Người xứ Nghệ

Lê Hồng Phong, những năm tháng ở nước Nga Xô Viết

Trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản (QTCS), nay là Lưu trữ Lịch sử Hiện đại Cộng hòa Liên bang Nga, có một phông lưu trữ Hồ sơ liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam và những nhà cách mạng Việt Nam, đặc biệt những người có vai trò quan trọng trong Đảng CS Việt Nam và QTCS. Trong những Hồ sơ đó ta bắt gặp một Tờ khai lý lịch vắn tắt mà chính Lê Hồng Phong viết bằng tiếng Nga khi nhập học Trường Đại học phương Đông của QTCS. Nội dung Tờ khai lý lịch đó như sau:

Tên: Litvinốp, sinh năm 1902.

Từ năm 1924-1926 học Trường quân sự Hoàng Phố.

Từ tháng 1/1926 đến tháng 9/1926 (9 tháng) học tại Trường Không quân Quảng Châu; từ tháng 10/ 1926 đến tháng 12/1927 14 tháng) học tại Trường Không quân Lêningrát.

Từ tháng 12/1927 đến tháng 9/1928 (11 tháng) học tại Trường Cao đẳng Không quân ở Bôritxôlêbếc.

Từ tháng 12/1928 học tại Trường Đại học phương Đông” (1).

Từ Tờ khai lý lịch vắn tắt trên của Lê Hồng Phong, chúng tôi mở đầu cho bài viết này.

Dưới ảnh hưởng của Phan Bội Châu, một nhóm thanh niên yêu nước Nghệ Tĩnh, trong đó có Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong) vượt trường sơn, băng qua Lào, sang Xiêm với cụ Đặng Thúc Hứa, một đại diện của cụ Phan được cắm ở đây để tiếp nhận người từ trong nước sang và lần lượt bố trí đi Quảng Châu. Nhưng khi đến Quảng Châu, danh tiếng của cụ Phan không còn vẹn nguyên như trước nữa nên họ đã chủ động thành lập một tổ chức cách mạng mới, mà về tư tưởng, đã vượt qua giới hạn của Phan Bội Châu. Tổ chức cách mạng đó là Tâm Tâm Xã, mà trong đó nổi tiếng có Tam Hồng, người Nghệ An là Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong. Xin lưu ý là, tổ chức cách mạng mới thành lập này có mấy đặc điểm sau đây: là những thanh niên yêu nước mới xuất dương sang Quảng Châu sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất; về tư tưởng, đã vượt qua những hạn chế của Việt Nam Quang phục Hội của cụ Phan và cuối cùng là vẫn tiếp tục dựa vào ảnh hưởng to lớn của cụ Phan để hoạt động.

Vì thế, qua sự móc nối với Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn (mà Cụ Phan đã từng gặp gỡ và bút đàm với Tôn Trung Sơn bên Nhật Bản thời kỳ Đông du), Phan Bội Châu đã xin cho những thanh niên yêu nước Việt Nam đầu tiên vào học Trường Quân sự Hoàng Phố do cố vấn quân sự xô viết giảng dạy, trong đó có Lê Hồng Sơn và Lê Hồng Phong. Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố (mỗi khóa huấn luyện sĩ quan bộ binh chỉ có 9 tháng), Lê Hồng Phong được chuyển sang học tiếp tại Trường Không quân tại Quảng Châu 9 tháng (từ tháng 1/ 1926 đến tháng 9 cùng năm). Có lẽ do có sức khỏe cùng với thành tích học tập và rèn luyện nên ông được Chính phủ Tôn Trung Sơn cùng với phái bộ M.M. Bôrôđin làm thủ tục cho ông sang học tập tại Trường Không quân Lêningrát trong vòng 14 tháng, từ tháng 10 năm 1926 đến tháng 12 năm 1927 (2 Sophi.tr,92). Tiếp đó, ông được chuyển học tiếp tại Trường Cao đẳng Không quân ở Bôritxôlêbếc 11 tháng. Cho tới nay, chúng ta chưa có tài liệu về mối quan hệ giữa hai trường không quân và thời gian học của Trường Cao đẳng Không quân trong bao lâu để chúng ta có thể nhận định một cách đúng đắn, chính xác về việc chuyển trường trong hệ thống các trường không quân xô viết thời đó và đặc biệt là lý giải cho việc Lê Hồng Phong rời Trường Cao đẳng Không quân để nhập học Trường Đại học phương Đông của QTCS. Trong một bài viết trước đây của tôi có tựa đề Lê Hồng Phong với Quốc tế Cộng sản, đăng trong tập sách Đồng chí Lê Hồng Phong, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng do Nhà xuất bản chính trị quốc gia ấn hành năm 1997, từ trang 48 - 57, tôi đã thử lý giải việc chuyển từ các trường quân sự sang học trường chính trị của Lê Hồng Phong vì lúc đó Việt Nam chưa cần một phi công bằng một nhà cách mạng chuyên nghiệp theo tinh thần của QTCS. Bây giờ tôi nói rõ hơn nhận định đúng đắn đó của tôi.

