Xứ Nghệ ngày nay

Tương Dương: Phòng chống tệ nạn ma túy gắn với xây dựng môi trường văn hóa

Là huyện miền núi phía Tây Nghệ An, Tương Dương có 4 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với 58 km đường biên, có đường quốc lộ 7 chạy qua và nhiều đường tiểu ngạch sang Lào thuận lợi cho bọn tội phạm ma túy hoạt động. Cùng với mặt bằng dân trí thấp và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên Tương Dương từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma tuý (TNMT). Thời gian qua, huyện Tương Dương đã nỗ lực phòng chống TNMT bằng nhiều biện pháp, trong đó xây dựng môi trường văn hóa được xem là biện pháp hữu hiệu góp phần đẩy lùi TNMT trên địa bàn.

 

TNMT vẫn đang là thách thức

Do địa hình miền núi hiểm trở, sát với biên giới nước bạn Lào, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế nên Tương Dương trở thành nơi lý tưởng để ma tuý tràn vào qua 4 xã biên giới bằng các con đường tiểu ngạch. Từ đây ma tuý được đưa đi khắp mọi miền với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Có "cầu" ắt có "cung". Xét về TNMT thì Tương Dương được xếp thứ nhì của tỉnh (sau thành phố Vinh) với 1.117 con nghiện, 6/18 xã trọng điểm về TNMT. Hậu quả của nghiện MT thì mọi người hẳn đã rõ: sức khỏe bị tàn phá, kinh tế gia đình bị khánh kiệt, tội phạm và các tệ nạn xã hội khác cũng nảy sinh từ đây. Nguy hiểm hơn, MT đang là bạn đồng hành của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Tương Dương cũng là địa bàn có số người nhiễm HIV/AIDS khá cao (hiện có hơn 640 người), trong đó 245 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 185 trường hợp đã tử vong do AIDS. Phần lớn số người nhiễm HIV là do tiêm chích ma tuý (chiếm hơn 90%).

Công tác cai nghiện và quản lý sau cai ở Tương Dương đang hết sức khó khăn. Đa số bà con nơi đây do nhận thức còn nhiều hạn chế nên cố tình che giấu khi con em mình nghiện ngập, thậm chí không chịu hợp tác với chính quyền địa phương để đi cai. Vấn đề hỗ trợ sau cai đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cách thức tổ chức và tâm lý nhân dân còn trông chờ, ỷ lại cho chính quyền bởi vậy tỷ lệ tái nghiện vẫn còn khá cao.

Xã Tam Thái từng là một "điểm nóng" về ma túy của huyện, giờ đây đã giảm nhiệt với 5/8 bản đã được công nhận là bản văn hóa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu như các bản đều có con nghiện. Anh Lương Văn Thảo - Trưởng Công an xã Tam Thái giải thích: "Trước khi công nhận bản văn hóa thì chưa có con nghiện, công nhận được vài năm thì các con nghiện đi cai lại về tái nghiện. Cứ như vậy, bắt con nghiện đi cai thì số con nghiện ở xã giảm, cai về rồi lại tăng. Hiện nay, xã có 25 đối tượng nghiện, trong đó nhiều người đã đi cai nhiều lần. Cả xã duy nhất có một trường hợp từ trước tới nay cai nghiện thành công là anh Moong Văn Hợi ở bản Cánh Tráp".

Tình hình TNMT trên địa bàn huyện Tương Dương đã và đang gây nhiều tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực sự là một rào cản trên con đường thoát nghèo của huyện (hiện Tương Dương là một trong 62 huyện nghèo của cả nước).

Phòng chống TNMT gắn liền với xây dựng môi trường văn hóa

Khi nói tới những biện pháp phòng chống tệ nạn ma tuý, anh Lương Văn Toại – cán bộ phòng LĐ-TBXH huyện Tương Dương chia sẻ với chúng tôi cách làm mà lâu nay huyện đang tích cực triển khai, đó là xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh, với các việc làm thiết thực như giảm tỷ lệ đói nghèo, nâng cao trình độ dân trí, xóa bỏ những tập tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc, hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao trình độ quản lý bộ máy chính quyền…Và xem đây là biện pháp phòng chống ma tuý hiệu quả và bền vững nhất.

