Đất và người xứ Nghệ
Từ phong trào Đông Du đến Xô viết Nghệ Tĩnh
Một số lưu học sinh của phong trào Đông Du (1905-1908). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Những năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đông Du trên toàn quốc nhằm đưa thanh niên ra nước ngoài học tập và đào tạo cán bộ cho công cuộc vũ trang bạo động đánh đuổi thực dân Pháp. Phong trào Đông Du đã được Nhân dân khắp nước nhiệt liệt hưởng ứng, kể cả nhà Nho, đồng bào Thiên Chúa giáo. Nhiều gia đình đã cổ vũ con cháu du học ngày một đông. Những người không có điều kiện thì góp tiền góp của cho con em xuất dương du học.
Phan Bội Châu (bên phải) và Kỳ ngoại Hầu Cường Để, hai nhân chính của phong trào Đông Du tại Nhật Bản năm 1907. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nghiên cứu phong trào Đông Du, cho thấy “Từ năm 1905 đến năm 1909, Nghệ Tĩnh có khoảng 60 người xuất dương trong phong trào Đông Du. Từ năm 1909 đến năm 1925 có khoảng 100 thanh niên Nghệ Tĩnh cũng xuất dương (đợt 2 và đợt 3) tìm đường cứu nước” (1). Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số nhân vật xuất dương sang Nhật Bản như sau:
- Ông Đinh Văn Trình (Bếp Mười), Bùi Chính Lộ (hay Bùi Danh Tuy), Bùi Xuân Xoan, Bùi Danh Võ (hay Bùi Trọng Thành) người xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Hai ông Đinh Văn Trình và Bùi Chính Lộ xuất dương năm 1905; còn ông Bùi Xuân Xoan và Bùi Danh Võ xuất dương năm 1908.
- Ông Hồ Học Lãm, Hồ Sỹ Hạnh, Lưu Yến Đan (Lý Trọng Hoàn) người huyện Quỳnh Lưu. Hai ông Hồ Học Lãm, Hồ Sỹ Hạnh xuất dương sang Nhật Bản năm 1905; còn ông Lưu Yến Đan xuất dương sang Nhật năm 1908.
- Ông Nguyễn Thức Canh (tức Trần Trọng Khắc), Nguyễn Thức Đường (tức Trần Hữu Lực) người xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc xuất dương sang Nhật Bản năm 1905 và 1908. Đây là hai anh em ruột, con cụ Nguyễn Thức Tự, thầy dạy học của Phan Bội Châu. Huyện Nghi Lộc còn có ông Lê Cầu Tinh, Lê Khánh, Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu) cũng đều xuất dương sang Nhật Bản vào năm 1908, trong đó ông Lê Khánh là người theo Thiên Chúa giáo.
- Ông Trần Đông Phong người xã Thanh Tài, Phan Thuật người xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương xuất dương sang Nhật Bản năm 1907, 1908.
- Tỉnh Hà Tĩnh có Phạm Đương Nhân, Phan Văn Đoan, người xã Đức Phong, Đức Thọ, xuất dương sang Nhật Bản 1906, 1908. Ngoài ra, còn có ông Nguyễn Quỳnh Lâm người huyện Can Lộc, Đinh Đoàn Tế người huyện Hương Sơn, xuất dương sang Nhật Bản năm 1906 và 1908. Cụ Mai Lão Bạng, người theo đạo Thiên Chúa quê ở huyện Hưng Nguyên, cụ Cao Trúc Hải người Hà Tĩnh xuất dương sang Nhật Bản năm 1905, 1906.
Những người đi xuất dương tìm đường cứu nước đều xuất thân từ gia đình nhà Nho nghèo, có người là võ quan, có người theo đạo Thiên Chúa. Tất cả đều giàu lòng yêu nước thương dân. Cũng có người trước khi đi xuất dương đã từng tốt nghiệp y sĩ như ông Cao Trúc Hải người Hà Tĩnh.
Năm 1908, Chính phủ Nhật Bản câu kết với thực dân Pháp trục xuất những học sinh yêu nước Việt Nam ra khỏi nước Nhật. Năm 1909, Nhật lại trục xuất luôn cả Phan Bội Châu. Năm 1913, khi phong trào Cách mạng Tân Hợi bị đàn áp, bế tắc, cụ Phan Bội Châu bị nhà cầm quyền quân phiệt ở Trung Quốc bắt giam theo yêu cầu của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Con đường Đông Du bị thất bại, cụ Phan Bội Châu không thể cắt nghĩa nổi tại sao nước Nhật duy tân lại không cho cụ ở lại, đế quốc Pháp và phong kiến Trung Quốc lại câu kết để bắt Cụ. Niềm hy vọng của Cụ vào những con đường cứu nước ấy đã tắt. Trong điều kiện đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, Người đã sang Pháp, sang Nga tìm gặp ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, của Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Năm 1924, Người qua Quảng Châu, Trung Quốc mở lớp huấn luyện chính trị đặc biệt đào tạo những hạt giống cách mạng Việt Nam.
