Người xứ Nghệ

Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam

Chân dung Anh hùng Lý Tự Trọng

“Con đường của thanh niên, chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Câu nói bất hủ của Lý Tự Trọng - hạt giống Đỏ đầu tiên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cách đây 93 năm về trước đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước cho triệu triệu trái tim tuổi trẻ Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Và ngọn lửa cách mạng ấy vẫn mãi rực sáng trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước hôm nay.

Năm 1914, tại Bản Mạy, Na Khon - Thái Lan, ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Sờm (đều là nghĩa quân Phan Đình Phùng phải tha phương nơi đất khách quê người), vui mừng đón đứa con trai đầu lòng chào đời và đặt tên là Lê Hữu Trọng. Bé Trọng mới 3 tháng tuổi đã được mẹ địu ra đồng cấy lúa, lời ru của người mẹ dần nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé còn ẵm ngửa về tình yêu quê hương, khát vọng trở về đánh đuổi kẻ thù:

                           “Làm trai thù báo, nghĩa đền

                       Cho yên việc nước kẻo phiền mẹ cha

                                      Làm trai yêu nước, quên nhà

                                  Nước kia có chọn thì nhà mới yên”

Năm 1926, đồng chí Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) ở Trung Quốc cử đồng chí Hồ Tùng Mậu về chọn một số con em Việt Kiều ở Xiêm, đưa sang Quảng Châu để đào tạo tiếp. Tất cả các thiếu niên đó đều lấy cùng họ với Bác. Tám thiếu niên được Bác Hồ đặt tên mới gồm Lý Phương Đức, Lý Trí Thông, Lý Phương Thuận, Lý Tự Trọng, Lý Thúc Chất, Lý Văn Minh, Lý Anh Tợ, Lý Nam Thanh.

Tháng 5/1929, Đại hội đại biểu lần thứ nhất hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được tổ chức với sự tham dự của 17 đại biểu đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam ở Xiêm thành công tốt đẹp có sự đóng góp tích cực của Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức, Lý Trí Thông. Đó là lần đầu tiên Lý Tự Trọng được tham gia một nhiệm vụ quan trọng cho tổ chức của mình. Đầu năm 1928, Lý Tự Trọng được đứng vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản do chị nuôi của mình là Lý Phương Đức kết nạp.

 

Mùa hè năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn hoạt động. Vừa về đến Sài Gòn, tấm bản đồ mà đồng chí Uông Văn Khiêm đưa cho là vật bất ly thân đối với anh Lý Tự Trọng khi anh nhận nhiệm vụ liên lạc đặc biệt. Năm 1931, Tổng Bí thư Trần Phú cùng TW dự định sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ hai sẽ giao cho Lý Tự Trọng và một số đồng chí khác trực tiếp bắt tay đẩy mạnh công tác xây dựng đoàn.

Tháng 2/1931, báo chí Sài Gòn đồng loạt đưa tin về vụ ám sát thanh tra mật thám tên là Le Grand, tên mật thám chết tại chỗ nhưng người cầm súng cũng bị bắt, đó chính là Lý Tự Trọng.

Để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Thành ủy Sài Gòn ngày ấy chủ trương tổ chức mít tinh quần chúng vào thời điểm tan cuộc đá banh nằm trên đường Võ Thị Sáu bây giờ. Hết trận đá banh, bà con ùa ra đổ theo đường Trương Định đến đường Điện Biên Phủ thì thấy cờ đỏ dương cao và có tiếng hô: mời đồng bào đứng lại nghe nói chuyện. Tất cả tụ tập ngay trên lòng đường Điện Biên Phủ, người diễn thuyết là đồng chí Phan Bôi nhanh chóng tố cáo tội ác của thực dân, kêu gọi quần chúng đứng lên dưới ngọn cờ của Đảng đánh đổ ách áp bức, giành độ lập dân tộc, Cuộc diễn thuyết chớp nhoáng vừa kết thúc thì cảnh sát ập tới, thấy tên mật thám Le Grand nhảy vào định bắt đồng chí Phan Bôi, Lý Tự Trọng đã không chần chừ, anh nổ súng để bảo vệ đồng đội. Le Grand chết tại chỗ nhưng Lý Tự Trọng đã bị giặc bắt và tra tấn ngay trên đường phố rồi sau đó đưa về giam ở bót Catina, được một thời ngắn thì anh bị chuyển sang Khám lớn Sài Gòn để tiện khai thác. Ở đây có những khu biệt giam và có hẳn một khu đặt máy chém để chém tử tù.

Sự kiện chàng thanh niên 17 tuổi bắn chết thanh tra mật thám làm rung động chính quyền Đông Dương. Báo chí trong và ngoài nước vào cuộc và theo sát sự kiện, Lý Tự Trọng liên tục bị tra tấn rất dã man nhưng anh vẫn không khai bất cứ điều gì. Bất lực trước ý chí của anh, giặc huy động hội đồng gồm những tên chuyên tra tấn tàn ác nhất đến hành hạ anh. Thân hình Lý Tự Trọng nhũn ra nhưng có một sức mạnh thần kỳ khiến tinh thần anh trơ như đá, vững như đồng, không một phút giây dao động. Khi biết anh là Trọng Con, một liên lạc quan trọng của Đảng Cộng sản, giặc Pháp đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn chưa từng có nhưng anh vẫn không khai thậm chí tự cắn vào lưỡi của mình để không nói được. Các báo chí công khai ở Sài Gòn, cả Việt ngữ và Pháp ngữ cũng đã bị kiểm duyệt gắt gao nhưng không báo nào có thể phủ nhận sự gan góc đến kỳ lạ của một người cộng sản trẻ tuổi.

