Xứ Nghệ ngày nay
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Các thiếu nữ Ơ Đu trong Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại tỉnh Lai Châu, tháng 11/2023. Ảnh: Hồng Minh
Những bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu tưởng chừng như đã mất đi theo năm tháng và sự biến đổi của văn hóa xã hội. Nhưng rồi nhờ sự nỗ lực của nhiều người, trong đó chủ yếu là những người phụ nữ ở bản Văng Môn, mà hiện nay, những bộ trang phục này lại được hồi sinh. Đó là công lao không nhỏ của một số người phụ nữ nơi đây. Họ không chỉ giúp cho đồng bào Ơ Đu giữ được trang phục truyền thống, mà còn tác động tích cực đến quá trình khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Gần 100 hộ gia đình Ơ Đu sinh sống tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) hiện nay đều chủ yếu từ các xã Kim Đa, Kim Tiến tái định cư về đây từ năm 2006. Họ di cư về thành nhiều đợt khác nhau. Và biến Văng Môn trở thành bản trung tâm tập trung đông nhất của người Ơ Đu ở Việt Nam. Trước đây, người Ơ Đu cũng có trang phục truyền thống. Nhưng do những hoàn cảnh khác nhau, nghề dệt may của họ lại bị lụi tàn dần, họ mặc trang phục của người Thái, hoặc thuê người Thái làm trang phục cho mình. Phần lớn phụ nữ Ơ Đu không biết dệt may. Chính vì vậy mà bộ trang phục truyền thống của họ cùng bị mai một và mất mát dần.
Khi chuyển đến bản Văng Môn, gần như trong bản không còn mấy ai mặc trang phục truyền thống. Trước đó, người Ơ Đu không có bản riêng, mà sống rải rác trong các bản của người Thái, Khơ Mú. Nay tập trung về một bản, có bộ máy quản lý bản, có chi bộ Đảng nên việc bảo tồn bản sắc văn hóa cũng được quan tâm nhiều hơn. Một trong những yếu tố văn hóa quan trọng đầu tiên phải khôi phục là bộ trang phục truyền thống. Như đã nói, phần lớn phụ nữ Ơ Đu không biết dệt may. Và theo quy tắc hôn nhân, phụ nữ Ơ Đu hầu hết lấy chồng người Thái, Khơ Mú và đi về sinh sống ở các bản nhà chồng. Còn phụ nữ về làm dâu ở Văng Môn thì chủ yếu là người Thái và Khơ Mú (chỉ có 3 gia đình là người Ơ Đu kết hôn với nhau mới gần đây). Vậy nên, công việc khôi phục lại bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu lại đặt lên vai những nàng dâu Thái và Khơ Mú, đặc biệt là những phụ nữ Thái làm dâu Ơ Đu bởi người Thái vốn nổi tiếng về nghề dệt may thổ cẩm. Trong số đó, phải kể đến vai trò của hai người quan trọng nhất là bà Vi Thị Dung và bà Lo Thị Nga.
Bà Vi Thị Dung đang dệt thổ cẩm
Bà Vi Thị Dung sinh năm 1947 tại bản Cành Pải, xã Kim Đa, huyện Tương Dương. Từ khi 10 tuổi bà đã được dạy học dệt may. Trong bản của bà chủ yếu người Thái, chỉ có 4-5 hộ gia đình Ơ Đu sinh sống xen kẽ. Năm 1966, khi chưa đầy 20 tuổi, bà kết hôn với ông Lo Hồng Phong là một người Ơ Đu cùng bản. Hai ông bà sinh được 7 người con gồm 4 trai 3 gái. Năm 2007, gia đình bà chuyển xuống bản Văng Môn do quê cũ thuộc vào diện tái định cư để lấy đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Khi về Văng Môn, thấy người Ơ Đu đã tập trung lại với nhau thành một bản nhưng lại không còn trang phục truyền thống. Bà đi trao đổi với cán bộ trong bản và một số người khác tìm cách khôi phục lại bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu. Các cán bộ cũng động viên người dân trong bản ai còn giữ được bộ trang phục truyền thống của ông bà, cha mẹ thì thông báo để xin mượn nhằm tìm hiểu và khôi phục lại. May mắn là bà Dung được bà Lương Thị Hồng đưa cho mượn một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu do bà nội của chồng để lại. Từ bộ trang phục này, bà Dung đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, trao đổi với một số người khác rành về nghề dệt may như bà Lo Thị Nga để cùng tìm cách khôi phục. Qua một thời gian tìm hiểu kỹ và làm thử mấy lần thì các bà cũng khôi phục lại được bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu. Nó không được đúng chuẩn như trang phục của người Ơ Đu trước đây, nhưng cũng được hầu hết người Ơ Đu ở Văng Môn chấp nhận là trang phục truyền thống dân tộc mình. Từ đó, bà Dung bắt đầu tập hợp một số phụ nữ khéo léo và yêu thích dệt may trong bản lại để dạy dệt may và các kỹ thuật để tạo ra một bộ trang phục truyền thống. “Thấy các cộng đồng khác có trang phục truyền thống mà người Ơ Đu không có thì cũng thấy buồn. Tôi về làm dâu Ơ Đu đã hơn một nửa thế kỷ, chồng tôi là người Ơ Đu, các con tôi cũng là người Ơ Đu, nên thấy mình cũng có trách nhiệm để khôi phục bộ trang phục cho con cháu. Nghĩ vậy nên tôi hỏi cán bộ và một số người khác. Họ đều ủng hộ, thế là chúng tôi làm. Phải qua mấy lần thất bại chúng tôi mới làm được một bộ hoàn chỉnh và ưng ý. Bây giờ thì có gần hai chục người trong bản có thể dệt, thêu, nhưng cắt may thì khó hơn. Nếu cắt may không chuẩn thì sẽ làm hỏng tấm vải và bộ trang phục cũng không thể đẹp được. Nên nhiều người sau khi dệt và thêu xong thì mang đến nhờ tôi cắt giúp và chỉ cho may để chắc chắn hơn. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có trang phục truyền thống trong nhà để dùng khi cần. Thấy vậy mà vui vì những cố gắng của mình và mọi người đã có kết quả”. Bà Dung tâm sự.
Nghệ nhân Ơ Đu trình diễn nghề dệt thổ cẩm trong Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại tỉnh Lai Châu - tháng 11/2023. Ảnh: Hồng Minh
Cũng như bà Dung, bà Lo Thị Nga là một phụ nữ Thái về làm dâu Ơ Đu. Bà Nga sinh năm 1972 tại bản Pủng, xã Kim Đa. Từ nhỏ cũng được học nghề dệt may từ mẹ và khá khéo tay trong nghề này. Năm 1992, bà kết hôn với ông Lo Văn Tới, một người Ơ Đu ở bản Cam gần nhà. Đến năm 2006 thì gia đình bà tái định cư đến bản Văng Môn sinh sống. Khi bà Vi Thị Dung trao đổi ý định khôi phục lại trang phục truyền thống của người Ơ Đu thì bà Nga cũng tham gia nhiệt tình và trở thành cộng sự quan trọng nhất với bà Dung. May mắn đến với bà khi trong đống đồ cũ của bố chồng còn giữ được một bộ trang phục truyền thống của đàn ông Ơ Đu. Thế là bà Nga lấy bộ trang phục này ra giặt sạch phơi khô rồi mở ra để nghiên cứu từ đường kim mũi chỉ. So với trang phục nữ thì trang phục nam cũng đơn giản hơn, ít hoa văn thêu thùa, nhưng lại đòi hỏi về chất nhuộm và sự chắc chắn của đường may. Từ đó, bà khôi phục lại bộ trang phục truyền thống của đàn ông Ơ Đu. Hiện tại, bộ trang phục này đã phổ biến với người dân Ơ Đu ở bản Văng Môn. Bà Nga chia sẻ: “Từ khi về làm dâu Ơ Đu, tôi thường hỏi bố mẹ chồng về các phong tục tập quán của bên chồng để chuẩn bị cho việc thực hành trong gia đình. Qua đó, tôi có một ít hiểu biết về văn hóa bên chồng. Nhưng do ở quê cũ, chủ yếu là người Thái nên cũng chẳng quan tâm đến việc khôi phục trang phục truyền thống của người Ơ Đu. Khi tái định cư về đây, Nhà nước quan tâm hơn đến việc khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của người Ơ Đu nên tôi nghĩ mình cũng có trách nhiệm đóng góp. Thế nên tôi mới tìm tòi lại đồ đạc cũ của bố chồng để lại và có được bộ trang phục cũ để tìm hiểu và khôi phục. Hiện tại, khá nhiều người trong bản đã biết may bộ trang phục truyền thống Ơ Đu. Nhưng phần lớn người ta vẫn mua của tôi và bà Dung may là chính”.
