Xứ Nghệ ngày nay

Quỳ Hợp - Những dự án tai tiếng (Kỳ 1)

Những tưởng, Quỳ Hợp độ này sẽ rất vui bởi sắp đến ngày kỷ niệm 10 năm xây dựng huyện điểm văn hóa. Thế nhưng không, lên đây chúng tôi toàn nghe “nóng” chuyện các chương trình dự án 135 bị xà xẻo, mấy dự án khách sạn, nhà liền kề, trung tâm thương mại ngự lên đất sân vận động, hiệu sách nhân dân…

 
Sân vận động đang động đang bị san dọn để xây khách sạn và nhà liền kề
 
 
Dự án phi văn hóa!
Rất nhiều người dân Quỳ Hợp chua chát diễu cợt với nhau như thế. Bởi lẽ theo họ, tiếng là huyện điểm văn hóa mà hồ Thung Mây - niềm tự hào, nơi tạo nên nét duyên thầm cho phố núi - đã bị một dự án trung tâm thương mại cao chóc ngóc 7 tầng đang xây dựng xâm phạm, còn sân vận động lại bị san phẳng để chuẩn bị xây khách sạn và nhà ở liền kề. Công viên thì cho dự án thương mại vào. Sân vận động để trẻ con chơi thể thao cũng đem bán… Ông chủ quán phở Minh Thu nhà ngay cạnh sân vận động, cười buồn: “Huyện lấy lý do đã xây sân vận động đa chức năng thì bỏ sân vận động cũ. Dân thị trấn chúng tôi đề nghị UBND thị trấn kiến nghị để sân vận động lại cho thị trấn quản lý làm chỗ cho trẻ em chơi thể thao và các hoạt động phong trào nhưng không được UBND huyện chấp thuận. Dự án lấy một phần nhỏ của sân vận động để xây dựng khách sạn, còn lại làm nhà liền kề. Trong khi đó, bọn nhỏ của thị trấn lại không có sân chơi. Dân bức xúc lắm”.
 
 
Nhà truyền thống của huyện sẽ nép mình bên cạnh Trung tâm thương mại cao 7 tầng
 
Hai dự án ngự lên sân vận động và hiệu sách nhân dân cùng bám mặt đường 532 (quốc lộ 48C) và cách nhau chưa đầy 1km. Hiện nay, đất của hiệu sách nhân dân đã nhường chỗ cho dự án trung tâm kinh doanh đá và thương mại tổng hợp của Công ty cổ phần Khoáng sản và thương mại Trung Hải, còn sân vận động thì đang được chủ đầu tư là Ban quản lý dự án số 2 - Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An san mặt bằng chuẩn bị xây dựng dự án Khu khách sạn và nhà ở liền kề. Là huyện điểm văn hóa, đương nhiên các xã, thị trấn của huyện Quỳ Hợp đều phải có sân vận động riêng để phục vụ nhu cầu thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Thị trấn chưa có sân vận động, vậy nên khi huyện xây sân đa chức năng tại sao không bàn giao sân vận động cho thị trấn? Hơn nữa, sân vận động huyện chỉ rộng hơn 6.000m2, nếu kêu gọi dự án xây dựng khách sạn, nhà liền kề tạo điểm nhấn thì rõ là không hợp lý. Ở cuối thị trấn, các khu đất phía trên cầu Nậm Tôn chỉ cách trung tâm chừng 2km rộng mênh mông, nếu thực sự muốn phát triển đô thị, tại sao lãnh đạo huyện Quỳ Hợp không mời nhà đầu tư vào đấy? Công viên hồ Thung Mây là một thắng cảnh chẳng dễ gì có được. Lý ra để tô điểm thêm vẻ đẹp cho hồ Thung Mây, huyện Quỳ Hợp phải triệt để loại bỏ những công trình dân sinh quanh vành đai hồ. Đằng này, đã không giải tỏa mấy ngôi nhà dân lại còn chấp nhận cho một dự án thương mại ngất nghểu tới 7 tầng mọc lên phá vỡ cảnh quan chung. Nhìn ở góc độ quy hoạch đã thấy dở, nhìn từ góc độ văn hóa thì lại càng thấy dở hơn. Hiệu sách nhân dân là công trình nằm trong hệ thống thiết chế của huyện điểm văn hóa. Trước đây, toàn bộ phần vành đai Công viên hồ Thung Mây bám đường 532 là một chuỗi các công trình văn hóa du lịch như hiệu sách nhân dân, nhà truyền thống huyện, cung văn hóa thiếu nhi… rất bài bản, hợp lý. Nay loại bỏ hiệu sách nhân dân để chèn vào một dự án thương mại là một việc làm phi văn hóa. Đứng ở đối diện đường trông sang, Dự án trung tâm kinh doanh đá và thương mại tổng hợp mới xây tới tầng 2 nhưng đã khiến Nhà truyền thống Quỳ Hợp khuất lấp vì bị dự án mới chắn tầm nhìn, vừa nhem nhuốc vì vật liệu xây dựng ngổn ngang…
 
