Đất và người xứ Nghệ

Vinh xưa

Nhà Máy Xe lửa Trường Thi. Ảnh tư liệu                       

Theo sử cũ thì Vinh được công nhận là thị xã từ thời thuộc Pháp (năm 1898) cùng với Hội An, Thanh Hóa và Huế theo một đạo dụ của vua Thành Thái. Trước kháng chiến chống Pháp, Vinh được coi là đô thị lớn của miền Trung với nhà máy hỏa xa Tràng Thi, nhà máy điện, nhà máy diêm…dân số lên tới mười tám vạn người. Nhưng khi tôi mới đến (giữa những năm năm mươi của thế kỷ trước) thì mảnh đất này còn là một thị xã nhỏ hẹp lắm. Nhìn đi nhìn lại Vinh lúc ấy chỉ có hai con đường chính, cắt nhau ở ngã tư trung tâm. Một con đường theo hướng Đông - Tây bắt đầu từ nhà thờ Cầu Rầm và tận cùng là cảng Bến Thủy (mà khúc từ nhà thờ Cầu Rầm đến ngã sáu gọi là đường Phan Đình Phùng còn khúc dưới là đường gì tôi không nhớ) và một con đường theo hướng Bắc - Nam bắt đầu từ bến xe chạy thẳng đến chợ. Ngoài hai con đường ấy ra (nếu không kể những con đường ngang ngắn nhỏ nối các đường lớn với nhau) thì Vinh cũng có thêm mấy con đường chính nữa là đương Hồng Sơn chạy từ cuồi nhà thờ Cầu Rầm ngang qua cửa chợ đến đường Lê Mao, đường Ngư Hải chạy từ đường Hoàng Hoa Thám bây giờ ngang qua cổng cửa Tiền thành cổ xuống tận đường Lê Mao, đường Lê Mao bắt đầu từ cuối đường Hồng Sơn qua rạp chiếu bóng quốc doanh đến ngã Năm bây giờ... Trừ hai con đường lớn được rải nhựa đàng hoàng còn các con đường khác (dù chính hay phụ) đều rải đá bốn sáu (4x6cm), lổm nhổm ổ gà, ổ trâu...

 Nhưng dù là đường chính hay đường phụ, đường tráng nhựa hay đường đổ đá, thì vào mùa hè một ngày hai lần vào khoảng 9-10 giờ sáng và 1-2 giờ chiều đều có xe phun nước, phun nước để tránh cho thành phố sự “mờ mờ nhân ảnh” vì cát bụi. Vinh lúc đó thiếu thốn nhiều thứ nhưng có hai thứ là gió Lào và cát trắng thì rất thừa thãi. Mà không chỉ hồi ấy đâu, mãi sau này, vào giữa những năm bảy mươi (khi tôi đã đi lính về và vào đại học), buổi trưa chúng tôi vẫn thường phải đem màn và chiếu nhúng ướt đi rồi trải chiếu mắc màn và chui vào ngủ trưa, làm như thế vừa mát lại vừa tránh được cát, khi thức dậy thì cả màn lẫn chiếu cũng khô coong.

 Không biết một người xứ Nghệ nào đã nói về thời tiết cửa Vinh: “Nỏ nơi mô như ở Vinh, nắng chi mà nắng, mưa chi mà mưa!…”. Câu cảm thán này ngụ ý rằng ở Vinh mùa nắng thì nắng cháy đầu, mùa mưa thì mưa thối đất. Thật thế. Với địa hình bằng phẳng, hơi thấp, ba bề bốn bên là núi đã tạo nên cho Vinh một kiểu thời tiết khá đặc biệt. Tháng năm tháng sáu những đợt gió Lào nóng hầm hập thổi hun hút qua một hẻm giữa hai ngọn núi của dãy Chân Phúc ở Hưng Tây mà dân Vinh thường gọi là “eo gió”, đã biến Vinh thành một chảo lửa thực sự. Những buổi trưa hè cây cối và con người cả thành Vinh héo rũ đi dưới cái nắng gay gắt và những ngọn gió khô rang thổi ào ạt không ngừng không nghỉ, tất cả như lịm đi dưới cái nắng và gió ấy. Chỉ có bọn con nít là vô tư, chúng còn đang mê mải chạy chong chóng. Càng nắng càng gió chúng càng thích vì chong chóng sẽ xoay hơn, tít hơn. Phải nói hồi đó phong trào chơi chong chóng của trẻ con Thành Vinh thật là rầm rộ. Đủ loại chong chóng, loại hai cánh có, loại bốn cánh có, bằng giấy có, bằng lá dứa gai cũng có…

