Xứ Nghệ ngày nay

TP Vinh thiếu sân chơi bãi tập cho học sinh: Vì sao?

Hiện nay, nhiều trường mầm non và phổ thông tại TP Vinh có diện tích đất chật hẹp, không có sân chơi và bãi tập cho học sinh (HS) vui chơi và luyện tập thể dục thể thao. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trường mầm non Lê Mao phải xây khu vực nhà học, chăm sóc trẻ lên đến 3 tầng. Phòng học của trẻ và phòng làm việc của ban giám hiệu, các phòng chức năng xen lẫn vào nhau. Giờ ra chơi, HS chỉ quanh quẩn trong hành lang chật hẹp. Sân trường rộng khoảng vài chục m2, chỉ để một vài thiết bị đồ chơi có tính chất “làm cảnh”. Trường mầm non Lê Mao có 470 HS, toạ lạc trên diện tích khoảng 700 m2, trung bình mỗi HS chỉ được khoảng 1,5m2, thấp hơn 5 lần so với diện tích tối thiểu theo quy định(1). Nguyên khu vực này trước đây là trụ sở của Phòng GD  thành phố Vinh, sau cơ quan này chuyển đi thì phường tiếp nhận và xây dựng trường mầm non. “HS ở đây quá vất vả, các em không có chỗ vui chơi. Có đồ chơi của cấp trên cấp, chúng tôi cũng chỉ lấy về một vài thiết bị, vì không biết để đâu”, cô Hoàng Thị Nhuần, Hiệu phó nhà trường cho biết. Vì diện tích trường quá chật hẹp, nên nhà trường không thể tiếp nhận được tất cả trẻ trong độ tuổi trên địa bàn phường. Có thời điểm số trẻ huy động nhà trẻ là 273 cháu nhưng trường chỉ nhận được 10 cháu.

Trường tiểu học Lê Mao có 1.535 HS, 34 lớp, trong khi diện tích trường 4.768 m2, nếu theo tiêu chí trường chuẩn thì còn thiếu hơn 4.400 m2. Do diện tích đất hẹp nên trường không có bãi tập, HS vui chơi, học thể dục “tích hợp” tại sân trường. Trường cũng hầu như không còn đất để trồng nhiều cây xanh bóng mát hay làm vườn trường. Nhà trường có nhà thể dục thể thao đa chức năng, diện tích khoảng 250 m2. Trường THCS Cửa Nam cũng chật hẹp, không có bãi tập, nhà trường phải xây dựng một hố nhảy xa tại vùng đất còn bỏ hoang phía trước cổng trường. Trường tiểu học Trung Đô có 1.209 HS, nhưng diện tích đất chỉ có 4.262m2, còn thiếu gần 3.000 m2 mới đạt tiêu chí trường chuẩn (về diện tích). Cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I vào năm 2006, lúc đó HS còn ít cho nên đạt chuẩn về diện tích, còn hiện nay thì không đạt, sĩ số HS/lớp cũng đã vượt quá quy định của Bộ GD- ĐT. Khuôn viên trường đã cố định, không thể mở rộng thêm. Hiện nay phường đã lập dự án xây dựng nhà luyện tập, thi đấu TDTT đa chức năng với kinh phí 5 tỷ đồng, tuy nhiên chưa biết cụ thể lúc nào mới khởi công”.

Theo số liệu của Phòng GD-ĐT Tp Vinh, trong số 31 trường mầm non công lập, nhiều trường đã có sân chơi, sân tập đảm bảo, bên cạnh đó còn có một số trường chật hẹp. Chỉ 30% trường mầm non tư thục, dân lập (tổng số 20 trường) là có diện tích khuôn viên bảo đảm theo quy định. Nhiều nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn cũng có diện tích chật hẹp, chủ yếu là tận dụng các phòng của nhà ở, nên khu vực sân chơi, bãi tập cho HS hầu như không có. 60% trường tiểu học (tổng số 28 trường) diện tích khuôn viên chưa đảm bảo theo quy định. Có nhiều trường quá chật hẹp như trường tiểu học Hồng Sơn, HS phải tập thể dục ngoài hành lang đường. Hệ thống trường THCS cũng có tình trạng tương tự, 70% trường chưa có sân chơi, bãi tập bảo đảm; chỉ chưa đầy 10 trường là có sân cỏ phục vụ các môn bóng đá, trò chơi dân gian…. Một số trường có nhà tập, thi đấu đa chức năng, nhưng diện tích một số nhà không đảm bảo. “Thực trạng thiếu sân chơi, bãi tập cho HS trên địa bàn TP là phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy học môn thể dục cũng như các hoạt động vui chơi của HS, hạn chế về chất lượng chuyên môn, một số hoạt động trong giờ thể dục ở một số trường còn mang tính hình thức”, thầy Nguyễn Đức Lam, chuyên viên Phòng GD- ĐT TP Vinh nói. Theo thầy Lam, một số nội dung dạy học ở một số lớp phải thay đổi vì điều kiện sân bãi không đáp ứng. Một số môn như chạy 100 m, ném bóng, hay chạy trên địa hình tự nhiên nhiều trường sân bãi không đúng chuẩn.