Những thành viên cũ của phong trào Đông Du không chịu bó tay trước khó khăn. Họ lại sang Xiêm, từ đó qua Trung Quốc tìm con đường cứu nước mới. Người có công trong việc lập trại cày ở Xiêm để đón thanh niên Việt Nam xuất dương là Đặng Thúc Hứa. Ông đã tới vùng Phi Chít, nhờ sự giúp đỡ của bà con Việt kiều thành lập ra trại Cày, một tổ chức sản xuất để sinh sống và hoạt động cách mạng. Từ năm 1909 trở đi, hàng trăm thanh niên Nghệ An, Hà Tĩnh đã xuất dương sang Xiêm rồi từ đó qua Quảng Châu (Trung Quốc). Những người có công vận động và hướng dẫn thanh niên xuất dương phải kể đến Đặng Thái Thuyến, Trần Thị Trâm (bà Lụa), Hồ Tùng Mậu, Vương Thúc Oánh, Võ Trọng Cảnh, Nguyễn Năng Tựu, Võ Trọng Đài.
Trong số thanh niên xuất dương (các đợt sau) sang Xiêm rồi sang Trung Quốc có hai người tiêu biểu: Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Sau có thêm Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái. Họ cho rằng nếu cứ hoạt động theo lối cũ của các sĩ phu lớp trước thì không đạt kết quả. Vì vậy, đầu năm 1923, hai người cùng bạn đồng tâm khác lập ra Tâm Tâm Xã (Tân Việt Thanh Niên Đoàn) hoạt động ở Trung Quốc.
Sau khi các tổ chức tiền thân của Đảng ra đời, ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sau đó Xứ ủy Trung Kỳ, các tỉnh Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh, Vinh, Bến Thủy được hình thành để lãnh đạo phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một phong trào đấu tranh rộng lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động diễn ra mạnh mẽ. Đó là cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Từ các vùng nông thôn, những chiến sĩ của phong trào Đông Du ngày ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh.
Chúng tôi đã về xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn - một trong những trung tâm hoạt động của phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Được gặp cụ Bùi Danh Châu năm nay 82 tuổi, cụ cho biết: Chính con trai ông Bùi Danh Lộ là Bùi Danh Trí cũng tham gia phong trào Đông Du, sau trở thành đảng viên 1930-1931. Ông Bùi Danh Võ, có cháu là Bùi Danh Dật hoạt động tự vệ đỏ năm 1930. Nam Đàn là huyện có phong trào Xô viết mạnh. “Thực dân phong kiến bắt 197 người, riêng xã Nam Thanh có 7 người1 bị giam ở Nhà lao Vinh và các nhà đày Buôn Ma Thuột, Lao Bảo” (2).
Tại vùng Kỳ Trân, Đông Chữ (xã Nghi Trường), huyện Nghi Lộc, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Đức Mãn 76 tuổi, cụ cho biết: bốn người con trai của cụ Nguyễn Thức Tự là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Đường, Nguyễn Thức Bao, Nguyễn Thức Độ đều là những yếu nhân của phong trào Đông Du. Thực dân Pháp đã bắt Nguyễn Thức Đường tức Trần Hữu Lực cùng Nguyễn Đức Công tức Hoàng Trọng Mậu (người Nghi Trung) năm Ất Mão (1915) và bị xử bắn tại Bạch Mai, Hà Nội năm 1916. Cháu cụ Nguyễn Thức Tự là Nguyễn Thức Y hoạt động trong Đảng bộ Nghệ An năm 1934, Nguyễn Đình Cương là Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc 1936: “Huyện Nghi Lộc có 187 người, riêng làng Kỳ Trân, Đông Chữ có 20 người bị tù đày ở Nhà lao Vinh và các nhà đày Buôn Ma Thuột, Lao Bảo như Hoàng Ấp, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Thức Bao, Nguyễn Duy Canh, Nguyễn Ngọc Cửu, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu (3)... nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong gia đình ông Nguyễn Thức Mẫn (là cháu Nguyễn Thức Tự, con Nguyễn Thức Canh), phải kể đến bà vợ là Lê Thị Lựu. Chồng đi hoạt động cứu nước, bà ở nhà bị thực dân Pháp và bọn phong kiến tịch thu tài sản và bỏ tù ba năm. Bà vẫn tích cực nuôi giấu cán bộ cách mạng. Con trai bà là Nguyễn Đức Tịnh tham gia cách mạng, năm 1929 gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, bị thực dân bỏ tù ở nhà tù Lao Bảo.
Trong hàng trăm làng quê, khối phố của tỉnh Nghệ An, biết bao người con của quê hương đã tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, chúng tôi chỉ kể đến một số làng, để thấy được từ phong trào Đông Du đến cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, truyền thống yêu nước và cách mạng của Nhân dân ta được kế tục và phát huy như ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt, để từ đó Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến lên giành độc lập tự do cho dân tộc, cho quê hương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay.
*TS, nguyên Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
-----------------------------------
Chú thích:
(1). Lịch sử Đảng bộ Nghệ Tĩnh, tập 1. NXB Nghệ Tĩnh, Vinh năm 1984, trang 314;
(2), (3). Nhà Lao Vinh. NXB Nghệ An, năm 2005, trang 239, trang 170;
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522784
234
2282
21558
220723
121009
114522784