Xứ Nghệ ngày nay

Cận cảnh dự án Innov Green (Kì II)

 Cắm Muộn - vùng đất vàng

Có len lỏi vào sâu Cắm Muộn, có chứng kiến những nương lúa, nương sắn xanh mướt mát reo trong gió núi, những đàn trâu, bò ung dung gặm cỏ trên những sườn núi cheo leo, có được nhìn tận mắt, được trò chuyện với từng nhóm nhỏ người dân nơi đây khi họ đang khai thác vàng hai bên khe Cắm, mới hay, mảnh đất này vô cùng quý giá. Mới thấy, bức xúc của đồng bào Cắm Muộn là hoàn toàn chính đáng.

Và, tài nguyên thiên nhiên này lẽ ra phải được đánh giá đúng mức, phải được trân trọng, nâng niu, gìn giữ.

 “Hãy gắng vào nơi dự án InnovGreen trồng rừng để thấy chúng tôi nói lời nói thật”, lời của già làng Lô Văn Tường - người đã rất gần thế giới của “những người ngủ không bao giờ thức” ám ảnh tâm trí khiến chúng tôi không sao ngủ được. Từ mờ sáng, khi Cắm Nọc đang chìm trong màn sương bạc, tất cả đã trở dậy để chuẩn bị cho chuyến ngược rừng. Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh cho biết, Lô Văn Quang - 24 tuổi, con trai thứ của anh sẽ đưa chúng tôi vào vùng đất InnovGreen trồng rừng. Quang nói với chúng tôi, vào chỗ trồng rừng cũng có thể đi bằng xe máy. Nhưng thực tế chẳng mấy đoạn chúng tôi dám ngồi lên xe máy bởi cung đường này quá khủng khiếp. Bên vách núi cao chót vót, bên vực thẳm sâu, đường đất, đá lổn nhổn, trơn trượt bởi cơn dông cách đó một hôm.
 