 
Trung tâm thương mại đã lên tầng 2
 
Chủ trương của Thường vụ Huyện ủy?
Để làm rõ những điều được nghe, được thấy, chúng tôi đã tìm gặp khá nhiều những cá nhân có trách nhiệm cấp thị trấn và cấp huyện. Nhưng những người chúng tôi gặp đều nói về hai dự án rất chung chung và nhất quyết không cung cấp hồ sơ liên quan. Bản vẽ quy hoạch chung của thị trấn Quỳ Hợp đã được phê duyệt năm 2008 cũng không được xem. Chỉ đến khi gặp Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp Nguyễn Thanh Quỳnh, chúng tôi mới được biết chính xác là Công ty CP khoáng sản và thương mại tổng hợp Trung Hải sẽ xây dựng một trung tâm thương mại cao 7 tầng trên nền đất 240,5m2. Ngoài ra, ông Quỳnh cung cấp thêm cho chúng tôi Báo cáo số 19 của UBND thị trấn Quỳ Hợp về việc thực hiện các quy trình xem xét cho Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải khảo sát địa điểm thực hiện dự án.
Báo cáo có nêu khá nhiều lỗi phạm của Công ty CP Phát hành sách Nghệ An và việc trả đất Hiệu sách nhân dân của công ty này (nội dung này sẽ đề cập ở một bài viết khác). Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là qua Báo cáo 19, Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải thể hiện rõ là một đơn vị rất có “quyền”, có “lực”. Họ thực hiện các quy trình, thủ tục để được giao đất với tốc độ cực nhanh. Ngày 17/7/2011, Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải làm tờ trình lên UBND thị trấn xin khảo sát lựa chọn địa điểm thực hiện dự án. Ngay ngày 18/7/2011, UBND huyện Quỳ Hợp đã đồng ý và có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Xây dựng. Ngày 25/7/2011, Sở Xây dựng có công văn về địa điểm quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại thì ngày 26/7/2011, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định 2922/QĐ.UBND-CN cho phép doanh nghiệp khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng tại khu vực khối Bắc Hồ, thị trấn Quỳ Hợp. Với Quyết định 2922, ngày 15/8/2011, Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải đã ngang nhiên tiến hành triển khai xây dựng dự án. Khi UBND thị trấn Quỳ Hợp ra thông báo đình chỉ xây dựng, doanh nghiệp này đã tìm cách xin hoàn tất các thủ tục. Ngày 5/10/2011, Sở Xây dựng có công văn thẩm định mặt bằng quy hoạch tổng thể trung tâm kinh doanh đá và thương mại tổng hợp tại thị trấn Quỳ Hợp thì ngày 6/10/2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch.
Nguyên do nào mà dự án trung tâm thương mại, khách sạn, nhà liền kề lại được chấp thuận cho thực hiện trên đất sân vận động và hiệu sách nhân dân?. Tìm gặp Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Cao Thanh Long thì được biết việc hai doanh nghiệp thực hiện dự án là theo chủ trương thu hút đầu tư của Thường vụ Huyện ủy. Khi chúng tôi hỏi: Ở góc độ quy hoạch và văn hóa, tại sao lại để một doanh nghiệp xen vào phá vỡ chuỗi các công trình văn hóa trên công viên như thế? Ông Long nói: “Tôi đã từng ngăn cản nhưng không ngăn cản được. Doanh nghiệp đã xuống tỉnh và được tỉnh cho chủ trương. Tỉnh cho chủ trương thì huyện phải chấp nhận làm”. Với câu hỏi: Một vị trí như thế liệu đặt một dự án cao tới 7 tầng có hợp lý? Ông Long trả lời: “Cái đó tỉnh cho chứ tôi không cho. Tôi làm gì đủ thẩm quyền để cho doanh nghiệp thuê đất”. Huyện có đồng thuận, trình lên tỉnh thì tỉnh mới có ý kiến chứ? Theo ông Long thì: “Không trình thì người ta cũng lên xem. Tôi làm theo chủ trương của Thường vụ, cứ sang Huyện ủy gặp Bí thư thì rõ”.
(Còn nữa)
Nguồn: Lao động Nghệ An

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443768

Hôm nay

219

Hôm qua

2307

Tuần này

21581

Tháng này

218942

Tháng qua

112676

Tất cả

114443768