Xứ Nghệ ngày nay

Nên thu tiền tác quyền âm nhạc như thế nào?

Theo nhạc sỹ Phan Thanh Chương, Hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam, hiện nay ông có khoảng vài chục bài hát đang được phổ biến, sử dụng và lưu hành khá rộng rãi. Cách đây nhiều năm, theo yêu cầu của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông đã gửi danh sách một số bài hát của mình cho Trung tâm, và từ đó đến nay, trung bình một năm ông nhận được vài triệu đồng tiền tác quyền từ Trung tâm này.  Còn tổng số tiền tác quyền là bao nhiêu và nguyên tắc phân chia như thế nào thì ông không biết. Cũng theo nhạc sỹ này, có nhiều tác phẩm của ông được dàn dựng trên các chương trình VTV và một số đài truyền hình khu vực, một số sự kiện của địa phương, nhưng ông không được hỏi ý kiến cũng như được hưởng thù lao.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Namthành lập năm 2002, hiện nay có khoảng 2.400 nhạc sĩ đăng kí thành viên. Năm 2012, Trung tâm thu về gần47 tỉ đồngtiền tác quyền nhạc phẩm. Theo lãnh đạo Trung tâm, khoảng hơn 80% số tiền (sau khi trừ chi phí hành chính) sẽ được chia cho cácnhạc sĩ đăng ký thành viên. Vào tháng 10/2004, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Nghệ An (trụ sở tại Thư viện tỉnh, gọi tắt là VP). Chị Lê Thị Mơ, cán bộ VP cho biết vào tháng 11/2003, VP đã mời chủ các quán Karaoke, cà phê trên địa bàn TP đến để phổ biến, tuyên truyền về thực hiện quyền tác giả đối với các bài hát, bản nhạc, đề nghị các cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc nộp phí bản quyền. Mức phí 1,32 triệu đồng/phòng/năm đối với cơ sở kinh doanh Karaoke tại Tp Vinh, 1,1 triệu đối với các huyện thị và 880 nghìn đồng đối với đơn vị xã. Trong năm 2013, đã có hơn 100 cơ sở kinh doanh nộp tiền, nhưng tại các huyện thị, chỉ có khoảng 20-30% số cơ sở kinh doanh chấp nhận nộp tiền. Một số cơ sở kinh doanh khi nhân viên VP đến thì họ từ chối với lí do ông chủ đi vắng, hoặc kêu kinh doanh khó khăn, mức thu cao.      

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 500 cơ sở kinh doanh karaoke (Tp Vinh có 110 cơ sở), 200 – 300 khách sạn có sử dụng âm nhạc để phục vụ kinh doanh, chủ yếu tập trung tại TP Vinh và các đô thị lớn. Sau khi nộp tiền tác quyền âm nhạc cho đại diện VP, các cơ sở sẽ được cấp giấy chứng nhận. Nếu thanh tra phát hiện không có giấy chứng nhận này, thì các cơ sở sẽ bị phạt nặng, với mức từ 15-25 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Trung, chủ kinh doanh Karaoke trên địa bàn phường Bến Thủy (TP Vinh) nói: “Chúng tôi cũng đã được phổ biến về tác quyền âm nhạc, nhưng mức thu 1,32 triệu đồng/phòng/năm là quá cao so với những cơ sở kinh doanh không thuận lợi. Mặt khác, trong khi mua đầu đĩa, chúng tôi đã mua luôn bản quyền của nhiều bài hát rồi, bây giờ thu tiếp thì có phải phí chồng phí hay không!”. Một số cơ sở kinh doanh tại các huyện và xã cũng phàn nàn mức thu cao so với doanh thu trên địa bàn. Khi chúng tôi trao đổi có thể thương lượng để giảm mức thu cho một số cơ sở tại địa bàn xã, trị trấn không, thì chị Phan Thị Mơ, đại diện VP cho biết đây là quy định chung của Trung tâm, không thể thay đổi. Trung tâm chỉcó chính sách miễn giảm cho các chủ kinh doanh là thương binh, gia đình liệt sỹ, hộ nghèo, mức giảm 30% so với biểu giá.

Ông Phan Khắc Hoàng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL Nghệ An cho biết Sở đã tổ chức tập huấn cho các huyện, thị, đơn vị trực thuộc và một số xã ở TP Vinh về việc thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong việc chấp hành ở cơ sở còn chưa được đầy đủ 100%. Trước mắt, đoàn thanh tra của Sở chỉ tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở tuân thủ các qui định của pháp luật về quyền tác giả âm nhạc chứ chưa xử phạt. Về mức thu, ông Hoàng nhận xét: đối với những cơ sở lớn, đông khách thì mức thu đó không lớn, nhưng đối với những cơ sở nhỏ, ít khách thì cần xem xét lại, vì thực ra đây chỉ là một giao dịch dân sự, có thể thỏa thuận.        

Việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với các cơ sở kinh doanh là đúng, tuy nhiên cần xem xét điều chỉnh mức thu một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh doanh của vùng, miền, cơ sở. Nhà nước cần có quy định cụ thể về vấn đề này, không nên để cho Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam tự ý đặt ra mức thu. Cần công khai minh bạch cơ chế phân chia số tiền thu được, bảo đảm quyền lợi cho các nhạc sĩ. Bên cạnh đó, cần thu tiền bản quyền âm nhạc đối với các chương trình truyền hình, các sự kiện để trả thù lao cho nhạc sĩ.       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443728

Hôm nay

2286

Hôm qua

2333

Tuần này

21541

Tháng này

218902

Tháng qua

112676

Tất cả

114443728