Người xứ Nghệ

Danh sĩ Phạm Đình Toái và tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca

Phạm Đình Toái. Ảnh TL

Phạm Đình Toái (1818 - 1901) người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Làng quê ông là một làng khoa bảng nổi tiếng cả nước. Đương thời có câu: “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi”. Trong suốt lịch sử giáo dục, khoa cử Nho học (1075-1919), làng Quỳnh có đến 9 tiến sĩ, 5 phó bảng, và hàng trăm hương cống, sinh đồ (thời Lê), cử nhân, tú tài (thời Nguyễn), trong đó có những học giả xuất sắc như Hồ Sĩ Dương (1622-1682), Hồ Sĩ Đống (1729-1785)… Thân phụ ông là Hương cống Phạm Đình Trọng (đậu năm 1813) là một nhà giáo nổi tiếng hay chữ, làm quan đến chức Đốc học, có nhiều học trò đậu cử nhân, phó bảng, tiến sĩ. Khi làm giám khảo trường thi Thanh Hóa, Phạm Đình Trọng không chịu khuất phục quan đầu tỉnh định tư túi mà mất chức. Cũng ngẫu nhiên trong thời gian ấy, ông thông gia với ông và cũng là người Quỳnh Đôi - Phó bảng Hồ Trọng Điển làm Đốc học và giám khảo trường thi Nghệ An cũng bị chuyển công tác vì lý do tương tự.

Một ông quan cương trực, biết làm kinh tế    

Chịu ảnh hưởng bản tính của cha, của cả người dân xứ Nghệ, Phạm Đình Toái luôn luôn cương trực nên không được lòng quan trên. Sau khi đậu cử nhân (năm 1843) ít lâu, ông được bổ làm quan ở nhiều nơi, từ Sơn Tây đến Quảng Ninh, Bình Định, Kinh đô, giữ nhiều chức vụ từ Huấn đạo, Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chánh, Quản đạo, đến Ngự sử viên ngoại lang. Hàm cao nhất là Tứ phẩm. Hai lần ông bị biếm chức. Lần đầu (1865) khi còn làm việc ở Kinh đô, do bất đồng với phái chủ hòa Phan Thanh Giản, ông bị đẩy đi chống dịch tễ ở Quảng Nam. Không lâu sau đó, ông được khôi phục làm Tri huyện, rồi Quản đạo ở Quảng Trị. Lần sau, khi ông đang dưỡng bệnh ở quê nhà, xảy ra vụ việc các họ kiện cáo tranh chấp nhau trong việc phong Thành hoàng làng, có người lợi dụng tố cáo ông cho người làng quê mình xây đình cao hơn điện Thái Hòa của vua. Vì việc này, ông bị giáng hai cấp. Bấy giờ, ở nhiều nơi giặc cướp nổi lên làm cho dân tình khốn khổ, ông xin mộ quân đi dẹp yên, do đó mới được phục chức Tri phủ Lâm Thao, rồi Án sát Sơn Tây.

Mùa thu năm 1872, đang nghỉ hưu ở Hà Nội, nhân một chuyến về quê, có mấy người cùng tổng đến đề nghị ông giúp đỡ tiền của và đứng chủ trì khai hoang một vùng chua mặn ở cách làng Quỳnh Đôi 5km. Thương dân, ông vui vẻ nhận lời. Ông dời cả nhà sang ở nơi khai hoang. Ông đã tổ chức cho dân ngăn mặn, rửa chua, khai hoang làm nên ruộng vườn tươi tốt. Để có điều kiện chăm lo cho dân vùng đất mới, ông đã bán hầu hết ruộng đất tài sản của mình, còn quyên góp bạn bè và những người hảo tâm. Chưa đến 10 năm đã hình thành nên làng Đồng Xuân với hơn 10 hộ và hơn 30 mẫu ruộng đất. Sống thanh bần giữa những người dân nghèo nhưng lòng ông thanh thản. Ngoài việc chăm lo cho dân sản xuất, ông còn dạy học, bốc thuốc, ngâm vịnh cùng bạn bè. Ông dịch thơ Đào Uyên Minh (365-427) - nhà thơ lớn Trung Quốc thời nhà Tấn mà như làm thơ để nói lòng mình:

“Mái nam ngất ngưởng tựa ngồi

Dừng chân nhà dẫu hẹp hòi cũng yên…

…Giàu sang nào phải lòng ta,

Làng tiên hầu dễ hẹn mà được chưa...”