Tháng bảy tháng tám, sau những trận mưa như trút, nước từ các nơi đổ về cùng nước các con sông dâng cao thường làm ngập một phần thành phố, thậm chí có năm hơn phân nửa thành phố bị nhấn chìm trong nước. Với người lớn, chuyện “chạy lụt” là một nỗi lo lắng ám ảnh vì nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống về cả tinh thần lẫn vật chất nhưng với bọn con nít chúng tôi thì đó là những ngày hội lớn. Những thân cây chuối đổ vì bão hay chết vì lụt được chặt ra, đóng lại thành bè và những trận thủy chiến trên đường phố diễn ra suốt ngày với các đội “thuyền chiến” của Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Ô Mã Nhi… Người ướt như chuột lột, mặt mày lem luốc, sứt sẹo hay rớm màu vì trúng đòn của “kẻ địch”, những roi đòn của bố mẹ khi những buổi chiều về không hề làm cho chúng sợ. Hôm nay là vậy mà ngày mai chúng vẫn tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra…

 Sau này, khi đã lớn tuổi ngồi ngẫm nghĩ lại tôi thấy nếu không có gió Lào và nước lụt thì ngưới dân thành Vinh sẽ đỡ khổ đi nhiều nhưng tuổi trẻ tụi tôi hồi đó cũng sẽ buồn đi không ít…

Có thể nói tuổi thơ của tôi và của cả bọn trẻ thành Vinh ngày ấy trôi theo những ngày nắng gió. Mà cũng lạ, hết chạy ngoài nắng mồ hôi mồ kê đang đầm đìa lại nhảy ngay xuống sông dầm nước mà không đứa nào bị cảm bị ốm gì cả, Có lẽ bởi sự miễn dịch của chọn lọc tự nhiên hồi ấy quá mạnh, đứa nào yếu thì đã chết đi rồi, những đứa còn lại là những đứa khoẻ mạnh…

Như đã nói Vinh hồi ấy chỉ có hai con đường Đông - Tây và Nam - Bắc  là đúng nghĩa phố xá mà thôi. Nhưng hai con đường đó lại là toàn bộ bộ mặt kinh tế, văn hóa xã hội của thị xã.

 Đây là nhà thờ Cầu Rầm mà từ lâu đã gần như thành biểu tượng của thị xã Vinh truớc chiến tranh (tôi nói gần như vì không có ai chính thức công nhận điều này cả, nó chỉ có trong lòng người nhất là lòng những người đi xa). Khu vực chung của nhà thờ rộng và đẹp lắm, một bên là chủng viện chạy sát ra mé sông Cửa Tiền, một bên là nhà thờ với đỉnh nóc tháp cao vòi vọi (đối với lũ chúng tôi ngày đó) ... Tôi còn nhớ như in không khí của nhũng đêm Giáng sinh huyền ảo ở nhà thờ Cầu Rầm những năm ấy. Đèn nến lung linh, người đi lại nườm nượp. Người có đạo thì đi lễ người không có đạo thì dạo chơi, tất cả làm nên không khí hội hè. Hòa vào sự vui tươi náo nhiệt đó là những đứa trẻ chúng tôi đến nhà thờ để chạy nhảy, đuổi bắt, phá phách. Chạy nhảy chán chúng lại bày ra những trò nghịch ngọm đến mức quỷ quái: Nào là nhét thuốc lào vào mồm mấy con cóc rồi may bớt mồm lại, xong để xuống dưới những chiếc ghế đá, nào là lấy trái đùng đình xát ướt mặt ghế đá để rồi khi khuya đến có một đôi trai gái nào đó đang ngồi tình tự say đắm trên ghế đá bỗng nhảy bật ngược vì những tiếng ho “khụ, khụ” bấy ngờ từ dưới ghế đá vẳng ra hay bỗng nhiên thấy ngứa ngáy dưới mông đến mức không chịu được phải rời nhau ra... hoặc có khi giật bắn mình vì một phát súng diêm nổ “đoàng” bên tai: một đứa nào đó đã nhân lúc họ đang say nhau, lén bò vào sát bên và nổ súng...

