Hãy lấy một minh họa đơn giản như sau. Một em bé (trong vai trò lúa nước thuần hóa) học mẫu giáo tại tỉnh A (lưu vực Dương Tử), với đầy đủ bằng chứng như học bạ, đồ chơi, quần áo… còn lưu giữ được (trong vai trò các bằng chứng khảo cổ). Trong khi đó xét nghiệm ADN lại cho thấy em sinh ra tại một gia đình thuộc tỉnh B (lưu vực Tây Giang). Vậy em bé sinh ra tại đâu?
Câu trả lời là cần phải xem em bé sinh ra tại tỉnh B (lưu vực Tây Giang), cho đến khi kết quả phân tích ADN bị bác bỏ. Hiện kết quả trên Nature ngày 25-10-2012 chưa bị bác bỏ.
2.Về nguồn gốc của phở:
Câu trả lời của tôi đơn giản là trong sách Nguồn gốc người Việt - người Mường, tôi không thấy những thao tác cần thiết để khẳng định phở có nguồn gốc Quảng Đông.
3.Về các dòng thiên di theo bằng chứng nhân chủng học phân tử:
Khoa học dựa trên bằng chứng khách quan. Khi có bằng chứng mới thì các giả thuyết cũ cần được xem xét lại. Các bằng chứng phân tử và di truyền học tại phía đông lục địa Á - Âu cho thấy các dòng gien đi từ Nam lên Bắc cuối kỷ băng hà cực đại (khoảng 10.000 - 15.000 năm trước), chứ không phải ngược lại (khám phá của các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, tham gia Dự án bản đồ gien của Hội Địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010 và Tổ chức bộ gien người HUGO năm 2009). Các bằng chứng phân tử cũng cho thấy người Việt có sự đa dạng di truyền lớn hơn người Hoa tại Trường Sa (Hoa Nam) và Tây An (Hoa Bắc) (khám phá của Viện nhân chủng học tiến hóa Max Plank, CHLB Đức, 2002), cũng như người Hoa tại Đài Loan và người Hoa thuộc tộc ít người tại Phúc Kiến và Quảng Đông (khám phá của Đại học Emory, Mỹ, 1992). Điều đó chứng tỏ, nếu không phải là nguồn gốc của người Hoa, thì người Việt cũng không thể là hậu duệ của những người thiên di phương Bắc.
Tất cả các bằng chứng đó, cùng các bằng chứng phân tử về đại chủng Á (Mongoloid), về nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên và một số bằng chứng khác đã được tôi trình bày trong bài viết Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử sắp có hân hạnh ra mắt bạn đọc. Tôi hy vọng đến lúc đó sẽ được trao đổi với tất cả những ai quan tâm tới bài toán nguồn gốc người Việt, trong đó có Tạ Đức, trên tinh thần trọng thị, khách quan và không định kiến.
TP Hồ Chí Minh ngày 16-07-2014