Xứ Nghệ ngày nay

Nên tổ chức quản lý các di tích như thế nào?

Tổ chức, cơ cấu và hoạt động của ban/tổ quản lý nhiều di tích trên địa bàn Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý di tích.

Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, Nam Đàn) được công nhận di tích quốc gia năm 1980. Theo ông Phạm Thương Mại, cán bộ văn hoá xã Khánh Sơn, ban đầu đình do tỉnh quản lý, sau chuyển giao cho huyện và sau đó huyện giao cho xã quản lý. Đến nay vẫn chưa thành lập ban quản lý (BQL) di tích, mà giao cho ông Nguyễn Thiện Tư (77 tuổi) trông coi, mỗi tháng cấp 150 nghìn. Đình nay xuống cấp nghiêm trọng, cửa đóng then cài. Thỉnh thoảng ông Nguyễn Thiện Tư mới mở cửa để quét dọn hoặc cho khách tham quan. Còn tại chùa Cần Linh, BQL di tích do phường thành lập chỉ có tính chất hình thức, vì quyền quyết định mọi việc đều thuộc sư trụ trì. Ông Trưởng BQL chùa (Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam) không biết mỗi năm chùa thu được bao nhiêu tiền công đức, chi tiêu như thế nào…. Còn di tích quốc gia Hang Hoả Tiễn thì “khoán trắng” cho xí nghiệp đá Hoàng Mai quản lý, dẫn đến việc doanh nghiệp này đã tự xây dựng thêm một số hạng mục trong phạm vi bảo vệ I của di tích. 

Hiện nay, hầu hết các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập các ban/tổ quản lý. Tuy nhiên, tổ chức, cơ cấu và hoạt động của ban/tổ quản lý nhiều di tích trên địa bàn Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý các di tích.

Ông Lê Thanh Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá – Thể thao huyện Hưng Nguyên cho biết, trên địa bàn Hưng Nguyên có 27 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 12 di tích quốc gia. Trừ di tích Lê Hồng Phong và di tích nghĩa trang Thái Lão đã có biên chế quản lý, các di tích đã được xếp hạng còn lại đều đã thành lập tổ quản lý, qui mô 5 - 7 hoặc 3 - 5 thành viên. Cơ cấu tổ quản lý gồm cán bộ văn hoá xã làm tổ trưởng, một tổ phó thường trực, các thành viên còn lại phụ trách việc cúng tế, bảo vệ…Bất cập của mô hình này là cán bộ văn hoá xã bận quá nhiều việc nên người quán xuyến thường xuyên là các thành viên còn lại. Trong đó, hầu hết đã cao tuổi, sức khoẻ hạn chế, rất khó khăn trong việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp như thiên tai, hoả hoạn, trộm cướp…Hầu hết các thành viên trong các tổ quản lý cũng không có chuyên môn về bảo vệ di tích/di sản, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về các văn bản quy phạm pháp luật về di sản…Đây cũng là thực trạng chung cho các tổ quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, dẫn tới những bất cập, sai sót trong khâu quản lý di tích như tự ý sửa chữa, nâng cấp các hạng mục của di tích, tự ý tiếp nhập các hiện vật được công đức, chi tiêu tiền công đức không đúng quy định, thiếu sự quan tâm đến di tích…Một số di tích để cho hoang phế, xuống cấp, không có người trông coi, quét dọn, mở cửa thường xuyên. Các di tích là nhà thờ thì khoán trắng cho các dòng họ, các chùa thì do sư trụ trì làm chủ.    

 “Một số tổ quản lý di tích còn có những hạn chế, bất cập dẫn đến những vi phạm trong quản lý di tích, một số di tích chưa được chăm sóc thường xuyên”, bà Trần Mỹ Hạnh, Trưởng BQL Di tích – Danh thắng tỉnh cho biết. Theo bà Hạnh, nguyên nhân của tình trạng nói trên là do các thành viên của các tổ quản lý chỉ hoạt động theo tính chất tự nguyện, không có cơ chế đào tạo, đãi ngộ. Hiện theo qui định di tích cấp tỉnh mỗi tháng được cấp 100 nghìn, di tích quốc gia 150 nghìn/tháng chi phí bảo vệ. Giải pháp từ trước đến nay là tổ chức tập huấn, song hoạt động này cũng không được tiến hành thường xuyên. Cách đây 4 năm, BQL Di tích – Danh thắng có tổ chức tập huấn công tác quản lý di tích, còn các địa phương cũng ít tổ chức. Bà Hạnh cũng cho biết thêm là ngân sách không thể kham nổi việc cấp chi phí cho các tổ quản lý di tích, mà tổ chức này chỉ có thể hoạt động theo phương thức xã hội hoá.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các tổ quản lý di tích. UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích (số 195/2011). Một số di tích đã ban hành quy chế hoạt động, một số di tích chưa ban hành. Tuy về thuật ngữ hành chính gọi chung là “di tích”, nhưng trong thực tế các di tích có nguồn gốc, chủ sở hữu, cách thức hoạt động, vai trò, chức năng đối với cộng đồng khác nhau,, thu hút các tầng lớp nhân dân khác nhau... Cần có quy định mô hình, cơ cấu, chức năng của các ban/tổ quản lý đối với các loại hình di tích khác nhau như di tích cách mạng, di tích là các cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà thờ các dòng họ, di tích là các công trình văn hoá – nghệ thuật, di chỉ khảo cổ, bảo vật quốc gia…. Mỗi loại hình cần có phương thức bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị riêng.    

Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự rà soát, thống kê về thực trạng các ban/tổ quản lý di tích trên địa bàn hiện nay, từ đó tham mưu cơ chế, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức này, nhằm thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, phát huy giá trị các di tích.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443758

Hôm nay

29

Hôm qua

2307

Tuần này

21571

Tháng này

218932

Tháng qua

112676

Tất cả

114443758