Bến Thủy. Ảnh tư liệu

Rạp chiếu phim. Ảnh tư liệu

Rạp chiéu bóng Điện Biên ngày xưa vốn là của tư nhân, từ ngày hòa bình thì chuyển sang hình thức công tư hợp doanh. Bọn trẻ chúng tôi thường hay đến để tìm cách chui vào xem “cọp”, nhưng chui vào rạp khó lắm chứ không như những bãi chiếu ngoài trời (của các đội chiếu bóng lưu động). Thường thường là chúng tôi thất bại và bị kéo tai đẩy ra đường, nhưng hôm sau lại cứ đến, để rồi lại... bị kéo tai lôi ra ngoài. Họa hoằn lám mới có đứa may mắn thoát được một lần thì được bạn bè nhìn với những cặp mắt ngưỡng mộ trong suốt một thời gian dài...

Ngã tư chợ Vinh. Ảnh tư liệu

Ngã tư trung tâm là nơi giao cắt của hai con đường chính, một bên là cửa hàng bách hóa lớn nhất thành phồ, bên kia là vườn hoa trung tâm. Dịch vào phía sau vườn hoa một tý là Thư viện tỉnh, nơi mà trong những năm tháng ở Vinh tôi thường đến để đọc sách và... ăn cắp sách. Trong con mắt của lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, cửa hàng bách hóa sao mà đẹp và kỳ vĩ thế: Một tòa nhà cao to đồ sộ, sừng sững ngự ngay ngã tư, nơi đô hội nhất của thành phố. Bốn mặt đều là cửa kính, hàng hóa trưng bày hầu như không thiếu thứ gì (tuy rằng chúng tôi hầu như chẳng bao giờ mua được thứ gì cho ra hồn ở đây, tất cả đều phân phối theo chế độ). Đông ấm, hè mát, mùa hè thì có quạt trần mùa đông thì có cửa kính che chắn bớt những đợt gió mùa Đông Bắc lùa hun hút vì thế cửa hàng bách hóa được bọn trẻ coi là thiên đường của chúng trong những ngày hè nóng nực hay ngày mùa đông rét mướt, nhất là mùa đông khi mà không gian vui chơi của chúng bị thu hẹp đến mức tối thiểu vì thời tiết...

 Về thực chất có thể coi ngã Sáu với Rạp Chiếu bóng Quốc Doanh là điểm cuối về phía Đông của thành phố lúc ấy. Vì từ đây trở xuống dân cư thư thớt lắm, chỉ có Nhà hát Nhân Dân và khu Bến Thủy là hai điểm nhấn của đoạn đường này. Nhà hát Nhân Dân là bãi chiếu của đội chiếu bóng lưu động mỗi tối thứ bảy và là nơi thỉnh thoảng các đoàn văn công (trong và ngoài tỉnh) biểu diễn phục vụ dân chúng. Gần như đối diện với Nhà hát Nhân dân là một vùng đất rộng mênh mông hoang vu với cỏ dại và cây bụi um tùm. Nơi đây nghe nói ngày xưa là khu trường thi của xứ Nghệ và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Quảng Bình có từ thời nhà Trần. Thời nhà Nguyễn trường thi này đã lấy đỗ được những cử nhân xuất sắc như Nguyễn Công Trư, Phan Bội Châu là những danh nhân mà cả nước đều biết. Chế độ khoa cử kết thúc, người Pháp xây dựng trên mảnh đất này một nhà máy xe lửa lớn nhất nhì Đông Dương với hàng ngàn công nhân. Cùng với nó là nhà máy gỗ, nhà máy diêm…, tất cả đã tạo ra nền móng công nghiệp đầu tiên cho Vinh. Bây giờ nếu đi sâu vào trong người ta chỉ còn thấy đây đó những bánh xe lửa nặng nề, thậm chí cả một vài cái nồi hơi nước han rỉ nằm lăn lóc trong cỏ dại. Thật đúng là “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” …