Thời điểm Lê Hồng Phong rời Trường Cao đẳng Không quân (không biết đã kết thúc chưa) đến nhập học Trường Đại học Phương Đông của QTCS với bí danh là Litvinốp là tháng 12 năm 1928. Thời điểm đó, Trường Đại học phương Đông hay còn gọi là Trường Đại học Xtalin đã tồn tại được 7 năm. Sau khóa học ngắn hạn năm 1923 của Nguyễn Ái Quốc, năm 1924 Trường đã bắt đầu nhận sinh viên Việt Nam qua hai ngả đường  là từ Pháp (do ĐCS Pháp giới thiệu) và từ Trung Quốc (do Nguyễn Ái Quốc giới thiệu) và đến năm 1927, đã thành lập được một Chi bộ cộng sản Việt Nam tại trường gồm Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Công Trừng… do đồng chí Trần Phú làm Bí thư chi bộ (do Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, sau khi trở lại Mátxcơva tháng 6 năm 1927). Lúc này, chưa có Lê Hồng Phong, vì tháng 12/1928, ông mới nhập học. Ở đây có thể có mối quan hệ thân quen từ trước (từ Quảng Châu), vì Nguyễn Ái Quốc, sau khi từ Trung Quốc trở lại, đang nổi danh ở Mátxcơva nên đã vận động cho Lê Hồng Phong chuyển sang học tại Trường Đại học Phương Đông để trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp thực hiện tinh thần của QTCS phát động công cuộc giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, trong đó có Đông Dương, nhằm thu hẹp dần “sân sau” của chủ nghĩa đế quốc. Mối quan hệ thân thiết giữa Nguyễn Ái Quốc và Lê Hồng Phong bắt đầu được xác lập từ đây trên đất nước Lê nin. Mối quan hệ đó vẫn tiếp tục được gìn giữ. Năm 1930, sau khi hợp nhất thành công các tổ chức cộng sản trong nước tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc, từ Thượng Hải, đã gửi thư đánh bằng máy chữ (3 trang) cho Lê Hồng Phong đang học tập tại Trường Đại học phương Đông với cách xưng hô thân thiết là “Hồng Fong Lão”, trong đó có đoạn:

“Tuần trước đã gửi cho lão một kái thư nói về tình hình trong nước, Lão đã tiếp được chưa? Nay lại có mấy lời nói cho Lão biết như sau:

1) Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam bây giờ đã hợp nhất làm một rồi, tên gọi là Việt Nam Cộng sản Đảng, cử lên Lâm thời trung ương để phụ trách công việc, hai bên hợp nhất lại tất cả được hơn 500 đồng chí, 40 hơn kái chi bộ, 3/4 là chi bộ lò máy, quần chúng được gần 3 ngàn, thế lực mạnh nhất là ở Bắc, thứ hai là ở Nam. Trong thời kỳ hai đảng hợp nhất đó, ở An Nam lại thêm một bộ phận cộng sản nữa, là những phần tử tốt ở đảng Tân Việt mà tổ chức ra, hiện nay Đông Dương (cộng sản Đảng) và An Nam (cộng sản Đảng) mới hợp nhất, mà họ cũng mới thành lập, nên họ vẫn đương đứng riêng ra một bộ phận, nhưng chắc là không bao lâu nữa thì cũng hợp nhất làm một…”(3).

Và như chúng ta biết, mối quan hệ thân thiết đó vẫn được tiếp nối từ khi Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ VII QTCS tại Mátxcơva tháng 7 năm 1935. Vấn đề này sẽ được bàn tới trong những trang sau, giờ chúng ta quay lại với việc Lê Hồng Phong nhập học Trường Đại học phương Đông.