(Quy khứ lai từ diễn ca)

Năm 1893, trong một đạo sắc vua Thành Thái đánh giá ông “làm việc đầy đủ, học rộng kinh diên, chính sự tài giỏi, một niềm giữ lòng trung, lấy đạo nghĩa chăm mọi việc, nhiều năm khó nhọc, giúp rập hết tài năng”. Vua thừa nhận “một chốc hiểu lầm, nghe lời tấu bậy” và quyết định khôi phục nguyên hàm cho ông, lại còn ban cho ông 4 chữ tỏ lời khen: “Hiếu học, hành thiện”. (Nguồn: http://www.hopham.org).

Một nhà thơ tài năng rất yêu tiếng Việt

Tên tuổi Phạm Đình Toái thật sự nổi bật không chỉ ở quê hương mình. Ông là người có tài văn chương, sở trường về thơ quốc âm. Theo Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (5, tr.403), Phạm Đình Toái là tác giả Quy khứ lai từ diễn ca, Tấn Đường Tống thi diễn âm, Quỳnh Lưu tiết phụ truyện, Đại Nam quốc sử diễn ca. Theo Lại Nguyên Ân - Bùi Văn Trọng Cường trong Từ điển văn học Việt Nam (1, tr.83), các tác phẩm của ông đã được xuất bản như Quy khứ lai từ diễn ca (dịch thơ Đào Uyên Minh) in năm 1872; Văn Vũ nhị Đế cứu kiếp chân kinh dịch ca in năm 1880; Trung dung diễn ca (diễn Nôm 33 chương sách Trung dung) in năm 1891; Khuyến hiếu diễn âm ca in năm 1895; Quỳnh Lưu tiết phụ truyện in năm 1900.

Trong khi hiệu đính và giới thiệu tác phẩm Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục (bản dịch của Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm), nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh còn cho biết, Phạm Đình Toái là tác giả 3 cuốn đầu Quốc triều Hương khoa lục. “Chính ông - tức Cao Xuân Dục (HSH chú) đã viết trong bài Tiểu dẫn Hương khoa lục rằng mình đã thừa hưởng công trình của Phạm Đình Toái (gồm 3 quyển chép từ khoa năm Đinh Mão, đời Gia Long 1807 đến năm Canh Ngọ, đời Tự Đức 1870) mà cụ thể là bản in năm 1873… và chỉ phải bắt đầu tiến hành toàn bộ việc thu thập và xác minh tư liệu, sắp xếp và biên tập nội dung của tác phẩm này từ quyển IV trở đi” (4, tr.17-18).

Nét đặc sắc ở danh sĩ Phạm Đình Toái là tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu tiếng Việt và thể thơ lục bát. Đề tựa tập Quốc âm từ điệu, ông viết: “…nước ta ở mếch về phương Nam, tiếng nói khác với Trung Quốc, học sinh nho giả dù học tập văn từ của Trung Quốc mà nói năng ca vịnh không xa rời tiếng bản quốc, đâu lại có thể cho chữ Hán là thanh tao mà trở lại chê quốc âm mình là thô bỉ được. Thể lục bát hay không tả hết”. Trên tinh thần trân trọng quốc âm, ông có những lời bình luận xác đáng về Truyện Kiều: “Kim Vân Kiều vần điệu réo rắt, chữ câu điêu luyện, nức tiếng miệng người, cả nước truyền tụng, thật là một tập thơ tuyệt diệu của tiếng Việt ta” (6, tr.181-182).