Dân mất đất sản xuất
 
Trên đường đi chúng tôi gặp không ít người dân đi làm nương, làm rẫy sớm, ai nấy đều cắm cụi, lặng lẽ rảo bước và có vẻ không muốn tiếp xúc với người lạ. Anh Lang Mạnh Hùng (cán bộ Ban tổ chức Huyện ủy Quế Phong, người đưa chúng tôi vào Cắm Muộn) chặn một nhóm người đi ngược đường với chúng tôi và nói bằng tiếng Thái để hỏi chuyện. Họ cho biết từ bản Huồi May đi ra. Hai người đàn ông có tên là Lô Văn ón và Ngân Văn Hòa nét mặt khắc khổ, đầy vẻ cam chịu cho biết: “Dự án InnovGreen đã triển khai trồng lên đến đầu nguồn Huồi May và đã trồng sắp xong. Họ đến trồng rừng gây nhiều phức tạp cho dân lắm”. Chúng tôi hỏi: Phức tạp như thế nào?. Anh Hòa trả lời: “Dân Huồi May bây giờ không có đất làm ăn sinh sống, hầu hết dân bản phải vượt núi sang đất Tương Dương làm rẫy, một số người Khơ Mú thì bỏ sang đất Nậm Nhoóng”. Khi được hỏi: “Dân có va chạm gì với người của dự án không?” - Anh ón rầu rĩ nói: “Người của Dự án nói cấp trên cho họ làm rồi. Vì thế không ai phá đâu!”.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ vất vả chúng tôi tới được bản Na Quyà. Tại đây, Lô Văn Quang đưa chúng tôi đến lán của ông Lô Văn Hát. Ông Hát năm nay 52 tuổi, nguyên là cựu chiến binh thời chống Mỹ, nay ông là Bí thư chi bộ bản Cắm Póm nhưng phải vào tận Na Quyà trồng lúa nước, làm nương, rẫy và nuôi trâu bò. Ông Hát tố khổ: “Dân Cắm Muộn đều thế cả, ngoài Cắm Póm đâu có đất để dân làm. Như nhà tôi đây phải vào tận đây vừa làm nương, phát rẫy vừa nuôi trâu bò… Nương rẫy đã rào cẩn thận nay Dự án vào khoanh đất tranh chấp với dân. Dân bức xúc lắm”. Chúng tôi hỏi lại những chuyện đã được nghe anh Vinh, già Tường kể. Ông Hát xác nhận và cho biết thêm: “Dự án khi vào khảo sát thì hứa thế này, thế nọ. Lẽ ra khảo sát xong rồi phải báo cáo kết quả với xã để xã báo cáo với huyện xin ý kiến chỉ đạo nhưng họ không làm. Họ cũng chẳng có cam kết với dân gì cả. Bây giờ làm Dự án thế này dân không chịu được nữa rồi. Chi bộ 3 bản Cắm vừa rồi đã họp mở rộng với ban quản lý. Chính quyền cấp xã, cấp huyện đã trả lời không đủ thẩm quyền nên không giải quyết được. Tất cả mọi người đều nhận thấy những chuyện liên quan đến dự án InnovGreen phải nhờ Trung ương thôi. Biên bản họp chi bộ ghi đầy đủ rồi”. Để chứng minh Dự án đang tranh chấp đất làm nương của dân, ông Hát đưa chúng tôi đi xem nơi Dự án InnovGreen trồng rừng.
Nơi trồng rừng của Dự án InnovGreen không ở đâu xa mà ngay phía trên lán nhà ông Hát. Chỉ ngược núi chừng 15 phút, chúng tôi đã được nhìn tận mắt giống cây Dự án InnovGreen trồng. Hóa ra, giống cây nguyên liệu của Dự án cũng chỉ là cây keo lai như mọi nơi khác vẫn trồng. Cây của Dự án mới chỉ cao chừng 15 -20 cm và khá thưa thớt. Hỏi nguyên do, ông Hát cho biết, những nơi này là nơi dân bản thả trâu bò. Hiện nay dân vẫn chăn thả ở đây nên cây trồng của Dự án thường bị trâu bò phá. Ông Hát chỉ cho chúng tôi thấy những khoảnh nương rẫy của dân nằm trong khu vực đất Dự án. Những khoảnh nương rẫy này đều được bao hàng rào bảo vệ cẩn thận. Ông Hát nói: Người của Dự án bảo đất này Nhà nước đã giao cho họ và đòi dân giao đất nhưng dân không chịu. Dân bản nói: “Nếu các anh nhổ sắn của chúng tôi, sau này các anh trồng cây chúng tôi sẽ nhổ cây của các anh. Tình hình này mà kéo dài dễ xẩy ra va chạm lắm”.
Chia tay ông Hát, chúng tôi tiếp tục men theo khe Quyà tìm vào khu đất ươm cây giống của dự án InnovGreen. Khu vườn ươm cũng không có gì đặc biệt. Trong khoảng vài trăm m2 đất chỉ ươm duy nhất một loại giống cây keo lai. Vi Văn Cường – người làm công cho Dự án đang trực tại đây cho biết cây keo giống trong vườn không thể sử dụng được nữa vì đã ra rễ cọc dài đến 20-30 cm…
 
