Đất Nghệ

Tục cầu mưa của người Thái ở Quỳ Hợp

 

Cầu mưa hay “xin nước trời” (tiếng Thái là “Xó nặm phả”) là một phong tục truyền thống của người dân Thái ở huyện Quỳ Hợp khi gặp hạn hán. Trên thực tế, cầu mưa là phong tục phổ biến của nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn Nghệ An (và cả Việt Nam), trong đó có dân tộc Kinh, Thái. Khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, khi cuộc sống con người còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên thì cầu mưa được xem là “cứu cánh”, đem lại niềm tin và hy vọng cho những người dân khi xảy ra hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, nếu như người Kinh tập trung dân làng, tổ chức cầu mưa ở một địa điểm tâm linh cộng đồng (như đền, miếu…) và người thay mặt dân làng truyền tải thông điệp xin mưa lên Ngọc Hoàng Thượng đế là một thầy cúng, thì người Thái ở Quỳ Hợp lại có cách thức tổ chức hoàn toàn khác, rất độc đáo, gắn liền với những bài đồng dao mang đậm bản sắc văn hóa Thái.

Bà Sầm Thị Luân, xã Châu Lộc (78 tuổi) hồi tưởng lại tục cầu mưa của bản làng

Quá trình cầu mưa của cộng đồng người Thái ở Quỳ Hợp diễn ra liên tục trong 3 ngày. Trước hết, dân làng, bao gồm cả trai, gái tập trung tại một địa điểm đã được thống nhất, rồi từ đây, đoàn người xuất phát đi từ nhà đầu tiên đến nhà cuối cùng của bản làng. Đến trước mỗi nhà, đoàn người sẽ đứng ở dưới sân, cùng đồng thanh hát bài đồng dao. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai mục đích là xin nước mưa, lời cầu xin như sau:

“Cháu hiên ơi, cháu hiên

Tú lán xó nặm phốn xờ ca

Ttú lán xó nặm phá xờ na

Xờ na xờ tâng ca

Xờ tâng ca na mon

Xờ tâng cón na lạnh

Panh dù hinh chù xà hóm quăn

Quăn phí tái đẹt may

Pết noi hay há xảy bo xảy

Cày noi hay há phốn bo phốn

Phốn lông tò neo dơ

Dơ kênh kênh lông tò neo lín xín xín tong lắc phái tú lờ

Hả phốn ốm dù màng pú oi cả má

Hả phốn noi dù mảng pú láu pú cá cà ma”.

 Tạm dịch[1]:

Gia tiên ơi, gia tiên hỡi.

Chúng con xin mưa xuống mạ

Chúng con xin nước trời xuống ruộng

Xuống ruộng xuống cả mạ

Xuống mạ xuống cả dâu

Xuống cả mạ ruộng hạn

Men trong khay trên giàn mọi chỗ đượm khói

Quây khói chết cháy nắng

Vịt nhỏ khóc đòi nảy không nảy

Gà nhỏ khóc đòi mưa chẳng mưa

Mưa xuống bằng nhọt mầm

Mưa rơi ồ ạt xuống như thức ăn đổ bỏ

Nhọt mưa chạm đập nước chúng con

Mưa trận lớn đến cả phía đồi mía cũng tới

Mưa trận nhỏ đến cả phía đồi tranh đồi bông lau cũng tới

Sang ngày thứ 3, đoàn người sẽ hát để xin cơm, gạo, với ngụ ý khi mưa xuống thì mùa màng tốt tươi, cuộc sống của dân làng sẽ no đủ. Đoạn đầu của bài đồng dao hát trong ngày thứ ba lặp lại lời của ngày thứ nhất và thứ 2, chỉ thêm một phần như sau:

“Xó hơ khâu xúc ma ton lán

Xó khau xán mia ton nọng

Xó kẹp cong mía ton mè pái hiến.

Bo hơ tú bo ní xíp pí tăng hiên khía tú dù ê mù đang xum hía dù xuốn”

 Tạm dịch:

Xin được cơm về đón các con

Xin được gạo về đón em đang nhỏ

Xin được gạo tấm về đón mẹ già đang chờ.

Chưa được sẽ còn chờ mãi đến khi gia chủ cho.

Sau khi hát xong, chủ nhà sẽ đưa gói cơm hoặc loại thực phẩm khác tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà. Đoàn lại hát lời cảm ơn:

 Chà ấn tiên liên lăm chà oi

Liêng pết hơ tím lộc mạy phày

Liêng cay hơ tím lộc may xang

Liêng nú hơ tím hang mạy què

Liếng mè bi phăn mon lọc dòn hơ pến

Khến xình giao hóng hiên hơ hưn

Liêng quai đay quai đòn háu păn

Liêng quai đay quai đắm háu e

Khóng tú eo khư ọc bọ ngân liêng hén cốm lá mây lán xằng

Ppạt đây xằng leo lán lặng lái hiên.

Tạm dịch:

Cảm ơn nhiều lắm hỡi cảm tạ

Nuôi vịt cho đầy chuồng tre gai

Nuôi gà cho rộn chuồng tre giang

Nuôi lợn cho bộn máng gỗ quế

Nuôi chuồn chuồn nuôi tằm hóa kén cho nên

Cho rạng rỡ gia đình dòng họ

Nuôi trâu được trâu trắng sừng gấp

Nuôi trâu được trâu đen sừng quặp

Tiếng chúng con rẽ lớn tựa bạc tuôn mỏ

Khoát đôi tay cúi chào chúng cháu từ biệt

Nói xong rồi cháu mới cất bước qua nhiều nhà.

Xong, đoàn tiếp tục đi nhà khác, cứ như thế đến hết ngày thứ 3. Khi đã đi hết các nhà trong bản làng, đoàn người kéo nhau ra bờ sông, mang các loại thực phẩm đã xin được, cùng nhau ăn uống, cùng nhau xuống sông tắm, bơi lội, nghịch nước, với ý nghĩa sâu xa là thể hiện sự vui mừng khi trời ban mưa xuống.

Hiện nay, tục cầu mưa không còn tồn tại, chỉ còn trong kí ức của một bộ phận thanh niên và những người cao tuổi. Thỉnh thoảng, vào các dịp liên hoan văn nghệ quần chúng, chính quyền địa phương vẫn dựng lại một trích đoạn của tục lệ này như một sự gợi nhớ về phong tục truyền thống, cũng là giải pháp để lưu giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình./.

 


[1]Phiên âm và dịch nghĩa: Sầm Quang Trung – Công chức văn hóa xã Châu Lộc

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434690

Hôm nay

2310

Hôm qua

2310

Tuần này

21340

Tháng này

211738

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434690