Đối với công cuộc giảm nghèo, chính quyền từ huyện xuống xã đã có nhiều nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm từ 58,9% (năm 2007) xuống 53,5% (năm 2009). Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai các mô hình như: mô hình trồng khoai sọ, mô hình thâm canh lúa lai, mô hình trồng cỏ voi chăn nuôi bò, mô hình thâm canh cây gừng, mô hình trồng cây bí xanh, mô hình nuôi cá lồng, mô hình trồng cây keo lai... thu hút hàng trăm nông dân tham gia và tổ chức hàng chục lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân... đã thật sự phát huy kết quả và có tác động tích cực cho mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - Việc thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, nâng cao dân trí, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong dòng họ để tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ tái trồng cây thuốc phiện...đã góp phần tích cực hạn chế tệ nạn ma túy trên địa bàn.Tổ liên gia tại các thôn bản phát huy tốt vai trò, nắm chắc hộ khẩu, hộ tịch, người tạm trú, tạm vắng, tích cực nhắc nhở, giáo dục đối với những người thường xuyên đi làm ăn xa cảnh giác với tệ nạn ma túy xâm nhập địa bàn. Huyện ủy cũng đã ban hành Đề án Cai nghiện ma tuý, quản lý và giải quyết việc làm sau cai; Đề án đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng thiết chế VHTT-TT đồng bộ, đồng thời ban hành các chỉ thị về việc thực hiện các đề án trên.

Đối với công tác tuyên truyền, huyện đã chú trọng đổi mới, da dạng hóa nội dung tuyên truyền dưới các hình thức họp bản, tổ chức tọa đàm, tuyên truyền bằng tờ rơi, sách báo, hay giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiểu phẩm có nội dung phòng chống ma túy. Ngoài ra, các cấp chính quyền đã tổ chức các phong trào vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn ANTT và phát động phong trào 5 không “không sản xuất, không mua bán, không tàng trữ, không sử dụng, không vận chuyển trái phép chất ma tuý”, xây dựng khu dân cư tiên tiến ...

Ở các thôn bản, công tác phòng chống TNMT cũng được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa nội dung phòng chống ma túy vào quy ước, hương ước thôn bản để mọi người dân nêu cao ý thức chấp hành. Bên cạnh đó, với nỗ lực xây dựng được 64/151 làng, bản văn hóa, trên 8.000 gia đình công nhận gia đình văn hóa đã góp phần tạo nên môi trường trong sạch, lành mạnh ngăn ngừa tội phạm và TNMT xâm nhập.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống TNXH huyện cũng được kiện toàn, quan tâm tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và gia đình, đồng thời đưa người nghiện nặng đi cai tập trung tại các Trung tâm giáo dục LĐXH của tỉnh. Chính nhờ những nỗ lực trên, mà hiện nay toàn huyện có 65 xóm, bản không có người nghiện ma tuý, 470 đối tượng nghiện ma tuý được cai nghiện tại cộng đồng và gia đình, mô hình "Toàn dân tham gia xóa địa bàn phức tạp về ma túy" tại bản Xiềng Líp (Yên Hòa), bản Chà Lúm (Yên Tĩnh), bản Chon (Xiêng My) đã phát huy được tác dụng.

Người dân Tương Dương hôm nay đã không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác vận động gia đình, bạn bè, người thân kiên quyết không sa vào TNMT, tích cực tố giác các loại tội phạm khi phát hiện trên địa bàn. Ông Vi Quang Tiến, Bí thư chi bộ bản Phòng (xã Thạch Giám) cho biết: "Người Thái chúng tôi từ xưa đến nay trong gia đình, ông cha thế nào thì dạy con cháu thế ấy. Các cụ đã dạy không ai được vi phạm điều cấm. Nếu sử dụng ma tuý là tự giết bản thân, gia đình, dòng họ mình và ảnh hưởng đến xóm, bản. Từ đó đến nay, chúng tôi kiên trì, giáo dục con cháu mình, không để chúng mắc phải các thói hư, tật xấu của xã hội ”.

Những nỗ lực để tạo nên một môi trường văn hóa trên địa bàn huyện Tương Dương trong những năm qua đã góp phần hạn chế và ngăn ngừa TNMT, và chính việc phòng chống TNMT đã làm cho môi trường văn hóa ở đây trở nên trong sạch, lành mạnh hơn. Có thể nói, phòng chống TNMT gắn liền với xây dựng môi trường văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời.

Dù còn nhiều gian nan phía trước nhưng tin rằng, với sự nỗ lực đồng lòng của tất cả mọi người, bình yên sẽ về với vùng biên giới phía Tây Nam tỉnh nhà.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434643

Hôm nay

2263

Hôm qua

2310

Tuần này

21293

Tháng này

211691

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434643