Người xứ Nghệ
Nguyễn Sỹ Sách với quê hương Thanh Chương
Chân dung nhà cách mạng Nguyễn Sỹ Sách
Nguyễn Sỹ Sách (1905 - 1929), quê làng Tú Viên, nay thuộc xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương - vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Thân phụ là Nguyễn Sỹ Giản, làm quan Hàn lâm viện triều Nguyễn. Ông nổi tiếng là thầy giáo tài năng, đức độ. Thân mẫu là Thái Thị Cần ở tổng Đặng Sơn, nay thuộc huyện Đô Lương, là vùng đất văn vật. Họ nội ngoại Nguyễn Sỹ Sách đều dòng dõi nhà Nho yêu nước, bất hợp tác với giặc. Bà Cần là con nhà gia giáo và chu tất mọi nghĩa vụ. Tài năng và đức giáo dưỡng của phụ mẫu bồi đắp cho anh những đức tính tốt đẹp từ song thân.
Tháng 6/1905, Phan Bội Châu vừa từ Nhật về đã đến nhà Giáo Giản. Cụ Phan bế anh nói rằng: “Nhìn tướng cháu, sau này lớn lên sẽ làm nên nghiệp lớn đây”. Cụ Phan cùng Giáo Giản đặt hiệu Nguyễn Sỹ Sách là Kiếm Phong (金 峰). Anh tư chất thông minh và ham học. Tuy gia cảnh nghèo nhưng cụ Giản quyết thắt lưng buộc bụng để nuôi con học hành với quan niệm “giấy rách phải giữ lấy lề”. Bởi vậy, anh được phụ mẫu dạy lễ nghĩa, rèn nhân cách và dạy chữ Hán thơ ấu. Học chữ Hán rất khó nhưng cụ Giản dạy dễ hiểu để sớm hình thành cho anh đức tính kiên trì, chịu khó, lớn lên làm người hữu ích.
Giáo Giản sớm chú trọng dạy anh cốt cách làm người. Cụ thường lấy câu “Tiên học lễ, hậu học văn” để nhắc nhở con. Khi chưa hiểu, anh hỏi thân phụ: “thưa cha! lễ quan trọng thế nào mà phải học trước học văn ạ?”. Giáo Giản ân cần giải thích: “Học văn để lĩnh hội kiến thức, nhưng để kiềm chế được dục vọng tầm thường của bản thân thì phải học lễ. Ai muốn nên thân người, thì phải lấy lễ để rèn luyện bản thân, kiềm chế được dục vọng tầm thường mà vươn lên trong cuộc sống. Nếu ai đó có được chút nhân đức là do họ có lễ nghĩa vậy”. Được cha giải thích dễ hiểu, Anh dần ý thức được vai trò phải học lễ trước, tức là học cách làm người.
Năm 1911, gia đình gửi anh đến các thầy trong làng để học thêm chữ Nho, tính toán và chữ Quốc Ngữ. Anh lễ phép, khiêm tốn, chăm học nên được hương sư, bạn bè quý mến. Ngày 05/6, Nguyễn Tất Thành sang phương Tây tìm đường cứu nước, sau này Nguyễn Sỹ Sách trở thành học trò xuất sắc của Người. Năm 1916, anh đỗ đầu bậc Ấu học. Thấy anh có nhiều tố chất, lại ham học nên gia cảnh nghèo nhưng vợ chồng Giáo Giản vẫn gửi con đến trường huyện để học Tiểu học.
Ở trường huyện, anh học lớp dự bị và sơ đẳng với các môn chữ Hán, số học, địa lý, lịch sử đơn giản, chữ Quốc ngữ. Anh kết thân với Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai. Tuy ba người ở ba xã, nhưng họ đều cùng quê Thanh Chương, thuộc dòng dõi nhà Nho yêu nước, bất hợp tác với giặc. Vì vậy, tình bạn của họ ngày càng thân thiết.
Sau 2 năm học, anh đỗ thứ hai toàn huyện bậc Sơ đẳng Tiểu học rồi tiếp tục xuống Vinh học Trường Tiểu học Pháp - Việt rồi Trường Quốc học Vinh. Năm 1924, anh tốt nghiệp khóa đầu trường Quốc học Vinh nhưng khước từ mọi ưu ái của chính quyền. Thực dân Pháp cấp học bổng đi du học nước ngoài nhưng Anh từ chối.
Chính quyền ban sắc Hàn lâm, anh đưa về Thanh Chương đốt đi rồi nói chả để làm gì, chật hòm vô ích. Triều đình tỏ ý mời vào Huế làm quan, nhưng anh cự tuyệt. Anh tỏ chí không làm quan bằng cách khắc lên cổng nhà dòng chữ Pháp: “Les manains ne peuvent pas y entrer” (các quan lại không thể vào đây). Cụ Giản không phản ứng gì trước hành động đó ngầm tỏ ý đồng tình với chí hướng của con trai.
