuyết gốc Pháp và là người chứng minh thuyết phục nhất giả thuyết gốc Hoa của phở. Tôi đã nêu rõ tên ông trong sách, dẫn rõ nguồn bài viết của ông và cũng nói rõ là tôi nhất trí với giả thuyết hay quan điểm đúng đắn đó. Tôi cũng đã hỏi ĐKC, là người theo quan điểm phở gốc Việt, nghĩ thế nào về hai bức tranh của Oger. Nhưng ĐKC lại lảng tránh và lại đòi hỏi tôi đưa ra một giả thuyết khác biệt ! Còn giả thuyết nào nữa đây, phở gốc châu Mỹ chăng?

Trong trường hợp này, cách dùng các khái niệm “giả thuyết khác biệt” và “chứng cớ khác thường”, tương tự cách hiểu câu thành ngữ” gọt chân cho vừa giày” của ĐKC đều không chuẩn xác. Nhưng thôi, tôi sẽ “chiều” ĐKC bằng cách đưa ra hai bằng chứng mới và khác nhưng hoàn toàn thông thường và dễ hiểu để ủng hộ cho giả thuyết đã có của Nguyễn Dư. Dù sao, vấn đề nguồn gốc là vấn đề tôi hằng quan tâm và có hứng thú.

1.    Bằng chứng dân tộc học: Họ Cố-Cù-Cồ

Một nguồn tư liệu cho biết : Phở gia truyền ở Nam Định chủ yếu có nguồn gốc từ Hoa kiều ở làng Giao Cù và từ họ Cồ ở làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, (huyện Nam Trực), sau đó được truyền ra các làng bên cạnh.[1] Và theo ông Nguyễn Đình Rao, Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO ẩm thực Việt Nam, 70-80% các quán phở trên cả nước là của dân Vân Cù…

 Tôi sẽ chứng minh thêm: từ Cù trong tên gọi hai làng Giao Cù, Vân Cù có gốc từ họ Cố (âm Hán-Việt), tương ứng với âm Cu/Gu ( âm Bắc Kinh).

Về mối liên hệ giữa họ của dân một làng/vùng với tên gọi làng/vùng ở Việt Nam, chúng ta có nhiều ví dụ: Nguyên Xá=làng Nguyễn=làng có cư dân chủ yếu là người họ Nguyễn; Đặng Xá, rồi Phùng Xá của người họ Phùng cùng với các tên gọi Bùng, Đan Phượng.v.v.

Họ Cố ()theo một nguồn tư liệu [2] là họ chiếm 0,025% dân số Trung Quốc. Người họ Cố ở nhiều nơi, nhưng tập trung từ thời cổ đại đến nay ở Giang Tô, Chiết Giang, vùng đất của hai nước Ngô-Việt xưa tức của người Bách Việt. Một trong 3 thuyết về nguồn gốc họ Cố cho rằng họ đó là hậu duệ của Việt vương Câu Tiễn. Hiện người họ Cố ở hai tỉnh trên chiếm 60% người họ Cố ở khắp Trung Quốc. Từ cuối thời Minh đến giữa thời Thanh, người họ Cố từ Mân Việt, tức Phúc Kiến thiên di đi các nước khác.

Như sách tôi nêu (Phụ lục 3B), thời cuối Minh-giữa Thanh là thời nhiều cư dân ở vùng Phúc Kiến-Quảng Đông tị nạn ra nước ngoài. Ở Việt Nam họ được gọi là người Minh hương. Tổ tiên của Phan Thanh Giản và Phan Xích Long, của Trịnh Hoài Đức và Trịnh Công Sơn thuộc số di dân này.

Trong số di dân đó, có một số người họ Cố đã đến vùng Nam Định, tập trung ở các làng có tên Giao Cù, Vân Cù ngày nay. Họ cùng với những người Minh hương khác đã mang theo nghề làm ngưu nhục phấn, tức phở. Người họ Cố ở hai làng trên đã trở thành người Việt mang họ Cồ. Họ Cố là một họ đặc trưng của Hoa kiều. Thủa nhỏ sống ở khu phố cổ Hà Nội, tôi có biết vài Hoa kiều họ Cố. Thông tin phở gia truyền Nam Định chủ yếu có nguồn gốc Hoa kiều là chính xác.

