Đất Nghệ

Có một thành Vinh trong âm nhạc

Thành Vinh hôm nay bên bờ sông Lam. Ảnh Sách Nguyễn

Kể từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, đã có gần 100 bài hát viết về thành Vinh (Nghệ An) của hơn 30 nhạc sĩ, trong đó có những nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Trần Hoàn, Thuận Yến, Tân Huyền, Trọng Loan, Trọng Bằng, Hồng Đăng, Lê Hàm, Hồ Hữu Thới, Nguyễn Trọng Tạo,… Các nhạc sĩ đã làm nên điều thú vị, đã tạo nên một thành Vinh trong âm nhạc, một thành Vinh được thể hiện BẰNG NGHỆ THUẬT CỦA ÂM THÀNH VÀ CA TỪ.

Trước hết có thể nói, qua các ca khúc, bằng âm thanh, giai điệu và các ca từ, lịch sử thành Vinh hiện lên rất đậm nét. Trong bài hát Trung Đô thuở ấy còn đây, nhạc sĩ Quang Vượng đã sử dụng giai điệu trầm hùng những ca từ giàu tính chất hoài niệm, hồi tưởng để dựng lại lịch sử thành Vinh (lúc đó Vinh được gọi là Kẻ Vạng rồi sau đó Vinh gọi là Yên Trường) hơn 230 năm trước: “Thuở ấy xa xưa nơi đất lành Kẻ Vạng, một dải giang san khí thiêng tươi sáng, xanh ngát bãi bờ núi Quyết dòng Lam. Tấp nập ra vào ngoài Bắc trong Nam. Ngày ấy ai hay náo nức Yên Trường, vó ngựa Quang Trung thắng trận về đây, quân sỹ hò reo, gươm khua, ngựa hí, vâng lệnh vua ban đắp lũy xây thành”. Hơn hai thế kỷ đã trôi qua mà dấu tích lịch sử ấy, vẫn còn đây: “Còn đây, còn đây dấu xưa Thành Cổ Phượng Hoàng Trung Đô cố đô còn đó. Còn đó cõi đất uy linh lừng danh trang sử chói ngời của cha ông. Còn đây thành Vinh lời xưa vang vọng” (Quang Vượng).

 Nhìn chung, các bài hát đều ngân vang những giai điệu đầy tự hào, kiêu hãnh về thành Vinh: “Tự hào thay nơi đây, ngày xưa vị Hoàng Đế Quang Trung với đoàn quân Tây Sơn phất cao ngọn cờ, hào khí quân reo, đại phá quân Thanh, giữ yên bờ cõi, làm rạng danh đất Vinh” (Viết Kì - Thành Vinh hôm nay).

Cổng thành Nghệ An năm 1929. Ảnh: Trần Đình Quán.

Các nhạc sĩ cũng sử dụng tiết tấu nhanh, mạnh, nhịp điệu dồn dập để tái hiện lại hình ảnh thành Vinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Các địa danh Trường Thi, Cồn Mô, Bến Thủy, Làng Đỏ,… xuất hiện nhiều lần trong các ca khúc: Vinh, thành phố thân yêu của ta của Phan Vũ Anh; Vinh, thành phố tuổi thơ tôi của Trọng Bằng; Thành Vinh mùa nắng của Xuân Hòa; Thành Vinh yêu thương của Lê Hàm, v.v… Mỗi nốt nhạc ngân lên một địa danh gợi cho người nghe sự liên tưởng đầy tự hào. Trong bài hát Thành phố Vinh, bài hát không quên, nhạc sĩ Thuận Yến đã dùng những ca từ giản dị miêu tả thành Vinh trong những năm 1930 - 1931 (Xô Viết Nghệ Tĩnh); “Những năm ba mươi thành phố đã xuống đường. Người thợ Trường Thi, người nông dân Làng Đỏ, núi Quyết anh hùng hiên ngang đứng đó. Cờ đỏ bay bay qua mãi thời gian thành tượng đài chiến thắng vinh quang”.

 

Cổng thành Nghệ An hiện nay. nguồn ảnh baonghean.vn

Rồi gương mặt thành Vinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp hiện lên đậm nét trong nhịp hành khúc, và giai điệu đầy khí thế: “Ngày kháng chiến chống Pháp năm xưa, cả thành Vinh lên đường đi đánh giặc xâm lăng cả một thời trai tráng. Dòng máu Nghệ sục sôi bừng bừng đường ra trận, giữa chiến trường bom đạn giục giã Tiến quân ca” (Trọng Loan - Vinh niềm thương mến). Những ca từ đầy ấn tượng: “Với thành Vinh, bao chiến công nối tiếp chiến công” (Quang Vượng - Vinh quang triều đại Quang Trung), “Không thể nào quên thành phố Vinh đã có một thời tự thiêu mình đi kháng chiến” (Hồng Đăng - Người thành phố tôi), “Vinh có thời đã tự mình thành “vườn không nhà trống” để kháng chiến chống Pháp, nhưng Vinh bao giờ cũng nguyên vẹn trong trái tim ta” (Nguyễn Văn Tý - Nhớ thành phố cũ).

