Xứ Nghệ ngày nay

Giáo viên tiểu học ở Nghệ An thừa hay thiếu?

Tại phiên họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An vào dịp cuối năm 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An công bố cả tỉnh hiện thừa 3.350 giáo viên, trong đó có thừa 1.483 giáo viên cấp tiểu học và 1.867 giáo viên cấp trung học cơ sở.

Tiếp nhận thông tin Nghệ An “thừa 1.483 giáo viên cấp tiểu học”, chúng tôi thực sự băn khoăn. Vì theo suy nghĩ cá nhân, chúng tôi cho rằng nhu cầu về số lượng giáo viên tiểu học ở Nghệ An đang còn rất lớn; số giáo viên tiểu học hiện có chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà trường.

Để kiểm chứng lại nhận định của mình, chúng tôi đã thực hiện lần giở lại từ những con số thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An tại thời điểm tháng 10 năm 2012, cả tỉnh có 12.543 giáo viên tiểu học trong biên chế, 349 giáo viên tiểu học hợp đồng không xác định thời hạn, 520 giáo viên tiểu học hợp đồng ngắn hạn và 618 giáo viên tiểu học giảng dạy theo chế độ hợp đồng lao động của trường (chưa tính 28 giáo viên của 02 trường ngoài công lập trực tiếp dạy 16 lớp). Như vậy, với 12.892 giáo viên trong biên chế và hợp đồng không xác định thời hạn, tỷ lệ giáo viên/lớp của giáo dục tiểu học Nghệ An mới đạt 1,33 (12.892/9.714).

Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV quy định, nếu học 1 buổi/ngày, mỗi lớp tiểu học phải có bình quân 1,2 giáo viên; nếu học 2 buổi/ngày, mỗi lớp tiểu học phải có bình quân 1,5 giáo viên. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An), hiện có 85% số lớp tiểu học thực hiện học 2 buổi/ngày, như vậy cần đến 14.134 giáo viên (8.257 x 1,5 + 1.457 x 1,2), so với số giáo viện trong biên chế và số giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn hiện có, cấp tiểu học đang thiếu 1.242 giáo viên. Theo lộ trình của tỉnh, Nghệ An phấn đấu đến năm 2015 có 100% số lớp tiểu học được học 2 buổi/ngày, lúc đó sẽ cần gần 14.600 giáo viên.

Đặc biệt, tại Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT quy định, trong quá trình đánh giá, trường tiểu học sẽ được công nhận theo ba mức độ: trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu;trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1;trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.Nói một cách khác, một trường tiểu học thực sự “ra trường”, ít nhất phải đạt mức chất lượng tối thiểu;  còn chưa đạt mức này, về danh nghĩa, tuy là một nhà trường, nhưng thực chất chưa phải là trường tiểu học theo đúng nghĩa. Để đạt mức chất lượng tối thiểu, Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT quy định rõ nhà trường phải bảo đảm đủ số lượng giáo viên để dạy các môn học bắt buộc: “đối với trường tiểu học dạy một buổi trong ngày có ít nhất bình quân 1,2 giáo viên/lớp; đối với trường tiểu học dạy hai buổi trong ngày có ít nhất bình quân 1,5 giáo viên/lớp”.

Mấy lâu nay, Nghệ An quy định các nhà trường không được phép ký hợp đồng lao động với giáo viên. Nhưng thực tế, ngoài 520 giáo viên do các huyện hợp đồng ngắn hạn, để có đủ giáo viên dạy đúng chương trình 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GD&ĐT, không ít các trường tiểu học đã phải xé rào, hợp đồng thêm tổng cộng 618 giáo viên (trong đó các trường ở Quỳnh Lưu hợp đồng thêm 113 giáo viên; Tân Kỳ 94; Yên Thành 90; Diễn Châu 59; Vinh 58; Đô Lương 42; Nghi Lộc 38;…). Tuy vậy, nếu tính cả 520 giáo viên hợp đồng ngằn hạn và 618 giáo viên do trường hợp đồng không đúng quy định của tỉnh thì nhu cầu giáo viên tiểu học của Nghệ An vẫn chưa được đáp ứng đủ.

Chúng tôi đem ý kiến của mình trao đổi với ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Phòng GDTH (Sở GD&ĐT Nghệ An) thì được ông hoàn toàn đồng tình. Theo ông Sơn: “Thực tế nhu cầu về giáo viên tiểu học của Nghệ An còn rất lớn; với thực tế dạy học 2 buổi/ngày của các trường tiểu học, số giáo viên hiện đang giảng dạy ở các trường tiểu học là chưa đủ so với nhu cầu và so với quy định của Bộ GD&ĐT. Đến năm 2015, chắc chắn 100% số lớp tiểu học sẽ được học 2 buổi/ngày, khi đó Nghệ An cần tới gần 14.600 giáo viên tiểu học. Thực tế, nếu tuyển hết số giáo viên hiện đang hợp đồng không xác định thời hạn, số giáo viên hợp đồng ngắn hạn và cả số giáo viên do các trường hợp đồng ngoài quy định vào biên chế thì đến năm 2015, cả tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên tiểu học, đó là chưa trừ đi số giáo viên nghỉ hưu hàng năm”.

Thiết nghĩ, việc thừa hay thiếu giáo viên tiểu học của Nghệ An cần phải được các cơ quan quản lý giáo dục của Nghệ An nghiên cứu kỹ, xác định rõ. Về hiện trạng thực tế, căn cứ vào thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, chúng tôi đã trình bày, lý giải ở trên.

Thực tế nhu cầu giáo viên tiểu học (theo quy định của Bộ GD&ĐT) của Nghệ An chưa được đáp ứng đủ, nhưng lại được các cơ quan quản lý giáo dục xác định là đang thừa, e rằng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bởi đã thừa thì phải cắt giảm để xoá bỏ số thừa; kế hoạch đào tạo giáo viên tiểu học của các trường sư phạm phải rút bớt. Như vậy, lấy đâu ra giáo viên bảo đảm đủ số lượng giáo viên để dạy các môn học bắt buộc; chất lượng giảng dạy của các trường tiểu học sẽ ra sao? Mặt khác, năm nào HĐND tỉnh Nghệ An cũng giao cho ngành GD&ĐT thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường đạt trường chuẩn quốc gia. Không đủ 1,5 giáo viên/lớp để dạy 2 buổi/ngày thì trường tiểu học không được công nhận đạt mức chất lượng tối thiểu, nói gì đến việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Khi đó, nếu làm liều công nhận để đạt chỉ tiêu được giao thì cũng chỉ là chạy theo thành tích mà thôi, chứ hoàn toàn không có chuyện vì chất lượng giáo dục thực chất của nhà trường, của ngành; vì sự tiến bộ và quyền lợi của học sinh.               

                                                                 

                                                                 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443772

Hôm nay

223

Hôm qua

2307

Tuần này

21585

Tháng này

218946

Tháng qua

112676

Tất cả

114443772