Thời này, các khóa chính quy của Trường là 3 năm. Ngôn ngữ là tiêu chí quan trọng nhất để bố trí các lớp học. Vì thế mà sinh viên được phân bố vào các lớp theo từng ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc… Sinh viên Việt Nam nhập học thường được xếp vào nhóm tiếng Pháp. Với Lê Hồng Phong như một trường hợp đặc biệt, được xếp vào khối tiếng Nga vì Ông đã học tập và rèn luyện ở Liên Xô từ tháng 10/1926 đến tháng 12/1928 nên đã khá thông thạo tiếng Nga. Nhưng dù học tập ở khối ngôn ngữ nào thì sinh viên Đông Dương được quản lý bởi Ban Đông Dương của nhà trường do bà Vêra Vaxiliêva đứng đầu. Ông học tập và rèn luyện tại Trường từ năm 1928 đến năm 1931. Xin nhớ rằng, trong suốt thời gian Lê Hồng Phong theo học tại Trường phương Đông trên chính trường QTCS, Liên Xô và ở Việt Nam có những biến cố to lớn.

Trên chính trường Liên Xô và QTCS, sau khi Lê nin mất, đang diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng chống hữu khuynh (Bukharin) và tiếp đó là chống phái cực tả (Trốt xki) nhằm khẳng định tư tưởng của Xtalin(4). Cuộc đấu tranh tư tưởng dai dẳng đó ở Liên Xô và trong phong trào cộng sản quốc tế đã tác động mạnh mẽ tới sinh hoạt chính trị của sinh viên Trường Đại học phương Đông (Không thể đứng ngoài, sinh viên Việt Nam cũng chịu sự tác động đó). Và khi Lê Hồng Phong tốt nghiệp năm 1931 cũng là lúc phong trào cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp khốc liệt và dìm trong biển máu. Hầu hết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa đầu đều bị bắt, cán bộ lãnh đạo từ Xứ ủy trở xuống đang nằm trong các nhà tù, nhiều chi bộ bị xóa sổ và cả những nhà cách mạng nước ta đang hoạt động ở nước ngoài, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cũng bị bắt. Phong trào cách mạng Việt Nam đang kêu cứu. Trước tình hình khẩn cấp đó, QTCS đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cứu các nhà cách mạng nước ta đang bị giam cầm tại các nhà tù của thực dân Pháp và Anh và nhanh chóng khôi phục phong trào cách mạng nước ta. Những nỗ lực của QTCS được thể hiện rõ theo hai hướng. Thứ nhất, phát động một phong trào rộng lớn chống khủng bố trắng, đòi ân xá chính trị phạm ở Đông Dương trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là trong nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp. Thứ hai, thực thi những biện pháp cụ thể, cấp bách nhanh chóng khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam.

Lúc đó, ở hướng thứ hai, QTCS đã thu hút tất cả những sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp đang đợi phân công công tác hoặc đang học tại Trường Đại học phương Đông vào hai công việc quan trọng giúp khôi phục nhanh chóng phong trào cách mạng Việt Nam. Lê Hồng Phong nằm trong những số đó và hơn thế nữa, ông được QTCS chỉ định nắm vai trò chủ chốt, bởi lẽ giữa năm 1928 khi Đại hội VI của QTCS nhóm họp tại Mátxcơva, ông đã được QTCS cử làm quan sát viên tại Đại hội (5). Được QTCS tin cậy, Lê Hồng Phong cùng với những sinh viên nước ta đang có mặt tại Mátxcơva lúc đó tổ chức việc tuyển chọn những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác và các văn kiện quan trọng khác của QTCS dịch sang tiếng Việt như Bệnh “ấu trĩtả khuynh trong phong trào cộng sản của V.I.Lênin, ABC chủ nghĩa cộng sản của Bukharin và Preobrarenxki, Tình hình thế giới và nhiệm vụ của các phân bộ QTCS, Đề cương báo cáo tại Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của BCH QTCS của Kuxinhen… Dưới sự chỉ đạo của QTCS, các Đảng cộng sản Pháp, Đức, Tiệp Khắc đã in ấn những tác phẩm này và theo những đường giây bí mật được chuyển tới những địa chỉ cần thiết, đặc biệt là nhà đày Côn Đảo.

