Văn hóa và đời sống

Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân

Hàng chục năm nay, trước và sau Tết Nguên đán, dòng người ở nhiều nơi đổ về xứ Nghệ. Trước hết, đó là những “Nghệ kiều” về quê; tiếp đến là những người thích “non xanh, nước biếc” của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Cầu đường ở xứ Nghệ đã được nâng cấp, rất thuận lợi cho việc đi lại.

Đường hoa Xuân TP Vinh là điểm du xuân được nhiều du khách lựa chọn trong dịp Tết. Ảnh: Ngọc Mai

Sự “chuyển dịch” trong tâm thức về Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán thiêng liêng với người Việt Nam từ ngàn đời. Đây là lễ hội lớn nhất, dài nhất trong đời sống của người Việt. Hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, Nhà nước thường bố trí lịch nghỉ liên tục dài ngày để người dân thuận lợi đón Tết, du xuân. Tết Giáp Thìn 2024 được nghỉ 7 ngày liên tục, từ thứ Năm ngày 08/02/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ngoài thời gian nghỉ chính thức cho toàn dân, mỗi người, mỗi gia đình lại có cách thu xếp của mình để hưởng trọn vẹn vị Tết, hương xuân theo hoàn cảnh của mình. Cái câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn vương vấn đâu đấy trong đầu nhiều người. Hơn nữa, với công nghệ hiện đại, nhiều người có thể làm việc mà không cần xuất hiện ở văn phòng. Đây cũng chính là một trong những điều kiện người ta du xuân thoải mái.

Trước đây, để có một cái Tết tương đối tươm tất, những ông chủ, bà chủ gia đình phải lo toan, tính toán khá căng thẳng để có “thịt mỡ, bánh chưng, câu đối đỏ”. Nay, chuyện sắm Tết không còn là vấn đề lớn nữa, chợ truyền thống và siêu thị mở cửa tới tận 30 Tết, mọi thứ cần thiết đều đầy đủ, thậm chí không cần phải đi mua sắm mà chỉ cần “a lô…” là mọi thứ được “ship” đến tận nhà.

Đã có sự “chuyển dịch” trong tâm thức về Tết Nguyên đán, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã thay từ “ăn Tết” bằng “chơi Tết”. Chuyện bếp núc, cỗ bàn đã không còn là gánh nặng nữa, không còn là mối quan tâm lớn nhất.  Tết Nguyên đán vẫn là lễ hội lớn nhất, dài nhất, thiêng liêng nhất với người Việt nhưng cách đón nhận đã trở nên phong phú, đa dạng, thực tế hơn; thay vì phải làm những nghĩa vụ, những thủ tục nặng nề, mọi người thiên về những hoạt động tự do, phóng khoáng. Thế là việc tận dụng thời gian nghỉ Tết để đi chơi, thăm hỏi lẫn nhau, khám phá những miền đất mới. Những chuyến du xuân được tổ chức bài bản đã hình thành. Tết sum vầy, Tết hội ngộ, Tết quê... vẫn được duy trì nhưng mọi thứ đã trở nên nhẹ nhàng, bay bổng. Người thân có thể gặp nhau ở nhà từ đường, nhà thờ họ, hoặc ở những danh lanh, thắng cảnh nổi tiếng. Điều quan trọng nhất là mọi người cảm thấy vui vẻ, hài lòng.

Vậy hãy tạm gác lại những lo toan của ngày thường, đưa không khí Tết vào cảm xúc, trao cho nhau yêu thương trên những cung đường mùa xuân. Cánh học sinh, sinh viên được nghỉ Tết nhiều ngày đấy! Hãy đưa các con đi du xuân để in đậm những kỷ niệm đẹp vào tâm trí để thời thơ ấu mãi lung linh…

Xứ Nghệ đã trở nên nhộn nhịp, hấp dẫn trong ngày xuân

Câu lục bát “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ” vẫn vẫy gọi mọi người ở khắp nơi khởi hành về xứ Nghệ; song, có những thay đổi rõ nét: Đường vô xứ Nghệ nay không quanh quanh nữa, màu xanh, sắc biếc ngày càng đậm đà hơn. Người ta có thể đến Nghệ An bằng đường sắt, đường không, đường bộ. Từ phía Bắc vào có thể đi quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc. Ngày xưa, từ Hà Nội về Nghệ An có khi mất cả ngày, nay chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Một gia đình ở quận Tây Hồ, Hà Nội cưới vợ cho con ở xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn, Nghệ An; đi đón dâu và trở về trong một ngày.

