Xứ Nghệ ngày nay

Tiếp sức cho các điểm du lịch mới

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, một số địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, tăng nguồn thu cho Nhân dân. Điều này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vì vậy các địa phương cần được quan tâm và “tiếp sức”.

Vườn hoa và “Cổng chào hạnh phúc” ở xã Tam Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên

Nhiều điểm du lịch mới được hình thành

Thời gian gần đây, bên cạnh những điểm du lịch lớn, đã trở thành thương hiệu của tỉnh như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), phố biển Cửa Lò, Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông)…, nhiều điểm du lịch mới trên địa bàn Nghệ An đã và đang được các địa phương xây dựng. Có thể xem đây là tín hiệu đáng mừng, vì lãnh đạo và người dân địa phương đã ý thức được vai trò của ngành du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về xã Tam Sơn (Anh Sơn), khi đến điểm giáp ranh với xã Đỉnh Sơn, hành khách sẽ ngỡ ngàng khi thấy một vườn hoa đa sắc màu, tỏa hương thơm ngát bên tuyến đường liên xã. Ở đây có nhiều loài hoa cùng nhau khoe sắc, có điểm check-in nơi góc vườn hoa được dựng tấm biển in dòng chữ “Tam Sơn mời bạn về thăm”. Hiện tại, Tam Sơn đang triển khai kế hoạch phát triển du lịch, ngoài vườn hoa và điểm check-in còn có các hạng mục khác. Trong đó, phải kể đến cánh đồng hoa mẫu đơn với hàng chục nghìn cây vừa mới được trồng để tạo cảnh quan, thu hút du khách.

Gần cánh đồng hoa mẫu đơn là khu du lịch sinh thái Bãi đá Tam Sơn có phong cảnh hoang sơ với bãi đá chạy dọc bờ sông cùng rừng cây trải dài như bất tận. Khu rừng này được giữ lại từ rất xưa nhằm bảo vệ đất sản xuất, tránh nguy cơ xói mòn, sạt lở. Giờ đây, rừng phòng hộ còn có giá trị sinh thái, chính là tiềm năng giúp địa phương khai thác, phát triển du lịch. Đặc biệt, trong khu Bãi đá có hàng trăm cây gạo cổ thụ, hàng năm vào dịp tháng 3 hoa gạo đỏ rực cả một góc trời. Trong kế hoạch phát triển du lịch, xã Tam Sơn dự định tổ chức Lễ hội Hoa gạo vào tháng 3 với các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao đặc sắc để thu hút du khách đến từ mọi miền…

Cũng ở huyện Anh Sơn, xã Thành Sơn đang tập trung triển khai kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng ở bản Bộng. Xã đã đầu tư kinh phí phục dựng miếu cổ và các nghi lễ truyền thống của đồng bào Thái, thành lập CLB Dân ca - dân vũ, tổ chức truyền dạy cách chế biến các món đặc sản, phát huy nghề dệt thổ cẩm và lựa chọn các điểm homestay. Ông Đào Anh Tân - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bản Bộng là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, đến nay vẫn còn lưu giữ được những nét bản sắc, là điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, đã có một số đoàn khách về trải nghiệm đời sống văn hóa ở bản Bộng, hầu hết đều đánh giá cao điểm du lịch này”.

Cùng với Tam Sơn và Thành Sơn, nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển du lịch. Nổi bật là xã Yên Hòa (Tương Dương) đã thu hút du khách bằng mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng với điểm nhấn là cánh đồng bản Coọc và rừng săng lẻ bản Yên Tân. Xã Yên Thắng (Tương Dương) xây dựng điểm du lịch Hội Nguyên dựa trên tiềm năng lòng hồ thủy điện Khe Bố với dịch vụ du thuyền, ngắm cảnh, check-in và thưởng thức đặc sản. Có thể kể thêm xã Bình Chuẩn (Con Cuông) với cánh đồng Nà Cọ và hang Thẳm Tông; xã Thanh Sơn (Thanh Chương) với điểm du lịch Thác Liếp…

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

 

Điểm du lịch rừng săng lẻ, xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên

Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển du lịch, một số địa phương đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Điển hình là xã Yên Hòa (Tương Dương) được Liên hiệp Các hội KHKT tỉnh hỗ trợ kinh phí, tư vấn xây dựng các hạng mục để khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên và thu hút du khách. Nhờ đó, Yên Hòa đã khai thác hợp lý cánh đồng bản Coọc với khoảng 50 cọn nước dọc suối Chà Hạ, tạo nên cảnh quan nên thơ. Khu rừng săng lẻ ở bản Yên Tân cũng được khai thác để du khách tham quan, giao lưu văn hóa và ẩm thực, giúp có thêm trải nghiệm về cuộc sống bản làng.

Xã Thành Sơn (Anh Sơn) cũng nhận được sự hỗ trợ của Liên hiệp Các hội KHKT tỉnh trong việc mở hướng đi cụ thể và hướng dẫn thực hiện cách làm từng bước. Nhờ đó, dù đi sau nhưng điểm du lịch cộng đồng bản Bộng vẫn có được những nét đặc sắc để “hút” khách. Đặc biệt là việc khôi phục lễ hội cầu mùa tại miếu bản Bung được xem là “đặc sản” của bản Bộng, mang đến cho du khách một sự trải nghiệm về phong tục cổ truyền của đồng bào Thái.

Với những xã đang “dò từng bước” như Tam Sơn (Anh Sơn), Yên Thắng (Tương Dương), Bình Chuẩn (Con Cuông)… hiện nay đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ mọi mặt của các cấp chính quyền và ngành du lịch. Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn chia sẻ: “Xã đang triển khai kế hoạch phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của mình. Cùng với nỗ lực trong xây dựng và quảng bá thương hiệu, chúng tôi rất mong được các cấp và ngành Du lịch quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ trong quá trình triển khai kế hoạch”.

Có thể nói việc hỗ trợ, tiếp sức cho các điểm du lịch mới đang trong quá trình xây dựng, hình thành là việc làm thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã đề ra mục tiêu tổng quát: Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa - văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú để tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu của tỉnh. Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến du lịch của châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng để nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp GRDP của tỉnh từ 9 - 10%.

Để hướng tới mục tiêu này, tỉnh đã đề ra định hướng phát triển, các nhóm giải pháp cũng như xây dựng lộ trình phát triển. Trong đó có nội dung nghiên cứu các giải pháp toàn diện trong thực hiện đầu tư và hiệu quả đặc biệt đến từ đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với việc làm tại chỗ. Tiến hành thiết kế khung chính sách, khung sáng kiến, các nguyên lý chỉ đạo, các nhóm công cụ quản trị, giải pháp phát triển du lịch theo phân cấp và khả thi theo giai đoạn. Nghĩa là có chính sách hỗ trợ cho các địa phương xây dựng khu, điểm du lịch theo từng giai đoạn để phát triển có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Sở Du lịch thường tổ chức khảo sát các điểm du lịch mới trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ trong việc định hướng xây dựng, tư vấn xây dựng các hạng mục và kết nối với các nhà đầu tư, các công ty lữ hành tăng cường mối liên kết giữa các địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho các điểm du lịch mới sớm tiếp cận thị trường và thu hút khách, tăng cường khả năng cạnh tranh”./.

                                                                            

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445286

Hôm nay

223

Hôm qua

2296

Tuần này

2895

Tháng này

211545

Tháng qua

120141

Tất cả

114445286