Sau khi nhận được tin chính xác về sự hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú và hầu hết các Ủy viên BCH trung ương, các Xứ ủy viên bị cầm tù, QTCS đã vạch kế hoạch cụ thể để tổ chức lại Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân tố hàng đầu khôi phục phong trào cách mạng. Trước hết là tung về nước những nhà cách mạng chuyên nghiệp nước ta được học tập, rèn luyện và đã tốt nghiệp tại Trường phương Đông. Có khoảng 35 người, lần lượt được tung về Việt Nam, nhưng đáng tiếc chỉ có 13 người trở về được Tổ Quốc. Họ đã dũng cảm, mưu trí, khôn khéo thâm nhập vào quần chúng nhân dân, xây dựng lại cở sở, nhen nhóm lại phong trào. Trong số đó có Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Minh. QTCS trao cho Lê Hồng Phong trọng trách về Trung Quốc chắp nối và thành lập Ban Lãnh đạo Hải ngoại của Đảng. Theo kế hoạch đó, cuối năm 1931, với tấm Hộ chiếu mang tên Vương Dật Dân, Lê Hồng Phong rời Mátxcơva, qua Pháp, về Trung Quốc hoạt động.

Thấm nhuần sự chỉ dẫn của QTCS: “những người cộng sản Đông Dương phải đem ý chí bônsêvích phấn đấu vươn lên, phải đứng mũi vượt cơn phong ba bão táp do bọn đế quốc, tay sai gây ra, kiên trì xây dựng và củng cố phong trào cộng sản ở Đông Dương”, Lê Hồng Phong đến nhiều cơ sở của ta trên đất Trung Quốc tìm bắt liên lạc và gắn kết lại với nhau. Đồng chí đã chủ trì nhiều cuộc thảo luận về tình hình, nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương, kiểm điểm, đánh giá và rút ra những kinh nghiệm từ những công việc đã làm và đề ra nhiệm vụ cần kíp trước mắt. Từ đó mà hình thành Chương trình hành động của Đảng. Sau khi được QTCS thông qua (6/1932), Chương trình hành động của Đảng lập tức được in thành nhiều bản và đưa về phổ biến ở trong nước(6). Chương trình hành động của Đảng năm 1932 chính là Cương lĩnh tối thiểu của Đảng ta trong hoàn cảnh mới có một phần đóng góp đáng kể của Lê Hồng Phong cùng sự quan tâm rất lớn của QTCS.

Đầu năm 1934, sau khi được QTCS tăng cường những cán bộ lãnh đạo có năng lực như Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên…, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do Lê Hồng Phong đứng đầu, làm chức năng của Ban Chấp hành trung ương Lâm thời. Ban này có nhiệm vụ liên kết các chi bộ chưa bị lộ với những chi bộ mới tổ chức lại thành một hệ thống, bồi dưỡng cán bộ và khẩn trương chuẩn bị triệu tập Đại hội I của Đảng.

Trong khi Ban Lãnh đạo hải ngoại đang tích cực chuẩn bị các văn kiện của Đại hội I, Lê Hồng Phong nhận một nhiệm vụ quan trọng khác - dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta rời Ma cao đi Mátxcơva để tham dự Đại hội VII QTCS. Đây là lần thứ hai Lê Hồng Phong quay lại đất nước Lê nin và được sự chỉ dẫn tận tình và có trách nhiệm của Nguyễn Ái Quốc vì Lê Hồng Phong cùng Đoàn đại biểu Đảng ta đến Mátxcơva sớm. Ban đầu, QTCS dự định tổ chức Đại hội VII vào năm 1934, sau hoãn lại tháng 3 năm 1935 và cuối cùng ngày 25/7 Đại hội VII QTCS mới khai mạc tại Trụ sở Xô viết ở Mátxcơva với sự hiện diện của 513 đại biểu thay mặt cho 65 đảng cộng sản và các tổ chức quốc tế. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII gồm có Lê Hồng Phong (Hải An), trưởng đoàn và hai thành viên là Nguyễn Thị Minh Khai (Phan Lan), Hoàng Văn Nọn (Văn Tân); Nguyễn Ái Quốc (Lin) là đại biểu tư vấn. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội. Vấn đề trung tâm thu hút sự chú ý của các đại biểu là báo cáo của của Đimitrốp với tựa đề: Sự tấn công của chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ của QTCS trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất của giai cấp công nhân chống chủ nghĩa phát xít. Trong bản báo cáo của mình, Đimitrốp đặt ra một nhiệm vụ trọng đại cho tất cả các đảng cộng sản trong bối cảnh lịch sử mới là dựa chắc vào khối liên minh công nông, thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, hòa bình và cải thiện đời sống. Đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc, đồng chí chỉ rõ vấn đề mặt trận thống nhất chống đế quốc có một tầm quan trọng đặc biệt, nhưng khi lập nó “điều trước hết cần phải chú ý đến những điều kiện khác nhau mà cuộc đấu tranh chống đế quốc của quần chúng đang diễn ra, trong đó chú ý tới mức độ trưởng thành khác nhau của phong trào giải phóng dân tộc, với vai trò của giai cấp vô sản và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản đối với đông đảo quần chúng”(7), để từ đó mà tìm ra những hình thức và nội dung thích hợp của mặt trận ở từng nước.