Xứ Nghệ là vùng đất có rất nhiều cảnh đẹp và những di tích lịch sử văn hóa thu hút du khách. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn tốt và đang phát huy giá trị. Trong những ngày xuân, đền chùa là nơi được nhiều người lựa chọn. Thiết nghĩ, cũng nên biết sự khác biệt giữa đền và chùa mặc dù đấy đều là những nơi thờ cúng tôn nghiêm.

Đền là nơi thờ cúng một vị Thánh theo truyền thuyết dân gian hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian. Chùa là nơi hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Tất cả mọi người, kể cả những người không theo đạo đều có thể đến chiêm bái, nghe giảng kinh, thực hành các nghi lễ Phật giáo hay đơn giản chỉ vãn cảnh.

Ở Nghệ An có nhiều ngôi đền nổi tiếng. Đó là đền Cờn ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai; đền Cuông ở xã Diễn An, Diễn Châu; đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương; đền Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên; đền vua Quang Trung trên núi Quyết ở phường Trung Đô, thành phố Vinh; và còn hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ ở các làng bản xóm thôn của tỉnh Nghệ An rộng nhất nước.

Chùa ở Nghệ An cũng là những địa điểm thu hút du khách trong những ngày xuân. Có nhiều ngôi chùa tôn nghiêm mà gẫn gũi. Đó là chùa Cổ Am ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu; chùa Cần Linh hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là chùa Sư Nữ (các đời trụ trì đều là sư nữ) ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh; chùa Song Ngư ở đảo Ngư, Cửa Lò; Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất của dãy Đại Huệ, tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn; chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành; chùa An Thái ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu… Việc hành lễ ở chùa mang lại sự thư thái, yên bình cho những vùng quê.

 

Du khách đi vãn cảnh chùa Cổ Am, Diễn Châu trong dịp Tết. Ảnh: Ngọc Mai

Một điều rất thú vị là đền và chùa ở Nghệ An đều nằm ở những nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, rộng rãi, thoáng đãng. Khi vãn cảnh đền và chùa, chúng ta đều thấy yên bình, sảng khoái, lòng thư thái, hướng thiện...

Ngoài những công trình văn hóa tâm linh có từ xa xưa, Nghệ An còn có nhiều điểm đến hấp dẫn mang tinh thần thời đại. Đó là khu di tích Làng Sen quê hương Bác Hồ cùng với khu mộ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của người. Khu di tích Truông Bồn hoành tráng đã trở nên gần gũi, thiêng liêng. Hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ đã được xây dựng khang trang, được chỉnh sửa thường xuyên và trở nên linh thiêng, gần gũi. Việc đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương trong ngày xuân đã trở thành nhu cầu nội tâm của nhiều người. Đến đây, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn quả, nhớ người trồng cây” thức dậy và được củng cố. Điều này làm cho đời sống tình cảm, tâm linh sinh động và sâu sắc hơn.

 

Du khách bên tượng Hồ Xuân Hương ở Nhà thờ họ Hồ (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu)

Làng quê, nhà lưu niệm, nhà thờ họ của những danh nhân cũng là nơi thu hút du khách. Đến làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương; xã Thọ Thành (Yên Thành) của ba ông cháu Hồ Tông Thốc đều đỗ trạng nguyên; Đền thờ Nguyễn Xí ở Nghi Hợp, Nghi Lộc; Khu lưu niệm Phan Bội Châu thuộc Thị trấn Nam Đàn huyện Nam Đàn; Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu… đều làm chúng ta hiểu sâu hơn về sức mạnh của văn hóa.

Cảnh đẹp thiên nhiên của xứ Nghệ là điều ít ai bỏ qua được. Nguyên những gì bày ra trên đường đi đã làm chúng ta say đắm rồi. Các cung đường ở miền Tây xứ Nghệ mùa này đầy hoa ắp hoa dã quỳ và hoa trạng nguyên; ghé vào các vườn nhà là đào, quất. Không hiểu tự bao giờ và ai đã có sáng kiến đưa hoa ly, hoa dơn, hoa cúc… về chuyên canh ở xứ Nghệ mà giờ đây cả tỉnh rộn sắc hoa?! Sông suối, cây cối, núi non, ao hồ… ở xứ Nghệ đã nổi tiếng từ lâu. Núi Hồng, sông Lam là biểu tượng cho cái đẹp của thiên nhiên xứ Nghệ. Sông Lam là con sông lớn nhất nhưng sông đẹp nhất của Nghệ An là sông Giăng. Sau khi đập Phà Lài (Con Cuông) được xây dựng, thượng nguồn sông Giăng luôn đầy ắp nước. Những chiếc ca nô vun vút ngược dòng sẽ đưa du khách vào rừng nguyên sinh - vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai. Những thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy Tầng (Quế Phong)… tạo nên khung cảnh như ở tiên giới. Hồ Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng  trên sông Nậm Nơn (huyện Tương Dương) mênh mông, sâu thẳm, xanh thắm đẹp huyền ảo. Đến đây, phóng tầm mắt vào nước và cây và cảm thấy mình tự do, phóng khoáng…