Thực trạng thiếu sân chơi, bãi tập của HS TP Vinh ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất của HS. “Môn thể dục ở một số trường chưa giúp HS phát triển các chỉ số về thể chất theo yêu cầu bộ môn. So với các huyện, bộ môn bóng đá, bóng chuyền của lứa tuổi U15 TP Vinh không phải là mạnh. Chất lượng VĐV các môn chạy của HS TP Vinh cũng không cao bằng các trường huyện - có sân bãi rộng rãi hơn. Sở dĩ TP Vinh có thành tích cao trong các hội thi Hội khoẻ Phù Đổng là vì khi tham dự các giải đấu, các VĐV hầu hết là của “lò” Trung tâm ĐTHLTDTT tỉnh, nhưng gửi học văn hoá ở các trường trên địa bàn”, một chuyên viên Phòng GD- ĐT TP Vinh cho hay. Vị chuyên viên này cũng cho biết một số vị Hiệu trưởng chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục thể chất trong nhà trường, có một số trường dù đã có nhà đa chức năng nhưng chưa sử dụng phát huy hiệu quả.  

Theo ông Ông Nguyễn Trung Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, nguyên nhân tình trạng nói trên là do công tác quy hoạch đất cho trường học còn bất cập, trước đây chưa dự báo đầy đủ sự phát triển số lượng học sinh cũng như nhu cầu của các hoạt động vui chơi, giải trí, TDTT trong nhà trường. “Bây giờ quỹ đất là vấn đề rất nan giải, hầu như không thể mở rộng thêm”, ông Châu thông tin. Một nguyên nhân nữa là trước đây hai cấp 1 và 2 là một trường (PTCS), sau tách ra thành hai trường tiểu học và THCS, phải xây dựng nhiều công trình phụ trợ nên trở nên chật chội. Mặt khác, do những bất cập về quản lý đất đai. Như tại trường THCS Lê Lợi, trước đây, phường đã cấp đất ở cho 5 hộ GV trong khuôn viên trường (khu vực nội trú), nay lại phải cấp kinh phí đền bù (gồm cả đất và công

Về giải pháp, một số trường xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng nhà học thể dục đa chức năng. Tuy nhiên, nhà đa chức năng diện tích và công năng hạn chế, không thể dạy các môn chạy, bóng đá như bãi tập, sân vận động. Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn chưa thể làm được nhà đa chức năng vì thiếu kinh phí. Một số địa phương có kế hoạch dồn trường, chuyển địa điểm như Lê Mao, Trung Đô…nhưng cũng chỉ mới là ý tưởng, còn để đi vào thực hiện còn chưa biết đến bao giờ. Một số giải pháp khác như mở rộng đất nhà trường sang các vùng liền kề còn hoang hoá hay thu hồi đất của các đơn vị sử dụng không hiệu quả để mở rộng trường học cũng không dễ thực hiện. Trường tiểu học Lê Lợi đạt chuẩn mức 2 vào năm 2006, nhưng hiện nay diện tích mới đạt khoảng 50% so với tiêu chí trường chuẩn. Trường THCS Lê Lợi cũng chưa có sân tập, khu vực cho HS học thể dục chỉ là một góc sân trường và một dải đất phía sau nhà học, chật hẹp, không thể đá bóng được. Phường đã có quy hoạch mở rộng khuôn viên hai trường, tuy nhiên còn chưa có kinh phí thực hiện.

Như vậy, đến nay, bài toán quỹ đất cho HS hoạt động vui chơi, tập luyện thể dục thể thao ở TP Vinh vẫn còn chưa có lời giải, và càng ngày càng khó hơn trong điều kiện dân số tự nhiên tăng nhanh, nhu cầu về đất cho các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng lớn. Đành chấp nhận hay tìm cách khắc phục? Và, khắc phục bằng cách nào? Đó là bài toán khó mà chính quyền và ngành giáo dục thành phố Vinh phải tìm cách giải càng sớm càng tốt vì để càng lâu càng khó giải.

………………..

 (1). Theo quy định của Bộ GD – ĐT, đối với vùng đô thị, diện tích mặt bằng tối thiểu của trường học mầm non là 8m2/HS; tiểu học và THCS là 6m2/HS. Trường mầm non phải có phòng giáo dục thể chất, sân vườn gồm: sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung; sân chơi- cây xanh. Trường tiểu học và THCS phải có: Phòng giáo dục thể chất hoặc nhà đa năng; Khu đất làm sân chơi, sân tập không d­ưới 25 - 30% diện tích mặt bằng của trường. Sân chơi phải bằng phẳng, có đồ chơi, thiết bị vận động cho học sinh và cây bóng mát. Sân tập phù hợp và đảm bảo an toàn cho học sinh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440684

Hôm nay

2279

Hôm qua

2309

Tuần này

2588

Tháng này

215858

Tháng qua

112676

Tất cả

114440684