Già làng Lo Văn Cường với trang phục truyền thống của đàn ông Ơ Đu
Có thể nói, để có bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu ở bản Văng Môn hiện nay, cả trang phục nam và nữ, công lao của bà Vi Thị Dung và bà Lo Thị Nga là rất lớn. Không chỉ tìm kiếm và khôi phục lại, hai bà còn truyền nghệ cho nhiều phụ nữ trong bản. Số khung cửi trong bản cũng tăng lên đánh kể. Ban đầu chỉ có hai khung cửi của bà Dung với bà Nga, này đã có hơn chục khung cửi. Năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ cho 20 khung cửi để phát triển nghề dệt may, nhưng chỉ một nửa trong số đó hoạt động được. Qua sự giúp đỡ của bà Dung và bà Nga, nhiều người Thái và Khơ Mú về làm dâu ở Văng Môn đã biết dệt may. Hình ảnh nhiều người phụ nữ trong bản cùng tập hợp nhau lại vừa thêu may vừa trò chuyện vốn đã biến mất lâu rồi nay lại sống lại và dần phổ biến hơn. Nhiều người đã tự dệt may trang phục cho gia đình sử dụng. Còn những gia đình không có người dệt may được thì họ phải đặt mua của nhà bà Dung và bà Nga với giá một bộ trang phục đàn ông là 300 ngàn đồng và trang phục cho phụ nữ là 600 ngàn đồng. Mỗi gia đình đều có trang phục truyền thống để mặc khi cần thiết. Con cái đến trường cũng cần một bộ để mặc vào ngày lễ chào cờ hoặc các lễ lớn. Công việc dệt may của bà Dung và bà Nga cùng vì vậy mà phát triển hơn, tạo ra một nguồn thu nhập nhất định. Quan trọng hơn, các bà đã làm sống lại bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu, qua đó góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắn văn hóa dân tộc thiểu số rất ít người này.
Trong danh mục Thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979, Ơ Đu là dân tộc đứng cuối cùng với dân số còn lại rất ít ỏi. Qua nhiều thế hệ sinh sống rải rác và xen kẽ với các cộng đồng khác nên bản sắc văn hóa dân tộc Ơ Đu bị mai một, mất mát gần hết. Vài thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước không ngừng xây dựng và thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ cho người dân Ơ Đu khôi phục văn hóa, phát triển kinh tế để theo kịp và bình đẳng với các cộng đồng khác. Đó là những nỗ lực to lớn của chính quyền dành cho đồng bào. Nhưng trong quá trình đó, cũng có đóng góp to lớn của nhiều người dân bình thường như bà Vi Thị Dung, bà Lo Thị Nga trong việc khôi phục bộ trang phục truyền thống và làm hồi sinh những khung cửi ở Văng Môn hay những người khác trong những lĩnh vực khác. Bà Dung, bà Nga được coi là những người ngoại tộc. Họ là những người Thái về làm dâu Ơ Đu, nhưng họ đã góp phần to lớn của mình vào việc khôi phục bản sắc văn hóa Ơ Đu. Như ông Lo Xuân Tình, Bí thư Chi bộ bản Văng Môn đánh giá: “Người Ơ Đu chúng tôi còn quá ít người, lại khắt khe trong việc kết hôn và không cho con em trong tộc lấy nhau vì cùng một họ. Thế nên phụ nữ thì đi làm dâu dân tộc khác, còn đàn ông thì lấy người dân tộc khác về làm vợ. Cứ như vậy mà phụ nữ người Thái và Khơ Mú lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống của các gia đình ở Văng Môn. Chính họ đã và đang giữ gìn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu”./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)
tin tức liên quan
Videos
Quan hệ giữa họ Trần và họ Sử qua bản gia phả họ Trần ở Ân Phú mới phát hiện
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi)
Chợ quê giữ lại hồn quê những gì?
Ngành Văn hóa Nghệ An - 79 năm đồng hành cùng đất nước
Thống kê truy cập
114504825
2248
2287
22295
211698
121356
114504825