Dấu tích Nguyễn Sỹ Sách viết còn lưu tại cổng nhà
Vì nhà nghèo, đông con, anh là con trai đầu nên xin đi dạy, mong đỡ phần khó khăn của gia đình, vừa để hoạt động cách mạng. Hè năm 1924, anh làm Trợ giáo Trường Tiểu học Pháp - Việt thị xã Hã Tĩnh. Năm sau, anh về Thanh Chương kết hôn với Nguyễn Thị Hồng ở làng Liễu Nha. Sau 2 năm dạy ở Trường Tiều học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh và Trường Tiểu học Pháp - Việt Phú Vang ở Huế (1924 - 1926), anh từ bỏ nghề giáo để thuận lợi hoạt động cách mạng.
Về Thanh Chương, anh lập Hội khuyến học để đào tạo lực lượng cách mạng. Nơi dạy học ở nhà thờ họ Nguyễn Sỹ. Học sinh ở tổng Xuân Lâm đến xin học ngày càng đông. Với học trò xa, nhà nghèo được anh nuôi ăn học tại nhà. Các buổi dạy, Anh lấy những mẩu chuyện về tấm gương tiền nhân để giáo dục lòng yêu nước cho học trò. Qua đó, truyền cảm hứng làm cách mạng cho thế hệ trẻ Thanh Chương.
Trong những năm 1927 - 1929, anh nhiều lần sang Trung Quốc hoạt động để chuẩn bị thành lập Đảng. Về nước, anh đi các tỉnh Trung kỳ xây dựng và phát triển cơ sở Hội Thanh niên. Tháng 07/1929, dự xong Đại hội Toàn quốc Hội Thanh niên ở Trung Quốc, anh về Thanh Chương triệu tập ngay Hội nghị tại xã Thanh Lương. Được Nguyễn Sỹ Sách - Bí thư Kỳ bộ Trung kỳ chủ trì, các đồng chí tham dự nhất trí thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng làng Tú viên (25/7/1929).
Ngày 28/07/1929, thực dân Pháp đến làng Tú Viên vây bắt anh. Anh nói với chúng mấy câu tiếng Pháp, rồi nói cụ Giản: “Thưa cha, đối với gia đình con chưa làm được gì để cha mẹ yên lòng… xin cha mẹ ở nhà cứ yên tâm, con chẳng làm gì mà có tội” (anh khẳng định làm cách mạng không bao giờ có tội). Khi giám binh giải anh đi thì dân làng kéo ra đường ngăn cản chúng. Tháng 10/1929, chúng giải anh vào nhà đày Lao Bảo. Trong quá trình vận động đấu tranh chống chế độ thực dân ở tù, Nguyễn Sỹ Sách anh dũng hy sinh (19/12/1929).
Thông tri Nguyễn Ái Quốc yêu cầu làm lễ truy điệu Nguyễn Sỹ Sách
Như vậy, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng Nguyễn Sỹ Sách gắn bó mật thiết với quê hương Thanh Chương. Anh luôn dành tình cảm sâu nặng đối với Nhân dân quê mình. Anh làm cách mạng với khát vọng cứu nước cũng chứa đựng hoài bão cứu nhân dân quê hương thoát vòng nô lệ.
Thanh Chương là nơi lưu dấu tuổi thơ anh bên gia đình, họ hàng. Là nơi gắn bó thời gian anh cắp sách đến trường. Đây là nơi anh hoạt động cách mạng sôi nổi: dạy học; đào tạo học trò dám làm cách mạng; họp bàn với các đồng chí; soạn tài liệu; xây dựng cơ sở Hội Thanh niên… mà đỉnh cao là thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Chương tại làng Tú Viên (7/1929). Thanh Chương còn là nơi cưu mang lúc anh khó khăn, hiểm nguy, nơi lánh nạn truy lùng của thực dân Pháp, phong kiến.
Đáp lại hoài bão và tình cảm đó, Nhân dân Thanh Chương luôn tin tưởng, ủng hộ chí hướng hoạt động cách mạng của anh. Nhất là sau khi anh hi sinh, Nhân dân Thanh Chương nói chung, làng Tú Viên nói riêng vùng dậy mạnh mẽ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Khí thế đấu tranh của người dân quê anh còn vang đến nay mai với câu ca: “Voi Ngàn Hống, trống Tú Viên”. /.
tin tức liên quan
Videos
Thế Vận hội Tokyo 2020: Liều thuốc khuây khỏa giữa đại dịch
Mười thư viện lớn nhất thế giới
Nguyễn Duy Trinh - Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, một nhà ngoại giao xuất sắc
EVFTA và cơ hội thay đổi cơ cấu hợp tác kinh tế quốc tế
Cuộc sống bình thường mới và những bất bình thường cũ hiện nay
Thống kê truy cập
114497363
260
2365
22144
214756
120308
114497363