 Thời gian này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở nước ngoài biết chuyện, Người lập tức gửi thư cho Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản và đại diện Đảng Cộng sản Pháp yêu cầu phát động cuộc đấu tranh, tổ chức biểu tình đòi thả tự do cho Lý Tự Trọng. Hành động này đã dấy lên phong trào đấu tranh ở ngay nước Pháp. Để lấp liếm vụ việc, biến thành chuyện đã rồi, chính quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn đã đưa Lý Tự Trọng ra xử tử hình.

 Ngày 17/4/1931, một phiên tòa đại hình được mở ra nhanh nhất đến thời điểm đó. Trong phiên tòa, khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân vì bị can chưa đến tuổi thành niên vì “hành động thiếu suy nghĩ vậy và xin tòa mở lượng khoan hồng” ngay lập tức Lý Tự Trọng gạt phắt lời biện hộ và dõng dạc tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.

Trong hoàn cảnh đất nước đang lầm than dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến, câu nói bất hủ của anh đã thể hiện nhận thức sâu sắc của một đoàn viên thanh niên dù chưa đến tuổi trưởng thành về con đường cách mạng mà Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn đó là muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không thể có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng, đồng thời thể hiện bản lĩnh của một người chiến sĩ cách mạng không hề run sợ trước mặt kẻ thù và hơn hết là tình yêu nước thiết tha luôn rực cháy trong trái tim của một người con xứ Nghệ.

 Trước khí phách kiên cường của Lý Tự Trọng cùng với sự phản ứng của dư luận trong nước, quốc tế và ngay trong lòng nước Pháp, chính quyền thực dân lúc bấy giờ đã không dám xử tử hình công khai mà lén lút đưa anh đi chém vào khoảng 3h sáng ngày 21/11/1931.

Rạng sáng hôm ấy, bọn cai ngục đã chuẩn bị máy chém đến sát cửa Khám Lớn. Lúc này toàn khám náo động tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng la hét, hô khẩu hiệu của hàng nghìn tù nhân vang lên: “Đả đảo thực dân xử tử anh Trọng, đả đảo thực dân giết hại Nguyễn Huy, Trả tự do cho Lý Tự Trọng” từ khám lớn vang ra khắp thành phố tiếng la hét của tù chính trị. Trước giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh bình tĩnh ung dung bước đi và hô vang: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!

Tù nhân trong các nhà giam đồng loạt hô theo, vang cả một vùng trời Sài Gòn. Người thanh niên anh hùng 17 tuổi ấy đã mãi mãi ra đi trong niềm cảm phục, niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí và đồng bào miền Nam lúc bấy giờ.

Nhà báo Pháp Angđơrê Viôlít đã viết về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng như sau: "Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng hô bị nghẹn lại Việt Nam! Việt Nam!".

Cách đây 60 năm về trước, ngày 26/3/1964, nhân dịp kỷ niệm 33 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết về “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng” đăng trên Báo Nhân Dân, bài viết đã nêu một tấm gương sáng của thanh niên trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập cho thế hệ trẻ noi theo, gắng sức thi đua vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong bài viết Bác khẳng định: “Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, Thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Như thế chúng ta mới xứng đáng là thế hệ thanh niên xã hội chủ nghĩa vẻ vang.”

Sau 80 năm hy sinh anh dũng tại Sài Gòn - Gia Định, hài cốt liệt sĩ Lý Tự Trọng mới được tìm thấy tại công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Di vật còn lại khi tìm hài cốt có còng tay, xiềng chân, số tù bị mất một phần, con số cuối cùng là số 3 và một mảnh ván còn sót lại của quan tài. Sáng ngày 4/5/2011, tại quê hương xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Hà Tĩnh, gia đình và dòng tộc họ Lê Hữu đã long trọng tổ chức lễ an táng hài cốt anh hùng Lý Tự Trọng.

Gần một thế kỷ trôi qua, hình ảnh và chí khí của người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên. Cuộc đời hoạt động cách mạng của anh đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Lý Tự Trọng được Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh công nhận là người Đoàn viên đầu tiên với tấm thẻ Đoàn viên danh dự số 1. Tên của anh đã được chọn làm tên một giải thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành trao tặng cho những Đoàn viên thanh niên xuất sắc, đồng thời được đặt cho nhiều trường học và con đường ở nước ta, đó là sự tri ân sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Lý Tự Trọng. Tên tuổi của anh mãi sáng người và trở thành người truyền lửa cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam./.

                                                                        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443987

Hôm nay

2238

Hôm qua

2307

Tuần này

21800

Tháng này

219161

Tháng qua

112676

Tất cả

114443987