Xứ Nghệ ngày nay

Xóm trưởng thu tiền, gạo của hộ nghèo để xây dựng nông thôn mới!?

Bà Nguyễn Thị Cúc, xóm 13 xã Thanh Hà (Thanh Chương) là vợ ông Phan Văn Kỳ (đã mất), thuộc diện hộ nghèo. Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, bà Cúc được Nhà nước hỗ trợ 45 kg gạo cứu đói và 100 nghìn đồng. Sau đó, ông Hoàng Văn Nam, xóm trưởng yêu cầu bà Cúc phải đem tiền và gạo đến nộp, nếu không thì năm sau sẽ không đưa vào diện hộ nghèo. Bà Cúc đành phải nộp cho ông Nam số tiền 400 nghìn đồng (tính giá gạo 10 nghìn đồng/kg, bà Cúc được giữ lại 5kg gọi là công đưa gạo về nhà). Chị Đặng Thị Loan, xóm 13, hộ nghèo, chồng mất, con trai 8 tuổi, được hỗ trợ 100 nghìn tiền ăn Tết cũng phải đem nộp lại cho ông Nam xóm trưởng làm quỹ.

Khi chúng tôi hỏi vì sao lại thu tiền gạo của hộ nghèo, ông Hoàng Văn Nam, xóm trưởng xóm 13 xã Thanh Hà trả lời: “Thu nghĩa vụ xây dựng nông thôn mới”. “Thu như vậy là thu toàn dân hay chỉ thu hộ nghèo, và đã có định mức chưa?”, chúng tôi hỏi tiếp. Ông Nam trả lời: “Hiện nay chưa có định mức thu, chúng tôi thu hộ nghèo trước, rồi sẽ cân đối sau, hộ nào cũng phải nộp”. Ông Hoàng Cao Phơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà khẳng định: “Chúng tôi đã phát tiền và gạo tận tay các hộ, có kí nhận đầy đủ. Còn việc xóm thu tiền lại như vậy là sai”. Tại buổi làm việc, ông Nam cũng thừa nhận xóm đã thu của hộ Hoàng Đình Trường 1 triệu đồng để bán đất cho hộ này. Ngoài ra, nhiều người dân còn phản ánh ông Nam tuyên bố bán đấu giá một số mảnh đất của xóm, nếu ai không mua thì ông sẽ mua. Khi chúng tôi chất vấn về việc này, ông Nam phủ nhận, còn ông Hoàng Cao Phơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà thì chống chế: “Có lẽ anh Nam nói thế là nói đùa?!”.         

Chị Hoàng Thị Liên, xóm 13 xã Thanh Hà nằm liệt giường

nhưng không được xóm đưa vào danh sách hỗ trợ gạo cứu đói.

 Trong dịp Tết Giáp Ngọ, xóm 13 xã Thanh Hà có 14 hộ được nhận gạo cứu đói (13 hộ được 45 kg, 1 hộ được 60kg). Danh sách này do xóm trưởng lập nên, được UBND xã kí duyệt. Trong danh sách nhận gạo có tên ông Hoàng Văn Nam là xóm trưởng. Theo phản ánh của người dân, ông Nam là hộ khá giả. Ngoài ra, cả 13 hộ còn lại đều không phải là hộ đói, trong đó nhiều hộ hoàn cảnh khá giả, nhà cửa đàng hoàng, có xe máy, trâu bò, ruộng đất dư thừa gạo ăn. Trong khi đó, có nhiều hộ hoàn cảnh thương tâm nhưng không được đưa vào danh sách nhận gạo cứu đói. Như trường hợp hộ Hoàng Thị Liên (SN 1964), đau ốm đã 30 năm, không chồng con, hiện nằm liệt giường, bố mẹ già phải đưa về nhà chăm sóc. Ông Hoàng Văn Chuyên, 80 tuổi, bố chị Liên nói: “Vào dịp Tết vừa rồi, con tôi được hỗ trợ 100 nghìn, do nó không đi được nên tôi lên xã nhận thay, còn gạo thì không có”. Chị Đặng Thị Loan, chồng chết, con trai 8 tuổi, hộ nghèo những cũng chỉ được 100 nghìn, không được gạo. Hộ Đặng Hữu Trinh, hộ nghèo, được hỗ trợ 100 nghìn cũng phải nộp lại cho xóm trưởng. Nguyên nhân ông Nam không đưa những hộ đặc biệt khó khăn vào diện được hưởng gạo cứu đói mà đưa những hộ khá vào là vì những hộ này có đông khẩu, sẽ được nhiều gạo hơn, nên thu về quĩ xóm cũng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Trong dịp Tết vừa qua, Chính phủ chỉ cấp gạo cho những hộ thuộc diện đói hoặc đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã chỉ đạo xã cấp đến tận từng hộ. Còn xây dựng nông thôn mới là huy động đóng góp chung của toàn dân trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận. Tôi sẽ cho kiểm tra, làm rõ sự việc, nếu xóm 13 xã Thanh Hà chỉ thu tiền và gạo của hộ nghèo thì chúng tôi sẽ xử lí kỉ luật những người phải chịu trách nhiệm”.

Khi được hỏi tại sao chi bộ không xử lí những việc làm sai trái của ông Nam, một đảng viên trong chi bộ xóm 13 chia sẻ: “Chi bộ lãnh đạo đúng theo đường lối và chỉ đạo của cấp trên, nhưng ông Nam bất chấp. Chi bộ cũng không xử lí được, vì ông này không phải là đảng viên”. Chúng tôi trao đổi sao không báo cáo lên cấp trên, thì đảng viên này nói: “Có những việc ông Nam làm sai, dân kiến nghị, chúng tôi đã báo cáo lên, nhưng cũng không được xử lí”.

Sự việc nói trên cho thấy những hành vi bất chấp pháp luật, lộng hành của một xóm trưởng trong thời gian dài. Mặt khác, qua sự việc cho thấy việc bình bầu hộ nghèo ở đây không chính xác, nhiều hộ có hoàn cảnh khá đã xin được công nhận hộ nghèo với mục tiêu được miễn giảm học phí cho con đi học. Những hộ này chỉ cần cái thẻ BHYT và chính sách miễn giảm cho con đi học, còn những chế độ khác họ sẽ nộp lại cho xóm. Như vậy, họ đã bắt tay với cán bộ xóm lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi. Vấn đề đặt ra là tại sao cấp ủy, chính quyền địa phương không có giải pháp xử lí nghiêm ngay từ đầu. Lẽ nào các vị không nắm được sự việc hay có nguyên nhân gì khác? Những gia đình nào có hoàn cảnh ra sao lẽ nào cán bộ xã không biết? Thứ hai là trong việc thực hiện qui chế dân chủ cơ sở còn nhiều bất cập. Xóm trưởng là một chức danh do dân bầu, điều hành các hoạt động trên cơ sở sự đồng thuận của người dân trong xóm và các chủ trương, chính sách của cấp trên. Thế nhưng ở đây có chuyện ông xóm trưởng tự tung tự tác, bấp chấp chủ trương của Nhà nước và sự phản ứng của người dân. Đến khi người dân bức xúc cũng không biết kêu ai, không được giải quyết, phải nhờ báo chí lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lí. Bao giờ thì hết cảnh cán bộ lạm quyền nhũng nhiễu dân, làm sai chủ trương của Nhà nước đang là một câu hỏi đặt ra cho những người có trách nhiệm. 

 

                       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443828

Hôm nay

279

Hôm qua

2307

Tuần này

21641

Tháng này

219002

Tháng qua

112676

Tất cả

114443828