Và đây là hình ảnh thành Vinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được các nhạc sĩ làm sống lại trong những khuôn nhạc hùng tráng:“Trong chiến tranh chống Mỹ, phố phường, nhà cửa ở Vinh đâu còn nguyên vẹn, mối căm hờn như lửa cháy - Vinh, thành phố quê ta suốt bao năm kiên cường chiến đấu, súng tép giương cao quyết thắng lũ giặc trời. Bao phen đoàn quân ra trận để hôm nay có độc lập, tự do” (Thanh Lưu - Kí ức thành Vinh). Kiên cường, bất khuất, anh dũng, quyết chiến, quyết thắng, đó là một trong những nét đặc trưng của Vinh trong kháng chiến được toát lên qua những giai điệu, ca từ đầy xúc động, đầy tính chất ngợi ca. Nhiều ca khúc viết về Vinh trong chiến tranh cho tới tận hôm nay vẫn còn sức dư ba, âm vang đầy khí phách, đầy hào khí(Vinh, thành phố thân yêu của ta của Phan Vũ Anh; Thành phố Vinh, bài hát không quên của Thuận Yến; Vinh, những chiều nhớ của Phan Thanh Chương,…)

 Nhưng điều quan trọng nhất là qua các ca khúc, các tác giả đã phát hiện ra vẻ đẹp của con người thành Vinh, tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người xứ Nghệ. Đây là hình ảnh người Vinh với lòng yêu nước nồng nàn, lòng yêu quê hương tha thiết, ý chí, bất khuất, trung kiên, khí phách anh hùng trong chiến đấu: “Thanh niên thành Vinh lên đường đi đánh giặc xâm lăng, cả một thời trai tráng dòng máu Nghệ, dòng máu người thành Vinh sục sôi bừng bừng trên đường ra trận” (Bài hát Vinh, niềm thương mến của nhạc sĩ Trọng Loan), “Mối căm hờn như lửa cháy trong lòng, súng thép vươn lên quyết thắng” (Bài hát Kí ức thành Vinh của Thanh Lưu). Đây là hình ảnh bà mẹ thành Vinh: “Người mẹ thành Vinh tiễn con lên đường. Các anh không về ngày thành phố bình yên. Một trăm năm sau, một ngàn năm sau nỗi nhớ không quên” (Bài hát Thành phố Vinh, bài hát không quên của Thuận Yến). Điều đặc biệt nhất là dù gặp vô vàn hy sinh, gian khổ, ác liệt nhưng con người thành Vinh luôn luôn giữ được cái tâm, cái nghĩa tình sâu nặng, thủy chung, trung thành, tận tụy. “Bóng người mẹ thành Vinh bước thấp bước cao đưa từng nắm cơm cho người chiến sĩ trên mâm pháo, đó là bát cơm đồng chiêm trũng Hưng Hòa, bát canh chua nơi xóm nghèo Đông Vĩnh” (Phan Thanh Chương - Vinh, những chiều nhớ). “Người Vinh no đói cùng nhau mưa nắng dãi dầu, bát cơm, cơi trầu ngọt bùi bên nhau” (Trần Hoàn - Em vẫn chờ).

 Cũng cần nhấn mạnh là khi sáng tác những ca khúc về Vinh, các nhạc sĩ thường gắn hình ảnh Vinh với hình ảnh Bác Hồ. Vinh là thành phố đầu tiên Bác đặt chân trên con đường tìm đường cứu nước: “Thành phố ơi, chúng ta hành quân, lời của Bác sáng trong tim ta” (Lê Hàm - Từ thành phố Đỏ chúng tôi lên đường). Nhạc sĩ Mai Cường bày tỏ: “Vinh nhớ chín mùa Thu Vinh là chiến lũy để có mùa thu đón Bác về thăm” (Bài Thành Vinh mùa thu). “Trên cao tượng Bác uy nghiêm đứng, cháu con từ muôn phương về đây hát bài ca bên chân tượng đài cùng báo công lên Bác” (Văn Thế - Thành Vinh sang trang mới), v.v… Niềm hiêu hãnh, tự hào, cảm xúc yêu thương, trân trọng mà các nhạc sĩ gửi gắm vào trong các bài hát về thành Vinh đều mang được những nét riêng trong phong cách của từng nhạc sĩ. Bài hát viết về Vinh của An Thuyên đã biết khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách có hiệu quả (các bài Nhớ thành Vinh; Vinh một ngày mới). Ca khúc của Trần Hoàn có ca từ tinh tế, âm nhạc có tính trữ tình cao (Bài Em vẫn chờ). Nguyễn Văn Tý biết nghiền ngẫm, chắt chiu và đã quyến rũ được người nghe ở nét duyên dáng trong chất liệu dân ca (Bài Nhớ thành phố cũ). Võ Ngọc Phan biết sử dụng các quãng ngắn, nhịp điệu khá khoan thai, ca từ có tính chọn lọc và hấp dẫn (Bài Với trái tim mình). Thuận Yến biết sáng tạo về âm điệu, ca từ, biết dìu dắt và tạo cảm hứng cho người nghe (Bài Thành phố Vinh, bài hát không quên),…

 Như vậy, một thành Vinh với bề dày hơn 230 năm lịch sử oai hùng vẫn mãi mãi lay động bao tâm hồn nhạc sĩ. Hòa mình vào âm nhạc nhưng người yêu mến Vinh đã khám phá được nét đẹp của tượng đài Vinh thông qua các giai điệu, qua nghệ thuật biểu hiện của những lời ca, khúc nhạc. và hơn hết, các nhạc sĩ đã tìm thấy ở Vinh một phần máu thịt của mình, bóng dáng quá khứ của mình. Chúng ta hy vọng sẽ được tiếp nhận những bài hát hấp dẫn về thành Vinh trên chặng đường mới./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629