Đại Nam quốc sử diễn ca - một tác phẩm lịch sử giá trị nhờ công danh sĩ Phạm Đình Toái   

Công phu học tập, trau dồi tiếng Việt cũng như mơ ước “muốn bắt chước noi theo (Kim Vân Kiều truyện) để làm đầy đủ thêm khuôn mẫu cho văn hóa viêm bang” đã được Phạm Đình Toái thể hiện trong các tác phẩm diễn Nôm của mình mà tiêu biểu là Đại Nam quốc sử diễn ca, tác phẩm khiến ông được bạn đọc biết đến nhiều nhất.

Diễn ca lịch sử là một thể loại truyện vừa có tính chất sử học, vừa có tính chất văn học. Từ thế kỷ XVII, đã xuất hiện các tác phẩm có tiếng như Thiên Nam minh giám gồm 936 dòng, viết bằng thể song thất lục bát; Thiên Nam ngữ lục có 8136 dòng, viết bằng thể lục bát kèm theo 31 bài thơ chữ Hán được đặt xen vào sau các đoạn kể về từng thời, từng nhân vật xuất chúng. Nhưng phải đến Đại Nam quốc sử diễn ca, thể loại này mới được biết đến rộng rãi. “Đại Nam quốc sử diễn ca được coi là một tác phẩm lịch sử đích thực, một công trình “diễn ca quốc sử” có giá trị truyền đời, bên cạnh những tác phẩm tên tuổi khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục…” (3, tr.219).

Thật ra, Đại Nam quốc sử diễn ca là một công trình của nhiều tác giả. Từ năm 1858, Cử nhân Lê Ngô Cát (1827-1875) làm việc ở Quốc sử quán được tiến cử vào việc sửa sách Sử ký quốc ngữ ca và viết xong sử ca trước năm 1860. Bản này được vua Tự Đức khen, ban thưởng cho một tấm lụa và 2 đồng tiền vàng nhưng chưa được đem in. Chính ông Cát đã ghi sự việc đó bằng câu lục bát ngất ngưởng:

“Vua khen thằng Cát có tài,

Ban cho chiếc khố với hai đồng tiền”

Phạm Đình Toái đã dùng tài năng văn học của mình nâng cao giá trị của bản diễn ca do Lê Ngô Cát soạn thảo. Ông rất sòng phẳng trong việc biểu dương thành quả của người đi trước. Trong Lời thuật ông viết: “Quốc sử diễn ca là do quan Án cao Lê Ngô Cát vâng lệnh soạn, quan Hình bộ Thị lang Phạm công Xuân Quế đã nhuận sắc… chép việc đủ mà rõ, không phải chỉ trẻ con đàn bà nơi đồng ruộng đọc lên mà biết, tuy là văn nhân học sĩ cũng thích xem…”. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những chỗ chưa đạt: “Nhưng lời văn phiền phức, người đọc chê là khó nhớ”. Do đó, ông đã gia công biên tập lại. “Tôi không tự lượng, trộm lấy sách ấy mà cắt bớt đi, rồi lại thêm vào những chỗ thiếu và sơ lược… Trải hai lần rét nóng mới xong thành sách, lại được quan Án nam Phan quân Đình Thực và các quan văn khác cùng nhuận chính thêm, so với những bản cũ thì giản dị mà trang nhã hơn… Nguyên bản của Lê Quân là 1887 câu (3774 dòng - HSH chú ), nay uốn nắn, gọt giũa thành 1027 câu, trong đó dùng nguyên tác 396 câu, đổi mới 631 câu”(2, tr.71-72).