Rõ ràng, bằng chứng dân tộc học trên hoàn toàn phù hợp với bằng chứng “khảo cổ”-một bức tranh trong sưu tập của Oger (1908-1909) cho thấy rõ người bán hàng có tóc đuôi sam là di dân Quảng Đông-Phúc Kiến thời Thanh.

 

2.    Bằng chứng ngôn ngữ : phở-từ phiên âm khác lạ

Một bằng chứng mạnh mẽ cho giả thuyết phở gốc Hoa là sự chuyển hóa từ phấn trong tên gốc ngưu nhục phấn thành nhục phơ trong văn Tản Đà, từ đó thành phở.

Cần nhấn mạnh, từ phở trong tiếng Việt vốn là từ vô nghĩa, vì thế nó phải là một từ phiên âm và điều đó lại chứng tỏ phở có gốc ngoại lai. Ngày nay, khi phở xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, dù có dịch ra là “súp Việt Nam” thì tên phở ( với phiên âm pho) vẫn được giữ nguyên bằng cách này hay cách khác.

Mặt khác, trong tiếng Việt hiện nay, chúng ta thấy có một loạt từ phiên âm trong tên gọi các món ăn gốc Hoa như (mỳ) vằn thắn, dầu cháo quẩy, (kẹo) xìu, lục tầu xá, chí mà phù, lẩu…cũng như từ phở,   đều vô nghĩa hay khó hiểu đối với người Việt.

Tương tự các từba tê, xúc xích, ốp lếp …chỉ các món ăn gốc Pháp cũng vậy.

Việc dùng từ bản ngữ phiên âm từ chỉ vật ngoại lai là hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ trên thế giới. Các từ phiên âm chính là bằng chứng quan trọng để xác định nguồn gốc của các yếu tố văn hóa ngoại lai đó.

Có người cho rằng Hoa kiều ở Việt Nam  thấy người Việt bán món “xáo bò” đắt hàng, nên học tập và dịch ra tiếng Hoa là ngưu nhục phấn, rồi người Việt lại tiếp thu lại và gọi tắt thànhphở.

Xét phở trong tổng thể các món ăn gốc Hoa nêu trên, điều đó rất khó xảy ra. Hơn nữa, một khi người Việt đã có từ Việt là xáo trâu/xáo bò cho món ăn của mình, thì vì sao lại phải đi học từ của Hoa kiều? Theo tôi, đó là một lập luận khiên cưỡng và vô lý.

Các bằng chứng khác cho thấy phở là từ phiên âm còn nhiều. Tôi xin nêu thêm ở đây một đoạn trích từ bài viết của học giả Vương Trung Hiếu[3]:

… Món này đọc theo tiếng Quảng Đông là Ngầu- yụk -phẳn. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Trung Quốc đã bán món Ngưu nhục phấn tại Hà Nội. Ban đêm họ đi rao hàng “ngầu.. yụk..phẳn ..a” rồi dần dần hô tắt còn “yụk …phẳn…a” rồi “phẳn…a” và cuối cùng hô trại thành “phở”. Quan điểm này giống như ghi nhận trong quyển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931): phở “do chữ phấn mà ra”.