Nhà máy Điện Vinh. Ảnh tư liệu

 Khu Bến Thủy là nơi tập trung khá nhiều cơ sở kinh tế của Vinh lúc ấy như nhà máy điện, xưởng cưa… nhưng tôi nhớ nhất là phà Bến Thủy với những người công nhân kéo phà mặt hằn lên những nếp nhăn khó nhọc, tay nổi bắp cuồn cuộn đang kéo những chuyến phà nối liền con đường giao thông huyết mạch Bắc Nam vì bên kia là Hà Tĩnh, đường A1 men theo dãy Hồng Lĩnh mà chạy thẳng vào Nam. Thực ra việc kéo phà bằng sức người này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vào những năm cuối của thập kỉ năm mươi ở thế kỷ trước. Về sau thì đã có ca - nô thay cho sức người nhưng ấn tượng về những chuyến phà ấy vẫn tồn tại trong tôi như một vết khắc sâu...

Có thể coi bến xe khách là điểm đầu con đường Bắc Nam thành phố. Bến xe lúc ấy chỉ có những chiếc xe cổ lỗ tồi tàn nhưng vẫn phải khó nhọc bò trườn trên những con đưởng khấp khểnh để đưa khách. Hồi ấy còn có những chiếc xe chạy bằng than, trước khi chạy phải đốt cho than cháy, khói lên mù mịt một lúc thật lâu mới khởi đông được. Và thật là tai họa cho những ai không may mua phải vé ngồi gần ống chứa than của ôtô (xe kiểu này có một ống chứa than hình dáng gần giông với bình ô xy bây giờ nhung lớn hơn nhiều lần gắn ở phía sau) ...

Phía trong bến xe độ năm bảy trăm mét là chùa Diệc, chùa lớn nhất trong ba ngôi chùa chính của Vinh thời trước là chùa Tập Phúc, chùa Diệc và chùa Sư Nữ (chùa Tập Phúc khi tôi đến ở gần đó thì đã hoang phế hẳn, chẳng còn gì, chùa Sư Nữ thì tôi sẽ có dịp nói nhiều về nó sau). Chùa được dựng nên từ thời nhà Trần, theo truyền thuyết thì ngày xưa, khu đất thuộc chùa Diệc bây giờ là một vùng ao đầm. Một năm trời làm đại hạn, đất đai nứt nẻ, cây cối chết rũ cả. Một hôm người ta thấy từng đàn từng đàn chim diệc bay về đỗ kín cả vùng đất ấy, tiếp đó là trời đổ mưa lớn giải hạn cho cả vùng. Sau trận mưa, người ta thấy cơ man nào là xác diệc chết, kín cả một vùng. Cho là trời sai chim diệc đến làm mưa, dân trong vùng gom xác diệc chết lại thành một cái gò nhỏ và thắp hương lễ tạ. Cũng từ đó đêm đêm nhiều người trong vùng nằm mơ thấy từng đàn chim diệc bay về trời. Tin vào sự linh thiêng, dân chung tay dựng nên chùa Diệc, ban đầu chỉ là nhà tranh vách lá, sau mới được tôn tạo dần.

Trong trí nhớ của tôi, chùa Diệc đẹp lắm, xung quanh chùa có lũy cây và vườn tược sum suê bao bọc. Chùa có kiến trúc theo lối truyền thống của Phật giáo Việt Nam với bốn lớp: ngoài cùng là một hồ sen lớn, tiếp đó là cổng tam quan cao hai tầng (mà hồi nhỏ tụi tôi hay leo lên để chơi đùa, ngắm cảnh) và hai tấm bia đá lớn khắc sự tích và công lao những ngưới đóng góp xây dựng, sửa chữa chùa. Phía trong là hai lớp tiền điện và hậu điện có mưới tám pho tượng phật cổ rất đẹp. Có thể nói chùa Diệc là một trong những thắng cảnh đẹp của Vinh. Trước chiến tranh phá hoại của Mỹ, vào rằm, mồng một và các ngày lễ của Phật giáo, phật tử đến lễ chùa rất đông. Không chỉ là một thắng cảnh tôn giáo mà chùa Diệc còn là một di tích lịch sử. Đây là nơi liên lạc bí mật của các chí sĩ cần vương thuở trước và sau này là các đảng viên Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu. Nghe nói Đội Cung sau thất bại của khởi nghĩa Đô Lương đã về ẩn mình trong chùa Diệc ba ngày mới rút về Cổng Chốt rồi bị bắt và bị hành hình ở đó. Chùa Diệc cũng là nơi nhà nghiên cứu văn hóa Lê Thước, vị thủ khoa trong khoa thi cuối cùng của trường thi Nghệ An (1918) tìm thấy văn bản chép tay “Văn tế thập loại chúng sinh” (còn gọi là “văn chiêu hồn”) của đại thi hào Nguyễn Du…

