Xứ Nghệ ngày nay

Vàng mã vẫn lên ngôi

Trong buổi khởi nguyên, đồ vàng mã, ở mặt nào đó, đã mang tính tiến bộ, tiết kiệm được vật dụng, hạn chế được sự tàn ác, đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của nhiều người. Song, vượt qua giai đoạn đầu ấy, nhất là khi vai trò của thương mại ngày một phát triển, đã góp phần đẩy nhanh hiện tượng “thánh một cân, trần một yến” khiến cho đồ vàng mã “lên ngôi” trong sự tiêu cực của xã hội.

Việc sử dụng vàng mã ở Việt Nam là bắt nguồn từ Trung Quốc. Lịch sử Trung Quốc cho biết rằng : Thời thượng cổ, người chết thường được bó bằng cây củi, rồi bỏ nơi hoang vắng , tới thời Hoàng Đế (2697 trước công nguyên) mới đem chôn. Đương thời, người ta quan niệm chết là chuyển kiếp sang sống ở cõi khác. Vì thế, người chết cũng được chia của để chôn theo.

 

Thời nhà Ân (1765 trước công nguyên) đồ tế khí là đồ dùng thực trong cuộc sống, song dần dần đồ thiết dụng không đủ cho cả người sống. Đến  thời nhà Chu (1121 trước công nguyên), khi xã hội có quý phái (từ thiên tử tới đại phu) và tiện dân (từ sỹ phu đến thứ dân) thì đồ tế khí cũng “phân hóa”. Quý phái mới được chôn theo đồ tế khí (đồ thật), còn tiện dân chỉ được dùng đồ quỷ khí. Và có thể coi đồ quỷ khí là tiền thân của đồ vàng mã về sau. Thời này, vua quan ăn chơi tàn bạo, khi chết thường chôn theo những người mà vua yêu thích. Nhiều người hiền tài bị chết oan khiến nhân dân thương tiếc vô hạn. Và để yên lòng dân, dần dần, người ta đã làm hình người bằng cây cỏ để thay thế. Đó là một bước tiến gần hơn với việc khẳng định sự cần thiết của đồ mã.

Năm 105, Trung Quốc phát minh ra giấy, nhưng phải tới năm Khai Nguyên thứ 26 (737), vàng mã mới được dùng để thay thế đồ thật trong tang ma tế tự. Từ đây, tục lệ đốt đồ vàng mã mới được hình thành và du nhập rộng rãi.

Tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình, chùa, đền mà còn lan sang các cơ quan công quyền quốc doanh, trở thành một nghi thức không thể thiếu của các công ty xây dựng trong các buổi lễ động thổ, khởi công các  công trình...Mỗi năm, có hàng trăm tỷ đồng cháy rụi theo vàng mã. Và đã có một thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cho biết, khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ hàng trăm tỉ đồng cho việc đốt vàng mã trong một năm.

Ở Nghệ An, không khí đốt vàng mã cũng không hề thua kém bất cứ nơi đâu. Nếu bạn có dịp đi lễ Đền Hoàng Mười, Đền Cuông, Đền Cờn, Đền Quả... bạn sẽ được tận mắt chứng kiến phong trào mạnh mẽ đó. Trong các dịp ngày rằm, giải hạn, cầu siêu... người ta chở hàng ô tô vàng mã đến các địa chỉ tâm linh. Vàng mã ở đây không chỉ là những nén hương vàng nhỏ nhắn mà có cả những ngựa chiến, voi chiến...cao quá đầu người. Mỗi gia đình bình thường trong các dịp lễ như ngày rằm, cúng giỗ... cũng tiêu tốn từ 30.000đ đến 50.000đ, nhà nào khá giả mất khoảng 500.000 đến hàng triệu đồng cho việc sắm đồ mã.Và đó cũng là lý do để những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng lò hóa vàng thường xuyên đỏ lửa, cây cối xung quanh héo úa vì hơi nóng, khói và tàn tro bay nghi ngút.  

Với lập luận “dương sao âm vậy”, đồ mã  ngày càng phong phú. Người ta thường lo cho hồn người chết thiếu thốn, và nhất là xuất phát từ “ ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng” mà họ làm nhiều, làm lớn đồ mã để gửi về thế giới bên kia.