 Củng cố thêm là định nghĩa về phở trong quyển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français (Từ điển An Nam-Trung Hoa –Pháp) của Gustave Hue (1937), trong đó có đoạn: “Abréviation de “lục phở: phở xào: beignet farci et sauté” nghĩa là “viết tắt của từ “lục phở”: phở xào: thứ bánh có nhân và được chiên”. Nhiều người thắc mắc, không biết “lục phở” là cái gì. Theo chúng tôi đây là từ có thật. Tương truyền rằng ngày xưa, các cụ đồ làng Mịn (xã Văn môn, Yên phong, Bắc Ninh) có sáng tác một bài thơ nói về chợ Đồng Xuân, để các cô đi chợ ngâm nga giải trí trên đường đi, trong đó có câu liên quan tới “lục phở”, xin trích đoạn sau:

Cổng chợ có chị bán hoa/Có chú đổi bạc đi ra đi vào/Có hàng lục phở bán rao/Kẹo cao, kẹo đoạn, miến sào, bún bung.

Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais của Eugèn Gouin (Saigon, 1957) có một đoạn viết về từ “lục phở”: “abréviation de "lục phở": bouilli - cháo - pot au feu”…, “Lục phở: prononciation cantonaise des caractères chinois: (ngưu) nhục phấn" bouilli de boeuf. Vậy, “phở” là từ rút ngắn của " lục phở", còn "lục phở" là từ phát âm của "(ngưu) nhục phấn" trong tiếng Trung Hoa.

Đến năm 1970, Nhà sách Khai Trí ( Sài-gòn) xuất bản quyển Việt Nam Tự-điển, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì quan điểm này càng thêm phần vững chắc hơn, trong đó định nghĩa “phở” như sau: “Món ăn bằng bột gạo tráng mỏng hấp chín xắt thành sợi nấu với thịt bò (do tiếng Tàu “Ngầu-dục-phảnh” tức “Ngưu-nhục-phấn” mà ra: Ăn phở, bán phở”, trang 1169, tập 2).

Tuy nhiên, dù thừa nhận giả thuyết phở gốc Hoa là giả thuyết được nhiều người đồng ý nhất và nêu ra các bằng chứng trên, Vương Trung Hiếu lại quay về ủng hộ giả thuyết phở gốc Việt. Nêu ra các dạng chữ Nôm chỉ phở, ông đặt câu hỏi “Nếu thật sự phở là từ đọc trại từ chữ phấn 粉, tại sao người Việt xưa không mượn nguyên xi chữ này để tạo ra chữ Nôm đọc là phở ? Vì điều này tiện hơn là mượn một chữ khác?  Nói rộng hơn, chữ Nôm bò trong phở bò cũng chẳng có liên quan gì tới chữ ngưu 牛trong tiếng Hán”.

Có vẻ, Vương Trung Hiếu quên mất người Việt dùng chữ Nôm để ghi các từ Việt đã có và cùng một từ Việt có thể có nhiều cách ghi bằng chữ Nôm khác nhau. Nhưng với câu hỏi trên, tôi nghĩ để các nhà Hán-Nôm trả lời ông thì tốt hơn.

Giờ tôi sẽ đợi bài viết của ĐKC về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử (cho dù tôi không hứng thú lắm với các nghiên cứu di truyền đầy những biểu đồ và ký hiệu khô khan, rắc rối). Tôi chỉ biết nhân chủng học phân tử nghiên cứu quan hệ di truyền giữa người với khỉ, về nguồn gốc loài người nói chung  chứ chưa thấy bộ môn đó nghiên cứu nguồn gốc của một tộc người cụ thể nào. Không rõ cùng dùng dữ liệu di truyền và cùng đề tài, nhưng liệu quan niệm về nguồn gốc người Việt của ĐKC có giống quan niệm của Hà Văn Thùy không (người Việt đã xuất hiện cách đây hơn 50000 năm!)?  Nhưng với những gì tôi biết, ĐKC là người hay có những tuyên bố “dị ” ( ví dụ mọi nhà tiên tri, ngoại cảm đều là kẻ lừa đảo!), vì thế rất có thể ông sẽ có một “giả thuyết khác biệt” với những ”chứng cớ khác thường” về nguồn gốc người Việt.  Chúng ta hãy cùng chờ xem.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512993

Hôm nay

294

Hôm qua

2436

Tuần này

2930

Tháng này

219866

Tháng qua

121356

Tất cả

114512993