Sau năm bảy lăm (1975) không hiểu vì sao một ngôi chùa đẹp như thế lại bị phá đi, chỉ còn lại cổng tam quan và hai tấm bia đá. Năm hai nghìn lẻ tám (2008), có dịp trở lại Vinh, tôi chỉ còn có thể ngậm ngùi trước cảnh hoang phế của ngôi chùa đã một thời nổi tiếng

 Qua chùa Diệc, vào sâu phía trong chút nữa là kho thuốc Bắc với trận hỏa hoạn nổi tiếng năm sáu mốt (1961) (?), rồi đến ngã tư với cửa hàng bách hóa và vườn hoa và cuối cùng là chợ Vinh...  

Vinh khi ấy đất rộng người thưa. Hòa bình mới lập lại, cơ sở cũ đã bị tàn phá cơ sở mới chưa hình thành nên kinh tế của Vinh lúc đó hầu như chưa có gì. Về công nghiệp chỉ có một vài nhà máy nhỏ như nhà máy điện, nhà máy gỗ… đều tập trung ở Bến Thủy. Ở phía trên chỉ có xưởng đóng thuyền ở sông Xóm Củi (sau chợ Vinh), hợp tác xã sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Hòa Bình nằm gần góc đường Lê Mao - Hồng Sơn…. Ngoài ra còn có nhà máy xi măng Cầu Đước chuyên sản xuất ra một loại xi măng có chất lương chỉ đủ để xây chuồng lợn. Xa hơn tý nữa về mé trên là nhà máy gạch Cầu Miệu chuyên sản xuất gạch cung cấp cho các công trường xây dựng lúc bấy giờ. Thế thôi.

Dân cư thưa thớt, thực sự là phố xá chỉ tập trung ở hai con đường chính là Phan Đình Phùng và Quang Trung. Ở những phố khác tuy cũng gọi là phố đấy nhưng dân ở rất thưa (nhà nào cũng có một mảnh vườn nhỏ thì một trăm, lớn thì vài ba trăm mét vuông), các điểm kinh doanh buôn bán ít lắm vì nói chung người ta sợ “nền kinh tế tư bản” sẽ phát triển trong lòng một “thành phố xã hội chủ nghĩa”. Việc buôn bán trao đổi của người dân chủ yếu thông qua một cái chợ duy nhất của thành phố: chợ Vinh. Thế thôi.

 Vinh hồi đó rất thiếu thốn phim ảnh và văn nghệ. Ngoài mấy bãi chiếu bóng lưu động như Nhà hát Nhân dân, đình Làng Vang… Vinh chỉ có hai rạp chiếu bóng là rạp Điện Biên gần nhà thờ Cầu Rầm và rạp Quốc Doanh ở Ngã sáu. Ngoài ra còn có Rạp Cải lương Hòa Bình trên đường Ngư Hải và Thư viện thành phố nằm ở quãng giữa con đường này. Thế thôi.

 Hồi đầu Vinh chỉ có hai trường cấp một là trường Vinh I và trường cấp I Vinh II. Trường Vinh I thì nằm ở mé dưới cửa Tiền thành Cổ, còn trường Vinh II tôi không nhớ rõ vị trí của nó. Cấp hai thì ngoài trường công lập là cấp II Vinh còn có trường cấp II tư thục Phạm Hồng Thái nằm gần bến xe khách. Còn trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng thì không phải của riêng Vinh mà của cả tỉnh… Thế thôi.

Thế thôi. Cho nên có thể nói mà không sợ lầm rằng Vinh hồi ấy nghèo lắm, dân cư lầm lũi lắm. Nhưng lũ trẻ chúng tôi ngày ấy nào có chú ý gì, chỉ cần được ăn no (thậm chí nhiều khi không được ăn no) và được chạy nhảy là vui rồi…

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522782

Hôm nay

232

Hôm qua

2282

Tuần này

21556

Tháng này

220721

Tháng qua

121009

Tất cả

114522782