Nhiều người trầm trồ khi đi trên đường 7 qua huyện Tương Dương được chiêm ngưỡng rừng săng lẻ - “báu vật” của xứ Nghệ; xin thưa, đây không phải là rứng săng lẻ duy nhất ở xứ Nghệ! Ở xã Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) cũng có những cánh rừng với hàng ngàn cây săng lẻ thả dáng; mùa thay là làm người ta cứ ngỡ là màu thu vàng châu Âu.

“Xứ Nghệ ta về” - từ một chương trình thành nên phong trào

Năm 2022, những người học chuyên Văn khóa 1972 - 1975 (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu) lập ra chương trình “Xứ Nghệ ta về” để hội lớp nhân dịp 50 năm gặp nhau bên bờ sông Lam (ngày ấy trường sơ tán lên Thanh Lĩnh, Thanh Chương). 25 người từ nhiều nơi trên đất nước về Nghệ An và có một tuần ngược xuôi Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn - Thanh Chương - Đô Lương - Yên Thành - Diễn Châu - Quỳnh Lưu… Chương trình “Xưa Nghệ ta về” đã lưu lại những hình ảnh đẹp và thu hút nhiều người quan tâm. Sau đấy có nhiều khóa của học trò Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tổ chức những hoạt động tương tự. Thế là dâu, rể và các “thế hệ F1, F2” của người Nghệ và những người yêu vùng đất “như tranh họa đồ” lên kế hoạch cho những chuyến hành hương xứ Nghệ. Các chuyến đi thường được tổ chức vào dịp hè và dịp Tết Nguyên đán; hè thì đi biển, Tết thì đi rừng và những danh lam, thắng cảnh trên núi.

Đường hiện nay tốt rồi, du xuân xứ Nghệ có thể đi bằng nhiều cách. Những gia đình có xe riêng nên liên kết thành nhóm 3 đến 4 gia đình và lên đường. Cũng có thể thuê xe 16 đến 30 chỗ để du ngoạn. Cách thứ ba là đi các phương tiện khác về Nghệ An rồi thuê xe của người địa phương để du xuân và thưởng thức đặc sản xứ Nghệ. Đừng quên các món ăn và văn hóa ẩm thực nơi này!

Lươn xứ Nghệ gần như đã trở thành món ăn “huyền thoại”. Cháo lươn, miến lươn, súp lươn đã trở nên quá quen thuộc. Hãy thưởng thức thêm lươn om chuối đậu, lươn xào cà, lươn kho nghệ! Mỗi món ăn có hương vị riêng và ẩn chứa tính cách của người Nghệ.

Người ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành thường có món canh rất đặc biệt gọi là canh lá lằng (có nơi gọi là lá chim chim). Món canh này gồm lá lằng, cà kiu (loại cà chua quả bé xíu), quả sông (tai chua), cá tươi hoặc moi tươi (khô). Ngày xưa, người chỉ hái lá mọc tự nhiên trong rừng và cũng chỉ hay ăn vào mùa hè. Nay thì người ta trồng loại cây này trong vườn và ăn quanh năm. Không những thế, người ta còn thái nhỏ, phơi khô và chuyển đi nhiều nơi. Theo nhiều bác sĩ đông y, món canh này còn có tác dụng chữa bệnh. Người vùng khác chưa biết ăn nhưng những ai thử vào lần sẽ… nghiện.

Còn một loại đặc sản của xứ Nghệ nữa không thể bỏ qua là cam Vinh. Dù được gọi là “cam Vinh” nhưng được trồng ở Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… Cam Vinh có nhiều loại, cam Xã Đoài được xem “vua” của cam Vinh. Du xuân thì có thể nếm thử cam ngay trong thời gian hành trình, nhưng đừng quên mua một ít để trong xe mang về ăn dần!

Có một thứ “đặc sản” không thể sờ mó, thậm chí không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được, đó là chất Nghệ. Điều này được thể hiện trong lời ăn, tiếng nói, trong tính cách người Nghệ: mộc mạc, chân thành, nồng ấm, trọn tình, trọn nghĩa… Đây là điều quý giá nhất là chúng ta mà chúng ta thu nhận được trong những chuyến du xuân về xứ Nghệ./.

                                                                                                                                                         HBK

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Giáp Thìn 2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443947

Hôm nay

2198

Hôm qua

2307

Tuần này

21760

Tháng này

219121

Tháng qua

112676

Tất cả

114443947