Dự án “ngự” trên vùng đất vàng
 
Trước khi vào Cắm Muộn, chúng tôi đã được nghe nói nơi đây là vùng có nhiều vàng sa khoáng. Thế nhưng phải đến khi đặt chân đến địa phận bản Na Quyà chúng tôi mới thực sự được tận mắt chúng kiến người dân nơi đây khai thác vàng.
Từ lều của ông Hát đến vườn ươm cây giống của Dự án InnovGreen chỉ chừng 1km, chúng tôi đếm được tất cả có 5 nhóm người đang khai thác vàng sa khoáng. 4 nhóm đang khai thác bên khe suối, còn một nhóm khai thác bên chân núi. Tất cả những người này đều là dân Cắm Muộn. Có người lạ hỏi chuyện, chụp ảnh họ vui vẻ, hồn nhiên lắm. Những người khai thác vàng cho biết họ chỉ khai thác theo cách thủ công. Cách đãi vàng rất đơn giản, 7 đến 10 người chung nhau đào một cái hố, xúc đất lên cho vào một cái máng có nhiều thang ngăn rồi dùng máy bơm nước vào. Đất đá trôi đi còn những hạt vàng li ti bám lại. Sau đó họ san lấp lại như cũ để trâu, bò không bị sa xuống hố. Theo lời một người dân nếu siêng năng, một ngày cũng được từ 50.000 – 70.000 nghìn đồng/người. Thi thoảng, có người may mắn trúng hố có nhiều vàng được vài ba chỉ… Thấy chúng tôi tỏ ra quan tâm tới những người khai thác vàng, Lô Văn Quang cho biết, dân Cắm Muộn ngoài việc làm nương rẫy, chăn thả trâu, bò thì đi tìm hái lâm sản và khai thác vàng sa khoáng để có thêm thu nhập. Khe Cắm được tạo bởi hai khe Quyà và khe Huồi May trải dài cho hết đất Cắm Muộn rồi hòa vào sông Quàng. Người dân Cắm Muộn hầu như chỉ khai thác vàng bên hai bờ các khe này. Độ này đang là tháng 8 trời hay đổ mưa chiều nên ít người khai thác hơn vì sợ đào hố buổi sớm, buổi chiều mưa lấp mất.
Chứng kiến dân Cắm Muộn khai thác vàng, được nghe lời Lô Văn Quang, ông Hát và nhiều người dân cho biết Dự án trồng rừng nguyên liệu của InnovGreen trải dài từ Na Quyà cho đến tận Huồi May, lại thấy cung đường quá đỗi gian truân vất vả nên chúng tôi cùng có chung suy nghĩ: phải chăng Dự án InnovGreen còn nuôi ý đồ gì khác ngoài việc trồng rừng nguyên liệu?.
Đem những suy nghĩ sau chuyến ngược rừng hỏi Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh, anh nói: “Nhiều ý kiến bảo Công ty này trồng rừng là vì vàng thôi, họ thuê đất 48 năm sau này sẽ khó lường được vấn đề gì sẽ xẩy ra. Thế nhưng cụ thể mục đích của Công ty InnovGreen như thế nào thì tôi cũng không thể biết. Cắm Muộn đúng là vùng đất có vàng. Từ xa xưa, tổ tiên người Thái chúng tôi về đây sinh sống đã biết khai thác vàng rồi. Dân bản bây giờ cứ thế làm theo thôi. Cắm Muộn dịch nghĩa là “ lời nói hay” và còn có thể hiểu là “Vàng vui”, khe Cắm nghĩa là suối Vàng. Những tên gọi này đều thể hiện vùng đất này có vàng. Cách đây gần 20 năm đã từng có đoàn địa chất về đây thăm dò. Mới độ 2 năm trước, Công ty TNHH Thành Tâm về đây đưa giấy phép của Bộ TN&MT trong đó có ghi cho phép thăm dò, khai thác. Chính quyền xã không đồng ý, yêu cầu bỏ chữ khai thác mới cho họ triển khai. Họ khoan lỗ thăm dò hơn một năm rồi mới dừng lại. Chúng tôi đã đề nghị cho chính quyền xã biết trữ lượng nhiều hay ít như thế nào nhưng Công ty Thành Tâm trả lời: Họ chỉ có trách nhiệm báo cáo cho Bộ TN&MT biết!                         
                                                              *
                                          *    *
Rời Cắm Muộn, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ có chức trách ở Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong để trao đổi với họ những điều được nghe, được thấy trong vùng Dự án InnovGreen. Và thật ngạc nhiên, những suy nghĩ của chúng tôi về Dự án này cũng đang là điều họ đang muốn tìm hiểu.
 (Kì III: Đầy ắp nỗi lo)
Nguồn: Lao động Nghệ An

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443284

Hôm nay

2175

Hôm qua

2305

Tuần này

21097

Tháng này

218458

Tháng qua

112676

Tất cả

114443284