Trong phiên họp toàn thể lần thứ  9 ngày 29/7/1935, đồng chí Lê Hồng Phong thay mặt những người cộng sản Đông Dương trình bày trước Đại hội một bản tham luận quan trọng. Với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, đồng chí đã trình bày những hoạt động cơ bản nhất với tất cả những ưu khuyết điểm của nó từ khi thành lập, đồng thời chỉ rõ: “Tình hình hiện nay ở Đông Dương mở ra nhiều khả năng rộng lớn cho việc phát triển cuộc đấu tranh cách mạng và phát triển Đảng của chúng tôi. Đối với chúng tôi, Đại hội QTCS lần thứ VII là một trường học lớn, giúp chúng tôi tiếp thụ kinh nghiệm quý báu của 65 phân bộ quốc tế và trước hết của phân bộ lãnh đạo QTCS là Đảng Cộng sản Liên Xô”(8). Bản báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong được bổ sung để làm sáng tỏ phong trào cách mạng Việt Nam bằng báo cáo của Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn về phong trào cách mạng của phụ nữ và các dân tộc thiểu số trên dải đất Việt Nam.

Với sự hoạt động năng nổ của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng 1930-1931 và uy tín của Nguyễn Ái Quốc trong QTCS, các đại biểu tham dự Đại hội VII của QTCS đã hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh gian nan mà anh dũng của nhân dân Đông Dương vì độc lập dân tộc. Đại hội VII đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong, một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, đầy triển vọng là ủy viên chính thức Ban Chấp hành QTCS và nhất trí thông qua nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của QTCS.

Việc tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động của Đại hội VII là điều kiện thuận lợi giúp Lê Hồng Phong tiếp nhận một cách đầy đủ và vận dụng có sáng tạo nhiệm vụ của QTCS vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta.

Sau khi dự Đại hội về, tháng 7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong đã chủ trì Hội nghị BCHTW tại Thượng Hải, Trung Quốc để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Đông Dương.

Phong trào cách mạng Đông Dương trong những năm 1936-1939, một sự tập hợp lực lượng cách mạng rộng lớn chính là kỳ tích trong việc vận dụng nhiệm vụ trước mắt của QTCS vào hoàn cảnh lịch sử có một không hai ở thuộc địa Đông Dương. Công lao đó có một phần đóng góp to lớn của Lê Hồng Phong, người đã từng học tập, rèn luyện và hoạt động trong nhiều năm trên đất nước Lê nin.

1. Xem. Tạp chí Xưa&Nay, số 43, tr.9.

2. Sophie Quinn – Judge. Ho Chi Minh - The Missing Years 1919-1941. Hurst & Company, London, 2003. P, 92.

3. Tạp chí Xưa & Nay, số 31, tr. 33.

4. Xem thêm bài của P.X trong Đồng chí Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, từ trang 372-380.

5. Sophie Quinn-Judge. Sách đã dẫn, trang 125.

6. Sophie Quinn-Judge. Sách đã dẫn, tr.198 nói tới Trần Văn Giàu có tham gia soạn thảo Chương trình hành động ở Mátxcơva năm 1932 và sau đó mang về nước phổ biến đầu năm 1933.

7. Đimitrốp. Tuyển tập, tr.155.

8. Tham luận của đồng chí Lê Hồng Phong tại Đại hội VII QTCS, đọc tại phiên họp thứ 9, chiều 29/7/1935. Trong:  Đồng chí Lê Hồng Phong, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng, phần Phụ lục, tr, 90.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443660

Hôm nay

2218

Hôm qua

2333

Tuần này

21473

Tháng này

218834

Tháng qua

112676

Tất cả

114443660