Tôi đã tận mắt chứng kiến, có người cúng cho người chết cả máy điện thoại cầm tay bằng giấy, Honda Dream bằng giấy và máy vi tính bằng giấy nữa. Khi còn sống không hiểu người chết ấy có biết sử dụng máy vi tính, điện thoại cầm tay hay xe Honda không? Khôi hài hơn là chuyện một phụ nữ trung niên cùng cô con gái đến mua nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, tivi, xe máy, quần áo, tiền USD bằng hàng mã. Họ còn mua thêm một cô gái bằng giấy, nhưng cũng giày cao gót, cũng váy ngắn, áo lửng. Khi bà mẹ cầm "cô gái" trong tay thì cô con gái cầm ngay chiếc kéo nhỏ đâm lia đâm lịa vào mặt hình nhân thế mạng. Giải thích cho những người xung quanh về việc làm kỳ quặc của cô con gái, người phụ nữ trung niên nói: "Bố cháu làm giám đốc, nay xuống dưới ấy cũng phải gửi cho ông ấy cô thư ký, nhưng phải làm cho nó xấu xí để khỏi trở thành bồ của bố cháu".

Thật là buồn khi các lễ tết truyền thống của người Việt là những ngày để con cháu tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên, đã bị biến thể một cách lạ lùng. Nếu bảo rằng “sự tử như sự sanh” thì thử hỏi những đồ vàng mã ấy khi còn sống có ai tiêu xài được không...

Trong tam tạng kinh của Phật giáo, không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ này. Phật giáo chỉ khuyên các con cái thân thuộc của người chết nên làm các việc như bố thí giúp người nghèo khổ, cúng dường trai tăng, ăn chay niệm Phật và phóng sinh rồi hồi hướng công đức ấy để siêu độ vong linh... Thượng tọa Thích Trực Giác từng phát biểu: “ Người đã mất đâu có chờ người sống đốt quần áo, nhà cửa, tiền bạc để xài... Tiền của nước này mang sang nước khác còn khó được chấp nhận, huống là trên trần gian in xuống cho âm phủ xài”

Có thể nói, kinh tế thị trường đã góp phần làm xô bồ trong lễ bái. Quá nhiều loại vàng mã được sản xuất và đốt tràn lan. Nhiều người cho rằng, những hiện tượng này gắn bó với văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của người dân. Thực ra, vấn đề không phải như vậy. Vàng mã vừa đủ sẽ làm đẹp bàn thờ, biểu hiện lòng tôn kính. Nhưng một khi quá giới hạn, vàng mã đủ loại, tân cổ giao duyên, chỉ dẫn đến mê tín dị đoan. Đó còn là hành động “hối lộ” và trần tục hóa thần linh, làm nặng nề cho kiếp đời đã qua, để rồi kẻ có lợi chỉ là bọn đồng cốt.

Điểm c, khoản 1, điều 18, mục 3, Nghị định 75/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa quy định: “ Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích Lịch sử Văn hóa, nơi công cộng khác bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000. Hình phạt bổ sung là buộc khắc phục ô nhiễm môi trường, cảnh quan”.  Điều 42,43 của Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND các cấp và cơ quan thanh tra chuyên ngành. Nghị định này đã có hiệu lực từ ngày 1.9.2010, nhưng thực tế cho thấy, việc đốt đồ mã ở các di tích lịch sử văn hóa, nơi cộng đồng vẫn diễn ra tràn lan và chưa có ai bị xử phạt. Nhiều người hiện nay vẫn chưa hề biết đến quy định này và một số người biết thì vẫn thờ ơ.

Dẫu biết rằng, việc vận động người dân không rãi đốt vàng mã là việc làm hết sức khó khăn, tế nhị và nhạy cảm , bởi người Việt quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận và cổ tục đốt vàng mã đã in sâu vào văn hóa, được kế thừa bởi nhiều thế hệ. Tuy nhiên, có nhiều nước nằm trong ảnh hưởng của Hán hóa, nho giáo nhưng không còn hiện tượng này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Sigapore...

Thiết nghĩ, các nhà chức trách cần có những biện pháp hữu hiệu để vàng mã không tiếp tục “lên ngôi” tràn lan như vậy. 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443586

Hôm nay

2144

Hôm qua

2333

Tuần này

21399

Tháng này

218760

Tháng qua

112676

Tất cả

114443586