Đại Nam quốc sử diễn ca trình bày ngắn gọn những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc từ thời Hồng Bàng đến hết đời vua Lê Chiêu Thống (1788). Được viết với mục đích đề cao nhà Nguyễn, tác phẩm còn nhiều hạn chế: không nhìn thấy vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, đánh giá sai phong trào Tây Sơn, lại tỏ ra có cảm tình với quân xâm lược Mãn Thanh… Tuy vậy, nhiều trang tác phẩm diễn tả được lòng yêu nước và tự hào dân tộc của Nhân dân ta, lại được thể hiện bằng những câu thơ lục bát nhuần nhị, uyển chuyển nên đã đi vào trí nhớ người đọc bao thế hệ. Các đoạn viết về Phù Đổng Thiên Vương, bà Triệu, Ngô Quyền… và đặc biệt là đoạn viết về Hai Bà Trưng thật cô đúc, khắc họa được bóng dáng lẫm liệt của 2 nữ anh hùng trong không khí chiến đấu và chiến thắng vang lừng của họ:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong,

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Ngàn Tây nổi áng phong trần,

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Hồng quần nhẹ gót chinh yên,

Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành.

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...”

Viết theo lệnh vua Tự Đức, các tác giả gọi Tây Sơn là “ngụy triều”, phải miệt thị Tây Sơn, nhưng khi đề cập đến cuộc hành binh của quân Tây Sơn ra Bắc ngòi bút vẫn tỏ ra khách quan:

Ngọn cờ trỏ lối sơn pha,

Hải Vân đồn trấn đâu là chẳng tan!

Cánh buồm đè lớp cuồng lan,

Cát Dinh, Động Hải quân quan chạy dài”

 Có những câu thơ đầy hào khí chiến thắng:

“Trực khu đến luỹ Nam Đồng,

Quân Thanh dẫu mấy anh hùng mà đang?

Vua Lê khi ấy vội vàng,

Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh.

Qua sông lại sợ truy binh

Phù kiều chặt đứt, quân mình thác oan”

Nhìn chung, tác phẩm đã kế thừa được tinh hoa của các tác phẩm sử học, văn học như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, thơ vịnh sử của các thi nhân tiền bối…, gây xúc động sâu sắc trong lòng người đọc. Xúc động vì cái đẹp trong thơ, xúc động vì những trang sử đẹp, xúc động vì tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn tổ tiên, biết ơn các anh hùng dân tộc.

Tóm lại, Đại Nam quốc sử diễn ca thật sự là một tác phẩm có giá trị trong kho tàng sử học Việt Nam, góp phần quan trọng đưa tên tuổi danh sĩ Phạm Đình Toái - tác giả chủ yếu của nó vào hàng ngũ những danh nhân văn hóa Việt Nam tiêu biểu.

 Tài liệu dẫn:

(1) Lại Nguyên Ân - Bùi Văn Trọng Cường (1995), Từ điển văn học Việt Nam, Q.I, Nxb Giáo dục.

(2) Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, (2004), Đại Nam quốc sử diễn ca (Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên phiên âm - Khảo dị - Hiệu đính - Chú thích - Giới thiệu), Nxb Văn hoá Thông tin.

(3) Chương Thâu (2003), Đại Nam quốc sử diễn ca và vị thế của tác giả Phạm Đình Toái (1817-1901) in trong cuốn Một số nhân vật lịch sử tiêu biểu, Nxb Chính trị quốc gia.

(4) Cao Xuân Dục (1993), Quốc triều Hương khoa lục, Nxb TP Hồ Chí Minh.

(5) Trần Văn Giáp (2000), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb Văn học.

(6) Nguyễn Minh Tấn (CB) (1981), Từ trong di sản…, Nxb Tác phẩm mới.

(7) Đào Tam Tỉnh (2000), Khoa bảng Nghệ An, Nxb Nghệ An.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444000

Hôm nay

2251

Hôm qua

2307

Tuần này

21813

Tháng này

219174

Tháng qua

112676

Tất cả

114444000